Trang The Hill của Mỹ đưa tin, Đô đốc Mike Gilday - chỉ huy các chiến dịch hải quân, quan chức hải quân hàng đầu của Mỹ - đã có một đoạn video đánh giá những biện pháp phòng ngừa mà lực lượng hải quân đã áp dụng nhằm chống lại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2). Đô đốc Gilday coi nước là một hàng rào chống lại sự lây nhiễm.
Động thái này được The Hill ví như những gì đã xảy ra vào thời cổ đại khi Athens dùng “bức tường gỗ” để giành chiến thắng cuộc xâm lược của Cyrus Đại đế từ Ba Tư năm 480 TCN. Themistocles, người thành lập lực lượng hải quân của Athens, đã lý giải lời tiên tri của nữ đồng Pythia rằng hạm đội của Athens gồm những chiến thuyền lớn ba tầng chèo tạo ra hàng rào phòng thủ chắc chắn nhất cho thành phố.
|
Đô đốc hải quân Mỹ Mike Gilday tung chiến thuật "lạ" thời COVID-19 |
Theo ông, lời tiên tri muốn nói tới việc sơ tán người dân thành Athens, đưa người dân tới đảo Salamis và chuẩn bị cho một cuộc hải chiến. Biến biển Aegean thành hàng rào ngăn cách, hải quân đưa người dân thành Athens lên đảo Salamis, dàn trận chiến đấu và giành thắng lợi.
The Hill cho rằng hạm đội của Themistocles đã tạo ra một hàng rào phòng ngự nổi trên mặt nước để bảo vệ đất liền trước kẻ thù. Do đó, hạm đội hải quân Mỹ có thể bảo vệ thủy thủ của mình khỏi dịch bệnh lây lan trên đất liền bằng cách tiếp tục ở trên biển, tự cách ly mình. Tiếp tục ở trên biển sẽ giúp các thủy thủ Mỹ tránh bị lây nhiễm. Đó chính là mục đích của việc giữ khoảng cách xã hội.
Bên cạnh đó, The Hill nhấn mạnh tới giá trị chính trị và chiến lược của hành động như vậy. Theo đó, việc duy trì một lực lượng đáng kể ở trên biển, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, sẽ gửi tín hiệu tới những “kẻ thù tiềm tàng” rằng tai họa do dịch bệnh gây ra cho Mỹ không phải là cơ hội để Trung Quốc hay Nga ghi điểm ở eo biển Đài Loan, Biển Đông hay Biển Đen.
The Hill dẫn lời Đô đốc Gilday lưu ý rằng việc kéo dài sự hiện diện trên biển vừa là biện pháp y tế công cộng, vừa là biện pháp răn đe chống lại những kẻ định gây hấn.
The Hill cho rằng sai sót vẫn có thể xảy ra như tình huống của những người làm việc từ xa vẫn cần phải ra ngoài tìm kiếm hàng hóa thực phẩm. Tàu thuyền trên biển cũng cần nguồn cung cấp nhiêu liệu, đồ dự trữ và tiếp tế thường xuyên. Các thủy thủ có thể sẽ bị nhiễm bệnh khi việc tiếp tế diễn ra.
|
Hải quân Mỹ vừa tự cách ly, vừa...răn đe đối thủ? |
Trong thời đại của thuyền buồm, các tàu buôn và tàu chiến có thể ở trên biển chừng nào lương thực và đồ dự trữ của họ vẫn còn vì gió mới là nguồn năng lượng giúp đẩy thuyền đi xa. Gió không thể dự đoán được nhưng lại không tốn sức.
Tình hình của các tàu chiến Mỹ hiện vẫn phải thường xuyên được tiếp nguyên liệu để vận hành động cơ và các thiết bị khác. Theo The Hill, thậm chí các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân cũng không phải là ngoại lệ. Một chiếc tàu sân bay dùng năng lượng nguyên tử ở chừng mực nào đó có thể hoạt động viễn viễn, nhưng nó phải tiếp nguyên liệu cho các máy bay mà nó đang chở để bù đắp lại số nguyên liệu đã bị đốt cháy khi các máy bay này bay với tốc độ cực nhanh, khiến kho chứa của con tàu cũng nhanh cạn kiệt. Một chiếc tàu sân bay sẽ trở nên vô dụng nếu các máy bay mà nó chở không thể cất cánh.
Kịch bản xấu đã xảy ra
Theo The Hill, trong Thế chiến II, hải quân Mỹ đã nâng việc tiếp tế trên biển lên một tầm cao mới. Vấn đề là, các tàu chở dầu và chở đồ dữ trự cho hạm đội trên biển phải cập cảng để tiếp nhận hàng hóa. Luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm ở mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng kết nối người sản xuất với các tàu hậu cần rồi chuyển cho hạm đội ở ngoài biển.
Tờ báo Mỹ đánh giá virus SARS-CoV-2 có thể lây lan chỉ bằng một cái chạm. Hàng hóa cung ứng mang virus có thể khiến những thủy thủ ở vùng biển khơi hẻo lánh bị nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, kế hoạch chiến đấu với dịch bệnh của Đô đốc Gilday cũng có giá của nó vì hành trình bị kéo dài sẽ làm gián đoạn nhịp độ vận hành bình thường của các con tàu. Thân tàu không được bảo dưỡng hay nâng cấp; thủy thủ không được hồi sức sau thời gian dài trên biển.
|
Hải quân Mỹ điều động tàu bệnh viện USND Mercy tham gia chống dịch COVID-19 |
The Hill thừa nhận, đại dịch COVID-19 kéo dài sẽ ảnh hưởng tới tính sẵn sàng chiến đấu của hải quân Mỹ. Vấn đề sẽ nghiêm trọng khi virus xâm nhập vào một con tàu nào đó. Những tàu lớn như tàu sân bay hay tàu đổ bộ còn có lựa chọn vì có nhiều không gian để cách ly những người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, những tàu chiến nhỏ hơn như tàu khu trục và tàu ngầm tấn công thì chật hẹp hơn.
Từ những phân tích trên, The Hill cho rằng rất khó để có được một chiến lược tốt hơn chiến lược chống lại dịch bệnh của Đô đốc Gilday trong khi vẫn duy trì khả năng răn đe kẻ thù tiềm tàng. Tờ báo Mỹ ví von rằng ngay cả Themistocles chắc hẳn cũng sẽ ủng hộ chiến lược này, đồng thời kêu gọi tin vào “bức tường thép” trên biển của Mỹ.
Bất chấp lời chấn an, kịch bản xấu nhất dường như đã xảy ra đối với hải quân Mỹ khi lực lượng này ngày 24/3 xác nhận 3 thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang hoạt động trên Thái Bình Dương đã được chẩn đoán mắc COVID-19 và đã được sơ tán khỏi tàu.
|
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ |
Trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc, quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas B. Modly đã xuất hiện bên cạnh Đô đốc Gilday. Tuy nhiên, ông Modly vẫn nói “cứng” rằng: “Đây là ví dụ cho thấy bằng cách nào chúng ta có thể duy trì các tàu của mình được triển khai trên biển và tiếp tục hoạt động bất chấp các trường hợp mắc COVID-19. Lực lượng của chúng ta tiếp tục trông chừng thế giới trong suốt cuộc khủng hoảng này và họ sẽ tiếp tục thực thi nhiệm vụ hàng đầu của họ theo Chiến lược Quốc phòng”.
Quan chức này khẳng định các tàu chiến Mỹ sẽ tiếp tục ra khơi và các máy bay của hải quân tiếp tục cất cánh cũng như công tác huấn luyện vẫn được tiến hành nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia của Mỹ cùng các đồng minh và đối tác trên toàn thế giới.
Người Mỹ nhấn mạnh việc duy trì lực lượng đáng kể trên biển sẵn sàng chiến đấu vừa tự cách lý, vừa gửi tín hiệu tới những “kẻ thù tiềm tàng”.
baodatviet.vn