Tiếng dùi trống gõ vào mặt da thùng thùng, thúc giục. Nắp lồng vừa hé mở, bầy chim vụt thẳng không trung theo một đội hình đều tăm tắp, xoáy trôn ốc từ tầng thấp lên tầng trung rồi chạm mây tầng thượng nơi gần như không một loài chim nào có thể vươn tới…
CLB sừng sỏ nhất:
Một sớm mai hơi xuân vẫn còn vương tỏ mờ, tiếng chim gù như những giọt sương, trong veo, lăn tròn, gieo vào không gian như những thanh âm của bồng lai tiên cảnh. Tai ông giỏng lên, mê đắm, còn mắt như mờ đi theo những đường bay đang chờn vờn chạm tít vào mây trắng ở trên cao. Khoảnh khắc ấy tĩnh lặng và trang nghiêm như lúc một con chiên quỳ xuống bên tượng chúa.
Hơn ba mươi năm chơi chim bồ câu bay, bao giờ lòng ông cũng dạt dào cảm xúc khi chứng kiến những đôi cánh vỗ giữa trời xanh như vậy. Ông là Trần Văn Lụa, người chơi chim bồ câu bay ở làng Cẩm Sơn (Cẩm Xá, Mỹ Hào, Hưng Yên).
CLB bồ câu bay của Cẩm Xá thành lập thuộc vào loại sớm nhất nhì ở miền Bắc, từ 1989. Những người cựu trào nay đã về nơi thiên cổ cả, giờ ông Lụa trở thành lão làng. Bồ câu bay khác hẳn với những con bồ câu thịt béo ụ, đứng run rẩy trong những ô lồng, chịu đựng những bàn tay sờ nắn thô bạo hết phao câu rồi đến lườn ức. Bồ câu bay khá nhỏ con (tối đa chỉ khoảng 300gram) nhưng rất chắc thân, mắt tinh, lông cánh, lông đuôi dài và điều đặc biệt là lỗ mũi có một cục cản gió để tránh khi bay chim gặp gió tây, nóng phải há mồm ra mà thở khiến chim mất sức nhanh.
Giới chơi đã đúc kết: “Đầu tròn, cổ chắc, cánh cong. Chân co, đuôi quắp, mới dòng chim bay”. Thường thì thức ăn của bồ câu bay chỉ giản dị là ngô, là thóc. Thời gian luyện bay mới cho ăn gạo xay để trơn diều, khi bay không bị hóc còn cầu kỳ hơn nữa là cho ăn đậu xanh.
Ẩn sâu dưới lớp lông mỏng là một cỗ máy tăng tốc cực nhanh nên cũng như động cơ máy bay nó rất nóng. Động cơ máy bay thì làm mát bằng gió, bằng tản nhiệt thì “động cơ” của chim bồ câu được làm mát bằng…đậu xanh. Không chỉ mát, đậu xanh còn rất trơn nên không sợ bị hóc và chứa rất nhiều dinh dưỡng quý bên trong. Chim non chưa mọc lông mà ăn toàn đậu xanh thân mình bỗng chuyển màu au au đỏ. Con trưởng thành mà ăn toàn đậu xanh thì mới có thể huy động tối đa lực cơ trong từng đường gân, thớ thịt.
Ngoài thức ăn, trong giai đoạn tập luyện người ta thường cho chim uống nước trộn các gói điện giải hay B1 nghiền nhỏ để chim đủ lực trụ lại trong những cuộc thi bay liên tiếp không ngừng nghỉ, có tuần 4-5 nơi khai hội. 1 tháng sau khi chim ra ràng (chim mọc đủ lông) là ông Lụa cho chúng bay thử trong 20 ngày liên tiếp rồi “chấm điểm” bằng mắt để chọn ra 8 con hay 10 con ưu tú nhất nhốt chung một chuồng thành một đội bay mới. Cứ quãng 10h sáng, ông bắt đầu đuổi chim lên mái nhà bằng cái sào có buộc cờ tua rua ở đầu như sào của người chăn vịt. Lúc đầu nhiều con sẽ tìm cách phá đàn nhưng rồi dần quen. Sau đó, con nào còn cố tình tách ra khỏi đội hình sẽ phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất: bị vặt trụi lông, thui vàng, rồi mổ thịt.
Thời điểm người chơi dựng cờ, luyện đội bay cũng là lúc chim cắt xuất hiện. Bồ câu sợ nhất là chim cắt. Hễ thấy loại ác điểu này là cả đàn đang bay bỗng phá tách ra khỏi đội hình. Khi mới thả ở tầng thấp, tầng trung thì cắt còn bắt được bồ câu, một khi đã lên tầng thượng, ở trên chín tầng mây, cao khoảng vài ngàn mét thì cắt cũng đành chịu.
Con cắt bay thốc thẳng như một viên đạn lao ra khỏi nòng súng, đến sát đàn bồ câu thì nó làm động tác lật ngửa người, lấy chân quắp mồi. Con bồ câu nào may mắn thoát chết khỏi móng vuốt của cắt thì cũng thần hồn nát thần tính, diều rách, máu chảy khiến cho ông Lụa phải lấy chỉ khâu nhúng vào nước muối để tiệt trùng rồi khâu, đợi mấy ngày liền da mới lấy dao để cắt chỉ.
Khâu xong, chim lại ăn uống bình thường nhưng chỉ cho ăn chế độ gạo hoặc đậu xanh vì tránh hình dạng nhọn hoắt của hạt thóc có thể đâm vào chỗ diều còn đau. Tiếng là luyện chim nhưng bồ câu chỉ bay theo bản năng nên mỗi con một khác, không thể tác động vào. Cái hay của người huấn luyện là gom những con chim đầy cá tính khác biệt ấy thành một đội hình bay đoàn kết, gắn bó, kỷ luật nghiêm minh.
Ông Lụa thường lập đội bay theo giới tính, đực riêng, mái riêng. Mỗi giới tính đều có đặc điểm nổi trội của nó: “Chim mái bay êm nên đội bay sẽ bốc đều còn chim trống cậy khỏe hơn, nhanh hơn nên thường bay xốc. Bởi vậy, chỉ cần nhìn vào dáng con chim đang bay tít trên bầu trời là tôi có thể biết được nó là trống hay mái”. Mặt mũi đen xì như than trong những ngày luyện chim nhưng niềm mê say là vô bờ bến. Liên tục 20 ngày như thế là hoàn thành xong bước 1 đến bước 2 phải mang lồng đi xa nhà vài trăm mét rồi đuổi ra cho bay về nhà, cho chim quen, không xông lồng (sợ hãi lồng), quen với việc được ngồi xe máy, với nhiều người.
Mờ mắt vì mê nhau:
Bất kỳ người chơi nào dù kỳ cựu hay mới bập vào nghề đều nắm giữ bí quyết cấm cho bồ câu cùng giống yêu nhau bởi nếu không chúng sẽ mờ mắt mà bỏ đàn. Đàn chim bay nhà ông Lụa có 50 con tất cả, chia thành 3 giống xanh, rươi và rỉ (theo màu sắc lông).
Bồ câu là chúa lụy tình và chỉ cặp theo đôi chứ không bầy đàn như các loại gia cầm khác. Điểm đặc biệt là nếu ghép đôi cùng giống là chúng mê nhau, bỏ bay hay bay mất không về nhà, không về với đội nữa để tìm hạnh phúc cho riêng mình. “Vì yêu nhau mà mắt chúng có màng, mờ đi nên bay lên cao không tìm được lối về nhà nữa”. Ông Lụa tủm tỉm. Vì thế, nhà nào ít, chỉ có 1 giống thì phải lấy giống từ nơi khác.
Một điều đặc biệt nữa là bồ câu khi ghép phải cùng tuổi mới chịu còn ghép khác tuổi lại mê nhau, lại bỏ đàn đi mất. Bồ câu có thể vừa tập bay vừa ôm trứng trong bụng hay vừa nuôi con. Tiếng là trong cùng một đội thật nhưng không bao giờ bồ câu ghép đôi lung tung mà vẫn chỉ tìm con trống, con mái của riêng mình để tìm về sau mỗi cuộc sải cánh đến rã rời trên trời.
Con nào chết vợ, chết chồng thì suốt ngày cứ như một cái bóng đi về, vò võ. Những lúc ấy ông Lụa phải thay ông tơ, bà nguyệt làm mối cho nó một con chim lạ, nhốt chung một chuồng, đợi từ 7-10 ngày đôi nào chịu sẽ lập tổ ấm mới còn không chịu thì vẫn cứ đánh nhau như thường.
Vừa yêu nhau, vừa chửa đẻ vừa luyện bay, có những thành viên bồ câu trong đội của ông Lụa có tuổi đời lên đến hơn 10 năm, tức tương đương với quãng 70 năm của người mà vẫn bay được. Thậm chí kỷ lục có con thọ tới 20 tuổi nhưng lúc đó không còn có con nào bằng tuổi, xứng đôi vừa lứa nữa nên nó sẽ chịu đựng sự cô đơn đến tận cuối cuộc đời.
Chỗ thả chim và chỗ chấm thi đều có giám khảo nhưng không thể nhìn thấy nhau để tránh gài bài hay mua chuộc kết quả. Họ nhận lệnh qua tiếng trống để biết số báo danh của đàn chim mà chấm. Yêu cầu là đàn chim phải bay bốc thẳng, xoáy trên đầu người thả, không con nào được phép phá đàn. Mới thả thì đàn chim to bằng cái nong rồi nhỏ dần như cái nia, cái rổ, cái rá, cái chén, cái đồng xu, thậm chí như một cái đầu thuốc lá. Các cuộc thi chim vào mùa hè bởi nhiều mây đen không mấy khi nhìn thấy đàn chim lên tầng thượng còn các cuộc thi chim vào mùa thu trời trong mới nhìn được. Ai đã luyện mắt tốt có thể nhìn thẳng vào mặt trời thì mới thấy được đàn chim lên thượng còn không phải dùng một chậu thau đổ đầy nước để nhìn bóng của chúng in trên đáy nước, giống như nhìn “gấu ăn trăng”.
Giám khảo chấm theo cách bay của cả đội và trừ điểm mỗi khi một con mắc lỗi: Nhất trích (một con bỏ), tiên hành (một con đi vượt trước đàn), tùy (một con lùi tụt lại), nhàn (đang bay cùng cả đàn thì một con không chịu vỗ cánh), đảo (đang bay lên thì một con hoặc cả đàn lại nhào xuống), sơ (cả đàn chia tách mỗi con một nơi)…
Mỗi hội thi có chừng 150-200 đàn chim được thả ra, đàn này nối tiếp đàn kia, khoảng chừng 2 tiếng là hết. Bồ câu có bộ “định vị vệ tinh” giấu kín ở trong não nên dù có thả ra xa cả 50-70 km nó vẫn nhớ đường về như thường. Khi thi bay sợ nhất là gặp mưa rào, chim ướt cánh là xà xuống, thất lạc mất tích giữa sự tuyệt vọng, não nề của chủ nhân. Tuy nhiên trường hợp đó chỉ xảy ra khi thả gặp mưa ở tầng thấp, tầng trung còn một khi đã vụt lên tầng thượng, cao hơn cả mưa, cả sấm chớp thì đàn chim vẫn bay tiếp như thường vì không bị ướt cánh.
Giải thưởng cũng chỉ có giá trị động viên tinh thần là chính khi giải đặc biệt, giải nhất chỉ được khoảng 1-1,5 triệu đồng mà không phải bằng tiền mặt mà toàn các hiện vật như cờ, quạt. Đội chim bay của ông Lụa đã từng ít nhất vượt qua khoảng 1.000 đội bay khác để giật về 4 giải nhất và 1 giải đặc biệt, còn các giải nhì, giải ba thì không đếm xuể…
Nếu tôi chết, hãy chôn tôi với lá cờ luyện chim:
Luyện bồ câu bay không phân biệt chủ nhà ngói hay nhà tranh, ông già hay là thanh niên mặt còn trứng cá lấm tấm.Nhiều người già yếu quá không còn sức luyện chim nhưng cứ đến hội nghe tiếng trống là thấy bổi hổi, bồi hồi, là như có gì dậm dật ở trong máu, trong tim, là phải nài nỉ các đồng nghiệp trẻ vì “Nhớ lắm, cho tôi đi nhờ một quãng để xem chim với”. Ông Châu ở làng Tiên Xá 1 xã Cẩm Xá là một người như vậy. Bởi đẻ toàn con gái nên đàn chim quý của ông đành nuốt nước mắt để lại cho người khác luyện. Nhưng cứ như một thói quen cứ đến tháng ba là ông lại bắc ghế ra nhìn trời. Đàn chim nào bay qua là ông nói vanh vách tên chủ nhân, là bình luận về đường bay của chúng năm nay liệu có thể gặt hái được cờ quạt nào về cho làng không.
Còn mê chim hơn cả ông Châu là ông Đoàn. Lúc biết mình bệnh trọng, không thể qua khỏi ông mới gọi vợ con đến bên giường trăn trối rằng: “Khi tôi chết đi có bao nhiêu cờ quạt giải thưởng các cuộc thi chim thì thả hết vào áo quan”. Ông ra đi thanh thản với tấm vải niệm đặc biệt là mấy chục lá cờ. Giờ đàn chim của ông lại được các con cháu tiếp tục nuôi dưỡng, luyện rèn…
CSTĐ