Putin: Nga sẵn sàng dùng vũ lực tại eo biển Hormuz nếu tàu Nga bị đe dọa
© Reuters
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) mới đây tại Thành phố Vladivostok, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố về khả năng gia tăng sự hiện diện quân sự tại eo biển Hormuz một khi các tàu của Nga bị đe dọa.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết, ông luôn theo sát các diễn biến ở eo biển Hormuz và sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ tàu thuyền của mình ở eo biển Hormuz.
Tổng thống Putin cũng đề xuất một cơ chế đặc biệt nhằm giảm căng thẳng và tìm cách bảo vệ an ninh, tự do hàng hải trong khu vực. Vài năm trước, ông Putin đã đề xuất một cơ chế quốc tế với sự tham gia của tất cả các nước châu Á và Mỹ nhằm đối phó với những bất ổn tại Eo biển Hormuz.
Khu vực này đã diễn ra sự căng thẳng do quan hệ Mỹ- Iran, liên quan đến hàng loạt vụ bắt giữ tàu chở dầu của Iran và các đồng minh Mỹ.
Lên tiếng về ý định sử dụng vũ lực tại Hormuz của Tổng thống Putin làm dấy lên các đồn đoán cho rằng có thể Nga sẽ gia tăng sự hiện diện quân sự của mình tại khu vực nhằm ủng hộ đồng minh Iran.
Tờ Moscow Times cho biết, căng thẳng giữa Mỹ và Iran có thể buộc Nga phải can thiệp nếu xảy ra xung đột quân sự toàn diện, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ đang hối thúc các đồng minh của mình thiết lập liên minh tuần tra hàng hải tại vùng Vịnh.
Cuối tháng 8, Tướng Kenneth Mackenzie- người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm Quân đội Mỹ cho biết, Bahrain là quốc gia Ả Rập đầu tiên ở vùng Vịnh gia nhập liên minh quốc tế nói trên. Các quốc gia Ả Rập Vùng Vịnh chưa có phản ứng mạnh mẽ cho thấy sự ủng hộ của mình vào liên minh do họ bị phụ thuộc vào phản ứng của Ả-Rập Xê-Út. Israel đã tuyên bố sẵn sàng tham gia liên minh, nhưng thực tế là chưa có bất cứ hành động nào.
Theo ông Andrei Chuprygin, Giảng viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Phương Đông của trường HSE cho biết, các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh dường như đang nghi ngờ rằng, ông Trump sẽ mừng thầm nếu dầu mỏ từ vùng Vịnh sẽ không được giao cho bất cứ ai. Trong trường hợp này, dầu đá phiến Mỹ sẽ làm mưa làm gió trên thị trường.
Do đó, các quốc gia vùng Vịnh không vội vàng tham gia liên minh, cũng như châu Âu cùng đang dè dặt với các phát biểu của mình - họ nhận thấy có quá nhiều rủi ro cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn.
Những tuyên bố của Tổng thống Putin về sự hiện diện của Nga hay sử dụng vũ lực ở eo biển Hormuz theo đó, chỉ là nhằm đề phòng bất cứ khả năng xấu nhất có thể xảy đến.