Từ vụ “nâng điểm ở Hà Giang”: Thi tốt nghiệp THPT là sai lầm?
Linh Trần
Thứ Sáu, ngày 20/07/2018 08:30 AM (GMT+7)
(Dân Việt) Đó là câu hỏi dư luận đang đặt ra với Bộ Giáo dục- Đào tạo (GDĐT), khi thực tế đã chứng minh rằng, tỷ lệ tốt nghiệp THPT mỗi năm đều cao hơn, trong khi chất lượng đầu vào của các trường đại học lại có chiều hướng đi xuống.
Khởi nguồn?
Cho đến nay, cuộc “khủng hoảng” bất thường điểm thi tốt nghiệp THPT từ Hà Giang đã lan dần sang Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Bạc Liêu… và không biết còn những địa phương nào nữa? Dư luận đang đòi hỏi Bộ GDĐT thanh tra toàn diện các địa phương để có một bức tranh toàn cảnh thực chất về kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2018.
Cuộc “khủng hoảng” bất thường điểm thi tốt nghiệp THPT từ Hà Giang đã lan dần sang Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Bạc Liêu…
Việc thanh tra toàn diện là yêu cầu đúng, nhưng cũng ảnh hưởng lớn đến những thí sinh học thật, thi thật. Hậu quả của việc nâng điểm - bắt nguồn từ đâu? Đó là câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm.
Thực tế đã chứng minh, tỷ lệ tốt nghiệp THPT mỗi năm đều cao hơn, trong khi chất lượng đầu vào của các trường đại học lại tỷ lệ nghịch. Xin được dẫn chứng.
GS Văn Như Cương: Không có cách gì để một kỳ thi vừa đảm bảo đạt 2 mục đích là tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học
Tỷ lệ tốt nghiệp năm 2015, năm đầu tiên triển khai đề án gộp 2 kỳ thi (2 trong 1) được Bộ GDĐT đánh giá là thấp nhất trong 4 năm (tính từ năm 2012), bình quân đạt có 91,58% (khối THPT đạt 93,42%, khối GDTX đạt 70,08%), giảm gần 6%.
Năm 2012 và 2013 tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt trên 97%, thậm chí năm 2014, tỷ lệ tốt nghiệp tới 99%.
Nhìn vào con số giảm tới gần 6% kỳ thi năm 2015, nên Bộ GDĐT rất tự tin để đánh giá rằng, kỳ thi đầu tiên của đề án 2 trong 1 là kỳ thi chất lượng, nghiêm túc. Và khẳng định rằng, việc chọn phương án thi tốt nghiệp THPT trong đề án 2 trong 1 là phương án đúng hướng.
Năm 2016 vẫn được đánh giá là phản ánh đúng năng lực (92,93%). Đà “phục hồi tăng trưởng” bắt đầu từ năm 2017, với tỷ lệ tốt nghiệp tăng đến mức dư luận bắt đầu thấy nghi ngờ, nhiều địa phương đạt tỷ lệ đến 99%.
Một lần nữa, truyền thông và dư luận lại quay trở lại với câu hỏi: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao như vậy, trong khi các trường đại học tốp cao lại “chới với” trong khâu xét tuyển, vì điểm thi của các thí sinh cứ một chín, một mười. Vậy có nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT?
Giáo dục và đào tạo: Bên nào nặng hơn?
Trước đó, Bộ GDĐT đã có chủ trương hướng nghiệp phân luồng từ sau bậc THCS. Nhiều học sinh không thể tiếp tục theo học bậc THPT, sau khi tốt nghiệp THCS, các em có thể chuyển sang học nghề. Chủ trương đó hoàn toàn đúng đắn, khi mà cán cân thừa thày, thiếu thợ phổ biến trong xã hội.
Con đường vào đời không chỉ duy nhất là đại học đã dần dần được nhiều phụ huynh và học sinh nhìn nhận và lựa chọn.
Vậy nên, trong suốt 4 năm lấy ý kiến để thai nghén về đề án 2 trong 1, nhiều giáo sư, chuyên gia giáo dục vẫn nghiêng về phương án xét tốt nghiệp THPT (giao cho các địa phương tự chủ hoặc thi nhẹ nhàng do Sở GDĐT địa phương tổ chức) và thi tuyển đại học và cao đẳng, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học cao đẳng.
GS Võ Thế Quân- Hiệu trưởng trường đại học Đông Đô: Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng là ý tưởng sai lầm vì mục đích của hai kỳ thi khác nhau. Cấu trúc đề thi không hợp lý, nên đánh giá học sinh không chính xác, chất lượng xét đầu vào đại học giảm.
Tại Hội nghị tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức vào tháng 3.2013, thời điểm mà Bộ GDĐT tổ chức lấy ý kiến cho đề án 2 trong1, GS.TS Nguyễn Thị Doan- nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Thương mại đã thẳng thắn đề nghị Bộ GDĐT bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì thực tế tỷ lệ tốt nghiệp rất cao, giảm bớt căng thẳng cho học sinh và cả xã hội, vừa tiết kiệm được ngân sách nhà nước.
Hơn nữa, nhiều học sinh không có khả năng theo học tiếp bậc cao đẳng, đại học, chỉ cần có tấm bằng tốt nghiệp THPT để hướng nghiệp.
Tuy nhiên, những ý kiến ủng hộ giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT lại cho rằng: Có học thì có thi, bỏ thi tốt nghiệp thì chất lượng giáo dục bậc phổ thông sẽ giảm. Không tuyển sinh đại học mà chỉ siết chặt đầu ra để đảm bảo được cả hai mục đích là đảm bảo chất lượng cả giáo dục lẫn đào tạo.
Mâu thuẫn giữa giáo dục và đào tạo vẫn chưa thể gỡ.
Trả lời phỏng vấn của báo chí, ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT đầy lo ngại: Trong hoàn cảnh hiện nay, nếu không thi tốt nghiệp THPT, chất lượng dạy và học sẽ đi xuống.
Rồi, lấy thi cử làm điều kiện tiên quyết xây dựng chất lượng học tập, không thi tốt nghiệp chất lượng vào đại học cũng giảm theo.
Nhưng thực tế đã chứng minh, sau 4 năm triển khai đề án 2 trong 1,việc Bộ GDĐT quyết định tổ chức thi tốt nghiệp THPT là một sai lầm, khi căn bệnh thành tích còn quá nặng nề với lãnh đạo các địa phương và ngành giáo dục. Khi con đường duy nhất là vào đại học mà chỉ cần lấy xét điểm thi tốt nghiệp thì những câu chuyện như Hà Giang, và có thể là Sơn La, Lạng Sơn… là khó tránh khỏi.
30 điểm vẫn không đỗ đại học. Có thí sinh đạt tới 32 điểm, khối trường công an điểm chuẩn năm 2017 có ngành lên đến 30,5, khối trường quân đội có ngành cũng lên đến 30 điểm, sau mới đến trường Đại học Y ( 29,5 điểm ngành y đa khoa)…
Hẳn chúng ta còn nhớ sự kiện, Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Bình Dương- ông Dương Thế Phương thẳng thắn xin từ chức khi được các đại biểu chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh về chất lượng giáo dục tỉnh nhà, sau nhiều năm tỷ lệ tốt nghiệp vẫn cứ giậm chân tại chỗ.
Ông bày tỏ quan điểm: Không chạy theo thành tích, không chạy theo phong trào, chất lượng giáo dục phải là thực chất. Chỉ khi nào ngành giáo dục mà cả thày cô và trò xác định dạy thực chất, học thực chất thì việc tổ chức thi tốt nghiệp như nhiều nước mới đạt kết quả.
Đã đến thời điểm để xem xét lại sứ mệnh của kỳ thi tốt nghiệp THPT?