Theo The New York Times, sau nhiều ngày được Thủ tướng Anh và Tổng thống Pháp cố vấn, ông Zelensky điều chỉnh chiến lược để tranh thủ sự ủng hộ của ông Trump.
Mọi chuyện bắt đầu khi ông Zelensky bị ông Trump và JD Vance khiển trách gay gắt ngay tại Phòng Bầu Dục. Đây là khoảnh khắc ê chề, nhưng cũng là một lời cảnh báo buộc nhà lãnh đạo Ukraine phải tìm ra hướng đi mới.
Thủ tướng Starmer đã gợi ý rằng ông Zelensky nên quay lại Nhà Trắng để hòa giải với ông Trump. Tuy nhiên, cả hai bên đều nhất trí rằng thời điểm chưa thích hợp, tốt hơn là nên để tình hình lắng xuống, theo một quan chức Anh nắm rõ cuộc thảo luận.
Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của 5 ngày liên tiếp bị thúc ép và cố vấn. Cả ông Starmer và Tổng thống Macron đều nhấn mạnh với ông Zelensky rằng ông cần thay đổi cách tiếp cận với ông Trump, The New York Times cho biết.
Chiến thuật “lấy lòng”
Theo các quan chức Anh và Pháp giấu tên, họ cho rằng ông Zelensky không thể tiếp tục giữ lập trường cứng rắn như trước.
Những cuộc trao đổi này càng trở nên cấp bách hơn khi vào ngày 3/3 khi Nhà Trắng tuyên bố sẽ đình chỉ viện trợ Mỹ cho Ukraine. Theo lời khuyên từ các đồng minh châu Âu, thay vì giữ lập trường cứng rắn, ông Zelensky đã quyết định thay đổi chiến thuật.
Trong bài phát biểu mới nhất, ông Zelensky đã không tiếc lời ca ngợi ông Trump, nhấn mạnh vai trò quan trọng của Mỹ trong cuộc đối đầu với Nga và thậm chí khẳng định Ukraine “sẵn sàng làm việc dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của Tổng thống Trump để đạt được hòa bình”.
Không dừng lại ở đó, ông Zelensky còn tìm cách xoa dịu những cáo buộc từ phía ông Trump và đồng minh rằng Ukraine không thực sự mong muốn hòa bình. Ông đề xuất một lệnh ngừng bắn giới hạn trên không và trên biển - một động thái nhằm thử xem liệu Nga có thực sự sẵn sàng cho một thỏa thuận hòa bình hay không.
“Ukraine sẵn sàng làm việc dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của Tổng thống Trump để đạt được một nền hòa bình bền vững”, ông Zelensky viết trên nền tảng X.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ukraine, ông Oleksandr Merezhko, nhận xét: "Zelensky đã nhận ra ông ấy cần điều chỉnh chiến thuật phù hợp với cách tiếp cận của ông Trump. Nói theo Machiavelli, nếu không thể là sư tử trong chính trị như Trump, bạn phải là cáo".
Ông Merezhko cũng nhấn mạnh để có được sự ủng hộ của Trump, các nhà lãnh đạo phải thể hiện sự tôn vinh và thuần phục dưới sự bảo trợ ông ấy như một “Bố Già” quyền lực. "Trump không ưa những ai cố tỏ ra ngang hàng với ông ấy", ông nói.
Phát biểu trước Quốc hội vào tối 4/3, ông Trump tỏ ra hài lòng khi nói về những nỗ lực tiếp cận và thể hiện lòng biết ơn của ông Zelensky. Ông Trump cũng đề cập đến một bức thư mà ông Zelensky gửi, trong đó nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh cam kết nghiêm túc của mình đối với việc đạt được một thỏa thuận hòa bình.
Không chỉ dừng lại ở đó, ông Zelensky còn dành những lời khen đặc biệt cho ông Trump.
"Chúng tôi không quên khoảnh khắc mọi thứ thay đổi khi Tổng thống Trump cung cấp Javelins cho Ukraine", ông viết trên X, nhắc đến các tên lửa chống tăng mà Mỹ viện trợ cho Ukraine trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. "Chúng tôi biết ơn về điều đó."
Ai cũng biết rằng con đường nhanh nhất để lấy lòng ông Trump chính là những lời tâng bốc. Hiện giờ, vẫn còn phải chờ xem liệu chiến lược này có thực sự hiệu quả hay không, ngay cả với những nhà lãnh đạo mà ông Trump có vẻ hòa hợp, như ông Macron.
Thách thức từ thực tế
Dẫu vậy, lịch sử và thực tế cho thấy rằng nhiều nỗ lực của ông Zelensky nhằm lấy lòng Tổng thống Trump có thể vẫn đầy thách thức.
Vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã quay lưng với nhiều nhà lãnh đạo mà ban đầu ông có quan hệ tốt, bao gồm cả Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Những xung đột về chính sách thương mại và thái độ bài trừ liên minh đã lấn át mọi nỗ lực xây dựng quan hệ giữa các nhà lãnh đạo.
Sự coi thường của ông Trump đối với Tổng thống Ukraine thể hiện rõ qua giọng điệu lạnh lùng trong cuộc "khiển trách" ngay tại Phòng Bầu Dục, nơi ông Trump và Phó tổng thống JD Vance đã khiến ông Zelensky rơi vào tình thế khó xử.
Hơn hết, xung quanh ông Trump là những nhân vật có lập trường chống Ukraine mạnh mẽ, như con trai ông - Donald Trump Jr. - và tỷ phú Elon Musk. Họ không chỉ công khai bày tỏ sự khinh miệt với ông Zelensky mà còn lặp lại nhiều quan điểm có lợi cho Điện Kremlin.
Những phát ngôn của ông Zelensky liên tục bị soi mói, bóp méo và khuếch đại trên mạng xã hội X của ông Musk, cũng như trên các kênh truyền thông thân cận với ông Trump.
Một ví dụ điển hình là khi ông Zelensky nói rằng một thỏa thuận hòa bình lâu dài vẫn còn xa vời, ông Trump ngay lập tức coi đó là hành động "cản đường" nỗ lực đàm phán của mình và chỉ trích ông Zelensky không thực sự nghiêm túc với hòa bình.
Trong khi đó, nhiều nhà quan sát tại châu Âu và Ukraine ngày càng lo ngại rằng ông Trump sẽ có xu hướng đứng về phía Moscow, bất chấp những tổn thất mà Kyiv và châu Âu có thể phải gánh chịu.
Cựu Ngoại trưởng Ukraine, ông Vadym Prystaiko, đặt ra câu hỏi đầy trăn trở: “Nếu chúng ta biết rằng ông ấy đang chịu ảnh hưởng từ Nga, liệu chúng ta có thể thay đổi điều đó không? Dùng văn hóa, nghệ thuật, mối quan hệ cá nhân, thông điệp công khai, hay phương thức nào khác? Và nếu không thể, kế hoạch B của chúng ta là gì?”.
Trước tình hình khó khăn, chính quyền Kyiv đã có những động thái chủ động để duy trì thiện cảm của Mỹ. Trong vòng 3 năm qua, ông Zelensky đã đưa ra ít nhất 94 tuyên bố cảm ơn người dân Mỹ - từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa - nhằm đảm bảo Ukraine không bị coi là một quốc gia "vô ơn".
Không chỉ lãnh đạo Ukraine mà ngay cả lực lượng quân đội cũng tham gia vào nỗ lực này. Mới đây, Không quân Ukraine đã đăng tải một video trong đó phi công Vadym Voroshylov bày tỏ lòng biết ơn đến Mỹ: “Cảm ơn vì sự hỗ trợ. Cùng nhau chiến thắng!”.
Về mặt chiến lược, ông Zelensky còn nhấn mạnh lợi ích kinh tế của Mỹ trong việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine.
Ông khéo léo nhắc lại rằng Ukraine sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là các kim loại quan trọng trị giá hàng nghìn tỷ USD - một cách gợi ý rằng Mỹ cũng có thể hưởng lợi từ việc duy trì quan hệ tốt đẹp với Kyiv.
Mặc dù ông Trump tuyên bố rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi "tín hiệu mạnh mẽ" rằng Moscow sẵn sàng đàm phán hòa bình, điều đáng chú ý là ông không hề đề cập đến đề xuất ngừng bắn của Ukraine.
Điều này làm dấy lên nghi ngờ rằng ông Trump có thể đang theo đuổi một kịch bản khác - buộc Kyiv phải đầu hàng, thay vì giúp Ukraine đạt được một nền hòa bình công bằng.