Thêm Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận loại bỏ đồng USD trong giao dịch với Nga
Huy Vũ
Đất Việt
Thứ tư, 09 Tháng mười 2019 04:11 UTC
© Ralf Hiemisch/Getty Images
Theo thông tin được Bộ trưởng Bộ Ngân khố và Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak công bố, nước này và Nga đã ký một thỏa thuận vào tuần trước về việc sử dụng đồng tiền của nhau trong thanh toán và giao dịch.
Bộ Tài chính Nga ngày 8/10 cũng cho biết, Bộ trưởng Berat Albayrak và người đồng cấp Nga Anton Siluanov đã ký một thỏa thuận vào tuần trước về việc sử dụng đồng ruble và đồng lira trong các giao dịch của 2 nước.
Trong phạm vi của thỏa thuận, nhu cầu về 2 loại tiền tệ của các định chế thương mại sẽ tăng lên và một cơ cấu tài chính phù hợp sẽ được thiết lập.
Thỏa thuận dự kiến kết nối các ngân hàng và doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ với hệ thống thanh toán SWIFT phiên bản tiếng Nga, đồng thời tăng cường cơ sở hạ tầng ở Thổ Nhĩ Kỳ để cho phép sử dụng thẻ MIR của Nga, được Moscow thiết kế nhằm thay thế cho thẻ MasterCard và VISA.
Thỏa thuận này là bước quan trọng để tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước. Thương mại song phương đã đạt 25,4 tỷ USD năm 2018, trong đó Nga xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ gần 22 tỷ USD.
Hồi tháng 4 năm nay, trong chuyến thăm Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, hai nước đã nhất trí đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD, gấp 4 lần so với hiện tại.
Phát biểu trong cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Erdogan cho biết, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời bày tỏ mong muốn hai nước "sẽ sớm chuyển sang thanh toán các giao dịch bằng đồng nội tệ hai nước".
Với vị thế ngày càng tăng của Nga trên trường quốc tế, ngày càng có nhiều quốc gia sẵn sàng giao dịch bằng đồng nội tệ với Moscow. Iran, Trung Quốc là những ví dụ điển hình nhất trong việc thực hiện cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ của Nga. Cơ chế chung là hai nước thành lập một quỹ tiền tệ chung và các thanh toán được thực hiện thông qua các ngân hàng của hai quốc gia chịu trách nhiệm quản lý quỹ tiền tệ này.
Ngoài Iran, Trung Quốc và sắp tới là Thổ Nhĩ Kỳ thì Ấn Độ là một trong những quốc gia sẵn sàng sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán các hợp đồng vũ khí của Nga.
Trong khi đó, các quốc gia châu Âu chấp thuận giao dịch với gã khổng lồ khí đốt của Nga là Gazprom bằng đồng euro.
Việc giảm bớt các giao dịch bằng đồng USD tại Nga đã khiến nhu cầu ngoại tệ ở quốc gia này giảm hẳn. Cùng với những đối tác lớn của Nga trên thế giới, sự sụt giảm trong thanh toán bằng đồng nội tệ với Nga ảnh hưởng phần nào tới nhu cầu thanh toán đồng USD của Mỹ.
Báo cáo tháng 6/2019 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ghi nhận rằng, đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ của thế giới, nhưng vị thế thống trị của đồng bạc xanh bị lung lay đáng kể. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi tỷ lệ đồng USD trong các ngân hàng trung ương tăng tối đa, hiện tỷ lệ này giảm nghiêm trọng.
Các nền kinh tế Argentina, Trung Quốc, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đã bán gần 200 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ trong năm 2018. Một số nước cần đến tiền mặt để ổn định tiền tệ của họ, trong khi các nước khác thoát khỏi tài sản của Mỹ vì có mâu thuẫn với Washington.
Một trong những lý do chính khiến nhiều quốc gia ngừng sử dụng đồng USD là chính sách từ chính quyền Tổng thống Donald Trump sử dụng đồng bạc xanh như một công cụ chính trị.
Tổng thống Putin cho rằng, đồng USD dường như đã trở thành đồng tiền toàn cầu duy nhất có được niềm tin mãnh liệt từ các quốc gia trên thế giới. Nhưng Mỹ lại sử dụng đồng USD như một công cụ chính trị, một thứ vũ khí đối với các nước khác thì cuối cùng, chính nước Mỹ sẽ chịu tổn thất.
Tổng thống Putin cho biết, Nga chưa bao giờ đặt ra nhiệm vụ từ bỏ đồng dollar khỏi công cụ thanh toán của mình nhưng buộc phải làm thế để tự bảo vệ mình trước những biện pháp trừng phạt của Mỹ.