- Biển số
- OF-73635
- Ngày cấp bằng
- 23/9/10
- Số km
- 3,061
- Động cơ
- 452,145 Mã lực
lang thang tren thanglongedu.org em vô tình đọc được bài này,em post lên để cả các cụ suy nghĩ thêm 1 chút về thời thế hiện nay,em ngẫm thấy nhiều điều cần bàn luận quá,không biết các cấp lãnh đạo đảng và chính phủ có đọc được những dòng này và có suy nghĩ gì không nhỉ?
....Tôi nhớ, cách đây 10 năm, khi một "cây" vàng chỉ hơn ba triệu, đời sống gia đình còn khó khăn lắm, nhưng luôn đầy ắp tiếng cười…
Khi tôi còn học lớp 3, với 1000 đồng, tôi có thể ăn sáng no đủ bằng một gói xôi hoặc nửa ổ bánh mì. Đồng tiền khi ấy có giá lắm, mọi thứ (so với hiện nay) đều khá rẻ. Một tháng lương của mẹ chỉ có 500 nghìn, của ba gần gấp đôi, cả gia đình vẫn sống ổn định.
Tôi cũng nhớ rất rõ những ổ bánh mì trứng - món mà tôi thường xuyên ăn khi đến trường. Chiếc bánh mì được làm kĩ lưỡng, không đặc ruột nhưng to, kèm với trứng ốp la.
Tất cả chỉ mất 2000 đồng. Không chỉ riêng những món như bánh mì, mà cả cơm, phở, hủ tiếu lúc ấy…đều có giá khoảng 5000 đồng cho mỗi phần. Ăn no, chất lượng. Một con bé 8 tuổi như tôi khi ấy chẳng phải muộn phiền lo toan, vì mọi thứ đều được ba mẹ lo. Dù cuộc sống gia đình không dư giả, nhưng tôi vẫn được chăm sóc đầy đủ.
Thời ấy, cuối tuần tôi đều được ba mẹ chở đi ăn chè, đi chơi thú nhún, đi dạo phố hóng mát… Một buổi đi chơi như thế có khi chỉ tốn 20 nghìn. Tôi nâng niu và trân trọng biết bao những món đồ chơi nhỏ: khi thì cái bong bóng, lúc là cái chong chóng xinh xinh…
Cuộc sống gia đình cứ thế trôi đi, rồi khấm khá lên dần… Được mẹ mua cho chiếc xe đạp cũ, chỉ 300 nghìn, nhưng với tôi, đó là niềm hạnh phúc tột độ. Tôi cứ nâng niu, lau chùi mãi, thậm chí buổi tối còn trằn trọc vì…vui. Thời gian lúc này trôi đi chầm chậm, và tôi được dịp lưu giữ những khoảnh khắc hạnh phúc giản dị ngọt ngào, thi thoảng rảnh rỗi, lại ngồi gặm nhấm, chiêm nghiệm và cười vu vơ…
o0o
Và rồi lạm phát đến từ khi nào không rõ. Mải vùi đầu vào sách vở và những sở thích của tuổi mới lớn, tôi quên mất rằng khi ấy một ổ bánh mì đã là 5 nghìn, một hộp cơm đã 10 nghìn. “Vậy là đắt gấp đôi hồi đó”.
Tiền được sử dụng nhiều hơn, và tôi cũng nghĩ ngợi hơn: Với 50 nghìn tiền tiêu vặt mỗi tuần, phải làm gì để sử dụng hợp lý nhất để không bị rỗng túi khi chưa đến chủ nhật? Tôi không còn thấy ngon khi ăn phở nữa.
Dường như các món ăn bên ngoài có vẻ kém chất lượng hơn, mất vệ sinh hơn và…teo nhỏ lại. Tôi chợm nghĩ: “Phải chăng mình lớn nên thấy đồ ăn nhỏ lại?”, nhưng không, vì chính mẹ tôi còn phàn nàn: “Hôm nay ăn tô bún bò Huế 10 nghìn mà có chút xíu, chẳng thấm tháp vào đâu cả…”
Đồng lương của ba mẹ không tăng kịp với sự lạm phát. Khi giá vàng hơn 20 triệu một "cây", ai nấy đều thở dài. Chưa bao giờ đồng tiền lại mất giá đến thế. Mọi người nơm nớp lo sợ, tích cực mua vàng dự trữ hòng mong kiếm lời. Trong khoảng thời gian ấy, mẹ tôi cũng đứng ngồi không yên, ngày nào cũng xem giá vàng tăng hay giảm để quyết định nên bán ra hay thu vào…
o0o
Cuộc sống gia đình dần khấm khá. Tôi được ba mẹ thưởng laptop, xe, điện thoại… nhưng không cảm thấy vui như lúc xưa. “Thời buổi này, có được những thứ đó là quá đỗi bình thường” - tôi nghĩ thế.
Khi guồng sống hối hả hơn và gia đình tôi không còn đi chơi vào cuối tuần, thì cũng là lúc giá vàng tăng lên cao bất ngờ: những hơn 35 triệu một lượng, đắt hơn gấp 10 so với 10 năm trước kia…
Những nhà kinh doanh, đầu tư thì tiếc hùi hụi vì đã không tiết kiệm bằng vàng, dân thường thì lo âu vì lương quá thấp, không theo kịp vật giá, những bạn sinh viên lại còn “thê thảm” hơn, luôn trong tình trạng “rỗng túi” liên tục…
Ăn một dĩa cơm 20 nghìn, chỉ vỏn vẹn một ít cơm mà miếng sườn mỏng, cố gắng nuốt vào để có sức mà học. Một chai nước giá gần 10 nghìn, dù xót tiền lắm nhưng cũng phải mua để uống, tiền gửi xe ít nhất cũng phải 2 nghìn, rồi thêm các chi phí khác… Trong một ngày, tôi có thể xài hơn 50 nghìn. Nhưng còn các bạn sinh viên sống xa nhà thì thế nào?
Vào một diễn đàn, một chủ đề: “Mì gói lại tăng thêm 500 đồng” khiến tôi xúc động. 500 đồng, với mọi người, là một món tiền nhỏ. Nhưng riêng sinh viên, mì gói đã là một món ăn quen thuộc của họ. Ngay cả mì gói - một món ăn phổ biến - lại còn tăng giá, thì thử hỏi tất cả những mặt hàng khác sẽ tăng khủng khiếp thế nào?
Vào quán nước, cà phê sữa tăng thêm 2 nghìn. “Tại sao ạ?” - “Vì đường tăng giá, sữa tăng giá theo con à”. Dĩa cơm đã ít, nay lại càng ít hơn, kém bắt mắt hơn. “Lạ vậy?” - “À, nếu vẫn giữ giá cũ thì phải giảm bớt đồ ăn lại. Mấy con thông cảm, vàng đang lên giá mà”… Những thứ mà trước nay rất rẻ, bây giờ đã có giá cao gấp đôi, gấp ba bình thường. Nhưng tiền mà chúng ta kiếm được thì không đủ để trang trải những chi phí đó.
Mẹ tôi lo: “Nếu bây giờ tiết kiệm tiền cho vài năm sau, chưa chắc sẽ làm được gì. Còn vàng và đô la thì lúc lên lúc xuống, và chúng ta không đủ khả năng để tiết kiệm được ngay một số tiền lớn”. Tôi thở dài. Nếu cứ lạm phát như thế, biết bao giờ dân ta mới khá hơn lên? Còn các bạn sinh viên - một trong những thành phần “nghèo” của xã hội, sẽ sống ra sao, thế nào, khi vật giá leo thang, còn họ chỉ biết nhịn ăn để được đi học?