Châu Âu lên kế hoạch hậu sự ... à nhầm hậu xung đột cho U cà.
Lo ngại ưu tiên của Mỹ thay đổi, các nước châu Âu đang lên phương án đưa quân đến Ukraine nhằm giúp đảm bảo an ninh cho nước này khi xung đột chấm dứt.
vnexpress.net
Lo ngại ưu tiên của Mỹ thay đổi, các nước châu Âu đang lên phương án đưa quân đến Ukraine nhằm giúp đảm bảo an ninh cho nước này khi xung đột chấm dứt.
Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump về Ukraine, hôm 15/2 phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức, tuyên bố Mỹ sẽ đóng vai trò trung gian cho các cuộc đàm phán về hòa bình Ukraine, trong đó Moskva và Kiev là hai bên tham gia chính, đồng nghĩa châu Âu sẽ không góp mặt.
Phát biểu này đã khiến châu Âu bất bình, bởi họ cũng là bên đóng góp quan trọng cho viện trợ quân sự, tài chính tới Ukraine trong gần ba năm xung đột. Một số lãnh đạo châu Âu tuyên bố không chấp nhận bị loại khỏi các cuộc đàm phán và Mỹ, Nga "không thể thảo luận tương lai của Ukraine hoặc cấu trúc an ninh châu Âu mà không có người châu Âu"
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho rằng thay vì than phiền về vấn đề châu Âu có được tham gia đàm phán hay không, các lãnh đạo châu lục cần "tham gia vào cuộc tranh luận bằng cách đưa ra đề xuất, ý tưởng cụ thể và tăng chi tiêu quốc phòng".
Một nhóm nước châu Âu, do Anh và Pháp dẫn đầu, đang lên phương án đưa quân đến Ukraine nhằm giúp đảm bảo an ninh cho nước này và thực thi bất cứ thỏa thuận hòa bình tiềm năng nào với Nga.
"Tôi sẽ không đề cập đến các năng lực cụ thể để thực hiện điều đó, nhưng tôi cho rằng nếu hòa bình được lập lại, chúng ta cần có một số phương án đảm bảo an ninh cho Ukraine và Anh sẽ tham gia vào quá trình đó", Thủ tướng Anh Keir Starmer ngày 13/2 nói.
Thông tin chi tiết về kế hoạch triển còn khá hạn chế, bởi các quốc gia tham gia thảo luận không muốn để lộ thông tin và trao cho Tổng thống Nga Vladimir Putin lợi thế trong trường hợp ông đồng ý ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột.
Nhưng có một điều chắc chắn là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cần được đảm bảo rằng an ninh của đất nước ông sẽ không bị xâm phạm sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình. Cách đảm bảo an ninh tốt nhất là tư cách thành viên NATO mà Ukraine được hứa hẹn từ lâu, nhưng Mỹ mới đây đã loại bỏ khả năng kết nạp nước này vào khối.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lắng nghe Phó tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị An ninh Munich ngày 14/2. Ảnh:
AFP
Giới chức châu Âu bắt đầu tìm hiểu về việc triển khai quân tới Ukraine từ khoảng một năm trước, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố không loại trừ khả năng triển khai lực lượng quân sự đến Ukraine.
Kế hoạch của ông Macron đã tạo ra làn sóng phản ứng gay gắt ở châu Âu, đặc biệt là từ các lãnh đạo Đức và Ba Lan, nhưng ý tưởng của ông đã gây chú ý kể từ đó.
Cảm giác cấp bách của châu Âu tăng lên sau khi ông Donald Trump đắc cử. Lo ngại Mỹ có thể bỏ qua họ, thậm chí cả Ukraine, trong các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột với Nga, tháng 12 năm ngoái, một nhóm quan chức Anh, Đan Mạch, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Ba Lan và Liên minh châu Âu (EU) họp với Tổng thống Zelensky tại tư dinh của ông Rutte ở Brussels, Bỉ.
Họ đã thảo luận về ý tưởng đưa quân đến Ukraine mà Tổng thống Macron đưa ra. Tuy nhiên, đội quân này nên được tổ chức như thế nào hay lực lượng tham gia là ai vẫn phụ thuộc vào việc một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ gồm những điều khoản gì, bên cạnh hàng loạt yếu tố khác, giới quan sát đánh giá.
Hiến pháp Italy có những hạn chế về triển khai quân đội ra nước ngoài. Hà Lan sẽ cần được quốc hội bật đèn xanh, cũng như Đức, nước có thể thay đổi lập trường sau cuộc bầu cử ngày 23/2, mở đường cho một chính phủ mới. Ba Lan hiện tỏ ra thận trọng vì vẫn còn một số bất đồng với Ukraine từ Thế chiến II.
"Chúng tôi đang ở giai đoạn rất sớm của kế hoạch đó", Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevklur trả lời hãng thông tấn
AP bên lề Hội nghị An ninh Munich, thêm rằng điều quan trọng nhất hiện tại là các đồng minh châu Âu phải hiểu rõ chiến tuyến ở Ukraine sẽ trông như thế nào trước khi đưa ra kế hoạch điều quân.
Theo ông, nếu cả Nga và Ukraine giảm lực lượng của họ dọc theo tiền tuyến xuống còn "vài nghìn người", "châu Âu sẽ không gặp vấn đề gì khi hiện diện ở đó", nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều nếu "một cuộc xung đột dữ dội" vẫn tiếp diễn.
Nếu Nga và Ukraine đồng thuận với các điều khoản ngừng bắn thỏa mãn cả đôi bên, lực lượng đồn trú có thể nhỏ hơn và sẽ cần ít biện pháp phòng ngừa an ninh hơn. Nhưng các chuyên gia và quan chức khu vực cảnh báo với tình hình hiện tại, châu Âu có lẽ sẽ phải triển khai một lực lượng hùng hậu và đông đảo, thay vì một đội gìn giữ hòa bình quy mô nhỏ như lực lượng mũ nồi xanh của Liên Hợp Quốc.
"Đó phải là một lực lượng thực chất để răn đe ý định nắn gân của Nga", cựu tổng tư lệnh lục quân Mỹ tại châu Âu Ben Hodges tháng trước phát biểu tại sự kiện của Trung tâm Chính sách châu Âu, tổ chức tư vấn có trụ sở ở Brussels, Bỉ.
"Nếu chúng ta gửi quân tới Ukraine, họ phải có lực lượng không quân, bộ binh lớn, máy bay không người lái (UAV), phương tiện chống UAV, phòng không và phòng thủ tên lửa. Tất cả những thứ đó", ông nói. "Nếu chỉ cử tới một nhóm lính mũ nồi xanh trang bị súng trường, họ sẽ bị nghiền nát".
Tướng về hưu Dominique Trinquand, cựu chỉ huy phái bộ quân sự của Pháp tại Liên Hợp Quốc, đồng tình rằng lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc chỉ phù hợp "để triển khai ở những khu vực ổn định hơn".
"Việc tiến hành chiến dịch này với binh sĩ được huy động từ khắp nơi trên thế giới sẽ mất khoảng một năm", ông nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Andris Spruds trong khi đó cho hay việc huấn luyện lính và đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine cũng là những việc quan trọng cần làm.
Bản chất của thỏa thuận hòa bình sẽ quyết định quy mô và vị trí của lực lượng châu Âu triển khai tại Ukraine. Tổng thống Zelensky từng nhấn mạnh rằng châu Âu cần huy động ít nhất 100.000-150.000 quân. Truyền thông đưa tin quân số sẽ chỉ rơi vào khoảng 30.000-40.000. Các nhà ngoại giao và quan chức khu vực vẫn chưa xác nhận bất kỳ con số nào.
Ukraine cũng muốn được hỗ trợ trên không chứ không chỉ riêng bộ binh.
Điều rõ ràng là châu Âu sẽ phải đối mặt rất nhiều thách thức khi muốn tập hợp một lực lượng quân sự lớn và họ chắc chắn không thể làm điều này nhanh chóng.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 14/2 với
Financial Times, Tổng thống Macron cho biết ý tưởng về việc triển khai một lực lượng lớn là "xa vời". "Chúng ta phải làm những việc phù hợp, thực tế, được cân nhắc kỹ lưỡng, có tính toán và qua thương lượng", ông cho hay.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuần qua cho rằng cần triển khai "lực lượng quốc tế mạnh để giám sát ranh giới giao tranh", đề cập tới tiền tuyến dài khoảng 1.000 km giữa Nga và Ukraine.
Song châu Âu không mặn mà với phương án này, vì nó đòi hỏi quá nhiều quân. Họ cho rằng một loại "bảo đảm từ Mỹ" là điều cần thiết hậu xung đột, bởi quân đội các nước châu Âu từ lâu đã dựa vào hậu cần, năng lực không vận của Washington để tiến hành các chiến dịch.
Binh sĩ Ukraine tại một vị trí bên ngoài thành phố Pokrovsk, miền đông đất nước, hồi tháng 8/2024. Ảnh:
Reuters
Tại trụ sở NATO hôm 12/2, Bộ trưởng Hegseth đã bác bỏ khả năng triển khai quân đội Mỹ tới Ukraine. Tuy nhiên, Phó tổng thống Mỹ JD Vance trong cuộc phỏng vấn một ngày sau đó với
WSJ lại tuyên bố Mỹ sẽ xem xét phương án triển khai lực lượng quân sự tới Ukraine, cũng như áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Nga, nếu Tổng thống Putin không tham gia đàm phán hòa bình Ukraine một cách thiện chí và không đảm bảo độc lập lâu dài cho Ukraine.
Thông điệp bất nhất giữa Phó tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang tạo ra sự bối rối trên khắp châu Âu và nó càng được khuếch đại sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump với người đồng cấp Nga tuần qua.
Một quan chức EU tiết lộ cả NATO lẫn EU đều không được Washington báo trước về cuộc điện đàm Trump - Putin, tạo ra ấn tượng rằng châu Âu đang bị gạt ra bên lề trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Ukraine.
Theo quan điểm của Ukraine, một sứ mệnh quân sự chỉ có châu Âu tham gia sẽ không hiệu quả. "Mọi đảm bảo an ninh đều không thể thành công nếu thiếu người Mỹ", Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha hôm 13/2 cảnh báo.
Vũ Hoàng (Theo
AP, WSJ, Washington Post)