Chào các cụ mợ!
Mấy hôm em bận bịu, lại còn lang thang đi tỉnh chơi, hôm qua mới về hơi mệt mỏi. Thế là sáng nay 3 bố con đi bơi cho thư giãn, giờ về nhà mát mẻ thoải mái, lại tán vui với cả nhà nhé...
Những kiến thức về Can Chi, chắc chắn nhiều người đã rất sâu, và cũng nhiều người lơ mơ một chút. Thôi thì tiện thế nào em cứ nói thế, cho nó dễ hiểu. Và một điều nữa, là chỉ liên quan đến Can và Chi, cũng nhiều thứ để bàn lắm, và chả có giáo trình mẫu nào...
Liên quan số học giữa can và chi là thế này:
Thập can (10 can) là giáp ất bính đinh mậu kỷ canh tân nhâm quý, âm dương xen kẽ. Cứ lấy giáp là 1, thì ất là 2, bính là 3...thì tất cả các số lẻ là Dương, số chẵn là âm. Vậy ta có giáp bính mậu canh nhâm là can Dương, và ất đinh kỷ tân quý là can Âm.
Thập nhị (12)địa chi cũng vậy, ta sẽ có tí dần thìn ngọ thân tuất là chi Dương, và Sửu mão tỵ mùi dậu hợi là chi Âm.
Nguyên tắc phối kết can chi là dương đi với dương và âm đi với âm. Nên ta sẽ có ví như giáp tí, mậu ngọ, đinh mùi, canh thìn...chứ không bao giờ thấy kỷ thân, giáp hợi, bính mão...
Vậy việc phối kết hợp này bao nhiêu là đủ vị? 10 can ghép với 12 chi, ta sẽ thấy bội số chung nhỏ nhất của 10 và 12 là 60. Vậy 60 lần kết hợp thì sẽ đầy đủ kết quả phối hợp can chi, từ giáp tí là đầu tiên, cho đến quý hợi là cuối cùng. Và số 60 này được gọi là 1 vòng hoa giáp.
Mỗi một giáp 10 vị, vì từ giáp đến quý có 10 thiên can (còn người ta hay nói 12 con giáp, đó là vòng địa chi chứ không phải 10 can nhé), vậy vòng hoa giáp 60, thì sẽ có 6 giáp, gọi là Lục giáp, gồm giáp tí, giáp dần, giáp thìn, giáp ngọ, giáp thân và giáp tuất. Hệ thống lục giáp này rất quan trọng trong các thuật toán âm dương, và trong thực tế vận hành sẽ có thứ tự là: giáp tí, giáp tuất, giáp thân, giáp ngọ, giáp thìn và giáp dần. Tức là hệ lục giáp sẽ chạy ngược chiều kim đồng hồ trên lòng bàn tay mặc dù tí sửu thì chạy thuận. Các cụ cứ khởi từ giáp tí, qua 10 vị thì sẽ kết thúc ở quý dậu, vậy thì ngay sau quý dậu phải là giáp tuất. Ta sẽ thấy ngay tại sao hệ thống lục giáp lại chạy nghịch.
Tất cả những thứ đó, và nhiều thứ khác nữa, đều là tuân thủ sự lần lượt, và sắp xếp rất khoa học chứ không phải tùy tiện ai đó đặt ra cả.
Liên quan đến chủ đề của lão Vừng, ngay trong một thời vị, sự tương phối của can và chi cũng có 5 dạng sau:
1- Can sinh chi: được gọi là "Bảo", chẳng hạn như giáp ngọ (giáp mộc sinh ngọ hỏa), đinh mùi (đinh hỏa sinh mùi thổ)...
2- Can khắc chi; là "Chế", chẳng hạn giáp thìn...
3- Chi khắc can: là "Phạt", chẳng hạn nhâm thìn...
4- Chi sinh can; là "Nghĩa", chẳng hạn canh thìn...
5- Can hòa chi, chi hòa can: là "Chuyên", như mậu thì, giáp dần...
Ứng dụng suy đoán liên quan đến cái này cũng rất hay, và đa dạng. Như can sinh chi (Bảo) là thiên thời, chi sinh can (Nghĩa) là địa lợi, can khắc chi (Chế) là nhân hòa...Vô cùng đa dạng khi phối hợp với vạn sự của cuộc sống.
Hề hề...Ai biết thì bỏ qua, thấy em gõ nhiều thì bỏ quá nhé.