Trong môn Quản trị học ở trường, thầy giáo cháu có đề cập đến thuật Mặt dày - Tâm đen trong cuộc sống hàng ngày và cháu thực sự thấy nó rất hấp dẫn. Thầy có giới thiệu cho cháu đọc thêm cuốn Thick Face Black Heart của Chin-Ning Chu nhưng ở cuốn đó cháu thấy không có nhiều thứ hấp dẫn như thầy cháu đã đề cập qua. Như cháu hiểu qua thì nhờ luyện thuật Mặt dày - Tâm đen này mà con người ta trở nên mạnh mẽ hơn, kiềm chế cảm xúc bản thân tốt hơn và dễ dàng chiến thắng trong các cuộc chiến về tâm lý với những người xung quanh hơn. Cá nhân cháu thì tự nhủ đây chính là thứ mà cháu đang thực sự cần cho hiện tại và tương lai.
Cháu rất mong được nghe chỉ giáo thêm từ những người anh người chú lớn tuổi đi trước để cháu được mở rộng tầm mắt ạ.
Nhiều cụ trên này xưng hô gọi chủ thớt là cháu, nhưng trong vấn đề học thuật, thiết nghĩ cứ xưng hô bằng vai dễ trao đổi chia sẻ hơn.
Em chia sẻ với mợ cách lý giải thôi nhé:
Mặt dày thực ra là một cách gọi khác mang tính tiêu cực của việc không bộc lộ cảm xúc của con người, mà không bộc lộ cảm xúc trước sự việc đều phải dựa vào khả năng trấn tĩnh cực tốt, xa xôi hơn thì nhắc đến khả năng nhẫn nhịn, kiềm chế bản thân. Để giải quyết tình hình, vượt qua tình hình, đôi khi phải chấp nhận rất nhiều áp lực, có thể là áp lực của vui sướng (ngủ quên trong chiến thắng chẳng hạn) nhưng cũng có thể là áp lực của khổ cực (không ai hiểu, không ai thông cảm, nhưng vẫn phải chịu đựng để làm chẳng hạn), người chịu đựng được và không bộc lộ cảm xúc suy nghĩ ra ngoài để đối phương hoặc người xung quanh biết được thì mới có cơ hội giành chiến thắng, nôm na như ai giữ được bài thì người đó thắng, ai lộ hết bài thì người đó thua, giữ được bài là cần Mặt dầy. Khả năng này rèn luyện được.
Tâm đen thực ra là một góc cạnh khác của việc cân nhắc thiệt hơn nhưng được gọi dưới góc độ thù ghét, trong mỗi một quyết định của con người đều có 2 phần là được và mất, khi con người ở tầm thấp, anh ta giải quyết vấn đề nhỏ trong phạm vi bản thân, anh ta không cảm nhận được đầy đủ cái mất mà anh ta chấp nhận khi ra quyết định. Nhưng khi con người phải giải quyết vấn đề trong phạm vi rộng hơn, bao trùm nhiều người hơn, anh ta phải đối mặt với những cái được cho không chỉ riêng anh ta mà còn đối với những người trong phạm vi đó, đồng thời anh ta phải quyết định những cái mất từ không chỉ riêng anh ta mà từ bất cứ một ai trong những người trong phạm vi đó, đôi khi cái mất đó chỉ khoanh vùng trong một số người và có thể không có anh ta ở trong. Việc quyết định cái mất này hay là việc quyết định người khác nào đó phải chịu thiệt thòi để đổi lại cái lợi cho số đông kia, nếu gọi tên một cách xây dựng thì là hy sinh, nhưng nếu gọi tên một cách tiêu cực thì là bán đứng. Tâm đen là cái khả năng mà người làm quản lý sẽ phải đối mặt nếu muốn vượt qua một tình hình nào đó, giữ ai, bỏ ai, giữ cái gì, bỏ cái gì, những thứ đấy tạo ra sự thiệt thòi và hưởng lợi không đồng nhất trong tập thể mà anh ta đang chỉ huy. Khả năng này thông qua học tập và hiểu biết mà tốt dần lên.
Mợ nếu định tìm hiểu thì có thể tìm các sách về Tâm lý học xã hội mà đọc, kết hợp với sách về Quản trị (về thứ tự ưu tiên) suy ngẫm thêm là sẽ lờ mờ hiểu, tuy từ hiểu đến vận dụng là cả một chặng đường dài, nhưng nó ít nhiều cũng có ích trong quá trình tương tác ứng xử với xã hội, quan trọng nhất là mọi việc phải xuất phát từ suy nghĩ đúng đắn.