Chuyên gia bóc mẽ truyền thông Trung Quốc chê phòng không Syria
(Bình luận quân sự) - Xin giới thiệu bài viết của chuyên gia Nga quen thuộc Ilia Polonski. Bài đăng trên “Bình luận quân sự” (Nga) ngày 5/3/2020.
Giới truyền thông Trung Quốc đang dè bỉu hệ thống phòng không Syria được trang bị các phương tiện (vũ khí) phòng không do Liên Xô và sau là Nga sản xuất. Liên quan đến vấn đề này, trong đầu xuất hiện một câu hỏi hết sức tự nhiên: vậy chính bản thân Trung Quốc đang sử dụng những vũ khí phòng không của ai?
Chương trình hiện đại hóa Các Lực lượng Vũ trang Trung Quốc quả là đã đem lại một số kết quả. Hiện giờ, Trung Quốc đang sở hữu một trong những hệ thống phòng không và phòng chống tên lửa tiên tiến nhất trên thế giới.
Tất nhiên, hệ thống phòng không Trung Quốc thua kém xa hệ thống phòng không Nga và Mỹ, nhưng nó có ưu thế hơn hẳn so với hệ thống phòng không của đại đa số các quốc gia khác trên thế giới.
Thành phần chủ yếu tạo nên sức mạnh chiến đấu của Lực lượng (Bộ đội) tên lửa phòng không trực thuộc Bộ Tư lệnh Không quân Trung Quốc là các tổ hợp tên lửa phòng không do Liên Xô, Nga và Trung Quốc sản xuất.
Thứ nhất- đó là các tổ hợp S-300PMU-1 và S-300PMU-2 được Nga bán cho Trung Quốc trong những năm 1990 - 2000. Thứ hai, đó là những tổ hợp S-400 cũng của Nga mới được bàn giao cách đây không lâu.
Nhưng số lượng S-400 bán cho Trung Quốc ít hơn nhiều so với các tổ hợp S-300PMU bán cho nước này trước đó. Và thứ ba, mới là những tổ hợp tên lửa phòng không “made in China”.
Hiện nay Trung Quốc đang dần thay các tổ hợp S-300PMU bằng những tổ hợp tên lửa phòng không do chính nước này sản xuất. Cụ thể, ở ngoại ô Thượng Hải, một tiểu đoàn được trang bị tên lửa phòng không S-300PMU đã được thế chỗ bằng tiểu đoàn tên lửa phòng không HQ-9A.
Theo Cơ quan tình báo Mỹ thì đến năm 2018, trong biên chế của Bộ đội Phòng không PLA có 16 tiểu đoàn được trang bị các tổ hợp tên lửa phòng không HQ-9 và HQ-9A.
Cự ly bắn tối đa của tổ hợp tên lửa phòng không Trung Quốc sản xuất nói trên là 200 km, độ cao đánh chặn- từ 500 mét đến 30 km, cự ly đánh chặn tên lửa đạn đạo - 30 km. Một hệ thống tên lửa phòng không như vậy được triển khai xong trong 6 phút.
Có một chi tiết khá thú vị là mặc dù tổ hợp tên lửa phòng không HQ-9 Trung Quốc “sao chép” gần như nguyên bản tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU Nga, nhưng nó lại không phải là một biến thể của S-300PMU.
Cụ thể, các chuyên gia quân sự Mỹ nhiều lần nhấn mạnh rằng radar đa năng HT-233 của HQ-9 có một số điểm “rất đồng “ với radar AN / MPQ-53 sử dụng trong tổ hợp tên lửa phòng không “Patriot” của Mỹ.
Rõ ràng, căn cứ vào những gì đã biết, người Trung Quốc, theo đúng tinh thần các phương pháp truyền thống của mình, đã thực sự “tiếp thu” những gì tốt nhất cả từ các tổ hợp Liên Xô và Nga, và cả từ các loại vũ khí tên lửa phòng không của Mỹ.
Các đại diện của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) luôn khẳng định rằng biến thể tổ hợp tên lửa phòng không HQ-9C / B không hề thua kém tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU-2 của Nga về những tính năng cơ bản.
Nhưng dù vậy, giới truyền thông Trung Quốc cũng phải đánh giá rất tích cực tổ hợp tên lửa phòng không mới S-500 của Nga. Cụ thể, Tạp chí Sina Trung Quốc mới cho đăng tải một bài viết bày tỏ sự thán phục tổ hợp tên lửa phòng không S-500 của Nga với nhận định như sau:
“Hiệu quả tác chiến đấu của toàn bộ tổ hợp (S-500) sẽ cao hơn gấp nhiều lần hiệu quả tác chiến của bất kỳ một tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nào khác trên thế giới. Nếu so sánh, tất cả các tổ hợp tên lửa phòng không trước đây cũng đều kém S-500”.
Ngoài tổ hợp HQ-9, trong trang bị của PLA còn có các tổ hợp tên lửa phòng không HQ-16A, và như thường lệ, HQ-16A cũng ứng dụng nhiều “kinh nghiệm” từ thiết kế- chế tạo tổ hợp tên lửa phòng không trang bị cho Lục quân “Buk” của Nga.
Tổng cộng, trong biên chế của PLA có ít nhất 4 tiểu đoàn tên lửa phòng không như vậy. Còn kiểu tổ hợp phòng không tương tự như “Pantsir” Nga nhưng phiên bản Trung Quốc – đó chính là FK-1000.
Không thể hình dung một hệ thống phòng không mà lại không có các trạm radar: Tại Trung Quốc, Bộ đội Kỹ thuật Vô tuyến cũng nằm trong thành phần của quân chủng Không quân và được trang bị các radar YLC-2 và YLC-18.
Những radar YLC-2- thành phần chủ chốt của Bộ đội Vô tuyến Kỹ thuật PLA, đã được hiện đại hóa vào đầu những năm 2000 và được lắp bộ xử lý tín hiệu số mới nên có thể phát hiện các mục tiêu trên không của đối phương, kể cả các vật thể tàng hình, ở cự ly đến 200 km.
Ngoài các trạm radar, PLA còn có khoảng 20 máy bay AWACS (Hệ thống chỉ huy và cảnh báo trên không).
Nhiệm vụ trọng tâm của Hệ thống phòng không Trung Quốc là bảo vệ các thành phố lớn nhất của đất nước - Bắc Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân, các khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng ở tỉnh Hà Bắc và ở lư vực đồng bằng các sông Dương Tử và Châu Giang.
Trước đây, trong những năm 50-70, vì chỉ có một hệ thống phòng không yếu kém nên Trung Quốc cực kỳ dễ bị tổn thương trước các đòn tấn công từ phía Bắc. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất lúc đó là đảm bảo đánh trả được các đòn tấn công có thể có từ hướng Liên Xô.
Sau khi Liên Xô sụp đổ và cục diện chính trị toàn cầu thay đổi, Mỹ trở thành đối thủ tiềm năng số một của Trung Quốc, thành thử, các hướng phòng thủ chính cũng thay đổi – từ giờ thì các cuộc tấn công có thể sẽ xuất phát từ các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và từ các tàu chiến trên Thái Bình Dương.
Một khu vực nữa được xác định là có tầm quan trọng chiến lược- đó là các khu vực gần eo biển Đài Loan.
Điểm mạnh không thể nghi ngờ của Hệ thống phòng không Trung Quốc- đó là nó liên tục được hiện đại hóa.
Trung Quốc đầu tư nhiều tiền của vào việc hoàn thiện các phương tiện phòng không mới hiện có và thiết kế- chế tạo các tổ hợp phòng không mới vì hiểu quá rõ tầm quan trọng và sự cần thiết của chúng trong các điều kiện hiện đại.
Xin giới thiệu bài viết của chuyên gia Nga quen thuộc Ilia Polonski với tiêu đề trên (thay lời giới thiệu).
baodatviet.vn