TTO - Tỉ lệ ca COVID-19 tử vong ở bệnh viện đa tầng TP.HCM chiếm 6,8%, tại sao con số này tăng cao trong những ngày qua?
tuoitre.vn
Tử vong do COVID-19 vẫn cao, vì sao?
Số bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại TP.HCM những ngày qua luôn duy trì ở mức cao. Riêng ngày gần nhất, hôm 28-11 có 72 ca, trong đó có 10 ca ở các tỉnh khác chuyển đến. Đây là ngày có số ca tử vong cao nhất trong nhiều tuần qua và gần gấp đôi so với những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11.
Tăng ca nhập viện, tăng ca tử vong
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.882 ca, chiếm tỉ lệ 2,1% so với tổng số ca nhiễm, cao hơn trung bình của thế giới là 0,1%. Riêng tại TP.HCM, với số ca tử vong cộng dồn đến ngày 28-11 là 17.906 ca trong tổng số 463.990 ca nhiễm, tỉ lệ tử vong chiếm 3,8%.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng tiếp nhận số bệnh nhân COVID-19 nặng ở các tỉnh thành khác chuyển đến, tỉ lệ này chiếm khoảng 12-15% trong tổng số ca COVID-19 tử vong những ngày gần đây tại thành phố.
….
Đọc cả bài thì em thấy câu trả lời là “ quy luật tất yếu” - Do mở cửa nên thêm một số ca nặng ở tỉnh chuyển về Thêm cả yếu tố thiếu người và phương tiện.
….
Ông Hồ Hữu Đức - phó giám đốc Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình (TP.HCM) - cho hay số bệnh nhân COVID-19 nhập viện tại bệnh viện luôn cao hơn số ca xuất viện. Trong vòng 3 tháng - kể từ khi bệnh viện thành lập, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 5.000 bệnh nhân và đã có hơn 340 bệnh nhân tử vong. Tỉ lệ tử vong chiếm 6,8% tổng số ca nhập viện, tuổi tử vong trung bình là 73 (số lượng nam tử vong gấp đôi nữ), chủ yếu mắc bệnh nền.
Trong số này có nhiều bệnh nhân nặng nằm điều trị trong thời gian dài nhưng không đáp ứng điều trị, kéo theo ngày nằm viện cao (trung bình khoảng 22 ngày). Tuy nhiên cũng có ít bệnh nhân tử vong trong vòng 24 giờ nhập viện do chuyển viện muộn khi đã rất nguy kịch.
Riêng số ca bệnh nặng tại khoa hồi sức, bác sĩ Đức cho biết luôn duy trì ở mức tối đa là trên 40 ca mà khoa có thể nhận. Nguyên nhân là do bệnh viện nhận tất cả các ca bệnh ở những cơ sở y tế khác chuyển đến, đặc biệt ưu tiên bệnh nhân ở khu vực quận Tân Bình và Phú Nhuận (TP.HCM).
"Do bệnh viện 3 tầng, có khu hồi sức bệnh nhân nặng và tỉ lệ bệnh nhân ở đây chiếm đến 26% trong tổng số 3 tầng nên tỉ lệ bệnh nhân tử vong cao, chiếm 6,8%" - bác sĩ Đức giải thích.
Theo bác sĩ Đức, việc thêm một bệnh nhân cần hồi sức thì kéo theo nhiều vấn đề, từ cần có thêm phương tiện đến con người theo dõi, chăm sóc. Trong khi đó yếu tố tinh thần của các y bác sĩ phụ trách khu hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng rất quan trọng, quyết định một phần chất lượng điều trị, kéo giảm tỉ lệ tử vong.
"Nếu khu này quá tải bệnh nhân nặng, buộc nhân viên y tế phải làm nhiều hơn. Họ thường rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, cảm giác vô dụng khi không cứu chữa hết được bệnh nhân. Do đó, nếu không "kìm" số ca bệnh nặng thì chất lượng điều trị và tinh thần các y bác sĩ ở khu hồi sức sẽ bị ảnh hưởng, thêm bệnh nhân không qua khỏi" - bác sĩ Đức bộc bạch.
Số ca mắc mới COVID-19 cả nước đã tăng nhanh, số ca tử vong cũng tăng mạnh: 24-11 là 125; 25-11 là 164 ca; 26-11 là 137 ca; 27-11 là 148 ca; 28-11 là 190 ca, trong khi đầu tháng 11 con số này luôn giữ dưới 100 ca/ngày.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia của Bộ Y tế chia sẻ số mắc tăng cao trong những ngày gần đây đã kéo theo số tử vong tăng. Chuyên gia này nhận định hiện mỗi ngày ghi nhận 11.000 - 13.000 ca mắc, nhưng thực tế mỗi ngày có 20.000 - 30.000 ca mắc mới, còn một lượng ca mắc chưa được ghi nhận do người nhiễm không có biểu hiện lâm sàng nên không được phát hiện.
Và với người tiêm vắc xin Pfizer thì hiệu lực bảo vệ là 97,5%, như vậy vẫn còn 2,5% đã được tiêm nhưng chưa được bảo vệ. Các vắc xin khác cũng có một tỉ lệ "lọt", đã tiêm nhưng vẫn có nguy cơ mắc bệnh và có nguy cơ diễn biến nặng.
Ngoài ra, có những tỉnh thành số lượng bệnh nhân tăng nhanh, sử dụng hết cơ số giường hiện có (kể cả giường bệnh ở tầng 3), không loại trừ quá tải dẫn đến thiếu hụt chăm sóc trong khi COVID-19 là bệnh hô hấp, diễn biến rất nhanh.
Ngoài ra, thuốc kháng virus, loại thuốc có tác dụng ngăn chặn diễn biến nặng đang được sử dụng tại 36 tỉnh thành trong chương trình điều trị có kiểm soát, thì thời gian gần đây số lượng cấp phát cho các tỉnh thành hạn chế, như TP.HCM đề nghị cấp 100.000 liều nhưng thực tế được cấp chỉ 5.000 liều.
Bộ Y tế đã có kế hoạch thay đổi loại thuốc để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc cho điều trị, nhưng cần xem xét xem số lượng thuốc kháng virus và các thuốc điều trị đã được cung ứng khác có kịp so với số lượng bệnh nhân gia tăng hay không, từ đó làm rõ nguyên nhân gia tăng số ca tử vong để kịp thời điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch.