Trong số Báo văn học (Literarurnaja Gazeta) gần đây, một số nhà phê bình văn học Liên Xô có lưu ý bạn đọc đến một hiện tượng độc đáo trong văn xuôi Xô-viết mà theo ông, còn chưa được đánh giá đúng mức – đó là các truyện dài và tiểu thuyết của Vladimir Kôrôtkêvich, một nhà văn Bêlôruxia quen thuộc.
V. Kôrôtkêvich sinh năm 1930 ở tỉnh Oócsa, Bêlôruxia, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Kiep năm 1954 và khoa Đại học viết văn ở Mátxcơva năm 1960. Ông sáng tác thơ, tiểu thuyết, kịch.
Hầu hết tác phẩm văn xuôi của Kôrôtkêvich như các tiểu thuyết “Kitô giáng thế ở Gôrôđen (1966), Nhành lúa dưới tay liềm (1968), Hắc lâu Oócsanxki (1979), các truyện dài Huyền thoại xa xưa (1961, nhạc sĩ Xmônxki soạn thành ca kịch năm 1978), Đội săn của Quốc vương Xtác (1964, dựng thành phim năm 1980), các tập tùy bút Cổ tích đất nước hổ phách (1963) và Tiếng chuông ngân dưới đáy hồ sâu thẳm (1969) v.v... – đều viết về lịch sử và thiên nhiên đất nước Bêlôruxi, bởi vì đối với ông, “Bêlôruxia là mảnh đất tươi đẹp nhất trên đời” (Truyện Hai chú gấu của tôi).
Nói đến văn xuôi Bêlôruxia hiện đại, người ta liên tưởng đến hai tiếng chiến tranh. Những truyện dài và tiểu thuyết nối tiếng của Alêxi Ađamôvich, Vaxin Bưkôp, Ivan Mêlêgiơ và Ivan Samiakin... đã cho cả thế giới thấy tinh thần quật cường của một dân tộc mà cứ bốn người dân thì một người đã ngã xuống trong vòng có bốn năm chiến tranh (1941-1945).
Trở lại với lịch sử xa xưa, với thiên nhiên đất nước, Kôrôtkêvich dường như muốn đi tìm cội nguồn của tinh thần quật cường ấy...
Bêlôruxia – Bạch Nga – là mảnh đất miền Tây Liên Xô, với những rừng thông bạt ngàn và rừng dương trắng ngần, với những sình lầy rộng mênh mông như biển cả, dài rộng hàng mấy trăm cây số, những hồ nước trong xanh giữa rừng hay đồng cỏ, những lâu đài trung cổ rêu phong vẫn còn gìn giữ bao điều bí ẩn: Những âm thanh huyền bí, những ảo ảnh lạ kỳ...
Vốn là một bộ phận của nước Nga Kiep cổ đại vì nằm lọt giữa những quốc gia phong kiến hùng cường thời trung cổ như Nga, Litva, Ba Lan, Áo – Hung nên mảnh đất Bêlôruxia đã phải chịu một số phận đau thương: bị giành đi giật lại, bị chia đôi xẻ ba, bị đàn áp đè nén. Trong những bước gian truân ấy của đất nước, các tầng lớp trên – tầng lớp địa chủ quý tốc Sliăcta trước kia và tầng lớp địa chủ tư sản sau này – vì những quyền lợi ích kỷ đã buôn đi bán lại cả Tổ quốc, phản lại cả dân tộc mình. Chỉ có một số ít những phần tử lẻ loi – những con quạ trắng – như Kaxtuxô Kalinôpxki, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa 1863-1864 của nông dân Bêlôruxia, (sinh năm 1838, bị xử tử năm 1864), như các thanh niên trí thức tiên tiến Xvetilôvich và Bêlôretxki trong truyện Đội săn..., là dám đoạn tuyệt với gai cấp đã thoái hóa của mình đứng hẳn về phía nhân dân, cùng những người dân lao động Bêlôruxia đấu tranh bảo vệ tổ quốc.
Truyện của Kôrôtkêvich phong phú giá trị nhận thức và giáo dục có nhiều yếu tố ly kỳ. Văn ông giàu tính lãng mạn, đan quyện lẫn nhau những yếu tố thực và hoang đường. Truyện dài Đội săn của Quốc vương Xtác là một ví dụ tiêu biểu cho thể loại trinh thám lịch sử, gần đây khá phát triển trong một số nền văn học dân tộc ở Liên Xô. Truyện lấy đề tài trong những truyền thuyết về lời nguyền muôn thuở và sự báo oán khủng khiếp của Quốc vương Xtác cùng đội săn của Người đối với dòng họ Sliăcta Janốpxki đã phản bội Tổ quốc Bêlôruxia.
Truyền thuyết, dẫu rùng rợn khủng khiếp đến đâu, vẫn không đáng sợ, vẫn đẹp như mọi câu huyền thoại. Nhưng đáng sợ thực sự, đáng cảnh giác thực sự khi cái đội săn tương truyền đã vùi xác dưới đáy sình lầy cách đây hàng mấy thế kỷ, nay bỗng thoắt hiện, thoắt ẩn, gây nên những tội ác đẫm máu và gieo rắc kinh hoàng khắp một vùng xung quanh. Vậy chúng là ai? Ma quỷ hiện hình hay một lũ bất nhân đội lốt ma quỷ? Xin để bạn đọc thưởng thức tài dẫn dắt câu truyện của Kôrôtkêvich.