Em quan tâm nếu chi phí lớn thì nên bỏ,đất nước đang khó khăn.
Phó Chánh án TAND Tối cao Lê Hồng Quang vừa ký văn bản gửi Thẩm phán TAND Tối cao, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương, Chánh án TAND Cấp cao và Chánh án TAND các địa phương để lấy ý kiến lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông.
“Sau khi lấy ý kiến đóng góp của các TAND, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã lựa chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý của toà án nhân dân”- văn bản nêu rõ.
Mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông được TAND Tối cao đưa ra lấy ý kiến.
Để chuẩn bị cho việc dựng tượng vua Lý Thái Tông đặt tại trụ sở TAND Tối cao và các TAND, Toà án Quân sự các cấp, TAND Tối cao tổ chức lấy ý kiến của Thẩm phán TAND Tối cao, cán bộ, công chức trong hệ thống toà án đối với các mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông.
TAND Tối cao cũng gửi kèm theo bản thuyết minh về việc lựa chọn tượng Lý Thái Tông (1028-1054) là biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam.
“Khi trở thành Hoàng đế, ông thân oan, đặt luật, trị quốc thân dân, đưa đất nước bước vào thời kỳ hoàng kim, thái bình, thịnh trị và trở thành tấm gương bảo vệ công lý tiêu biểu nhất thời đại quân chủ Việt Nam”- thuyết minh nêu.
Cụ thể hơn là đã ban hành bộ “Hình thư”- Bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khai mở nền pháp luật thân dân Đại Việt. Xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, thiết lập và thi hành chế độ xét xử theo pháp luật, đưa hoạt động xét xử trong cả nước vào khuôn phép, sòng phẳng, rõ ràng góp phần đưa xã hội phát triển ổn định, công bằng và văn minh.
“Trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ của vị Hoàng đế rất mực thương yêu dân. Chăm lo rèn dạy, tin giao toàn bộ việc xử kiện và đào tạo Khai Hoàng Vương trở thành vị quan xử án mẫu mực và lừng danh trước khi lên ngôi Hoàng đế anh minh Lý Thánh Tông. Để lại bài học thành công trong đào tạo người thi hành pháp luật, bảo vệ công lý cho thời đại”- thuyết minh nhấn mạnh.
Hơn nữa, ngày 5/2/2020, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam.
Một mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông được đưa ra lấy ý kiến (Ảnh: TAND Tối cao).
TAND Tối cao cho rằng, việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông là hành động thiết thực, ý nghĩa để tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn cho đất nước, dân tộc của các bậc tiền nhân, đặc biệt là những công trạng trong lĩnh vực xét xử và tư pháp.
“Mục đích dựng tượng vua Lý Thái Tông còn hướng tới xây dựng một hình tượng lịch sử, đại diện cho hoạt động xét xử của Việt Nam, biểu tưởng của công lý trong lịch sử Việt Nam” - thuyết minh nêu rõ.
Dự kiến chất liệu tượng và khối phụ trợ được đúc bằng đồng đỏ nguyên khối. Việc lấy ý kiến được TAND Tối cao tiến hành từ nay tới ngày 28/4.