Chả tin được ai đâu. Trump cũng vậy.
VOV.VN - Trên thực địa, Nga đang xốc tới và giành thêm lãnh thổ của Ukraine. Ít dấu hiệu Nga sẽ xuống nước để ngồi vào bàn đàm phán hòa bình vào lúc này. Đã xuất hiện nhiều kịch bản với chi tiết Tổng thống đắc cử Mỹ Trump sẽ gia tăng viện trợ cho Kiev và tỏ thái độ cứng rắn với Moscow.
“Cây gậy và củ cà rốt” của ông Trump đối với Nga - Ukraine
Moscow và Kiev đều đề cao triển vọng nối lại hòa đàm trong những tuần gần đây dù rằng hai phía vẫn cách xa nhau trên những vấn đề chính. Trong bối cảnh ấy, các cố vấn của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã công khai hoặc bí mật tung ra nhiều đề xuất về chấm dứt
xung đột Nga - Ukraine với nội dung phía Ukraine phải chấp nhận nhượng một lượng lớn lãnh thổ cho Nga trong tương lai gần, theo phân tích của hãng tin Reuters về các tuyên bố của họ cũng như những cuộc phỏng vấn nhóm này.
Hỏa lực lựu pháo Nga. Ảnh: TASS.
Liên quan đến giải pháp chấm dứt xung đột Ukraine, hiện ông Trump có 3 cố vấn chủ chốt, bao gồm đặc phái viên dự kiến của ông Trump về vấn đề Nga - Ukraine, đó là tướng lục quân về hưu Keith Kellogg. Đề xuất của 3 cố vấn này có một số điểm chung, như việc loại trừ vấn đề Ukraine xin gia nhập NATO ra khỏi bàn đàm phán.
Các cố vấn này cũng đề xuất gây sức ép buộc cả Moscow và Kiev ngồi vào bàn đàm phán thông qua sách lược cây gậy và củ cà rốt. Cụ thể, họ đề xuất ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine nếu họ từ chối đàm phán, nhưng lại sẵn sàng tăng viện trợ quân sự cho nước này nếu Tổng thống Putin từ chối đóng băng xung đột.
Bản thân ông Trump nhiều lần cam kết chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 tiếng đồng hồ (ít nhất là ngay sau khi
nhậm chức tổng thống Mỹ) nhưng vẫn chưa đưa ra phương án cụ thể.
Giới phân tích và các cựu quan chức an ninh quốc gia bày tỏ nghi ngờ ông Trump đủ sức hoàn thành cam kết đó do tính phức tạp của xung đột Nga - Ukraine.
Xâu chuỗi các sự kiện, có thể vạch ra những đường nét chính trong kế hoạch hòa bình của ông Trump cho xung đột Ukraine.
Khả năng Nga chưa vội vã đàm phán
Giới phân tích và cựu quan chức Mỹ cho rằng ông Trump có thể rơi vào tình thế là Tổng thống Nga Putin từ chối thương lượng với Ukraine vì Nga đang có lợi thế, với tiềm năng giành thêm lãnh thổ nếu xung đột tiếp diễn.
Trong một phỏng vấn đăng tải trên tờ Izvestia hôm 4/12, Thư ký báo chí của điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho biết Nga “chưa thấy cơ sở cho đàm phán” chấm dứt xung đột với Ukraine.
Tổng thống Nga Putin và đội ngũ trợ lý hàng đầu của mình liên tục khẳng định Ukraine và các đối tác phương Tây phải chấp nhận “thực tế lãnh thổ mới” do Nga chiếm, bao gồm cả bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014.
Eugene Rumer - nguyên là nhà phân tích tình báo hàng đầu của Mỹ về, hiện là nghiên cứu viên của tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, đánh giá: “Ông Putin hiện không việc gì phải vội vàng cả”.
Theo ông Rumer, Tổng thống Putin không bộc lộ ông sẵn sàng từ bỏ các điều kiện do ông đặt ra cho một thỏa thuận đình chiến và đàm phán. Các điều kiện này bao gồm việc Ukraine rút lại ý định gia nhập NATO, đồng thời chấp nhận nhượng 4 tỉnh mà phía Nga đã tuyên bố sáp nhập dù chưa kiểm soát 100%.
Ông Rumer dự đoán Tổng thống Nga Putin đang chờ thời, giành thêm lãnh thổ và đợi xem liệu
ông Trump có đưa ra thêm nhượng bộ nào đủ sức hấp dẫn để ông chấp nhận đàm phán với Kiev.
Hồi tháng 5/2024, Reuters đưa tin rằng Tổng thống Putin sẵn lòng ngưng chiến bằng một lệnh ngừng bắn công nhận tiền tuyến hiện tại, nhưng sẽ tiếp tục xung đột nếu Kiev và phương Tây không có phản ứng thích hợp.
Hiện nay Nga kiểm soát được toàn bộ bán đảo Crimea, khoảng 80% vùng Donbass (gồm Donetsk và Lugansk) cũng như hơn 70% diện tích Zaporizhzhia và Kherson, cùng một phần nhỏ các tỉnh Mykolaiv và Kharkov của Ukraine.
Trên thực địa quân Nga tiếp tục tiến bước ở miền Đông Ukraine cũng như đánh đuổi dần lực lượng Ukraine ở tỉnh Kursk thuộc Nga. Mỹ cũng vừa công bố gói viện trợ quân sự mới nhất trị giá khoảng 750 triệu USD cho Kiev. Về phần mình, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố ông có kế hoạch chế tạo 30.000 UAV tầm xa trong năm 2025 để đối phó Nga.
Cách phản ứng rắn của chính quyền Mỹ tương lai
Tính đến tuần qua, ông Trump vẫn chưa triệu tập nhóm công tác để cụ thể hóa kế hoạch hòa bình của ông, theo 4 cố vấn giấu tên. Trong khi đó, phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho rằng “không thể bình luận về các tuyên bố cá nhân nếu thiếu vắng ý tưởng về một kế hoạch tổng thể”.
Tuy nhiên, một số cố vấn đã nêu ý tưởng của họ trên các diễn đàn công khai hoặc với ông Trump. Các vị cố vấn này cho biết, rốt cuộc một thỏa thuận hòa bình vẫn sẽ phụ thuộc tương tác cá nhân trực tiếp giữa các chính trị gia Mỹ Trump, Nga Putin và Ukraine Zelensky.
Một cựu quan chức an ninh quốc gia trong quá trình chuyển tiếp cho biết, có 3 đề xuất chính: Của tướng Keith Kellogg, của Phó Tổng thống đắc cử Mỹ JD Vance, và của cựu quyền trưởng tình báo của ông Trump, Richard Grenell.
Kế hoạch của tướng Kellogg (cùng đồng tác giả Fred Fleitz) kêu gọi đóng băng chiến tuyến Nga - Ukraine hiện nay. Kế hoạch này được trình lên ông Trump vào thời điểm trước đó trong năm nay (2024).
Theo kịch bản của nhóm Kellogg - Fleitz, ông Trump sẽ cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine nếu nước này đồng ý tham gia hòa đàm. Nhưng đồng thời, ông Trump có thể cảnh báo Nga rằng Mỹ sẽ gia tăng viện trợ cho Ukraine nếu Moscow từ chối đàm phán.
Ngoài ra, theo kịch bản này, phía Mỹ sẽ cung cấp các bảo đảm an ninh cho Ukraine, bao gồm tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine một khi Moscow và Kiev đạt được thỏa thuận ngừng chiến.
Liên quan đến vấn đề này, Sebastian Gorka - một trong những phó cố vấn an ninh quốc gia dự kiến của ông Trump, cho biết ông Trump đã nói với ông rằng mình sẽ buộc Tổng thống Nga Putin thương lượng. Theo đó, cách của ông Trump là dọa cung cấp vũ khí chưa từng thấy cho Ukraine nếu ông Putin từ chối đàm phán.
Trong khi đó, JD Vance chia sẻ một ý tưởng riêng biệt vào hồi tháng 9. Kế hoạch của ông này bao gồm một khu phi quân sự tại chiến tuyến hiện này. Ông Vance cho biết, khu phi quân sự đó sẽ được gia cố chắc chắn để ngăn chặn Nga vượt qua. Vị phó tổng thống Mỹ đắc cử này cũng gạt bỏ ý định của Ukraine muốn gia nhập NATO.
Con cựu Đại sứ Mỹ tại Đức, Grenell, hồi tháng 7 cổ xúy lập “những vùng tự trị” ở miền Đông Ukraine và không nêu thêm chi tiết. Theo ông này, việc Ukraine xin gia nhập NATO là không có lợi cho Mỹ.
Trung Hiếu/VOV.VN tổng hợp
Nguồn: Reuters, ABCNews