Em xin trích giới thiệu bài viết của mod
vnreddevil bên Diễn đàn cá cảnh về loài cá chọi cờ ở Việt Nam (link full bài:
http://www.diendancacanh.com/threads/gioi-thieu.377/)
I. CÁ LIA THIA (CÁ CỜ/ SĂN SẮT/ SIN SÍT) – MACROPODUS
1. Cá lia thia chấm
Trong quyển “Kỹ thuật nuôi cá cảnh” của Dick Mills do Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin phát hành năm 1999 có ghi chú loài
Macropodus opercularis là “cá lia thia, cá cờ hay cá săn sắt”. Đây là loài lia thia chấm
Macropodus opercularis thuộc họ Osphronemidae, phân họ Macropodinae, có nhiều sọc đứng màu xanh trên nền thân màu đỏ nâu, vây đuôi hình chiếc nĩa và kéo dài ở hai đầu, đặc biệt trên nắp mang có một chấm xanh. Loài này được nhập vào Pháp rồi sau đó là châu Âu từ năm 1869 dưới tên gọi cá thiên đường (paradise fish). Loài này phân bố ở nhiều quốc gia. Ở ta, chúng được phát hiện ở những vùng từ Tây Bắc, ĐB sông Hồng, Vinh đến Tuy Hòa. Chúng cũng xuất hiện ở đầu nguồn sông Đồng Nai, nhánh chảy qua Sài Gòn.
Cá lia thia chấm Macropodus opercularis bình thường và chấm bạch tạng (góc trên) (nguồn www.fishbase.org)
2. Cá lia thia đen và lia thia lưng đỏ
Ngoài lia thia chấm, Việt Nam còn có hai loài lia thia đặc hữu nữa thuộc chi
Macropodus là lia thia đen
Macropodus spechti và lia thia lưng đỏ
Macropodus erythropterus. Hai loài này hầu như không có các sọc đứng và chấm trên nắp mang như ở loài đầu tiên; chúng chỉ khác nhau đôi chút về màu sắc trên lưng và vây. Cả ba loài trên chỉ phân bố ở miền Bắc, miền Trung và miền Đông Nam bộ mà thôi, không hề xuất hiện ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long!
Loài lia thia đen Macropodus spechti có các chấm đen đặc trưng trên vây lưng và đuôi. Loài đặc hữu của Việt Nam. Chúng được phát hiện ở Huế và Hội An
(nguồn www.casa-di-lago.de)
Loài lia thia lưng đỏ Macropodus erythropterus có lưng màu hanh đỏ. Loài đặc hữu của Việt Nam. Chúng được phát hiện ở các tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình
(Hình lấy từ nguồn www.casa-di-lago.de).
II. CÁ THIA THIA ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG – BETTA
Những loài cá được gọi là thia thia ở vùng Đồng Bằng sông Cửu Long, miền Nam lại là các loài cá hoang dã thuộc chi
Betta, cũng thuộc họ Osphronemidae, phân họ Macropodinae. Đặc điểm chính để phân biệt chi
Betta với chi
Macropodus đó là chúng có đuôi hình quạt so với đuôi hình nĩa. Theo thống kê thì có đến 5 loài như vậy ở đây. Chúng gồm các loài:
1. Betta splendens: hay còn gọi là cá lia thia mang đỏ vì ở trạng thái kích thích, nắp mang cá có viền đỏ. Thân điểm vảy xanh óng ánh. Loài này sống trên ruộng lúa và kênh rạch. Chúng phân bố rất rộng. Đến nay, chúng được phát hiện ở ngoại ô Sài Gòn, Củ Chi, Tây Ninh và Đồng Tháp.
Cá lia thia mang đỏ (Betta splendens)
2. Betta aff. imbellis: hay còn gọi là cá lia thia mang xanh, trông rất giống với loài
Betta imbellis ở Thái Lan nhưng hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh rằng chúng có phải là cùng một loài hay không nên người ta mới thêm vào chữ
aff. Nắp mang loài này có màu xanh. Các vảy xanh óng ánh trên thân cũng nhiều hơn ở loài
Betta splendens. Loài này sống trên ruộng lúa và kênh rạch. Đến nay, chúng được phát hiện ở Phú Quốc, Sóc Trăng, Cần Thơ và Hậu Giang.
Cá lia thia mang xanh (Betta aff. imbellis) do anh Hai Lúa (www.forum.ctu.edu.vn) chụp khi về thăm vùng lũ An Giang năm 2005.
3. Betta taeniata: loài này có viền xanh đặc trưng trên vây hậu môn và đuôi. Chúng được phát hiện ở Cần Thơ.
4. Betta pugnax: loài này có nắp mang màu xanh trên, đuôi hình lưỡi giáo.
5. Betta sp. Bung Binh: hay còn gọi là cá dùi đục, loài đặc hữu, mới phát hiện năm 2000 ở ấp Bùng Binh, Xã Đôn Thuận, Huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Chúng hầu như không có màu, kỳ ngắn và trong, vây hơi ửng đỏ, hình dạng đuôi tương tự như ở loài
Betta pugnax, phân biệt giới tính loài này rất khó, ngoại trừ con đực có họng hơi to hơn vì chúng là loài ấp miệng. Lọ nuôi cần đậy nắp thật kỹ vì chúng rất nhút nhát và hay nhảy mỗi khi hốt hoảng. Loài rất phàm ăn này sống trên kênh rạch, bên cạnh các ruộng lúa. Đánh giá sơ bộ, chúng rất giống với loài
Betta prima ở Thái Lan. Đến nay, chúng được phát hiện ở Củ Chi, Bình Chánh, Long An, Tây Ninh và cả Phú Quốc.
Cá dùi đục (Betta sp. Bung Binh). Chúng đôi khi cũng được bán lẫn lộn với cá lia thia mang đỏ làm thức ăn cho cá La Hán. (Hình do thạc sĩ Bùi Hữu Mạnh chụp, nguồn http://mystusvittatus.googlepages.com).
III. Cá bã trầu (bãi trầu/thanh ngọc/bảy trầu)
Cá bã trầu không phải là con cá thia thia. Cụ Vương nói là đi hớt cá thia thia mà hớt trúng bã trầu thì “phóng sanh phứt cho rảnh nợ đời” vì loài này chỉ giỏi ăn cung quăng, không biết đá đấm là gì. Đối với người ở nông thôn thì họ không lạ gì chúng, nhưng với một số người ở thành thị suốt đời không biết mặt mũi con cá lia thia nó ra làm sao thì rất dễ bị nhầm lẫn vì thoạt trông cá bã trầu cũng hao hao con cá Xiêm. Lại nữa, người ta đồn cá La Hán ăn cá lia thia thì mau “lên đầu” nên các tiệm cá hay bán cá lia thia làm đồ ăn cho cá La Hán, thực tế rất nhiều nơi bán toàn bã trầu mà vẫn gọi đó là… cá lia thia làm mọi người càng thêm nhầm lẫn. Cá bã trầu rất khác cá lia thia, nếu nhìn từ trên xuống thì thấy mõm chúng rất nhọn và thân dẹp như cá sặc. Ở ta có hai giống bã trầu là
Trichopsis vittata và
Trichopsis pumila. Loài đầu rất dễ nhận biết nhờ kích thước lớn đến 7 cm, có từ hai đến ba sọc dọc theo chiều dài thân và một chấm nằm phía sau vây ngực. Loài sau có kích thước nhỏ hơn, tối đa 4 cm, thân và vây xanh lấp lánh rất đẹp. Vào mùa sinh sản, cá quẫy nước tạo thành tiếng kêu rất to. Theo các nhà khoa học thì vây ngực của chúng có khả năng phát ra âm thanh khi quẫy nước và đây là phương thức giao tiếp rất quan trọng giữa các cá thể của các loài này. Cá bã trầu có vây rất dài nên có người tin rằng dòng cá Xiêm đuôi dài là kết quả của việc lai với cá bã trầu nhưng việc hai loài này có thể lai tạp với nhau là điều đáng ngờ!
(Trái) Loài Trichopsis vittata có các sọc và chấm nổi rõ trên thân. (Trên) Loài Trichopsis pumila nhỏ hơn và chỉ có một dải sậm màu (nguồn www.fishbase.org).