Các cụ bấm vào link để xem clip "mổ xẻ".
Truyền thông Nga công bố video chuyên gia nước này mổ xẻ, phân tích cụm thiết bị dẫn đường bên trong tên lửa đạn đạo ATACMS mà Ukraine sử dụng.
vnexpress.net
Truyền thông Nga công bố video chuyên gia nước này mổ xẻ, phân tích cụm thiết bị dẫn đường bên trong tên lửa đạn đạo ATACMS mà Ukraine sử dụng.
"Cụm thiết bị dẫn đường của tên lửa có ba con quay hồi chuyển laser vòng, cho phép quả đạn duy trì quỹ đạo đã định", chuyên gia Nga cho biết trong video công bố ngày 1/7. "Ngoài ra, hệ thống này có một ăng-ten GPS để điều chỉnh đường bay của quả đạn ở pha đầu và pha cuối".
Video cho thấy cụm thiết bị dẫn đường của tên lửa ATACMS còn tương đối nguyên vẹn, dường như được tháo từ một phần quả đạn mà lực lượng Nga thu được. Chuyên gia Nga cho biết họ có thể dựa vào cụm thiết bị này để phân tích hoạt động của tên lửa trong suốt quá trình bay.
Con quay hồi chuyển laser vòng (RLG) là hệ thống đo đạc hoặc duy trì phương hướng, sử dụng tia laser thay cho bánh xe hoặc đĩa quay như hệ thống cơ học.
RLG hoạt động trên cơ sở hiệu ứng Sagnac, trong đó hai tia laser cùng bước sóng và đồng pha được chiếu ngược nhau vào gương phản xạ và đến gương bán phản xạ.
Khi RLG quay, tia laser đi theo chiều quay phải vượt qua quãng đường dài hơn nên có tần số thấp hơn, tia chiếu hướng ngược lại đi qua quãng ngắn hơn và có tần số cao hơn. Tốc độ quay được tính toán dựa trên những khác biệt này.
Theo cựu đại tá Nga Viktor Litovkin, các chuyên gia nước này "sẽ phân tích toàn bộ dữ liệu và tìm ra cách tên lửa ATACMS bay, cũng như cách quả đạn được dẫn đường đến mục tiêu thông qua hệ thống GPS, vệ tinh hay máy bay không người lái (UAV) cỡ lớn".
Các mảnh vỡ tên lửa ATACMS cũng có thể cung cấp thông tin về ưu và nhược điểm của quả đạn, thành phần nhiên liệu trong động cơ đẩy, cách cánh lái hoạt động, cách quả đạn định hướng và nhiều chi tiết khác.
Sau khi kiểm tra các bộ phận của ATACMS, chuyên gia Nga có thể đưa ra khuyến nghị cho quân đội về cách đánh chặn quả đạn hiệu quả hơn bằng hệ thống phòng không, cũng như cách dùng tổ hợp tác chiến điện tử gây nhiễu hệ thống dẫn đường trên đó.
"Sau khi nghiên cứu hoàn tất, quân đội Nga có thể xác định vị trí bệ phóng và tên lửa nhanh hơn, giúp họ đánh chặn quả đạn và thậm chí có thể tấn công bệ phóng", ông Litovkin cho biết.
Lục quân Mỹ thử tên lửa ATACMS tại thao trường White Sands, bang New Mexico tháng 12/2021. Ảnh:
US Army
Chuyên gia quân sự Nga Alexander Mikhailov nhận định video không cho thấy toàn bộ tên lửa ATACMS, nên ông cho rằng cụm thiết bị dẫn đường này có thể được Nga lấy từ quả đạn bị phòng không bắn hạ.
Theo ông, con quay hồi chuyển laser vòng là sản phẩm đòi hỏi trình độ kỹ thuật rất cao. Chỉ ba quốc gia trên thế giới có khả năng sản xuất thiết bị này ở quy mô công nghiệp là Mỹ, Pháp và Nga.
"Điều quan trọng là cụm thiết bị này hiệu chỉnh đường bay cho tên lửa ATACMS bằng tín hiệu GPS, cho thấy hệ thống dẫn đường GPS của Mỹ định hướng cho các quả đạn", ông Mikhailov nói. "Nếu vệ tinh Mỹ không tham gia dẫn đường, ATACMS sẽ không phải tên lửa có độ chính xác cao".
Ông Mikhailov cho biết mảnh vỡ tên lửa ATACMS không chỉ cung cấp cho các chuyên gia Nga thông tin về linh kiện bên trong quả đạn, mà còn cho phép họ xác định kênh liên lạc và cách điều khiển tên lửa. Từ đó, các chuyên gia Nga có thể hiểu nguyên tắc nào giúp tên lửa ATACMS có độ chính xác cao.
Ông Litovkin tuyên bố Nga đang gửi thông điệp rằng "công nghệ quân sự phương Tây không còn là bí mật và chúng tôi ngày càng tìm ra nhiều cách chống lại chúng". "Chúng tôi đã cho mọi người thấy 'thuốc giải' đối với những loại thiết bị quân sự mà phương Tây ca ngợi, quảng bá nhiều nhất", ông nói.
"Phương Tây nên biết rằng mọi nỗ lực của họ đều là vô ích, vũ khí và biện pháp đối phó của Nga hiệu quả hơn nhiều so với xe tăng, tên lửa và súng pháo của phương Tây", Litovkin tuyên bố. "Đây là tín hiệu gửi cho toàn thế giới rằng vũ khí phương Tây không thể sánh được với sản phẩm Nga".
Mỹ đầu tháng 4 bí mật chuyển giao tên lửa chiến thuật ATACMS với tầm bắn 300 km cho Ukraine. Kiev sau đó nhiều lần dùng vũ khí này để tấn công mục tiêu trên bán đảo Crimea và các khu vực khác nằm sâu trong khu vực Nga kiểm soát.
Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa:
WP