Cứ hù dọa nhau đã.
Iran và các lực lượng đồng minh đều đe dọa sẽ giáng đòn chí mạng vào Israel sau loạt vụ ám sát gần đây, khiến Tel Aviv đối mặt "vành đai lửa" mà Tehran đã dày công gây dựng.
vnexpress.net
Iran và các lực lượng đồng minh đều đe dọa sẽ giáng đòn chí mạng vào Israel sau loạt vụ ám sát gần đây, khiến Tel Aviv đối mặt "vành đai lửa" mà Tehran đã dày công gây dựng.
Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah ngày 1/8 tuyên bố cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ của nhóm vũ trang này với Israel đã bước sang "giai đoạn mới" nguy hiểm hơn. Lời cảnh báo được đưa ra sau khi Fuad Shukr, cánh tay phải của ông Nasrallah, thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel ở Beirut, Lebanon.
Một ngày trước đó, quan chức cấp cao của Hamas tuyên bố lựa chọn duy nhất của nhóm vũ trang này là "máu và sự phản kháng", sau khi thủ lĩnh chính trị Ismail Haniyeh bị ám sát tại Tehran.
Dù Israel chưa lên tiếng về sự việc, Hamas và Iran cáo buộc Tel Aviv đứng sau vụ ám sát. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei cho biết Israel đã tự đặt mình vào "sự trừng phạt khắc nghiệt" sau cái chết của Haniyeh. Ông Khamenei được cho là đã ra lệnh cho các lực lượng Iran lên phương án "tấn công trực tiếp" vào Israel để báo thù cho thủ lĩnh Hamas.
Yaakov Amidror, chuyên gia cấp cao tại Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem ở Israel, cho hay nước này đang phải đối mặt với "vành đai lửa" mà Iran đã dày công xây dựng từ những lực lượng phản kháng khắp khu vực Trung Đông. Vành đai này đang dần siết chặt và có thể tung đòn tấn công hiệp đồng vào Israel bất cứ lúc nào.
Quân đội Israel đang trong tình trạng báo động cao khi có nhiều đồn đoán rằng Iran và các đồng minh có thể đáp trả mạnh mẽ sau khi lễ tang của Haniyeh ở Qatar kết thúc ngày 2/8. Nhiều tin đồn nói rằng Tehran thậm chí sẽ tiến hành đợt tấn công lớn hơn cả cuộc không kích bằng tên lửa và UAV vào Israel hồi tháng 4.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 1/8 cảnh báo bất kỳ ai gây tổn hại cho Tel Aviv đều phải "trả giá rất đắt".
Thành viên Hamas cầm ảnh thủ lĩnh chính trị Ismail Haniyeh trong cuộc biểu tình phản đối vụ ám sát ở Tyre, Lebanon ngày 31/7. Ảnh:
AP
Tel Aviv đã chiến đấu chống Hamas trong gần 10 tháng kể từ khi nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn bất ngờ tấn công miền nam Israel đầu tháng 10/2023. Các lực lượng khác thuộc "Trục Kháng chiến" do Iran hậu thuẫn cũng đã có nhiều hành động để thể hiện sự ủng hộ với Hamas.
Israel nhiều tháng qua bị Hezbollah liên tục tập kích ở biên giới phía bắc với Lebanon, trong khi lực lượng Houthi ở Yemen và dân quân Shiite ở Iraq, Syria cũng gây bất ổn cho vùng lãnh thổ ở Bờ Tây.
"Những ngày đầy thách thức đang ở phía trước. Sau cuộc tập kích ở Beirut, chúng tôi đã nghe thấy những lời đe dọa từ mọi phía. Chúng tôi đã chuẩn bị cho mọi tình huống và sẽ đoàn kết, quyết tâm chống lại mọi mối đe dọa. Israel sẽ đòi một cái giá rất đắt cho những hành động gây tổn hại cho chúng tôi từ bất kỳ phe phái nào", ông Netanyahu nói trong cuộc họp báo ở Tel Aviv ngày 31/7.
Bộ Tư lệnh Mặt trận Nội địa, cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn cách đảm bảo an toàn cho dân thường Israel, hiện vẫn khuyến nghị người dân duy trì thói quen sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, nỗi bất an vẫn hiện hữu.
"Iran có nhiều lựa chọn để trả đũa", tướng về hưu Yossi Kuperwasser, chuyên gia tại Viện An ninh Quốc gia Misgav của Israel, nói. "Tất cả các bên đều hiểu rằng khả năng xung đột trở thành chiến tranh khu vực là không nhỏ, dù mọi người đều nói rằng họ không quan tâm đến điều này".
Israel và Iran đã tham gia "cuộc chiến ngầm" chống lại nhau hàng thập kỷ qua. Quân đội Israel được cho là đứng sau hàng trăm cuộc không kích vào các mục tiêu của Iran ở Trung Đông. Iran cũng bị cáo buộc thực hiện nhiều cuộc tấn công vào tàu chở dầu do Israel vận hành, cũng như cung cấp vũ khí cho các lực lượng dân quân trong khu vực.
Cuộc chiến tranh ngầm chứng kiến bước ngoặt vào tháng 4, khi Tehran thực hiện cuộc tấn công trực diện chưa từng có vào lãnh thổ Israel với hơn 300 tên lửa và UAV tự sát. Iran tuyên bố mục đích là trả đũa cuộc không kích của Israel vào lãnh sự quán nước này ở Syria. Đây là lần gần nhất hai nước đứng bên bờ xung đột trực tiếp sau nhiều thập kỷ căng thẳng.
"Điều này đánh dấu giai đoạn mới trong xung đột giữa Israel và Iran. Ngay từ thời điểm phương án này được thêm vào danh sách biện pháp ứng phó, nó sẽ dễ được tái sử dụng nhiều hơn", tiến sĩ Raz Zimmt, chuyên gia tại Trung tâm Liên minh về Nghiên cứu Iran thuộc Đại học Tel Aviv, nói.
Hệ thống Vòm Sắt của Israel ở vùng Thượng Galilee đánh chặn rocket phóng từ miền nam Lebanon ngày 15/7. Ảnh:
AFP
Chuyên gia này thêm rằng khả năng Iran không đáp trả Israel sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas là rất thấp. Tiến sĩ Zimmt cho rằng lần này Iran có khả năng vẫn sử dụng UAV và tên lửa hành trình, song có thể sẽ thực hiện "trên phạm vi rộng hơn" thay vì phát động từ cùng một khu vực như hồi tháng 4.
Theo Ibrahim Al-Marashi, giáo sư về lịch sử Trung Đông tại Đại học San Marcos ở California, Mỹ, mỗi lần Israel bị cáo buộc tiến hành một vụ ám sát thủ lĩnh cấp cao các nhóm vũ trang thuộc "Trục Kháng chiến", tình hình an ninh khu vực lại diễn biến tồi tệ hơn.
Năm 1992, lãnh đạo Hezbollah Abbas al-Musawi cùng vợ và con trai 6 tuổi bị ám sát ở miền nam Lebanon. Sự việc chỉ khiến Hezbollah có lập trường cứng rắn hơn với Israel.
Nasrallah, người kế nhiệm al-Musawi, đã tăng cường đáng kể quyền lực và ảnh hưởng của Hezbollah trong khu vực. Dưới sự lãnh đạo của Nasrallah và cấp phó Fuad Shukr, lực lượng Hezbollah có thêm nhiều vũ khí hiện đại hơn, từ tên lửa dẫn đường chính xác cho tới rocket tầm xa, gia tăng đáng kể áp lực với Israel.
"Nếu Israel bị kéo vào xung đột lớn hơn với Iran, mối đe dọa từ Hezbollah cũng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn", tiến sĩ Zimmt nói, đồng thời cảnh báo Israel sẽ phải đối mặt với nhiều mối đe dọa cùng lúc từ nhiều mặt trận.
Nếu hồi tháng 4, Israel chỉ tập trung chống lại đòn tập kích từ Iran, Tel Aviv lần này có thể phải đối phó thêm Houthi và Hezbollah. Houthi từ lâu vẫn muốn trả đũa các cuộc tấn công tháng trước của Israel vào cảng Hodeida huyết mạch của lực lượng này tại Yemen.
Trong khi Iran được coi là kẻ thù không đội trời chung, Hezbollah được coi là mối đe dọa đáng gờm và trực tiếp nhất với Israel. Sau nhiều tháng giao tranh biên giới, lần này có thể là bước ngoặt cho cuộc đối đầu giữa họ. Giới phân tích quốc phòng ước tính Hezbollah có khoảng 150.000 tên lửa và rocket, cùng hàng nghìn tay súng được huấn luyện bài bản sẵn sàng tấn công Israel.
Hệ thống phòng không hiện đại của Israel có thể sẽ gặp khó khăn khi phải chống đỡ hàng nghìn rocket mỗi ngày nếu xảy ra chiến tranh với Hezbollah, theo giới quan sát.
Helima Croft, nhà phân tích chính trị và từng là cựu quan chức an ninh Mỹ, cho biết phản ứng đồng loạt từ các lực lượng trong "vành đai lửa" sẽ gia tăng đáng kể tăng rủi ro với Israel, so với đòn tập kích đơn lẻ từ Iran hồi tháng 4.
"Các sự kiện trong vài ngày qua có thể gây ra điểm mù, ở đó các bên không thể nhận ra lằn ranh đỏ của mình, dẫn đến nguy cơ tính toán sai lầm tăng cao", Croft cảnh báo.
Khi nguy cơ xung đột ngày một lớn, Israel cho biết họ đã chuẩn bị cho mọi tình huống.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và cơ quan tình báo Shin Bet tin rằng Hamas sẽ tìm cách tập kích rocket từ Gaza vào miền trung và nam Israel. Tuy nhiên, họ tin cuộc tấn công này chỉ mang tính biểu tượng vì khả năng sản xuất và khai hỏa rocket của nhóm đã bị suy yếu nghiêm trọng sau gần 10 tháng xung đột.
Ngoài ra, Israel cũng cho rằng Hamas có thể tìm cách lôi kéo người Palestine ở Bờ Tây tham gia cuộc đối đầu với IDF, cũng như kêu gọi các tổ chức trả thù cho cái chết của thủ lĩnh Hanieyh.
Tại phía bắc, cơ quan an ninh Israel cũng chuẩn bị cho khả năng hứng chịu các đợt pháo kích lớn từ Lebanon và Hezbollah sẽ khai hỏa sâu hơn vào lãnh thổ nước này. Do đó, quân đội Israel đã mở rộng lưới phòng không ở phía bắc, đông và nam đất nước. Ngay từ trước vụ ám sát quan chức cấp cao của Hezbollah, IDF đã tăng cường tuyển mộ nhân sự cho lực lượng phòng không, tình báo và chỉ huy mặt trận nội địa, cùng nhân viên y tế.
Vị trí Israel và các nước ở Trung Đông. Đồ họa:
CNN
Quân đội Mỹ cũng đang tích cực chuẩn bị ứng phó với nguy cơ Israel hứng chịu đòn đáp trả từ "vành đai lửa".
"Nếu Israel bị tấn công, chúng tôi chắc chắn sẽ giúp bảo vệ họ. Các bạn đã thấy chúng tôi làm điều đó hồi tháng 4 và có thể sẽ thấy điều đó lần nữa", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói ngày 31/7.
Bộ trưởng Austin đã lệnh triển khai thêm tàu khu trục và tàu tuần dương, có khả năng mang tên lửa đạn đạo tấn công và phòng thủ, đến Trung Đông và châu Âu. Mỹ cũng đang gửi thêm một phi đội chiến đấu cơ tới Trung Đông. Lầu Năm Góc cũng đang tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa trên bộ, theo phát ngôn viên Sabrina Singh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói chuyện với Thủ tướng Netanyahu, khẳng định cam kết của Washington với an ninh của Tel Aviv, "chống lại mọi mối đe dọa từ Iran, các nhóm ủy nhiệm Hamas, Hezbollah và Houthi".
Nhà Trắng cho biết ông Biden đã thảo luận về nỗ lực hỗ trợ phòng thủ cho Israel, gồm cả chống lại tên lửa đạn đạo và UAV, cũng như triển khai lực lượng phòng thủ mới của Mỹ.
Khi Iran chuẩn bị tung đợt tấn công dữ dội vào Israel hồi tháng 4, họ đã công khai thông tin rõ ràng tới mức truyền thông Israel có thể đếm ngược thời gian để người dân rời khỏi nhà và tới nơi trú ẩn.
"Họ muốn mọi người đều biết về đòn tập kích đó. Nhưng lần này thì không", một quan chức Mỹ nói.