Sáng nay đứa cháu gọi tôi bằng cậu mời tôi đi dự lể tuyên thệ nhập quốc tịch của nó. Thế là sau 5 năm kể từ ngày đặt chân tới Hoa Kỳ , cuối cùng cậu trai 24 tuổi cũng đã trở thành công dân Mỹ.
Tham dự buổi lễ có 1.200 tân công dân Hoa Kỳ, và khoãng 5000 thân nhân của họ. Điều đáng nói ở đây là một công dân Mỹ gốc Việt, Thẩm Phán Phan Quang Tuệ, thẩm phán Tòa Di Trú San Francisco, đứng ra chủ tọa buổi lể tuyên thệ này. Cách đây hơn 30 năm ông là một người Việt chân ướt chân ráo tới Mỹ, làm đũ nghề (rửa chén, thợ sửa giầy, kẻ giao báo, giáo viên dạy tiếng Pháp, thư ký trong một văn phòng luật, một luật sư và giờ đây là một thẩm phán Tòa Di trú Hoa Kỳ.
Thẩm phán Phan Quang Tuệ
Đây là bài phát biểu của ông Thẩm phán trước 1200 tân công dân Mỹ trong lễ tuyên thệ tại nhà hát Paramount Theater, Oakland, California.
" Xin chào quý vị,
Thưa các bạn công dân Hoa Kỳ cũng như tôi,
Thật là một vinh dự và đặc ân cho tôi được đón chào quý vị trong tư cách là công dân nước Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Tôi thật cảm kích được là một phần của giờ phút đặc biệt này.
Qua việc thệ nguyện trung thành với nước Mỹ sáng hôm nay, quý vị không còn giữ những liên hệ chính trị với quốc gia mà quý vị có quốc tịch trước đây. Song nếu quốc gia này đòi hỏi sự trung thành của quý vị thì quốc gia này vẫn không đòi hỏi quý vị phải tước bỏ đi văn hóa gốc của mình. Trái lại, bằng cách đem theo cũng như bảo tồn lịch sử và văn hóa của mình quý vị, sẽ làm cho nước Mỹ mạnh và phong phú hơn.
Tất cả quý vị đều từ một nơi nào đó đến đây. Tất cả quý vị đều đã là công dân của một nước khác trên địa cầu này. Tất cả quý vị đều có một thành phố, một tỉnh lỵ, một ngôi làng mà quý vị gọi là quê hương. Tất cả quý vị đã có những bầu trời để thương, bạn bè họ hàng để quý, một lá cờ để chào và một quốc ca để hát. Quý vị nên suốt đời trân quý những liên hệ và ký ức đó cùng lúc nên chuyền chúng cho con cháu của mình. Ðể trở thành người Mỹ, quý vị không cần phải ngưng không còn là mình nữa. Bởi với lời thệ nguyện mà quý vị thốt ra sáng hôm nay, quý vị đã thành công dân Mỹ, không phải bằng con đường huyết thống, hay nơi chôn nhau cắt rốn, mà do một quyết định tự nguyện của chính mình. Quý vị giờ đây là công dân Mỹ do bởi niềm tin.
Quý vị cũng như tôi đã chia sẻ cùng một hành trình. Cũng như quý vị, tôi không phải là một người sinh đẻ ở Mỹ. Tôi đã đến nước này như một người tỵ nạn. Ba mươi bảy năm về trước, tôi lần đầu tiên trong đời đi qua cầu Golden Gate. Sáng hôm đó, trời cũng nắng đẹp như ngày hôm nay. Ðó là chặng đầu của một cuộc hành trình dài, đầy bất trắc và thách đố, nhưng cũng đầy hào hứng. Bước đi của chúng tôi đã dẫn chúng tôi, một gia đình với vợ mang thai và hai con thơ, đi băng qua nước này, từ miền Ðông đến những cánh đồng vàng của vùng Trung Tây, đến những rừng cây cổ thụ của bờ biển Miền Tây. Tôi đã từng làm người rửa chén, thợ sửa giầy, kẻ giao báo, giáo viên dạy tiếng Pháp, thư ký trong một văn phòng luật, một luật sư và giờ đây tôi là một thẩm phán đứng trước quý vị. Cũng đứng trong chúng ta đây là con dâu tôi, Naomi, cô ta đến xứ này ở tuổi lên hai. Cũng như tất cả quý vị, Naomi giờ đây là một công dân Mỹ. Câu chuyện gia đình tôi chỉ làm nổi lên sự kiện đất nước này là một đất nước đầy cơ hội, và những cơ hội đó chỉ có trí tưởng của quý vị là giới hạn được mà thôi. Các di dân hết từ đợt này đến đợt khác đã không ngừng làm mới và phong phú hóa Giấc Mơ Làm Người Mỹ.
Hiến Pháp của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ có đoạn mở đầu như sau: “Chúng tôi, Nhân dân Hoa Kỳ.” Chỉ cần có mấy chữ này là đủ nhấn mạnh đây không phải là một nước do vua cai trị, hay một nhà độc tài, mà là chính quốc dân của xứ này làm chủ. Chỉ mấy chữ đó đủ nói lên quan niệm đây là một chính phủ của dân, do dân và vì dân.
Ông Alexis de Tocqueville, một nhà chính trị và quốc khách người Pháp, đã có lần nhận định: “Nếu có một quốc gia nào trên thế giới mà học thuyết chủ quyền của nhân dân được cảm thấy rõ ràng... thì đó nhất định phải là nước Mỹ.” Những tiên đoán của ông đã tỏ ra chính xác suốt dọc lịch sử nước Mỹ. Nước Mỹ vĩ đại vì nền dân chủ ở đây.
Năm nay, Mỹ sẽ có tổng tuyển cử vào tháng 11 tới đây. Ngoài việc bầu tổng thống, tất cả 435 ghế trong Hạ Viện và 33 trong số 100 ghế ở Thượng Viện đang được tranh cử cùng với 13 ghế thống đốc tiểu bang và lãnh thổ, không kể hàng trăm hàng ngàn các cuộc tranh cử ở các cấp tiểu bang và địa phương. Người ta tranh luận trên khắp nước về đủ mọi vấn đề đang được sự quan tâm của nhiều người. Sẽ có khoảng 100 triệu người Mỹ đi bầu vào ngày bỏ phiếu. Mặc dầu vậy, sẽ không có đàn áp, hỗn loạn, hay đổ máu. Nước Mỹ một lần nữa sẽ chứng minh cho thế giới thấy dân chủ được thực thi. Hãy thử so chuyện đó với những hỗn độn và loạn đả đang diễn ra chung quanh thế giới vào lúc này. Chính đây là một bằng chứng rằng dân chủ, dù như bất toàn, vẫn là hệ thống chính trị tốt nhất trong mọi hệ thống cai trị và nó sống hùng sống mạnh ở xứ này.
Là công dân, quý vị sẽ được yêu cầu bảo vệ, duy trì, và củng cố nền dân chủ lớn này. Quý vị được yêu cầu tham gia toàn phần vào cuộc sống của xứ này, quý vị hãy ghi danh đi bầu, cũng như làm phận vụ bồi thẩm đoàn, trả thuế và gánh vác việc lãnh đạo trong đời sống của người dân.
Quý vị cũng sẽ tiếp nối nhiều thế hệ người Mỹ đi trước quý vị bằng cách tiếp tục viết nên chương tới trong lịch sử của nền Cộng Hòa vĩ đại này “để tạo nên một liên bang hoàn hảo hơn,” cũng như để xây dựng Tự Do và Bình Ðẳng cho mọi người.
Tôi xin dang tay chào đón quý vị vào Hoa Kỳ, đất nước quê hương mới của quý vị! "
[/COLOR]