Hết thời đi cắt tóc, dáy tai…
Đọc topic này thực lòng thương các cụ trót nghiện lấy dáy tai ngoài xứ Bắc mà bây giờ tìm không ra…cố nhân.
Thực ra, lấy dáy tai là một công đoạn của thư giãn và làm vệ sinh cơ thể chứ không chỉ là một chuyện nhỏ. Nó có thể nâng tầm thư giãn lên thành 2 chữ sảng khoái và nhẹ nhõm. Rất nhiều người đi cắt tóc mà không có đoạn lấy dáy tai sẽ là rất thiếu và luôn mấy bữa sau, trong anh ta luôn cứ như thấy thiếu cái gì đó. Mặc dù khi ngồi điểm lại mình vẫn ăn 3 bữa, chiều diệu và quần áo chu chỉn cả ngày.
Em đây có một thời mà các cụ từng tốt nghiệp Ba Lan, Liên Xô, Hung… về còn chưa xin nổi việc làm. Nhiều cụ xoay ra nuôi cá, chăn gà, buôn hóa chất, câu cá, thậm chí làm kem hay bơm ga sửa bật lửa sau này. Em tốt đen làm sao có việc và lại không biết làm gì vì thời đi học chỉ biết mỗi chuyện cắt tóc đổi công và mát xa cho thằng cùng phòng trước lúc đi ngủ.
Mát xa em kể sau, Giờ kể cắt tóc cho vào trọng tâm đã.
Em cũng tỉ mỉ và biết mài kéo nên chúng nó thích em cắt. Có ông thầy giáo đôi khi kẹt tiền cũng làm quả ké vài đường tỉa tót rồi về lấy đũa cả hơ nóng cuốn úp làn sóng bồng bềnh đí...t ngỗng bộ tóc lãng tử quân. Trong một lần, ông thầy yêu cầu lấy hộ cái gì vương vướng bên trong. Cái gì vướng ấy chính là một cục dáy tai khô như đường phèn Quảng Ngãi đóng tróc trong tai thầy. Thế là em bỏ ra 2 ngày từ mài cái nan hoa xe đạp cho nhọn, đập bẹt 1 đầu, tạo thêm 1 cái kẹp nhỏ và ông thầy có 1 cái banh mini và thế là chúng tôi ngồi với nhau 2 ngày nghỉ đau lưng đến mê tơi.
Lạ là mình và ông này không ưa nhau mấy vì ông ấy khó gần. Nhưng sau đận lấy cái cục vướng ra thì ông ấy bảo: Mày là thằng tri kỷ của tao. Chả hiểu gì.
Trong những ngày chờ việc hay nông nhàn. Em bắt đầu làm một cái ghế cắt tóc ngay đầu hẻm và rất lạ là cũng đông khách. Nghề hớt tóc là nghề nhiều chuyện. Ngồi lên ghế hớt tóc một là khách nó chém hai là mình gợi ý cho nó chém và ba là mình chém cho nó nghe.
Cái thú nhất của một số ông khách là 2 món cạo mặt và lấy dáy tai.
Cạo mặt trước. Hồi đấy, thợ phải làm miếng da trâu như cái thắt lưng để mài và liếc dao cạo. 3 thứ dao cạo, kéo và cái tông đơ …quan trọng nhất. Dù báo động máy bay Mỹ bắn phá thì cũng phải vơ lấy nó mà nhảy xuống Tăng Xê. Chứ để ở trên kệ coi chừng bay hơi ngay. Không phải họ tham mà lấy mà vì nó hiếm và không phải ai có tiền cũng mua được đồ đúng ý. Sau khi mài dao cạo vào miếng da, động tác tiếp là phải liếc phe phe vào lòng bàn tay trước khi “hạ thủ” ông khách. Khách chắc chắn không bao giờ quên cái liếc tay này. Bây giờ có bọt cạo, có gì gì chứ ngày ấy thì cắt cục xà phòng chanh nhỏ ra, cho vào cái bát nhỏ, chiêu tí nước lã, có cái tay quyệt cho sàu bọt, bôi vòng vèo quanh cằm là cạo râu thôi. Khách nó tinh lắm. Mình phải cạo 2 lượt thì nó mới sướng và vừa lòng. Lần sau lại nhớ thợ mà đến. Nhiều bác thợ lười chỉ cạo 1 lượt dù mặt đã sạch cả lông tơ nhưng gã khách chưa chắc đã đủ phê.
Cái đoạn mai bằng, mai nhọn, mai xanh (kiểu xanh mai trắng gáy) kể lúc khác để sang công đoạn mức nhứt là dáy tai.
Lấy Dáy tai là tiếng xứ Bắc chứ Nam đôi khi gọi là Váy tai. Từ ngữ thì không giải thích. Chỉ biết gọi như thế và có chỗ tiệm viết đúng như thế. Dụng cụ lấy dáy tai theo thời gian đi từ đơn sơ đến phức tạp. Mục đích là tiện lợi và thỏa mãn nhất với người khách hàng. Muổng, kẹp, banh, cào, khía, chổi lông, đèn cây, đèn trán, khăn…
Nhiều thứ như vậy cũng là phục vụ cho các động tác và thực tế. Con người ta cứ...t dáy có nhiều loại. Loại khô, loại ướt, loại sền sệt, loại mủ hơi hôi… Có ông một bên tai khô và một bên tai ướt. Có ông màng nhĩ thủng rổng, nghe không ra nghe nhưng cái đoạn gói màng tai lại búng phóc phóc vài phát thì mặt mũi giãn ra hệt chú bờm no xôi…Có ông…
Còn tiếp. Đi uống đã.