03 Tháng 11 2008 - Cập nhật 13h23 GMT
Đầy tớ làm gì cho chủ?
Bảo Trung
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Hà Nội
Ông Phạm Quang Nghị
Lời nói của ông Phạm Quang Nghị về việc 'ỷ lại' làm người dân Hà Nội phản ứng
Phát ngôn của ông Bí thư Thành ủy Hà Nội đang được người dân thủ đô bàn tán trong những ngày họ tự học cách sống chung với lũ.
Theo báo điện tử VietnamNet, ông Phạm Quang Nghị tuyên bố sau chuyến thị sát khu vực ngoại thành: "Do đang đi kiểm tra dưới cơ sở nên tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm."
Đầy tớ của dân?
Lẽ dĩ nhiên, ai cũng biết ông Nghị cùng tất cả các quan chức đều là "đầy tớ của dân", như cách họ vẫn tự nhận từ xưa đến nay.
Cũng dĩ nhiên, một nhà nước ở bất kỳ quốc gia nào, chính thể nào cũng để phục vụ người dân. Nhà nước hoạt động bằng tiền thuế của nhân dân.
Vậy thì vì lẽ gì trong suốt 2 ngày 31.10 và 1.11 các "đầy tớ" này lại không có bất kỳ động thái nào để hỗ trợ cho người dân Hà Nội đang ngập ngụa với nước lụt? Trong khi truyền thông đã đưa tin có 17 người đã chết và số tiền thiệt hại, chưa đầy đủ, đã trên 3.000 tỷ đồng.
Ông Nghị nói rằng trong sáng ngày 1.11 lãnh đạo thành phố phải họp về vấn đề tôn giáo. Lụt "chỉ" làm người 17 người dân chết còn vấn đề tôn giáo lại ảnh hưởng đến chế độ, có lẽ vì vậy mà cuộc họp phải được tiến hành dù hàng triệu cư dân thủ đô đang lặn ngụp trong “biển” nước.
Ông Nghị nói rằng ông đi thị sát “bằng ô tô”, điều này khiến người ta nghi ngờ rằng ông đã không đến những điểm ngập sâu nhất, nơi dân chúng đang khổ sở nhất.
Não trạng lãnh đạo
Với những hình ảnh tràn ngập trên các tờ báo mô tả người dân chèo xuồng đi mua mì gói, di chuyển đồ đạt trong mực nước ngang thắt lưng, dùng bè chuối, xe ngựa để đưa người và tài sản đi di tản...thì không thể nói rằng họ đang "trông chờ, ỷ lại nhà nước" mà không tự thân vận động để tránh lũ.
Dân chưa lên tiếng phàn nàn về trách nhiệm của chính quyền sau những chậm trễ thì ông Bí thư lại chê trách họ "ỷ lại".
Giữa lúc đồng bào của ông Bí thư đang lặn ngụp, thật vô cảm khi ông phát biểu như vậy.
Vả chăng, người dân vẫn có quyền "ỷ lại" nhà nước vì họ đã trả tiền (thuế) để được Nhà nước chăm sóc.
Và, Nhà nước nên tự hào nếu được dân ỷ lại, điều này thể hiện lòng tin của người dân đối với khả năng xử lý khủng hoảng của các cơ quan công quyền.
Thật thiếu sòng phẳng khi người dân chưa lên tiếng phàn nàn về trách nhiệm của chính quyền sau những chậm trễ thì ông Bí thư lại chê trách họ "ỷ lại".
Với lời phát biểu này đã thể hiện một não trạng của vài người cầm quyền tại Việt Nam, họ tự đặt mình đứng trên nhân dân, dù khi được hỏi đến, ngay lập tức, những người này sẽ khẳng định mình vẫn là "đầy tớ nhân dân".
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Quý vị có ý kiến gì xin chia sẻ với Diễn đàn BBC ở địa chỉ
vietnamese@bbc.co.uk.
Dinh Van, Hà Lội
Là người dân Hà nội, tôi kính mong ông bí thư Nghị ra sức đốc thúc tiến độ của hoàn thành dự án tàu điện ngầm nội đô trước năm 2010. Các ông "đầy tớ" sẽ có dịp báo công, tư túi khẳm. Người dân sẽ có thêm 1 cống chứa nước thải hiện đại... Đắc cử ba bốn lợi, ông bí thư Nghị ạ!
nguyen le
Qua trận lụt lịch sử này mới thấy cần xây dựng lại không phải hệ thống cống, đê điều của Hà nội hay bất cứ thànbh phố nào khác của VN , mà điều cần hơn là nhận định khách quan và xây dựng lại hệ thống những con người quản lý có trách nhiệm đối với cộng động, với nhân dân. Không thể ăn xài tiền thuế của dân rồi đến lúc cần lại bảo người dân “ỷ lại”, chưa thấy ở đâu trên thế giới lại có quái trạng thế này.
LH
Các bác quan chức nhà nước trốn mưa lũ trong nhà cao cửa rộng, không lên tiếng thì tốt hơn là mở miệng ra nghe không lọt tai được! Vẫn là những câu khẩu hiệu suông học thuộc lòng, nói rập khuôn y hệt nhau!
Làm chưa ra gì đã tưởng mình ra cái gì rồi cho nên cứ say sưa "ngủ quên trên chiến thắng", ru ngủ người dân bằng các phương tiện truyền thông một chiều.
Tuấn Anh
Qua trận lũ lần này chúng ta phải nhìn nhận một cách khách quan về vấn đề xây dựng hệ thống thoát nước của Hà Nội. Rõ ràng là hệ thống thoát nước của chúng ta hiện nay không xứng tầm với cơ sở hạ tầng của một thủ đô.
Vậy phải chăng nhà nước ta đã không có sự đầu tư đích đáng cho vấn đề này hay sự đầu tư đó đã đi đâu? Hy vọng sẽ có câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng.
Hưng
Là một người dân Hà Nội tôi rất buồn khi mà mưa lũ xảy ra mà chính quyền TP quan tâm rất chậm trễ, phải tới mất 2 ngày hôm sau thì mới có thấy tiếng nói phát ngôn của chính quyền.
Thật chẳng ra sao, một câu phát biểu thông cảm cũng không có mà lại bảo "dân ỷ vào nhà nước, ỷ vào trên". Lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo, quản lý của nhà nước đang bị xói mòn đi.
Các ngài đi thị sát, kiểm tra tình hình bão lũ thì có xe đưa đón tận nơi, có thuyền máy để chạy, có người che ô. Còn chúng tôi người dân khổ cực phải lội nước bì bõm tới đầu gối.
Thử hỏi trong các năm qua thành phố đã đầu tư gì, phát triển cái gì mà để cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp, ngày càng ô nhiễm. Lòng tin đã xói mòn.
CVM
Ông Phạm Quang Nghị đã nói rất đúng, có thể do bận nhiều công việc nên ông chưa nói hết những điều cần nói.
Đã khiến dư luận hiểu nhầm và người dân bất bình với ông. Giả sử ông Nghị đừng kiệm lời mà nói đủ câu như sau "Do đang đi kiểm tra dưới cơ sở nên tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm.
Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm. Sắp tới chúng tôi sẽ trả lại những quyền tự do cơ bản cho Dân dể Dân biết, Dân bầu những người có năng lực quản lý tốt hơn, thì Hà Nội sẽ không bị ngập lụt nữa", như vậy Dân sẽ vui mừng và biết ơn ông lắm lắm!
Chí Cường
Vì tình quê hương mà tôi ở VN nhưng càng ngày tôi càng chán và thất vọng với tình hình trong nước hết vụ này đén vụ khác.
Tôi không hiểu ông bí thư thành uỷ HN trình độ như thế nào mà ông phát biểu như vậy. Là người tự trọng ông hãy xin lỗi người dân chúng tôi.
Lệ Chi
Ông Phạm Quang Nghị vẫn được biết là người rất mạnh tay trong kỉ luật cán bộ, cho nên ông mạnh mồm với dân cũng không có gì lạ. Nhà ông Nghị đâu có ngập trong nước, ông đâu phải ăn mì cầm hơi. Ông thật xứng đáng là "công bộc trung thành"của người dân.
Nam
Dân ta vốn cần cù, hiền lành và chịu khó, khi có giặc cả nước đồng lòng không tiếc máu suơng. Có những chiến sĩ vô danh vẫn còn nằm đó không có nén hương, những cảm tử quân hy sinh sương máu cho dân tộc. Những nông dân ngày đêm mưa nắng cần cù lao động mang lại của cải cho xã hội có nghĩa vụ với nhà nước.
Trong trận lụt nguời dân vẫn phải tự lo, tự cứu mình thế mà chính quyền vẫn tự cho là đầy tớ của dân?
Công lý
Thật nực cười cho ông bí thư Hà Nội, chết có 17 người mà ông còn kêu là dân ỷ lại. Nếu dân ỷ lại, thì chắc chờ ông đến thì chỉ còn có nước là thắp hương thôi.
Lãnh đạo như tổng thống Bush khi sảy ra bão katrina còn đứng ra xin lỗi nhân dân mặc dù cơn bão đó là bất khả kháng.
Đằng này, ông Nghị lại đi chỉ trích nhân dân. Ông thử nghĩ xem, hàng nghìn tỷ đồng cho công trình thuỷ lợi thủ đô đã được thực chi bao nhiêu.
Liệu ông có thống kê, trước và sau khi công trình triển khai, có bao nhiêu quan chức làm nhà, tậu xe sịn và tiêu tiền như ném rác. Thật thương cho người dân nghèo Việt Nam.
Toàn
Một nhà nước cầm quyền được bầu lên bởi những người cầm quyền. Nhà nước phải phục vụ chính mình đã thì mới đến người dân.
Họ tốn bao nhiêu tiền mới có được một "vị trí" vì vậy khi lên thì phải làm sao củng cố vị trí đó và gỡ lại những gì mình đã bỏ ra! Việc Hà Nội bị ngập bây giờ và sau này sẽ không thể cải thiện được.
Dragon
Qua đợt lũ lụt này cho thấy qua bao nhiêu năm nhưng công tác phòng chống lũ lụt, thiên tai của Hà nội vẫn không tiến bộ được tí nào.
Thế mà các quan cứ mở miệng ra là thành tích này nọ, cái gì cũng tốt. Không chỉ ở Hà nội mà ở các địa phương khác cũng vậy.
Tôi nghĩ, các quan ở cấp thoát nước Hà nội và các quan cấp trên đó nên công khai xin lỗi nhân dân, sau đó nên từ chức càng sớm càng tốt vì sự yếu kém của mình.
Đức Phú
Mới có mưa một trận mà tôi là người làm ăn xa nhà đi mua mỳ tôm cũng không có. Và cũng chẳng thể nào mạo hiểm mà lội bì bõm giữa biển nước mà không biết có cái nắp cống nào được mở ra mà không có người trông.
Dân nói
Tôi công nhận, trong việc ngập úng Hà Nội lần này, trách nhiệm rất lớn thuộc về các cơ quan lãnh đạo của Thành phố Hà Nội. Sức ứng phó kịp thời quá yếu, để đến gần 3 ngày sau, nước ngập trắng thì mới thấy lãnh đạo của Thành Uỷ, của UBND thành phố mới xuất hiện, còn chưa kể đến lãnh đạo từ UBND Quận và Phường thì người dân không thấy đâu.
Ông Bí thư thành uỷ có phát biểu người dân ỷ lại Nhà nước quá nhiều là hoàn toàn ko đúng. Trong trận đại hồng thuỷ này, chắc chắn người dân ý thức được rằng hãy cứu mình trước, trước khi trời cứu, thưa ông.
Rõ ràng, sức chiến đấu với thiên tai của các vị lãnh đạo Thủ Đô từ lãnh đạo Thành uỷ Hà Nội, đến lãnh đạo thành phố lần này là quá yếu.