Chống Iran : Donald Trump tiến thoái lưỡng nan (ST)
« Diều hâu » John Bolton ra đi ; Donald Trump do dự đánh trả Iran bị nghi ngờ tấn công các cơ sở dầu hỏa của đồng minh Ả Rập Xê Út và tuyên bố ưu tiên « giải pháp ngoại giao ». Theo giới quan sát, các động thái “sáng nắng chiều mưa” này cho thấy chiến lược « áp lực tối đa » của tổng thống Mỹ đã thất bại. Donald Trump gặp phải đối thủ « đáng gờm », các chiêu trừng phạt kinh tế đã bị « chiến thuật phối hợp » của Iran vô hiệu hóa và nguyên thủ Mỹ rơi vào tình trạng bế tắc chiến lược với Teheran.
Khi rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước hạt nhân 2015, và áp đặt trở lại các đòn trừng phạt kinh tế, tổng thống Mỹ hy vọng rằng với việc chặn đứng 80% nguồn thu dầu lửa của đất nước, chế độ thần quyền Ayatollah bị bóp nghẹt kinh tế sẽ phải đóng cửa các chương trình hạt nhân, từ bỏ tham vọng bành trướng ảnh hưởng và ngồi lại đàm phán một thỏa thuận mới có lợi cho Hoa Kỳ. Và như vậy, vùng Trung Đông sẽ bình ổn, Hoa Kỳ có thể rút các binh sĩ về nước như cam kết của Donald Trump trong suốt cuộc vận động tranh cử.
Gần hai năm sau, không những chiến lược « áp lực tối đa » đó không làm cho Vệ binh Cách mạng quy hàng, mà đồng minh của Mỹ là Ả Rập Xê Út bị đánh một đòn chí tử, và Hoa Kỳ phải thông báo gởi thêm quân viện trợ, trái ngược với những gì ông Trump hứa.
Bởi vì Donald Trump đang đứng trước một cuộc chiến không theo quy tắc truyền thống : Không tuyên chiến, không đối đầu trực diện, không theo các quy tắc ngoại giao thông thường. Mọi cách thức đều được sử dụng để đạt được mục tiêu chiến lược do giáo chủ đề ra nhưng không được để kẻ thù biết và cũng không tuyên truyền ầm ĩ trong nước. Giống như trong cuộc chiến trong không gian mạng, người ta khó có thể quy trách nhiệm cho đối thủ.
Vụ cơ sở dầu hỏa Ả Rập Xê Út bị tấn công là ví dụ hoàn hảo về cuộc chiến phối hợp, bất cân xứng, có đẳng cấp. Kẻ tấn công (tự nhận) là phe nổi dậy Huthi tại Yemen. Phương tiện tấn công là những chiếc máy bay tự hành (drone) rẻ tiền và không rõ xuất phát từ đâu, nhắm vào một kẻ thù được trang bị hệ thống phòng không tối tân nhất.
Kết quả là gì ? Địch thủ hoảng sợ và gây ra một cú sốc kinh tế (giá dầu thô tăng, hoãn kế hoạch lên sàn chứng khoán của Ả Rập Xê Út). Ai cũng biết rằng phe nổi dậy Huthi tại Yemen được Iran hậu thuẫn. Vậy Donald Trump giờ phải làm gì ? Đánh Iran ư ? Washington cần phải có bằng chứng không thể chối cãi, trong khi Teheran kiên quyết bác bỏ mọi trách nhiệm. Hơn nữa, một giải pháp quân sự cũng chưa chắc mang lại một thắng lợi cho Hoa Kỳ. Lịch sử thời Cổ Đại nhắc nhở rằng bốn lần đế chế Roma tìm cách đánh chiếm vương quốc Ba Tư đều bốn lần chuốc lấy thất bại nhục nhã.
Hay là phải đối thoại với Iran ? Điều này cũng không phải dễ. Giáo chủ Khamenei gạt mọi khả năng gặp gỡ Donald Trump chừng nào các biện pháp trừng phạt chưa được dỡ bỏ. Còn nếu tiếp tục gia tăng trừng phạt, căng thẳng không những không hạ nhiệt mà còn có nguy cơ châm ngòi nổ thùng thuốc súng Trung Đông.
Trong hoàn cảnh này, như để trấn an các đồng minh trong khu vực, và trong nỗi lo tái tranh cử, tổng thống Mỹ, thông qua lời ngoại trưởng Mike Pompeo, chỉ còn biết tự an ủi với thông báo đưa thêm quân sang Ả Rập Xê Út. Nhưng quân số là bao nhiêu ? Không ai biết rõ, chỉ được biết là « khiêm tốn ». Bởi một lẽ rất đơn giản : Một thông báo cụ thể sẽ hoàn toàn đi ngược lại với lời hứa của Donald Trump cho hồi hương một phần lớn binh sĩ Mỹ triển khai ở nước ngoài.