Dạo này U cà có vẻ có nhiều đạn pháo để xài.
Dù drone đang được sử dụng với tần suất lớn, pháo vẫn là vũ khí chủ đạo trong xung đột tại Ukraine, có thể quyết định cục diện chiến trường.
vnexpress.net
Dù drone đang được sử dụng với tần suất lớn, pháo vẫn là vũ khí chủ đạo trong xung đột tại Ukraine, có thể quyết định cục diện chiến trường.
Trong gần 30 tháng xung đột, quân đội Nga và Ukraine đã áp dụng các chiến thuật mới và triển khai nhiều công nghệ hiện đại để có thể giành được lợi thế quyết định trên chiến trường. Dù vậy, một điều không thay đổi là sự phụ thuộc của cả hai phía vào pháo binh.
Được mệnh danh là "vua chiến trường", đây là vũ khí đã gây ra phần lớn thiệt hại cho lực lượng hai bên trong cuộc xung đột. Binh sĩ Nga hiện khai hỏa khoảng 10.000 viên đạn pháo mỗi ngày, còn với Ukraine là tầm 2.000 viên.
Cả Nga và Ukraine đều áp dụng học thuyết quân sự "tiền pháo hậu xung" từ thời Liên Xô, trong đó ưu tiên sử dụng pháo binh với mật độ cao để "làm mềm" mục tiêu trước khi cho bộ binh tiến lên.
Pháo tự hành CAESAR của Ukraine trong bức ảnh đăng năm 2022. Ảnh:
Văn phòng tư lệnh quân đội Ukraine
Hai bên đều tập trung bố trí pháo binh ở các khu vực quan trọng, nơi họ có thể thuận lợi bắn phá mục tiêu đối phương. Triển khai pháo binh hợp lý là một trong những lý do chính giúp quân đội Ukraine gây được nhiều tổn thất cho đối phương trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, cũng như giúp Nga chặn đứng cuộc phản công quy lớn của Ukraine mùa hè năm ngoái.
Lực lượng Ukraine hiện bố trí pháo binh trong và xung quanh các thành trì chiến lược ở Lugansk, Donetsk và Kharkov, nhằm giữ vững phòng tuyến tại đây thêm ít nhất 6 tháng. Họ đã củng cố chúng bằng cách xây dựng các hàng rào chướng ngại vật có pháo binh yểm trợ, hy vọng điều này có thể ngăn chặn các cuộc xung kích bằng tăng thiết giáp của Moskva.
"Kết quả là quân đội Nga đã phải ngừng sử dụng tăng thiết giáp để tấn công quy mô lớn, chuyển sang triển khai bộ binh xung kích theo từng nhóm nhỏ. Chiến thuật này chưa đạt nhiều thành công và đã gây ra thương vong lớn cho Moskva", Vikram Mittal, phó giáo sư tại Học viện Lục quân West Point của Mỹ, cho biết.
Ở chiều ngược lại, quân đội Nga cũng đang dội mưa đạn pháo nhằm phá hủy phòng tuyến Ukraine. Moskva còn sử dụng pháo binh để hỗ trợ các cuộc xung kích của bộ binh, do đạn pháo dày đặc khiến lực lượng Ukraine buộc phải ẩn nấp, không thể bảo vệ vị trí phòng thủ một cách hiệu quả.
Cả Nga và Ukraine đều sở hữu rất nhiều lựu pháo. Kho pháo của Kiev rất đa dạng, gồm từ các dòng sản xuất dưới thời Liên Xô như 2S3 Akatsiya cho đến các mẫu hiện đại hơn do NATO cung cấp, như M109 Paladin của Mỹ, AS-90 của Anh và CAESAR của Pháp. Ukraine cũng đang tự sản xuất lựu pháo 2S22 Bohdana với một phần nguồn vốn được lấy từ viện trợ nước ngoài.
Một thách thức mà Ukraine đang phải đối mặt là pháo do NATO cung cấp sử dụng loại đạn khác với các dòng của Đông Âu, khiến Kiev phải phụ thuộc vào nguồn cung đạn pháo từ phương Tây. Các gói viện trợ mới nhất của Mỹ, Anh dành cho Ukraine bao gồm rất nhiều đạn pháo chuẩn NATO cùng với các khẩu pháo AS-90 and M109 Paladin bổ sung.
Trong khi đó, quân đội Nga hiện có nhiều pháo hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Mỹ, cường quốc quân sự số một, ước tính có số lượng pháo ít hơn 3 lần so với Nga. Moskva sở hữu từ các dòng lựu pháo tự hành sản xuất thời Liên Xô như Msta-S cho đến các hệ thống mới hơn như 2S33 Msta-SM2.
Thành viên Lữ đoàn 92 Ukraine lắp đạn vào pháo tự hành M109 gần Vovchansk hôm 20/5. Ảnh:
Reuters
Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã xây dựng một mạng lưới cung ứng đạn pháo rộng lớn với khả năng sản xuất khoảng 250.000 viên mỗi tháng, đủ để đáp ứng nhu cầu của quân đội tại Ukraine.
Kể từ đầu xung đột, quân đội Nga và Ukraine đã triển khai nhiều loại vũ khí ngoài đạn pháo, trong đó thiết bị bay không người lái (drone) đã nhanh chóng trở nên phổ biến nhờ có giá thành rẻ, dễ sản xuất, sức sát thương lớn.
Tuy nhiên, drone và các loại đạn dẫn đường đang mất dần hiệu quả do bị tác chiến điện tử gây nhiễu. Tham mưu trưởng lục quân Pháp Pierre Schill tháng trước nhận định lợi thế mà drone đang có trên chiến trường ở Ukraine chỉ mang tính "thời điểm" và sẽ không kéo dài, trong bối cảnh hai bên đang tích cực phát triển các phương án đối phó như thiết bị phá sóng.
Trong khi đó, đạn pháo thông thường không chứa linh kiện điện tử nên hoàn toàn "miễn nhiễm" với các biện pháp gây nhiễu, giúp nó trở thành vũ khí đáng tin cậy để tập kích đối phương.
"Trong bối cảnh tác chiến điện tử được kỳ vọng sẽ đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong cuộc chiến, cả hai bên có thể sẽ quay lại sử dụng pháo binh truyền thống nhiều hơn nữa", Mittal nhận định.
Pháo PzH 2000 của Lữ đoàn 43 Ukraine khai hỏa về phía lực lượng Nga tại Donetsk hôm 4/5. Ảnh:
Reuters
Ngoài nhiệm vụ tấn công tự sát, drone cũng đang được sử dụng làm nhiệm vụ phát hiện mục tiêu cho pháo binh. Sau khi chuyển tọa độ cho tổ vận hành để tấn công, nó sẽ tiếp tục quan sát cuộc tập kích từ trên cao, cung cấp thông tin để hiệu chỉnh đường ngắm và đánh giá thiệt hại của đối phương. Chiến thuật này giúp tăng tầm bắn hiệu quả của pháo binh mà không cần phải cử lính trinh sát đến gần mục tiêu.
"Drone đang ngày càng hoạt động một cách tự chủ hơn và quy trình gọi pháo bắn cũng đang được tự động hóa hơn, giúp hoạt động tập kích thêm phần hiệu quả", Mittal cho biết. "Khi cuộc xung đột tiếp diễn, hai bên chắc chắn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào pháo binh như một phần quan trọng trong chiến lược quân sự của họ".