Thân mến chào các bác. Có lẽ trên diễn đàn này em là người non nớt, mới chập chững (2018 em mới tham gia). Kính mong các bậc cao minh phủ chính!
Từ thời SV em đã có thú chơi đồng hồ cơ khí cổ, trong đó có đồng hồ oDobez. Mạn phép các bác em có đôi lời gọi là tham vấn cho bạn đang muốn mua đồng hồ quả lắc oDo (trong thời buổi sự trung thực trở nên hiếm hoi, và rất khó tìm thấy. Thường là hàng dựng lại, non tuổi sau này, hoặc là râu ông nọ cắm vào cằm của bà kia...):
Muốn chơi đồng hồ cổ bạn cần phải có kiến thức về cơ khí chính xác, về lịch sử và cơ cấu hoạt động của những cỗ máy thời gian; Bởi đó là tinh hoa cơ khí và là sự kế thừa những thành quả của cuộc CMKHKT lần thứ nhất. Nếu không tìm hiểu kỹ lưỡng mà chỉ tin vào những lời đồn đoán, quảng cáo làm hàng thì tiền mất tật mang là điều không tránh khỏi!... thời buổi vàng thau lẫn lộn!!!!!... nếu không có kiến thức thì phải trả học phí rất đắt đã đành còn thêm chuốc lấy bực mình và mất thì giờ!...
Để chọn một chiếc đồng hồ cổ, bạn cần phải chú ý đầu tiên đó là Máy: đây là Trái Tim (Heart) của một chiếc đồng hồ, nó quyết định đến việc có chạy đúng giờ và duy trì hoạt động tốt, có đủ lực tạo ra âm thanh hay hay không. Máy khỏe, nguyên bản, cót gốc của nó sẽ cho lực đánh chuông tốt nhất, trường độ các nốt nhạc đĩnh đạc khoan thai, chạy trơn chu cả nhạc và giờ. Vách máy ở các ổ trục phải không được có dấu hiệu tu dồn hoặc xử lý lỗi. Máy phải “khôn”, xuống màu đồng đều. Nếu có 1 chi tiết nào màu sáng hơn bất thường thì phải nghĩ ngay đến điều có thể đã bị thay thế ,đồ chế (chúng ta tự làm).
Sau khi đã kiểm tra máy xong, bạn kiểm tra đến Col (Gongs). Nó như Tâm Hồn (Soul) của chiếc đồng hồ vậy. Một trái tim khỏe và có tâm hồn đẹp cộng thêm cái dáng đẹp (vỏ thùng) nữa là đã hội tụ được những tiêu chí: nhất Dáng, nhị Da, tam Toàn, tứ Tuổi rồi. Gongs càng dài cho âm thanh càng mượt mà, thánh thót ngân nga. Bộ Gongs cần phải sáng, gỉ hoen gỉ hoét thì sẽ bị mất âm. Phần đầu Gongs không có dấu hiệu cạy phá hoặc đóng lại. Nếu thấy toe toét như bãi chiến trường thì chắc chắn đã bị làm lại rồi. Với các bộ Gongs làm lại hoặc nâng thì âm thanh không còn hay như nguyên bản nữa.
Tiếp đến bạn lắp máy vào, cho đánh nhạc thử: thường cho chơi bản Westminster trước. Đây là bản kinh điển mà hầu hết các hãng sản xuất đồng hồ nhạc đều chơi. Âm thanh cần đều, trường độ nốt ổn định, không giật cục. Ở đây mình chỉ nói là ổn định vì có thể phụ thuộc vào đầu cót hay cuối cót. Nếu thấy vấp váp chứng tỏ hệ thống bánh răng hoặc quả gai có vấn đề, bạn cần kiểm tra lại thật kỹ lưỡng.
Nếu là đồng hồ nhiều Gongs, ví dụ các loại 10 Gongs như: đồng hồ oDo 62-10, 54-10, 57-10, 30-10, 36-10, đồng hồ Vedette 10 Gongs, Junghan 10 Gongs… bạn có thể kiểm tra bài 2, như Coucou Valse (Gai), AVE, TRINITY… Loại 8 Gongs thì chỉ chơi 1 bản nhạc Westminster và thường là chuông điểm giờ là chuông đơn. Nói chung nên kiểm tra đủ các bài, trơn chu không vấp là được.
Vỏ thùng: là cái ta nhìn thấy đầu tiên cơ mà lại nên kiểm tra cuối cùng. Đơn giản vì nó không quan trọng bằng các yếu tố trên, hoàn toàn có thể thay thế được.
Nhà mình có 2 cái đồng hồ oDo lâu lắm rồi đều có 10 Gongs chơi 2 bản nhạc là Westminster và Coucou valse (Gai), chuông điểm giờ là chuông kép (Bing Boong). Trong 3 ổ cót thì lên ổ nào trước cũng được: Ổ cót thấp nhất bên dưới trục kim là ổ chạy giờ; Còn 2 ổ trên, ổ cót bên phải là nhạc điểm 15', 30', 45' và chẵn giờ, ổ cót bên trái là chuông điểm giờ Bingboong (Chuông kép). Lưu ý khi treo đồng hồ quả lắc, nếu Ngựa mà lệch thì có treo cân cũng muôn đời không chạy, nguyên nhân là ở đó nên dẫn đến chết vặt, hoặc máy chạy không hết cót. Bạn cần cân chỉnh ngựa làm sao để quả lắc đưa qua đưa lại phải có tiếng "Tick Touck" đều. Còn đêm không muốn nó đánh chuông thì gần quả lắc nó có 2 cần gạt ngắt vồ không cho nện (gõ) vào Gongs, như vậy nó chỉ chạy giờ mà không có chuông không lo mất ngủ...
Trong không gian và thời gian của đất trời chuẩn bị mừng Xuân mới, trước thời khắc "Tống cựu nghênh tân", chuyển giao năm cũ. Bất chợt văng vẳng bên tai âm thanh thánh thót của tiếng chuông đồng hồ vừa tinh tế vừa ngọt ngào, trầm hùng nhưng mềm mại, mùa đông giá rét mà ấm áp tự tin, sâu lắng và nhẹ nhàng thả vào không gian rồi đĩnh đạc, khoan thai điểm giờ báo hiệu Xuân sang, thật là thời khắc không bút sách và ngôn từ nào diễn tả nổi. Mỗi khi đồng hồ đổ chuông giống như những lời cảnh tỉnh, báo nhắc chúng ta dù cuộc sống bon chen, xô bồ... cũng nên cần một chút lắng đọng lại; suy xét, chiêm nghiệm thấu đáo về những gì đã qua, những việc đã, đang và sẽ làm.... Có như vậy cuộc sống mới bớt đi những vấp váp, lầm lạc. Làm sao để cuộc đời này thật ý nghĩa và không có điều gì phải nuối tiếc khi nhắm mắt xuôi tay về với đất mẹ.... Chiếc đồng hồ thân yêu và thủy chung như đang nhẹ nhàng kể cho chúng ta nghe câu chuyện cổ tích về thời gian và cuộc đời của mỗi người.....
Vài dòng chia sẻ. Cảm ơn các bác, các bạn đã dành thời gian. Chào thân ái!
Cuộc sống vốn dĩ rất ngắn ngủi...
Muốn biết ý nghĩa của 1 thiên niên kỉ, hãy hỏi những người làm lịch.
Muốn biết ý nghĩa của 1 thế kỉ, hãy hỏi những nhà sử học.
Muốn biết ý nghĩa của 1 thập kỉ, hãy hỏi những nhà kinh tế.
Muốn biết ý nghĩa của 1 năm, hãy hỏi những sĩ tử vừa thi trượt ĐH.
Muốn biết ý nghĩa của 1 tháng, hãy hỏi bà mẹ vừa sinh con thiếu tháng.
Muốn biết ý nghĩa của 1 tuần, hãy hỏi BTV một tờ tuần báo.
Muốn biết ý nghĩa của 1 ngày, hãy hỏi những người đang chấp hành án giam.
Muốn biết ý nghĩa của 1 giờ, hãy hỏi những người yêu nhau đang mong chờ gặp mặt.
Muốn biết ý nghĩa của 1 phút, hãy hỏi những người vừa trễ 1 chuyến tàu, xe
Muốn biết ý nghĩa của 1 giây, hãy hỏi những người vừa thoát khỏi một tai nạn.
Như chiếc kim đồng hồ lúc nào cũng quay, thời gian chẳng đợi chờ ai bao giờ. Ngày hôm qua đã thành quá khứ. Ngày mai vẫn còn là bí ẩn. Chỉ có ngày hôm nay (Present) chính là một món quà, vì thế bạn hãy biết trân trọng, sống trọn vẹn từng phút, từng giây đừng để mình phải nuối tiếc.