Không phải tại vũ khí PT mà là tại cái thằng sử dụng nhé.
(PLO)- Bất đồng về cách sử dụng vũ khí và chiến thuật chiến đấu đã và đang làm gia tăng căng thẳng giữa các huấn luyện viên NATO và các binh sĩ Ukraine.
plo.vn
(PLO)- Bất đồng về cách sử dụng vũ khí và chiến thuật chiến đấu đã và đang làm gia tăng căng thẳng giữa các huấn luyện viên NATO và các binh sĩ Ukraine.
Tờ
The Sunday Telegraph cuối tuần rồi dẫn một số nguồn tin quốc phòng Anh rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang bất đồng quan điểm với Ukraine về chiến thuật chiến trường, cáo buộc quân đội Kiev lãng phí vũ khí và thiết bị đắt tiền.
“Râu ông nọ cắm cằm bà kia”
Nguồn tin này cho biết quân đội Ukraine đã lãng phí vũ khí đắt tiền của phương Tây bằng cách kết hợp chúng với chiến thuật
quân sự của Liên Xô, vốn dựa vào hỏa lực giá rẻ, trái với chiến thuật của NATO liên quan việc sử dụng hệ thống vũ khí hiện đại và đắt tiền để tấn công chính xác.
Binh sĩ Ukraine trên chiến trường. Ảnh: GETTY IMAGES
Hầu như tất cả các quốc gia thuộc Liên Xô cũ đều đã sử dụng các chiến thuật thời Liên Xô qua nhiều thế hệ. Nga cũng đã sử dụng rộng rãi các chiến thuật này trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, ngoài việc sử dụng đạn dược chính xác.
Ví dụ, một người lính Anh đã nói với
The Sunday Telegraph rằng binh sĩ Ukraine đã sử dụng vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ tiếp theo (NLAW) - một tên lửa chống tăng dùng một lần có giá khoảng 21.000 USD, do Anh viện trợ - như thể họ đang sử dụng RPG. RPG là một loại súng phóng lựu chống tăng giá rẻ của Nga thường chỉ có giá 1.000 USD cho mỗi lần bắn.
NLAW trước đó đã được định vị là một công cụ thay đổi cuộc chơi và là kẻ hủy diệt xe tăng Nga. Các nhà phân tích phương Tây cho rằng tỉ lệ tiêu diệt xe tăng Nga cao là do vũ khí chống tăng được cung cấp cho Ukraine, bao gồm NLAW, được thiết kế để phát nổ khi tên lửa của nó bay qua đỉnh tháp pháo tương đối hở của xe tăng.
Ngược lại, RPG-7 là một loại pháo chống tăng bắn từ vai, có thể tái sử dụng, được quân đội cũng như các tác nhân phi nhà nước như phiến quân và các tổ chức khủng bố trên khắp
thế giới sử dụng. Ví dụ, những vũ khí giá rẻ này đã được các nhóm phiến quân ở Iraq và Somalia sử dụng. Trên thực tế, binh sĩ Ukraine cũng đã sử dụng RPG-7 trong cuộc chiến chống lại Nga.
RPG-7 có giá thành sản xuất rất rẻ và hoàn toàn phù hợp với chiến lược quân sự của Liên Xô là sản xuất vũ khí giá rẻ với số lượng lớn mà "NATO không thể sánh kịp, vì liên minh này sản xuất số lượng nhỏ hơn các loại vũ khí
công nghệ cao được thiết kế cho chiến thuật tác chiến cơ động, kết hợp vũ khí", theo
The Sunday Telegraph.
Binh sĩ Ukraine vác vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ tiếp theo (NLAW). Ảnh: NEW YORK TIMES
Nguồn tin cho biết binh sĩ Ukraine được yêu cầu chia sẻ
video về việc sử dụng vũ khí đúng cách, nhưng cảnh quay nhận được cho thấy các binh sĩ Ukraine bắn năm hoặc sáu quả NLAW vào các vị trí của Nga cùng một lúc, có thể tốn tới 100.000 USD. Mặc dù NLAW là loại vũ khí tương đối rẻ hơn được sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine nhưng chi phí của nó vẫn cao hơn đáng kể so với hỏa lực giá rẻ có nguồn gốc từ Liên Xô.
Đáng chú ý nữa, trong khi nhận vũ khí từ các nước NATO thì Ukraine vẫn chưa chấp nhận hoàn toàn chiến thuật chiến đấu của NATO, dẫn đến lãng phí vũ khí và đạn dược công nghệ cao.
NATO sử dụng chiến lược vũ trang kết hợp, về cơ bản có nghĩa là một cuộc tấn công với sự phối hợp của pháo binh, thiết giáp và hỗ trợ trên không, vũ khí cực kỳ chính xác và thông tin liên lạc đáng tin cậy.
Điều này trái ngược với chiến thuật của Liên Xô, trong đó sử dụng chiến thuật tấn công bằng cách sử dụng lính bộ binh được trang bị vũ khí giá rẻ tiến lên để triển khai một lượng lớn pháo binh tấn công quân phòng thủ.
Dường như vẫn tiếp tục dựa vào các chiến thuật quân sự lâu đời của Liên Xô, Ukraine đã kêu gọi tăng cường cung cấp vũ khí giá rẻ từ các đối tác trong NATO, buộc các thành viên liên minh phải yêu cầu các quốc gia từng là thành viên Khối Hiệp ước Warsaw như Bulgaria cung cấp vũ khí lỗi thời của Liên Xô.
Hơn nữa, Ukraine đã sản xuất một số lượng lớn máy bay không người lái tấn công một chiều và
góc nhìn thứ nhất (FPV) được triển khai để thực hiện các cuộc tấn công vào xe tăng Nga có giá trị cao. Ví dụ, FPV giá rẻ của Ukraine đã phá hủy một số xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) đắt tiền của Nga và tấn công kho đạn dược bên trong nước này, giáng một đòn nặng nề vào lực lượng Nga. Điều này có thể được coi là một sự thích nghi về mặt công nghệ tiên tiến hơn một chút so với chiến thuật quân sự theo phong cách Liên Xô.
Lý do là gì?
Các nguồn tin cho biết các binh sĩ Ukraine không có đủ thời gian để học hỏi các chiến thuật tiên tiến của NATO. Không chỉ thiếu thời gian, quân đội Ukraine còn bị cáo buộc là thường miễn cưỡng áp dụng học thuyết của NATO, với lý do học thuyết này không phù hợp với điều kiện thực địa mà các huấn luyện viên phương Tây chưa từng trải qua.
Trong ít nhất hai năm trở lại đây, Ukraine đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ các nhà chức trách quân sự phương Tây khi đổ lỗi cho Kiev vì không tuân thủ các kỹ thuật chiến đấu kết hợp mà các huấn luyện viên NATO đã dạy họ, theo tờ
The EurAsian Times.
Binh sĩ Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Yakiv Liashenko/EPA
Một đánh giá chiến trường của quân đội Đức (Bundeswehr) bị rò rỉ vào năm 2023 đã phàn nàn về việc binh sĩ Ukraine không thực hiện được chương trình huấn luyện của NATO và chỉ trích các chỉ huy Ukraine vì chia các lữ đoàn do phương Tây huấn luyện thành các đơn vị nhỏ chỉ từ 10 đến 30 binh sĩ để tấn công các vị trí của đối thủ.
Sự không phù hợp giữa những gì binh sĩ Ukraine được đào tạo và những gì họ thực hiện trên chiến trường đã dẫn đến những cuộc
trao đổi căng thẳng giữa các huấn luyện viên NATO và
binh sĩ Ukraine.
Các huấn luyện viên người Mỹ đào tạo phi công chiến đấu Ukraine lái máy bay F-16 Fighting Falcon cho biết một số phi công Ukraine, đặc biệt là những người trong nhóm đầu tiên, đã phản đối các phương pháp đào tạo của phương Tây. Những phi công này đã có
kinh nghiệm lái máy bay phản lực chiến đấu MiG thời Liên Xô và mới trở về từ chiến đấu. Sự miễn cưỡng của họ đã dẫn đến sự bất đồng đáng kể với các huấn luyện viên.
Về phần mình, quân đội Ukraine cáo buộc rằng các chiến thuật của NATO này không hiệu quả đối với một quốc gia đang chiến đấu với Nga. Những người lính thuộc Lữ đoàn cơ giới riêng biệt số 32 của Ukraine cho biết với tờ
Kyiv Independent rằng lữ đoàn chỉ được NATO huấn luyện ba tuần tại Đức. Mặc dù đánh giá cao một số thiết bị và thực hành của phương Tây, binh sĩ thuộc lữ đoàn này bày tỏ sự không hài lòng khi các sĩ quan NATO không biết về thực tế khắc nghiệt của cuộc chiến ở Ukraine.
Bên cạnh đó, các chỉ huy Ukraine thường nói rằng nếu không có máy bay chiến đấu hiện đại, tên lửa tầm xa và thiết bị rà phá bom mìn mà họ yêu cầu, quân đội Ukraine đã phải chiến đấu rất khác so với những gì học thuyết NATO tiêu chuẩn yêu cầu.
Tuy nhiên, NATO đang phải đối mặt với một vấn đề nan giải khi nguồn lực của khối này tiếp tục bị hao hụt ở khu vực chiến sự Ukraine.
VĨNH KHANG