Cửa ngõ phía Nam Hà Nội tắc triền miên, dự án giải cứu triển khai ì ạch
HỮU CHÁNH - Thứ tư, 08/05/2024 06:48 (GMT+7)
Hà Nội - Dòng phương tiện thường xuyên mắc kẹt ở cửa ngõ phía Nam trong khi
dự án kỳ vọng "giải cứu" ùn tắc, vốn đầu tư 3.200 tỉ đồng nguy cơ trễ hẹn vì chậm bàn giao mặt bằng.
Ghi nhận của Lao Động cho thấy, nút giao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 thường xuyên là điểm nóng ùn tắc, như dịp lễ 30.4 - 1.5 vừa qua là một ví dụ điển hình.
Đơn cử trong chiều 30.4, lượng phương tiện dồn về rất đông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hướng về trung tâm Hà Nội dù kỳ nghỉ lễ vẫn còn một ngày.
Hàng dài ôtô ùn ứ xảy ra tại làn đường hướng từ xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì kéo dài đến nút giao Vành đai 3, khoảng hơn 2km.
"Cửa ngõ phía Nam ngày thường đã quá tải, huống hồ dịp lễ, Tết" - anh Trần Thanh Tùng (34 tuổi, quê Hà Nam) nói, cho biết đã chủ động trở lại Hà Nội sớm hơn so với số ngày nghỉ, nhưng vẫn mắc kẹt cả tiếng đồng hồ ở cao tốc hướng vào nội đô thành phố.
Cửa ngõ phía Nam Hà Nội ùn tắc triền miên. Ảnh: Hữu Chánh
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến đường quan trọng của Hà Nội và miền Bắc với chiều dài khoảng 30km. Đây được coi là
cửa ngõ kết nối Thủ đô với các tỉnh phía Nam và trục cao tốc Bắc - Nam hình thành trong tương lai.
Năm 2018, tuyến đường hoàn thành việc mở rộng với quy mô gồm 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp.
Với tính kết nối quan trọng, trung bình mỗi ngày có khoảng 75.000 lượt xe đi qua tuyến cao tốc này. Cao điểm dịp Tết Giáp Thìn 2024, số lượt xe qua đây đạt 137.000 lượt xe/ngày đêm, tăng so với năm Quý Mão là 5,1%.
Một số vị trí ùn tắc thường xảy ra tại nút giao chuẩn bị vào TP Hà Nội và lên Vành đai 3.
Phương tiện ùn tắc dài hàng km, cạnh đó là công trường dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3. Ảnh: Hữu Chánh
Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Pháp Vân, hồi tháng 7.2023, TP Hà Nội khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3.
Tuyến đường dài 3,4km, rộng 60m, gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp với tổng mức đầu tư 3.241 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau 2 năm.
Công trình hoàn thành góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực nội thành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và khu vực phía Nam.
Tuy nhiên, ghi nhận của Lao Động cho thấy, sau khoảng 10 tháng từ ngày khởi công, nhà thầu chỉ thi công cầm chừng tại hai điểm đầu là nút giao với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và nút giao với Vành đai 3.
Trên công trường điểm đầu dự án (khu vực nút giao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) im lìm những ngày cuối tháng 4. Ảnh: Hữu Chánh
Công trường dự án những ngày cuối tháng 4.2024 im lìm, không có hoạt động thi công và chỉ mới hoàn thành việc xây lắp một số trụ cầu.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội (chủ đầu tư), hiện nay các nhà thầu đang thi công trên phần đất thuộc phạm vi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Vành đai 3 nên phạm vi thi công khá hẹp. Còn lại chưa được bàn giao mặt bằng từ địa phương.
Theo phương án vừa được đưa ra giữa các bên, từ tháng 6.2024, huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai sẽ bắt đầu bàn giao dần mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai thi công dự án theo đúng tiến độ kế hoạch.
Dự án mới chỉ thi công hoàn thiện một số trụ cầu ở điểm đầu dự án. Ảnh: Hữu Chánh
Ông Nguyễn Chí Hiếu - Chỉ huy trưởng gói thầu số 1 dự án đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3 - cho biết, kể từ khi dự án được triển khai thi công đến nay, các nhà thầu vẫn thi công cầm chừng tại hai điểm đầu - cuối của dự án, trên phạm vi đất dự án đã được giải phóng mặt bằng trước đó.
Theo ông Hiếu, nếu từ tháng 6 tới đây không được bàn giao mặt bằng, các nhà thầu sẽ phải tạm dừng thi công.
"Đơn vị đã ký hợp đồng và cam kết với chủ đầu tư triển khai xây dựng dự án trong vòng 760 ngày nhưng với điều kiện phải có mặt bằng kịp thời.
Do vậy, rất mong UBND TP Hà Nội quan tâm, chỉ đạo huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai sớm giải phóng mặt bằng để bàn giao cho dự án theo đúng tiến độ các bên đã đưa ra và cam kết" - ông Nguyễn Chí Hiếu cho hay.