...
Giới trẻ Hồng Kông sẵn sàng « tất cả chết cùng chết » (ST& L)
Hồng Kông chỉ có thể thực sự đóng được được vai trò là cầu nối giữa Trung Quốc với nền kinh tế toàn cầu, nếu đặc khu tiếp tục được hưởng quy chế « Một quốc gia, hai chế độ ». Nhiều người tin tưởng, nếu Hồng Kông tan rã, nền kinh tế và hệ thống tài chính Trung Quốc cũng sẽ sụp đổ. Nhà nghiên cứu Francis Lee ghi nhận là phong trào đấu tranh hiện nay tại Hồng Kông « hoàn toàn ý thức được » về tính chất liên đới sống còn này. Đông đảo thanh niên tham gia vào phong trào phản kháng truyền nhau câu nói bằng tiếng Quảng Đông, ngụ ý trong trường hợp Trung Quốc đưa quân đội can thiệp « tất cả chết cùng chết ». Đối với họ, cho dù tình huống hiện nay đã rất tồi tệ, nhưng chính quyền Trung Quốc cũng có nguy cơ mất hết nếu liều lĩnh can thiệp.
Trong bối cảnh phong trào dân chủ không có dấu hiệu phân hóa hay chùng xuống, còn Bắc Kinh thì không khoan nhượng, mọi cái nhìn hiện tại hướng về phía phản ứng của chính quyền Hồng Kông. Chính quyền của bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) liệu sẽ tìm ra biện pháp hòa giải với dân chúng xứ mình hay nhất nhất làm theo chỉ đạo của Bắc Kinh ?
Càng quyết định trễ, cái giá phải trả càng đắt
Vẫn theo chuyên gia Francis Lee, càng đưa ra quyết định chậm trễ, cái giá phải trả sẽ càng lớn, về phía chính quyền đặc khu, cũng như về phía Trung Quốc. Bởi trong những tuần gần đây, truyền thông Trung Quốc đang thổi bùng lên ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa chống Hồng Kông.
Hôm 30/08, Reuters cho hay, theo một số nguồn tin từ giới chức Hồng Kông và Trung Quốc, cuối tháng 6, đầu tháng 7/2019, lãnh đạo đặc khu Hồng Kông đã từng gửi đến Bắc Kinh yêu cầu hủy bỏ luật dẫn độ, theo đòi hỏi của phong trào biểu tình, nhưng yêu cầu đã bị chính quyền trung ương bác bỏ. Nếu thông tin này là đúng, việc thừa nhận vai trò của chính quyền trung ương phải chăng là một tín hiệu cho thấy chính quyền đặc khu và Bắc Kinh đang tìm một lối thoát mới cho cuộc khủng hoảng Hồng Kông ?.