Sống hai mặt với Nga, người Kurd nhận trái đắng
Thỏa thuận giữa Moscow và Ankara là đòn đánh chí mạng vào Lực lượng Dân chủ Syria.
Ngày 22/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đạt được thỏa thuận nhằm giải quyết tình hình căng thẳng ở phía đông bắc Syria.
Theo thỏa thuận, chiến dịch Mùa xuân hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục ở một khu vực giữa Tell Abyad và Ras al-Ayn nhằm đạt được mục tiêu của chiến dịch (vùng an toàn rộng 32km, dài 440km).
Bắt đầu từ 12h00 ngày 23/10, các đơn vị cảnh sát quân sự Nga và quân đội Syria sẽ được triển khai dọc theo phần còn lại của biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở phía đông của Euphrates.
Syria và Nga sẽ tạo điều kiện cho các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) rút xuống khu vực cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 30km. Sau đó, các cuộc tuần tra chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu ở phía đông và phía tây của vùng an toàn.
Một cơ chế giám sát chung sẽ được thiết lập nhằm giám sát quá trình thực hiện thỏa thuận. Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều cam kết sự toàn vẹn lãnh thổ và tôn trọng chủ quyền của Syria.
Hai nước cũng tuyên bố sẽ chung tay tiêu diệt các tổ chức khủng bố và kiên quyết phản đối các chương trình ly khai diễn ra trên lãnh thổ Syria (ám chỉ người Kurd muốn thành lập chính quyền tự trị).
Giới quan sát cho rằng, thỏa thuận giữa Moscow và Ankara là đòn đánh chí mạng vào Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Người Kurd sẽ phải rút lui khỏi vùng an toàn, nếu không muốn bị tấn công bởi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
SDF từng chỉ trích Mỹ vì đã bỏ rơi họ ở đông bắc Syria, đồng thời cầu cứu Nga và Syria khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công. Để rồi, khi thỏa thuận ngừng bắn được thực hiện, người Kurd lại quay ra kêu gọi Mỹ tiếp tục hiện diện ở Syria.
Chiến lược ngoại giao hai mặt của SDF đã bộc lộ rõ. Tất nhiên, Moscow và Damascus đều hiểu điều đó và kẻ nhận hậu quả không ai khác chính là người Kurd, khi mà lực lượng này có thể mất trắng toàn bộ vùng lãnh thổ gần biên giới.