Thằng cu em bác nói phét............
Cụ nói làm em cay mũi lên google xem thì thấy cái này cho cụ
Học lái xe ở... Mỹ !
(Theo
SGGP )
Ở Mỹ, để thuận tiện trong đi lại, trước tiên bạn phải có bằng lái xe hơi 4 chỗ hoặc xe tải (truck) nhỏ (ở Mỹ rất ít người dùng loại xe 2 bánh, nếu có thì là loại xe thể thao có phân khối lớn) và thứ hai là cần có xe riêng. Đạt được hai việc trên không hề khó.
Thi lấy bằng lái xe bốn bánh: rất dễ!
Trước hết, bạn phải đăng ký thi viết. Công đoạn này rất dễ và nhanh chóng nhưng rất nghiêm túc thông qua phương pháp thi trắc nghiệm (không khống chế về thời gian). Cái dễ thứ nhất là bạn có thể đăng ký trên máy vi tính. Nếu bạn biết
tiếng Anh và có kiến thức tốt về luật giao thông của Mỹ thì có thể nhanh chóng hoàn thành bài thi vì bạn chỉ cần trả lời đúng 70% đáp án trong bài thi có 30 câu hỏi máy vi tính sẽ tự động ngừng lại và báo cho bạn biết rằng, bạn đã vượt qua kỳ thi viết.
Cái dễ thứ hai là bạn có thể chọn cách thi làm bài trên giấy. Cái dễ thứ ba là nếu bạn hoàn toàn không biết tiếng Anh, bạn có thể đăng ký thi vấn đáp có thông dịch, cách thi này dễ dàng vượt qua nhất. Trong quá trình thi, chỉ một mình bạn đối diện với bài thi, ngoài trừ thi vấn đáp có giám khảo và thêm người thông dịch.
Hệ thống đường giao thông ở thành phố Dallas, Tiểu bang Texas, Mỹ.
Vượt qua kỳ thi viết, bạn có thể đăng ký thi sát hạch tay lái bất kỳ lúc nào nếu bạn đủ tự tin lái xe trên đường phố với vị giám khảo ngồi cạnh bên. Vấn đề là bạn phải thể hiện cho giám khảo thấy được khả năng điều khiển chiếc xe và quan sát giao thông trên đường. Vượt qua kỳ thi thực hành, bạn được cấp bằng lái tạm thời để điều khiển xe ngay, khoảng một tuần sau thì bằng lái chính thức sẽ được gửi đến địa chỉ bạn đăng ký.
Đăng ký chủ quyền xe: đơn giản
Nếu bạn mua xe mới (brand-new) thì bạn không phải làm gì cả vì mọi thủ tục đăng ký chủ quyền đều được chủ cửa hàng làm thay bạn.
Trường hợp bạn mua xe đã qua sử dụng (second-hand), bạn phải đăng ký chủ quyền ngay để tránh trường hợp khi bạn vi phạm luật giao thông và bị cảnh sát giao thông “hỏi thăm” giấy tờ đăng ký xe mà bạn không xuất trình được giấy tờ chủ quyền của chiếc xe hoặc không liên lạc được với người chủ cũ của chiếc xe để xác minh thì xe của bạn sẽ bị cảnh sát kéo về trụ sở để điều tra.
Thủ tục thay đổi chủ quyền xe cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần mang giấy chủ quyền của chủ cũ chiếc xe có chữ ký của bạn là người mua, kèm theo bằng lái của bạn, đóng thuế là xong. Việc đăng ký chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút. Từ 1 đến 2 tuần sau ngày đăng ký, giấy chủ quyền xe sẽ về đến đúng địa chỉ bạn đăng ký. Bạn nên đề nghị thay đổi bảng số xe mới (license plate) để tránh trường hợp cảnh sát nghi lầm bạn là chủ xe cũ và “quan tâm” bạn hơn nếu chủ xe cũ đã từng sử dụng xe này gây tai nạn (tất cả những vi phạm của người lái xe đều được ghi vào hệ thống vi tính quản lý của Chính phủ Liên bang). Cảnh sát tuần tra giao thông ở Mỹ được trang bị máy vi tính hiện đại trên xe, khi phát hiện bạn vi phạm luật giao thông thì bảng số xe, tên của bạn có kèm lý lịch tham gia giao thông sẽ được lưu ngay vào vi tính của họ.
Lơ đễnh là lạc đường!
Khi tham gia giao thông ở Mỹ, người lái xe phải tuyệt đối chấp hành luật lệ giao thông một cách nghiêm túc, đặc biệt là khi lái xe trên high-way và free-way (đại lộ có ít nhất 6 làn xe). Chỉ cần bạn lơ đễnh một tí là có thể gây tai nạn hoặc đi lạc đường. Anh Mai Nguyễn sang Mỹ 6 năm, đang sống ở thành phố Richarson, Tiểu bang Texas, kể: “Hồi mới qua, tôi cùng một người bạn đi chơi xa. Lúc đi trên free-way, hai người mải tán gẫu nên lạc đường. Kết quả là chuyến đi không đến nơi như ý muốn mà 15 tiếng đồng hồ sau mới về đến nhà nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát”.
Thật vậy, hệ thống đường giao thông của Mỹ ở các thành phố lớn như thành phố Dallas của tiểu bang Texas rất “hoành tráng”, có nhiều cầu vượt nhiều tầng đan xen ở các điểm giao nhau. Vì thế, nếu bạn lỡ đi lạc đường và không có cơ hội hỏi đường, bạn cần gọi ngay cho người thân hoặc gọi cảnh sát đến giúp.
Riêng các khu dân cư hoặc thành phố nhỏ, ở các ngã tư không có đèn giao thông, các xe khi đến ngã tư đều phải dừng hẳn hoặc chạy chậm nếu không có biển báo yêu cầu ngừng, xe nào đến trước được ưu tiên lăn bánh trước. Đặc biệt ở các trục lộ có trường học, nếu có xe buýt đang dừng đưa đón học sinh, các xe đi ngang phải dừng hẳn nếu chưa có sự cho phép của tài xế xe buýt. Điều đáng nói là, ngoại trừ xa lộ, các ngả đường ở các thành phố và đường xuyên bang (quốc lộ) đều không có dải phân cách hai chiều nhưng các xe không bao giờ lấn (lane) sang phía nghịch chiều.
Cảnh sát giao thông - những “hộ vệ” vui tính trên đường
Ngoài chức năng quan sát giao thông, xác minh các vụ tai nạn… cảnh sát giao thông ở Mỹ còn kiêm luôn các công việc giúp đỡ, khiến người tham gia giao thông rất vui khi thấy bóng dáng họ xuất hiện. Khi đang đi trên đường, nhỡ xe hết xăng bạn chỉ cần dùng điện thoại cầm tay gọi 911 mà không cần nói lời nào thì cảnh sát giao thông cũng định vị được nơi bạn gọi rồi phóng xe đến giúp bạn ngay bằng cách chiết cho bạn ít nhất 1 gallon xăng (bằng 3,78 lít của Mỹ và bằng 4,54 lít của Anh) và chỉ cho bạn cây xăng gần nhất; nếu xe của bạn bị chết máy họ cũng sẽ giúp bạn khắc phục bằng cách sửa xe giúp bạn hoặc kéo xe bạn về garage để sửa.
Ở các con đường xuyên bang hầu như đều có nhiều khu dành cho người đi đường dừng chân nghỉ ngơi miễn phí. Hôm đầu tháng 3-2007, tôi từ Texas đi sang Tiểu bang Oklahoma chơi, trên con đường tôi đi dài hơn 500km có ít nhất hai trạm dừng chân với các dịch vụ phục vụ miễn phí như: cà phê và nước lọc, bản đồ đi đường, nhà vệ sinh… Một điều làm tôi nhớ mãi là nhân viên ở đây tuy phục vụ miễn phí mà nụ cười luôn nở trên khuôn mặt.