Sáng nay tôi rửng mỡ ngồi biên một bài- dự định giật cái giải rút lấy tiền mua pháo đốt chơi. Zưng mà có lẽ xương đấy, mà kệ chứ, share ra đây cho bà con đọc chơi cho vui, biết đâu khéo lại được chai Tiểu Mai, nhỉ
https://www.facebook.com/tapchi.nguoinhaque/
---------------------------------------------------------------------
Tiếng pháo đêm Ba mươi
Sắp đến 30 chưa nhỉ ? Cả năm chờ còn được, mà đến hôm rằm là bất đầu mong ngóng, cuốn lịch mỏng dở lên dăm ba lần, có khi còn xé trộm, liệu ngày có qua nhanh hơn chăng.
Cái ngày đó, ai cũng vui cũng tươi, tiếng thình thình của giã giò, tiếng lợn gà kêu vui đáo để, tiếng chào của người hàng xóm có khi cả năm không nhìn mặt nhau. Mưa ướt, xuân đến, pháo nổ, cười nói râm ran. Còn tôi, mồm ngoác đến tận mang tai, nhìn tứng xác pháo đỏ hồng, đỏ đào phai, nghe từng tiếng pháo biết cuốn bằng giấy gì, thuốc ra sao. Giấy học sinh tiếng đanh, giấy báo tiếng ấm, pháo nhà làm lúc đoành đoạch liên thanh, lúc trầm tư lên xuống do lõi kếp không đều tay, pháo công ty bình tĩnh điềm đạm mà nhiệt huyết dâng trào...
Cái ngày bao cấp đó, cứ đầu năm, gia đình tôi, như bao gia đình khác làm thêm việc phụ, lại bắt đầu cuốn pháo, cuối năm bán cho nhà máy pháo Chiến Thắng, Thái Bình.
Giấy ô ly, vương màu mực tím, được vuốt phẳng, đều chặn chặn, hai tay tôi - khéo còn chưa cầm hết quả chanh- lăn nhẹ nhẹ với lô cuốn làm bằng que tre đực vừa bằng chiếc đũa ăn. Lăn vừa đủ lực để các lớp giấy cuốn vào nhau, mềm, tròn. Nhẹ pháo nổ không đanh, mà nặng thì tốn giấy lại bị xịt vì lõi quá chặt. Hai ngón cái khẽ chạm vào nhau, tay lăn, mắt nhìn ra ngoài, mồm tí ta tí táu hóng chuyện. Cứ hai tờ giấy làm được một lõi pháo dài, sau sẽ cắt được năm vỏ con. Giấy thừa thẹo sẽ khéo khéo gấp ăn gian một chút, là có quân để đánh đáo với bọn bạn cùng xóm rồi.
Khi cuốn xong, tùy mùa mà khẽ chấm cây bút lông vào bát hồ gạo, vuốt qua đầu giấy. Mà, cũng chỉ vừa tay thôi nhé, quá hồ là giấy bị sít lại, ăn ra bàn lăn, mà ít thì bong ra ngay không chừng. Ấy nói là tùy mùa, vì khi có rong riềng, thì phết giấy quá là tuyệt cú mèo, tay cầm vuốt một đoạn hơi cong hình lưỡi mác, rong riềng rất dễ ăn giấy, mà thỉnh thoảng lại còn đưa lên mồm gặm một miếng.
Rồi có lúc dừng lại, nhìn vỏ pháo thon dài, nghĩ linh tinh. Năm nay làm được mấy vạn vỏ đây, cuối năm có được tiền mua bánh pháo tép không, pháo làm ra đi những đâu, tiếng có đanh, ấm không, à mà có mang lại niềm vui, may mắn đến cho người đốt không nhỉ ?
Rồi lại nghĩ miên man, Tết để làm gì, sao lại có Tết, mình vừa học, rồi phải làm cả năm, Tết có được nghỉ, được chơi thỏa thích, được hưởng thụ công lao mà mình đã bận rộn cả năm không nhỉ, đúng là suy nghĩ trẻ con, thích ăn chơi. Rồi thế mọi người thì sao, mọi người làm việc suốt năm tháng làm gì, sao một năm không có vài cái Tết phải thích biết bao.
À mà cuốn pháo xong, phải nhuộm. Đương nhiên, pháo có hai loại, đỏ đậm và đỏ cách sen. Đổ thuốc nhuộm vào cái bát sứt, lấy bút sơn khẽ quấy lên, thật nhẹ và đều để ve không bị bắn ra ngoài, nhấc lõi dài, nhúng bút sơn vừa đủ, quệt ngược lên rồi vuốt xuống. Khéo tay thì chỉ ba đường là xong, màu đỏ sen thật tươi, hơn một tiếng sau khô ve, màu đỏ làm sáng rực cả góc nhà. Rồi cắt pháo bằng dao bàn, rồi lấy đầu tre thông lõi vì khi cắt lõi bị bẹp...
Cái mùi pháo nó lạ kì, khó tả, như cầm nắm được, cô đọng được. Tiếng pháo có râm ran từ đầu rằm, nhưng có lẽ không gì thiêng liêng, xúc động khó tả với tiếng pháo đúng 12 h đêm Ba mươi. Nghe pháo, tôi chợt thấy rùng mình, nghiêm trang mà đứng thẳng, khẽ hít một hơi dài cho lồng ngực đầy khói pháo, nhìn mẹ đang cúng ở bàn thờ, mà khẽ cầu khấn cho một năm mới thật tốt đẹp và cũng thật qua nhanh.
Có thể với nhiều người, Tết xưa là phải thế này thế kia, Tết xưa giờ đã tan biến, họ ngậm ngùi nuối tiếc, thở than, miếng giò sao nó nhạt, con gà không còn được thơm, trẻ con sao hư vậy, lời chúc sao nhạt vậy. Tôi cũng vậy, cũng nuối tiếc, nhưng chỉ nuối tiếc một chút thôi.
Tết xưa, đối với tôi, chính là lúc mọi gia đình đoàn tụ, hưởng thụ thành quả của một năm học và làm thêm. Là mong đợi những lõi pháo của mình đi khắp nơi, tiếng nổ thật dòn, thật đanh, mang lại may mắn cho mọi người.
Tết xưa, đối với tôi, là mùi của nồi bánh chưng sôi lục bục, là mùi của nồi lá thơm tắm tẩy trần, là mùi của hương bài chỉ đốt vào ngày tết mà thoáng qua thôi cũng cho lòng người bình yên đến lạ, là mùi của pháo gọi xuân về.
Tết nay, cũng là có chút ngậm ngùi, nhưng mà ngậm ngùi một chút thôi, ai bảo chúng ta lại lớn lên cơ chứ.