TP HCM chuẩn bị gần 17.000 tỷ đồng cho hơn 7.000 nhân sự diện tinh giản
17.000 tỷ đồng bao gồm khoản hỗ trợ tăng thêm của TP HCM và theo Nghị định 178 dành cho 7.159 cán bộ, công chức, người lao động bị tinh giản, nghỉ hưu trước tuổi.
Đó là nội dung trong tờ trình của UBND TP HCM gửi HĐND thành phố quy định chế độ hỗ trợ thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp tổ chức bộ máy. Dự kiến tờ trình được HĐND TP HCM xem xét tại kỳ họp ngày 20/2.
Nếu được thông qua, người làm khu vực công ở TP HCM nhận hai chế độ hỗ trợ bên cạnh chính sách theo Nghị định 178 quy định chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Căn cứ tính hỗ trợ là lương hiện hưởng và số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Để đảm bảo nguồn kinh phí khi triển khai hỗ trợ, TP HCM tính dựa trên trường hợp nhận mức tối đa là một chuyên viên, bậc lương 9, hệ số 4,98 và hai loại phụ cấp tổng 30%, đã đóng bảo hiểm xã hội 30 năm và còn 5 năm đến tuổi hưu. Theo Nghị định 178, người này nhận hơn 1,575 tỷ đồng và theo chính sách hỗ trợ thêm của TP HCM là trên 1,1 tỷ đồng. Tổng dự kiến mức hỗ trợ là gần 2,7 tỷ đồng
Căn cứ vào mức cao nhất này, ngân sách TP HCM cần đảm bảo hơn 16.789 tỷ đồng để hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tinh giản.
Với người phụ trách công tác đảng tại các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, TP HCM tính dựa trên trường hợp nhận mức tối đa 30 năm tham gia bảo hiểm xã hội. Với 418 người, tổng kinh phí dự kiến hơn 186 tỷ đồng.
Tương tự với cách tính này trường hợp được hưởng cao nhất, tổng số tiền ngân sách chi cho 450 trường hợp không đủ điều kiện tái cử là gần 37 tỷ đồng.
Như vậy, dự kiến tổng ngân sách cần đảm bảo để TP HCM triển khai thực hiện chế độ hỗ trợ thêm cho cán bộ bị tinh giản gần 17.000 tỷ đồng.
Thành phố tính toán có 7.159 nhân sự nhận hỗ trợ. Trong đó 521 cán bộ, công chức, viên chức khối Đảng; cán bộ, công chức (không bao gồm cấp xã) là 2.015 người; viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 2.767 người. Cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết 1278 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 988 người; 418 người phụ trách công tác đảng tại các doanh nghiệp nhà nước bị dôi dư sau sắp xếp và 450 trường hợp không đủ điều kiện tái cử, bổ nhiệm.
Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc theo quy định tại Nghị định 178 còn dưới 2 năm công tác so với tuổi nghỉ hưu được trợ cấp thêm 12 tháng lương; trợ cấp thêm 6 tháng lương cho 20 năm đầu; từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm được trợ cấp thêm 1/2 tháng lương.
Người còn đủ 2 năm cho đến đủ 5 năm công tác so với tuổi nghỉ hưu được trợ cấp thêm 12 tháng lương; trợ cấp thêm 6 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 6 tháng lương cho 20 năm đầu; từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm được trợ cấp thêm 1/2 tháng lương.
Người còn trên 5 năm đến đủ 10 năm so với tuổi nghỉ hưu được trợ cấp thêm 12 tháng lương; trợ cấp thêm 5 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 6 tháng lương cho 20 năm đầu; từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm được trợ cấp thêm 1/2 tháng lương.
Trường hợp là người quản lý doanh nghiệp nhà nước, cán bộ chuyên trách công tác đảng công tác tổng công ty, công ty do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải nghỉ sắp xếp tổ chức đảng được hỗ trợ thêm 3 tháng lương tối thiểu vùng cho mỗi năm công tác.
Như vậy số tiền 1 người nhận được là trên 1 tỉ đến cao nhất là 2.7 tỉ cho thời gian nghỉ hưu trước 5 năm. Một con số cũng ấm lòng chiến sĩ đấy nhỉ. Nhất là ở những vị trí công tác không "cá kiếm" được thêm gì
5 năm về hiu trước thì xin chân bảo vệ hoặc làm gì đó lao động chân tay (đối với lao động có kĩ năng đơn giản ở các cơ quan nhà nước), còn không thì xin việc tiếp vẫn ok
Em biết có bà cô làm kế toán ở bộ công thương, nghỉ hưu đầu năm ngoái, cuối năm đã thấy bà ấy làm kế toán trưởng của 1 công ti liên doanh nhật bản. Ngon choét