Cha này ăn thua gì so với phong trào nhân điện 10 năm trước đây
Năm 2005 bà Trần Thị Tâm, 44 tuổi, Tiến sĩ Quang học, Viện Vật Lý ở Đào Tấn, Hà Nội (hình như sau có giảng dậy ở Đại học Tự nhiên Quốc gia thì phải), từng đuổi được cả bão
Ngày 17-9-2005, lúc cảnh sát ập vào lớp học "nhân điện" ở địa chỉ trên, bà vừa đến cửa, nhanh chân né được
Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu và giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tú (cựu Viện trưởng Viện Sinh vật, Viện Khoa học Việt Nam) cũng cổ động cho phong trào bón phân và nuôi lợn nạc thịt bằng... nhân điện. Nôm na là nhìn vào ruộng thì lúa tốt chẳng khác gì bón phân, nhìn vào lợn, thì lợn nạc thịt
Tầm cỡ đấy mà nổ được thì mấy tay võ sư "Sơn Nam mãi võ" xem ra còn bậc học trò
Nguồn đây
Trần Thị Tâm – Nhân điện
Ngày 17-9-2005, Đoàn kiểm tra tới gần 30 người trong đó có 7 cảnh sát (có tin khác đưa hơn 15 cảnh sát) đã ập vào toà nhà 10 Đào Tấn, nơi Viện Vật lý đóng trụ sở, khám xét và lập biên bản việc rao giảng trái phép “nhân điện”, trong lúc “thầy” Trần Thị Tâm (sinh 1951, học vị chính thống: (phó) tiến sĩ quang học, phó trưởng khoa của Đại học tự nhiên, kiêm chuyên gia vàng bạc đá quý) đang thao thao về cách mở “luân xa”.
Với cung cách khám xét như thế, dư luận đồn rằng vụ khám xét này có vẻ để “dằn mặt” ai đó.
“Thầy” Trần Thị Tâm (ảnh tư liệu riêng)
Sau đó báo Lao Động 3 số liền từ 19 đến 21-9 đã vạch trần thực chất cái lớp học này. (Xem bài dưới đây)
Đồng thời Báo Thể Thao Văn hoá ngày 24-9-2005 cũng đăng bài phỏng vấn ông Đào Vọng Đức, giám đốc “Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người”. Ông Đức đau đớn thú nhận rằng có tới hơn nửa cuộc điện thoại gọi tới đều phỉ báng Trung tâm do ông làm giám đốc và ông phủ nhận tin đồn cho rằng ông là người “đứng đằng sau” lớp học nhân điện.
Tờ báo cũng nhắc khéo cho ông Đức biết chính Trung tâm của ông đã tung những quảng cáo về thành quả “nhân điện” trong việc trồng lúa, nuôi lợn và nhiều lĩnh vực khác. Và thật bất ngờ, cái “Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người” lại chiếm phần lớn tầng một của toà nhà VVL số 10, Đào Tấn.
Cần nói thêm về lý lịch “thày tổ” Đáng, trong bài nói là người đã đào tạo và chữa bệnh cho nhiều người và có khả năng chữa bệnh qua... điện thoại. “Thầy tổ” vốn là y tá Hải quân Việt nam cộng hoà (Sài gòn), bị trúng đạn quân Giải phóng, què cẳng, sau chiến tranh thầy bỏ sang Australia và kiếm ăn bằng cái nghề bịp bợm này. Thầy không thể về Việt nam (hay không được phép về) nên chỉ đến được Thái Lan “đào tạo” nhân tài nhân điện, trong đó có “thày” Trần Thị Tâm lặn lội sang học.
Cách chữa bệnh qua... điện thoại của “thầy tổ” gọi là “long đít”, xin đừng nhầm với với căn bệnh lòi rom! “Long đít” chính là viết tắt “long distance” mà Việt kiều gọi tắt những cuộc điện thoại đường dài, viễn liên, quốc tế.
Bà Trần Thị Tâm còn khẳng định, nếu “thầy” Đáng mà có mặt tại những địa điểm đã từng xảy ra những vụ khủng bố, thiên tai kinh hoàng như New York (Mỹ) hay bãi biển Phuket (Thái Lan), thì chắc chắn thiệt hại sẽ giảm được phần nào...
Tiếc quá, nếu “thầy tổ” có tài thế này thì hãy về cứu dân Việt nam tránh khỏi cơn bão lớn số 7, mạnh cấp 12..., công lao này ắt bằng ngàn lần “thày” mở luân xa, kiếm tiền cò con.
Trong quá khứ, cái Viện Vật lý từng nảy nòi ra nhiều điều quái dị.
Nhớ lại năm 1991, nguyên Viện trưởng VVL từng thu nhận vào biên chế cô đồng Bùi Thị Thơm (trình độ lớp 7/10), hưởng bậc lương cao nhất 4/4 (425 đồng) cho nghiên cứu viên cao cấp (lúc ấy ngang với với Tiến sĩ Đặng Vũ Minh, đương thời giữ chức Viện phó VVL). Cô đồng Bùi Thị Thơm được ông tán tụng là người đã chế tạo ra thuốc “chống ung thư” và “chữa chạy thành công” cho chính vợ của ông (để rồi một năm sau vợ ông từ giã cõi đời).
Có thể thông cảm với ông về lòng thương yêu vợ, “có bệnh vái tứ phương”, nhưng không thể nhịn cười về những cán bộ vật lý và hoá học của viện bằng cấp đầy mình, tiếng tây tiếng tầu làu làu, thông kim bác cổ, sợi tóc chẻ tư... lại cung cúc cúi đầu tán tụng (hoặc câm như hến) trước tài năng của cô đồng hành nghề ở “xóm liều” Mai Động. (Xem tham khảo cuối bài)
Xin các “thầy” nhân điện nhớ rằng: những người nghe rao giảng phần đông là văn hoá thấp, ngồi cả hai chân lên ghế trong buổi học và đầu tuần, rác rưởi hôi thối bẩn thỉu tràn ngập nhà vệ sinh và hành lang, nơi VVL cho thuê để “học viên tỉnh xa” nghỉ qua đêm. Tôi khẳng định “cho thuê chỗ” mặc dù ông Viện trưởng Nguyễn Ái Việt vẫn chối là “cho mượn”(!).
Nhân điện hay là những người “điên nhận”!
PS: Người viết bài này từng là học trò hoặc là bạn của những nhân vật trong bài. Bài viết không có ác ý nào cả, trừ sự thật.
______________________
Chữa bệnh bằng nhân điện: Khoa học hay trò bịp?
Nguồn: Ba số báo Lao động từ 19-9-2005 đến 21-9-2005
Kỳ 1: Đi học khai mở luân xa
Ảnh: Phản ứng khi đoàn kiểm tra lập biên bản đình chỉ lớp học nhân điện ngày 17.9 (người chỉ tay là bà Lộc - người quản lý lớp học, ngồi bên trái bà Lộc là “thầy” Hải).
Trong vai những học viên mới, chúng tôi đã tham gia các lớp học nhân điện tổ chức tại Viện Vật lý - số 10 Đào Tấn, Hà Nội. Theo như lời rao giảng của các “thầy”, chỉ cần tốt nghiệp các lớp học này (thời gian hai ngày) là học viên có trong người một nguồn năng lượng đặc biệt để không những lành bệnh mà còn có thể chữa bệnh giúp người!
Chữa được bách bệnh!
Qua lời giới thiệu của một cựu học viên lớp học nhân điện, chúng tôi điện thoại cho ông Hải theo số điện thoại 8.537... để đăng ký xin tham gia lớp học. Ông Hải cho biết, chủ nhật cứ tới Viện Vật lý (số 10 phố Đào Tấn, Hà Nội) đăng ký, là người ta sẽ xếp lớp cho. Người mới vào sẽ phải học lớp 1+2 trong một ngày. Tiếp theo là lớp 3+4+5 trong một ngày nữa. Hết lớp 5, học viên đã có thể chữa bệnh giúp người!
Đúng hẹn, sáng 11.9, phóng viên có mặt tại Viện Vật lý. Vừa lên đến tầng 3, phóng viên đã được các giảng viên rao giảng: Học nhân điện có thể chữa được bách bệnh. Từ cảm cúm, thấp khớp đến các bệnh nan y như ung thư giai đoạn cuối hay... HIV/AIDS. Vì đến muộn 10 phút, nên phóng viên được mở “luân xa” ngay tại cầu thang.
Vừa ngồi xuống ghế, một “thầy” vừa bước trong nhà vệ sinh ra - tay còn ướt đẫm nước - đã “điểm” ngay vào trán, đỉnh đầu, cổ, lưng và thắt lưng... để khai mở luân xa cho phóng viên ở mức 30%, sau đó yêu cầu đóng 30.000đ đăng ký vào lớp.
Theo như tài liệu của lớp học, luân xa là danh từ chỉ vùng từ lực xoáy cực nhanh quanh một điểm trên cơ thể người dọc theo hệ thần kinh. Học nhân điện là học điều khiển chiều quay của luân xa. Luân xa quay theo chiều kim đồng hồ, thì con người có khả năng thu những tia năng lượng vũ trụ vào hệ thống kinh mạch của cơ thể, quay ngược chiều kim đồng hồ thì có khả năng phóng những tia năng lượng từ hệ thần kinh truyền cho đối tượng mà mình muốn chữa bệnh.
Vào lớp học dưới tầng 2, phóng viên kiếm ngay một chỗ ngồi gần “thầy”, người phụ nữ này tên là Trần Thị Tâm. Trong lớp có hơn 50 người. Bà bắt đầu giảng về các loại luân xa. Trong quá trình giảng, thỉnh thoảng bà lại đưa ra những dẫn chứng về tác dụng của nhân điện như: “Trồng lúa bằng nhân điện ở Bắc Ninh, chỉ cần đất và nước, không cần phân bón, người có nhân điện đứng ở đầu bờ ruộng, chỉ cần “truyền năng lượng” vào thửa ruộng là thửa ruộng đấy có sản lượng cao; trồng lạc bằng nhân điện ở Phú Thọ cũng cho năng suất cao không kém...
Các học viên ở dưới không ngớt trầm trồ, xì xào bàn luận về sự kỳ diệu của nhân điện... Bà Tâm còn cho biết, hiện đã áp dụng môn khoa học nhân điện vào... chăn nuôi lợn và kết quả cho thấy lợn tăng cân nhanh và có tỉ lệ nạc cao!
Một chị béo ngồi ngay phía trên tôi rụt rè hỏi: Liệu người béo tập môn này có giảm cân được không ạ! Bà Tâm lại “giảng giải”: Không giảm được cân, nhưng tập vào sẽ nâng cao sức khoẻ. Còn ai bị nám mặt thì những vết nám sẽ tự nhiên “lặn” hết... Nghe tới đây, nhiều chị em trong phòng ồ lên thán phục.
Ảnh: Lớp học nhân điện ngày 17-9-2005
Phải có niềm tin mới hiệu nghiệm (?!)
Tiếp đó, bà Tâm cho cả lớp tập theo những bài tập nhằm phát huy nguồn điện năng trong mỗi con người và hấp thu cả nguồn năng lượng của trái đất. Kết thúc phần tập là đến phần giới thiệu về tác dụng của một số đồ vật mà “thầy” Đáng (“thầy” Lương Minh Đáng - thầy tổ của môn nhân điện - phóng viên) đã “yểm” điện vào như logo của môn phái nhân điện, bảo tháp mica...
Bà Tâm bảo, khi có những vật này, người ta có thể vượt qua được mọi bệnh tật và rủi ro... Bà Tâm còn khẳng định, nếu “thầy” Đáng mà có mặt tại những địa điểm đã từng xảy ra những vụ khủng bố, thiên tai kinh hoàng như New York (Mỹ) hay bãi biển Phuket (Thái Lan), thì chắc chắn thiệt hại sẽ giảm được phần nào... Thật huyền diệu!
Kết thúc gần 4 tiếng đồng hồ buổi sáng cũng là lúc bà Tâm mở nốt 30% luân xa cho học viên. Tất cả chăm chú nhìn vào điểm giữa trán của bà và bắt đầu “luyện công” theo từng bước: Hít, thở, dồn suy nghĩ lên luân xa 7... để hấp thụ năng lượng mà bà Tâm phát ra từ luân xa 6 (điểm giữa trán)... Lúc này, tôi thử hé mắt nhìn quanh thì thấy mọi người đều đang nhắm nghiền mắt, trong tư thế thiền.
Vừa liếc nhìn chung quanh, tôi vừa suy nghĩ lan man đủ chuyện, cũng hơi lo nhỡ mà bị “tẩu hoả nhập ma” như lời “thầy” phán thì ghê. Nhưng rồi chẳng có gì xảy ra! Hết 5 phút, mọi người trở về trạng thái bình thường. Nhiều người thắc mắc vì chẳng thấy có cảm giác gì. Bà Tâm ôn tồn giảng giải: Muốn mở hết 60% luân xa, mỗi người phải tự cảm nhận qua tư tưởng và bằng niềm tin của chính mình. Nếu không thì không hiệu nghiệm đâu...!
Lớp học nhân điện bị thanh tra
Sáng 17-9-2005, khi các học viên lớp học nhân điện 3+4+5 đang say sưa nghe thầy Hải hướng dẫn cách khai mở luân xa để chữa bệnh, thì một đoàn kiểm tra do ông Lê Nhân Tuấn - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn cùng với công an, chính quyền bất ngờ kiểm tra hoạt động của lớp học.
Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra, bà Lộc - người quản lý các lớp học và ông Hải - người giảng bài - đều khai nhận chỉ là người làm thuê, còn người chịu trách nhiệm tổ chức lớp học là bà Vân Anh.
Kiểm tra các giấy tờ, tài liệu giảng dạy phát cho học viên, đoàn thanh tra phát hiện đây đều là những tài liệu chưa được phép lưu hành tại VN.
Đoàn đã lập biên bản đình chỉ các lớp học và đình chỉ việc hướng dẫn chữa bệnh bằng nhân điện - do đây là phương pháp chữa bệnh chưa được cơ quan chức năng ở VN thẩm định và cấp phép, tạm giữ 69 cuốn “Tài liệu hướng dẫn phương pháp trị bệnh bằng nhân điện”.
Để làm rõ về hoạt động của các lớp học này, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội yêu cầu những người tổ chức đến Sở Y tế làm việc vào sáng hôm nay (19-9-2005).
______________________
Cái gọi là môn nhân điện của “thày tổ”
Để hiểu thêm về cái gọi là môn nhân điện và những những bài giảng về giáo lý của môn nhân điện, chúng tôi xin trích một đoạn từ bài viết của Dr. Thái Tấn Truyền, ghi nhận và tường trình từ Trung tâm Nhân điện MEL Melboume ngày 15.8, về một lớp học triết học Đông phương do ông Lương Minh Đáng giảng dạy... Thầy (ông Lương Minh Đáng - phóng viên) đã ưu ái dành cho VN một lớp học tâm linh có danh xưng “Triết học Đông phương” trong tháng 8-2005.
Nhiều bài học lần đầu tiên mới được thầy rao giảng như bài học về châu thứ sáu của thế giới đã xuất hiện trong thời đại của chúng ta, địa lý là đất nước VN, tâm linh là châu Atlantic tái sinh mà thầy và một số anh chị em trong lớp học triết học Đông phương này là những linh hồn của những vị thầy Atlantic xa xưa trở về trần, gian để thực hiện nhũng sứ mạng chưa hoàn thành của Thượng thiên giao phó.
... Chỉ những học viên có đầy đủ các điều kiện vật chất và trình độ tâm linh cao, thầy mới đào tạo để có những năng lực đặc biệt chưa từng có trong lịch sử là xã hội loài người, để anh chị em cùng với thầy hoàn thành những sứ mạng tương lai do Thượng thiên giao phó, sứ mạng 200.000 năm trước, những vị thầy tâm linh Atlantic chưa thực hiện được, sứ mạng nhiều ngàn năm trước đây những vị thầy tâm linh Ai Cập cũng đã không thực hiện được.
______________________
Bỏ tiền triệu mua điều mơ hồ
Bà Nguyễn Thị Vân (tên nhân vật đã được đổi theo yêu cầu) - ở khu tập thể K Hà Nội - đã theo học các lớp nhân điện tại Viện Vật lý từ 3 tháng nay. Tuổi đã cao nên bà mắc đủ thứ bệnh, từ thấp khớp, thoái hoá đốt sống cổ tới gai đôi huyết áp thấp... “Có bệnh phải vái tứ phương”, nên khi có người hàng xóm giới thiệu bà đến lớp nhân điện, bà cũng thử xem sao. Tại khu K, phong trào học nhân điện rầm rộ tới mức người ta phải lập ra một tổ học nhân điện.
Bà Vân được mở luân xa 60% ngay tại khu tập thể K, bởi chính những người hàng xóm đã học từ trước nên khi tới lớp học, bà vào luôn lớp 5.1, nộp học phí 150.000Đ học trong 1 ngày. Hết lớp này là tới lớp 5.2, bà phải nộp tiếp 160.000Đ nữa, cũng trong 1 ngày. Kết thúc, bà được cấp một chứng chỉ do chính “thầy tổ” Lương Minh Đáng ký. Bà Vân kể, có lần “thầy tổ” Đáng “truyền năng lượng” từ nước ngoài về cho các học viên qua đường điện thoại, nhưng chỉ vẻn vẹn trong vài giây ngắn ngủi, đến nỗi nhiều người còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra. Bà Vân cho biết, chẳng cảm thấy có gì khác lạ.
Bà Vân kể, các thầy ở trung tâm bảo, muốn chữa được nhiều bệnh phải học lên lớp cao. Chẳng thế mà các thầy ở đây đều đã học tới lớp 16, 17 (?). Mà càng lên cao, số tiền học phí càng lớn. Ở những lớp đầu mới chỉ là một vài trăm nghìn, lên tới lớp 6, số tiền là trên 800.000Đ. Lớp 7, số tiền lên tới hơn 1,5 triệu đồng. Cứ thế, tiền học phí cứ tỉ lệ thuận với cấp học. Ngoài tiền học phí, người ta còn tổ chức bán những dụng cụ đã được “yểm” điện của “thầy tổ” như bảo tháp mica trị giá hơn 600.000đ/chiếc với lời quảng cáo có bảo tháp thì sẽ chữa khỏi và đầy lùi mọi bệnh tật các tấm hình mặt trời làm bằng kim loại to như đĩa con, giá 40.000đ/chiếc - treo trong nhà sẽ xua đuổi mọi tà ma. Rồi cả những mảnh dán nhỏ như miếng đềcan với giá 4.000đ/miếng, dán vào xe máy thì khi đi đường sẽ tránh được mọi nguy hiểm. Có người mua một lúc tới chục chiếc để về dán cho tất cả xe của người thân trong nhà. Mỗi lớp học đông tới gần 100 người, cả tiền học phí lẫn tiền bán các đồ vật có “yểm” điện, tính sơ cũng thấy là một món lời không nhỏ.
______________________
Lõ hẹn với thày tổ
Tất cả học viên đều háo hức chở đợi chiều ngày 17-9-2005, buổi chiều mà họ được thông báo là “thày tồ” sẽ từ nước ngoài “truyền năng lượng về Việt Nam cho các học viên qua... điện thoại. Nhưng...
Chữa bệnh xuyên quốc gia, lọc máu bằng tay?
7 giờ 30 phút sáng ngày 17-9-2005, lớp học 3+4+5 có 83 người tham dự bắt đầu. Người giảng bài chính là “thầy” Hải (người mà phóng viên đã liên hệ qua điện thoại để đăng ký tham gia lớp học). Những học viên được học lớp 3+4+5 là những người đã được khai mở luân xa tới 60%, “thầy” Hải tiếp tục hướng dẫn các học viên ứng dụng luân xa, dùng tư tưởng điều khiển năng lượng vũ trụ để kích thích các luân xa trên cơ thể mình. “Thầy” khẳng định, nếu học xong lớp này, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ và với chứng chỉ này, họ có thể hành nghề chữa bệnh giúp người.
Một người đàn ông từ Mộc Châu về tham gia lớp học hào hứng bất chuyện với tôi: “Làng tôi đã có 20 người học ở đây rồi. Họ bảo cái này chữa được bệnh, nên tôi cũng đi học để về chữa bệnh cho con tôi. Cháu nó bị ốm liệt giường không đi nổi cô ạ!”.
Không khí lớp học khá im ắng, tất cả như nuốt từng lời của “thày”. Và đến khi nghe “thầy” nói tới cách trị bệnh có tên gọi “lọc máu bằng tay”, cả lớp đều xì xầm ngạc nhiên bởi điều này có vẻ quá phi lý(?). Thấy vậy “thầy” chậm rãi giải thích: “Khi đặt tay lên cổ tay, năng lượng vũ trụ đã được truyền vào các tế bào máu. Điều này sẽ giúp máu tinh khiết và khoẻ hơn, thải loại những chất độc dư thừa trong máu, giúp người bệnh chóng lành bệnh”. Chỉ cần đặt tay vào luân xa hoặc chỗ đau. Ngay khi đặt tay vào thì phải hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng 3 lần, nếu cảm nhận nóng thì bỏ tay ra, bằng không thì để tiếp nhưng tối đa một vị trí chỉ 2 phút. Chỉ cần làm như thế là máu sẽ được lọc đến mức tinh khiết, bệnh sẽ thuyên giảm đáng kể(??).
“Thầy” Hải còn khẳng định, những người học nhân điện đã giúp người khác chữa được nhiều bệnh “đặc biệt” như: Ngừa chất độc trong đồ dùng, bỏ thuốc lá, tránh nhiễm chất phóng xạ, cứu người chết đuối trong vòng 8 giờ, tăng cường trí thông minh... Còn các bệnh thông thường thì điều trị quá đơn giản, có tới 192 bệnh có thể chữa khỏi bằng nhân điện. Ngoài ra, các bệnh nan y như HIV/AIDS, ung thư các loại, hiếm muộn, u não, tiểu đường cũng “giải” được tất. “Thầy” còn dặn: “Nếu gặp phải những trường hợp nguy cấp mà không xử trí được, cứ gọi thầy, thầy sẽ giúp!”.
Người phụ trách lớp học thông báo chiêu nay “thầy tổ” Lương Minh Đáng - người sáng lập môn nhân điện - sê từ nước ngoài truyền năng lượng cho học viên ở đây qua đường. .. điện thoại và khai mở luân xa 100% cho mọi người. 83 học viên trong lớp với đủ thành phần,
______________________________
NHÂN ĐIỆN
Học nhân điện, trồng lúa... khỏi bón phân (!)
Thứ năm, 19/7/2007, 07:32 GMT+7
http://tintuconline.com.vn/vn/xahoi/153213/
“Nhân điện có thể chữa được bách bệnh; người học được nhiều lớp có thể dùng nhân điện của cơ thể mình để trồng rau mau tốt, lúa đỡ bón phân...” (!).
Những lời quảng cáo đó đã chiêu dụ hàng trăm người dân, có cả cán bộ, công chức nhà nước ở TP Đồng Hới và các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh (Quảng Bình) đổ xô đi học nhân điện.
Chị Nguyễn Thị N. (ở xã Đức Ninh, TP Đồng Hới) tham gia lớp học chữa bệnh bằng nhân điện từ tháng tư năm nay. Chị cho biết chị tự chữa được bệnh cho con cháu trong nhà. Từ khi học đến nay, hầu như trong nhà không còn phải mua thuốc đau đầu đau bụng nữa.
Chị N. khẳng định: “Lấy ngay bản thân tôi đây ra mà luận là biết. Tôi bị bệnh sỏi thận, trước đây liên tục bị đau. Từ khi học nhân điện về tự chữa đến nay đã đỡ hẳn. Bệnh chi chữa cũng được!”.
Chữa hết đau mau nhất là các bệnh cấp tính như đau mắt, bầm dập, đứt chân tay, đau răng... Chị nói nhiều người quen bị đau mắt đỏ, chị truyền điện vào cho họ khoảng 15 giây, “lát sau đỡ đỏ ngay”.
Chữa cho cầu thủ qua... tivi
Học càng nhiều lớp thì khả năng chữa bệnh càng mau và hiệu quả. Chị N. chỉ mới học đến lớp 6 (trong 15 lớp nhân điện) nhưng khả năng chữa bệnh đã cao cường... Thậm chí chị kể: “Khi xem trận bóng đá giữa VN và Qatar vừa rồi, thấy thủ môn Hồng Sơn bị ngã đau phải ôm vai, tôi lo quá nên ngồi thiền truyền điện vô chữa cho hắn... trên tivi, lát sau thấy hắn dậy!”.
Chị H. cũng ở xã Đức Ninh cho biết: “Chữa được nhiều loại bệnh lắm: dạ dày, khớp xương, đau thận..., thậm chí cả ung thư cũng chữa!”.
Hai vợ chồng anh H. ở huyện Quảng Ninh bị bệnh thoái hóa xương khớp đã lâu. Cả hai vợ chồng dắt díu nhau tham gia lớp học.
Học được chừng nào vợ chồng lại tự chữa cho mình chừng đó. Anh H. nói: “Nay cả hai vợ chồng đã đỡ, đi lại thoải mái hơn trước”.
Chị L., một giáo viên, khẳng định: “Sau khi tham gia học các lớp nhân điện “trị” học trò dễ lắm. Cứ thấy đứa mô ngồi trong lớp nói chuyện là nhìn vào mặt và truyền điện độ mươi mười lăm giây, lập tức nó yên ắng liền. Có đứa hay ăn trộm lặt vặt hoặc hư thân, tôi biết được liền gọi lên truyền điện vào, lại trở nên ngoan ngoãn ngay”.
Chị L. còn chắc chắn hơn: “Nếu bác sĩ mà đi học nhân điện, sau ni về mổ xẻ cho người ta là không khi mô bị nhiễm trùng. Vì vừa mổ họ vừa truyền điện vô chỗ mổ để diệt vi trùng”.
Bón phân cho cây bằng... nhân điện!
Anh T. ở phường Nam Lý có tham gia học mấy lớp nhân điện. Theo lời thầy, anh đã truyền điện hằng ngày cho cây trồng. Anh cho biết: “Có tốt hơn thiệt. Nhất là rau muống, khi truyền vô hôm nay thì hôm sau đã thấy tốt hơn nhiều, lại non đọt nữa”.
Anh “biểu diễn” cách truyền điện vào cây trồng cho chúng tôi xem ngay trong khu vườn nhà. Những cây chuối, cây mãng cầu đầy lá vàng lua tua, nhưng anh bảo chỉ cần siêng truyền điện mỗi ngày là sẽ tốt tươi lên ngay.
Thậm chí muốn cây ra hoa đơm quả sớm cũng có thể thực hiện được bằng cách truyền điện. Đám rau của nhà anh trồng bên cạnh giếng nước cũng được anh thỉnh thoảng truyền điện cho mau tốt.
Anh T. kể: “Chị V. ở xã Nghĩa Ninh là hay nhất. Sau khi học cùng với tôi tại lớp nhân điện cách đây một năm, từ đó chị sản xuất đỡ được rất nhiều công. Chị V. mách trước đó mỗi lần bón phân cho lúa ba phần thì nay chỉ cần bón một phần là đủ cho lúa phát triển. Hai phần còn lại được chị bón thay bằng... nhân điện. Vậy mà lúa vẫn tốt tươi như thường”.
Anh T. cũng chắc chắn: trị sâu bệnh cho cây cũng được, cứ truyền điện vô là cây không có phát sinh sâu bệnh nữa. Cách truyền điện cho cây rất đơn giản: chỉ cần tập trung ý chí và những gì mình đã học được rồi nhìn lướt qua lướt lại (với đám ruộng lúa), hoặc nhìn thẳng vào cây là được.
Rất nhiều chuyện hoang đường nhưng người dân, cả cán bộ vẫn cứ nghe theo.
Theo Lam Giang
Trong tập tài liệu hướng dẫn
“Phương pháp trị bệnh bằng trường sinh học” có liệt kê 213 loại bệnh chữa trị được bằng nhân điện. Việc chữa bệnh không được đòi hỏi về tiền bạc. Còn học phí ở các lớp ban đầu từ lớp 1 đến lớp 7 (cấp thấp) khoảng 150.000 đồng/người; các lớp trên nữa từ 600.000 - 800.000 đồng. Hiện nay người dạy các lớp nhân điện tại Quảng Bình là ông Điệp, trú ở Gia Lai.
______________________
Những người làm "khoa học kỳ lạ"
Giáo sư Lê Xuân Tú
TTCN - “Ngày xưa Galillée đã “điên” khi nói Trái đất tròn, nhưng bây giờ Trái đất tròn thật. Nếu nghiên cứu khoa học mà chỉ bảo thủ tin vào những gì đang có, đang giải thích rõ ràng được thì có lẽ 100 năm, thậm chí 1.000 năm sau, khoa học vẫn chỉ giậm chân tại chỗ”.
GS-TS Đào Vọng Đức - nguyên viện trưởng Viện Vật lý Hà Nội, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người - đã nói như thế về công việc của mình và đồng nghiệp. Phóng sự này phản ánh thực tế nỗ lực của họ, còn kết quả như thế nào thì như lời của chính họ đã nói: “Cứ dấn thân vào đi, rồi sự thật sẽ sáng tỏ”.
Căn phòng 107 nhỏ bé lọt thỏm trong khu nhà đồ sộ của Viện Vật lý ở số 10 Đào Tấn, Đống Đa, Hà Nội. Vật dụng đơn sơ với vài chiếc tủ hồ sơ, máy vi tính, bàn ghế cũ kỹ. Không gian quạnh quẽ, mốc thếch mùi thời gian, ít ai tin nổi đó lại là trụ sở của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người. Một cơ quan thuộc Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật VN bao gồm nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học và những người có khả năng khác thường chuyên đi tìm câu trả lời cho những việc mà... hiện nay chưa trả lời được.
Trồng lúa bằng...nhân điện
Trong hàng loạt đề tài “kỳ lạ” trung tâm này nghiên cứu, gần đây có một đề tài “Nghiên cứu tác động nông nghiệp đối với cây” mà nói rõ hơn là “trồng lúa bằng nhân điện” đã và đang được rất nhiều người chú ý. Chúng tôi tìm gặp GS-TSKH Lê Xuân Tú, trưởng bộ môn năng lượng sinh học của trung tâm, kiêm chủ nhiệm đề tài này, không khó. Hình như ông cũng muốn công việc “kỳ lạ” của mình và cộng sự được rõ ràng hơn trước lắm ý kiến khen, chê ngược xuôi.
“Đó là phương pháp trồng lúa mà chỉ bón phân, chăm sóc bằng ánh mắt”. GS-TSKH Tú ngồi đối diện chúng tôi với đôi mắt nhìn thẳng nghiêm túc sau tròng kính cận. Ông kể chương trình nghiên cứu này đã được thực hiện hơn hai năm tại các cánh đồng ở Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... Khởi đầu phương pháp này cũng không hề khác truyền thống với giống má, thửa ruộng, đất đai, nước...
Điểm khác biệt chỉ là cách trồng lúa truyền thống phải bón phân, phun thuốc trừ sâu, còn lúa trồng bằng năng lượng sinh học (nhân điện) thì hoàn toàn không cần trợ lực bởi các “ngoại vật” này. Hằng tuần, những người thực hiện (người có khả năng truyền năng lượng sinh học) sẽ đến nhìn lúa trên thửa ruộng đó khoảng 1-2 phút. “Tất cả chỉ có thế thôi, chẳng bí thuật, bí quyết gì cả. Nhưng không phải ai cũng làm được”. Ông Tú nhấn mạnh và cho biết đó là những người phải qua tập luyện đạt đến mức độ thu nhận, phát truyền được năng lượng sinh học của vũ trụ.
Theo ông, nhận thức cũng như thực hành về năng lượng sinh học ở VN còn ít nhiều tranh luận, nhưng trên thế giới nó đã tồn tại từ lâu. Đây là nguyên khí của vũ trụ có nhiều ảnh hưởng về sinh học lên sinh vật. Ở Ấn Độ, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc... đều có các trung tâm nghiên cứu, thực hành và bộ môn giảng dạy hẳn hoi. Nếu con người không có những dạng năng lượng sinh học khác nhau làm sao người ta đo được điện não đồ, tâm đồ...
Trở lại ứng dụng trong nông nghiệp, ông Tú cho biết cụ thể các ruộng lúa “bón bằng mắt” đã được thử nghiệm ở các địa phương Đan Thầm, Mỹ Hưng, Duyên Thái, Song Phượng, tỉnh Hà Tây; Châu Phong, Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc... Song song với các thửa ruộng trồng lúa bằng nhân điện, nhóm nghiên cứu cũng thuê luôn đất ruộng ở sát bên và trồng theo phương pháp truyền thống để so sánh. Kết quả là lúa “bón bằng mắt” vẫn lên xanh tốt như lúa trồng bón phân, xịt thuốc, năng suất đạt 5-6 tấn/ha. Nhưng cái hơn rõ ràng là lúa “năng lượng sinh học” cho ra thóc sạch, gạo sạch, lâu thiu, còn độ thơm dẻo thì như bình thường.
Trong quá trình trồng, người tò mò, chờ đợi kết quả nhiều, người phản bác cũng không ít. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn kiên trì công việc “lạ đời” của mình. Ngay từ đầu, họ đã mời các nhà khoa học nông nghiệp đến tham quan, kiểm tra tại ruộng. Sau thu hoạch, hạt gạo cũng được gửi đến Viện Công nghệ sau thu hoạch, Viện Cơ điện để phân tích cho kết quả tốt. Đặc biệt, Viện Thổ nhưỡng tham gia nghiên cứu cũng cho thấy đất trồng lúa “năng lượng sinh học” vẫn đảm bảo độ phì nhiêu như đất trồng lúa thường sau hai vụ “trồng chay” và thu hoạch.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi là đến nay có thể khẳng định kết quả đề tài như thế nào, GS-TSKH Tú cho biết một hội đồng khoa học sẽ nghiệm thu trong tháng 1-2005. Riêng ông khẳng định đã đi đúng đường và gặt hái kết quả tốt. “Đó là tiền túi, công sức của cả một tập thể. Ban đầu chỉ thử nghiệm trên 2m2, sau đó tăng 200m2, 900m2, rồi lên đến 20.000m2 sau bốn vụ...”.
Tâm sự với chúng tôi, ông Tú rất hi vọng vào kết quả cuối cùng được thừa nhận, khi ấy sẽ góp phần phát triển bền vững nền nông nghiệp quốc gia. “Phương pháp đơn giản. Vấn đề lớn nhất là con người thực hiện, và chúng tôi đang đào tạo những con người này. Nếu thành công, chắc chắn chúng tôi không chỉ áp dụng trên cây lúa”.
Tìm hài cốt liệt sĩ từ xa
Chuyện những người có khả năng ngoại cảm tìm kiếm, xác minh hài cốt thật sự đã rộ lên suốt hai thập niên qua ở VN với nhiều tên tuổi khắp Bắc - Trung - Nam. Kéo theo đó là hàng loạt người tin, hàng loạt cuộc tìm kiếm có kết quả cũng như... hàng loạt ý kiến phản bác. Ngay từ khi ra đời năm 1996, các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người đã xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm mà họ phải lý giải trên cơ sở khoa học và các chứng minh thực nghiệm.
Nó thuộc bộ môn nghiên cứu cận tâm lý do tiến sĩ - thiếu tướng Nguyễn Chu Phác làm chủ nhiệm. Năm nay đã gần 80 tuổi nhưng ông vẫn cùng các cộng sự Dương Mạnh Hùng, Phan Thị Bích Hằng, Lê Khắc Bảy, Thẩm Thúy Hoàn... lặn lội khắp đất nước để thực nghiệm và tìm hiểu sự thật trong một loạt đề tài TK05, TK06, TK07...
Trong nhóm họ, Dương Mạnh Hùng là lương y ở Hà Nội. Năm 20 tuổi, anh chết sau một trận sốt cao và đã được tẩm liệm (gia đình anh còn lưu giữ các bức ảnh này). Ông bác ở quê ra trễ nên lật tờ giấy bản trên mặt cháu để được nhìn lần cuối cùng. Bỗng thấy tờ giấy lay động, ông gọi người nhà nhanh chóng đưa vào Bệnh viện Việt - Đức cấp cứu.
Sau lần thoát chết ấy, anh Hùng tiếp tục học nghề thuốc và đi chữa bệnh. Một lần, trong lúc bắt mạch người bệnh, trong đầu anh tự nhiên như hiện lên cả một đoạn phim về gia đình bệnh nhân cả người còn sống lẫn người đã mất. Trong đầu thấy gì, miệng anh cứ thốt lên như thế, người bệnh ngạc nhiên đến hốt hoảng, còn anh cũng thấy sợ chính mình. Sau đó anh liên tục phát xuất khả năng này mỗi khi bắt mạch thái tố cho bệnh nhân... Riêng Thẩm Thúy Hoàn mới sinh năm 1977 nhưng cũng có khả năng nhìn thấy những điều người khác không thể thấy được như anh Hùng ngay từ năm cô mới... 11 tuổi.
Trong quá trình đi tìm kiếm hài cốt, họ thường phối hợp với nhau, thậm chí mời thêm cả các cộng tác viên như nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên, Nguyễn Văn Nhã cùng tham gia từ xa để kiểm chứng mức độ chính xác. Đây cũng là điểm khác biệt với những người đi tìm hài cốt riêng lẻ để có thể đối chiếu, so sánh, tổng kết các kết quả khoa học. Có đề tài họ đi tìm người đã mất theo nguyện vọng của người còn sống. Nhưng có đề tài họ “thấy và nghe được” người chết vô danh để tìm kiếm thân nhân còn sống.
Ở nghĩa trang Mường Thanh, nhóm nghiên cứu (gồm tướng Nguyễn Chu Phác, Hàn Thụy Vũ, nhà ngoại cảm Dương Mạnh Hùng, Nguyễn Khắc Bảy) sau khi đọc điếu văn và làm lễ tạ ơn các liệt sĩ, đã chia thành hai tốp xuống các ngôi mộ vô danh. Ở một ngôi mộ, anh Hùng bỗng “thấy và nghe” một người nói: “Tôi là liệt sĩ La Đình Hưởng, quê ở Bắc Cạn, năm 1952 hi sinh ở đường 6, trận Pheo, Hòa Bình. Tôi có bạn thân tên Nguyễn Nguyên Huân, học viên khóa 4, Trường lục quân Trần Quốc Tuấn, hiện vẫn còn sống ở số nhà 66 Triệu Việt Vương...”.
Sau đó, anh Hùng về Hà Nội xác minh và gặp đúng ông Huân xác nhận có bạn là liệt sĩ La Đình Hưởng. Ngoài ra, anh Hùng còn “thấy và nghe” được một liệt sĩ khác tự xưng tên là Trần Văn Chính, nhắn lời hỏi thăm đồng đội Trần Thọ Vệ hiện còn sống ở thôn Phú Điền, xã Phú Hộ, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Sau này khi nghe anh Hùng chuyển lời hỏi thăm, ông Vệ đã khóc và cho biết liệt sĩ Chính cùng quê với ông. Cả hai là dân công hỏa tuyến...
Trao đổi với chúng tôi, GS-TS Đào Vọng Đức cho biết các nhà ngoại cảm thành viên hoặc cộng tác viên của trung tâm có nhiều đặc điểm khác nhau. Người thì “thấy” khi bắt mạch cho người bệnh. Người thì “thấy” khi đến tận nơi, thậm chí nhiều người còn “thấy” ở cách xa khi có người nhà thật tâm nhờ tìm kiếm. Khả năng này lúc mạnh, lúc yếu, thậm chí có lúc “mất sóng” hoàn toàn, nhưng mỗi người trong họ đều đã tìm kiếm thành công ít nhất hàng trăm trường hợp. Trong đó có nhiều liệt sĩ vô danh tập trung ở các nghĩa trang liệt sĩ lớn như Mai Dịch, Đông Kim Ngưu (Hà Nội), Kim Tân (Thanh Hóa), Phú Long (Ninh Bình)...
Tuy nhiên, những trường hợp được đưa vào đề tài nghiên cứu đều phải qua kiểm chứng, xác minh, phản biện rất kỹ, bởi nội dung chính của đề tài là “nghiên cứu độ tin cậy về khả năng tìm mộ của các nhà ngoại cảm”. Ngoài việc đã tìm kiếm được hơn 1.000 hài cốt liệt sĩ và nhân dân, các nhà ngoại cảm của trung tâm còn tham gia giúp đỡ tìm kiếm những người mất tích, chữa cai nghiện ma túy...
Vĩ Thanh
“Bởi chúng tôi đang cố gắng lý giải những vấn đề mà khoa học hiện nay chưa có khả năng trả lời cụ thể, nên ai muốn nói đúng cũng được, nói sai cũng được. Nhưng đến giờ chúng tôi có thể khẳng định là hoàn toàn thanh thản với những gì mình đã làm...”.
GS-TS Đức nhẹ nhàng tâm sự với chúng tôi và cho biết nguyên tắc hàng đầu của trung tâm là phi lợi nhuận không ai có lương từ đây. Ông không khẳng định tất cả những gì mình và đồng nghiệp làm là đúng hoặc tương lai sẽ hoàn toàn đúng, “nhưng những nhà khoa học chúng tôi cảm thấy sẽ có lỗi với thế hệ sau nếu không làm...”.
Qua phóng sự này, chúng tôi chỉ muốn kể về những con người đang “đốt đuốc lao vào đêm tối”. Họ có thể tìm được con đường đi tới ánh sáng hay họ có thể vấp ngã, nhưng ít ra họ đã dám dũng cảm đốt đuốc để dấn bước...
QUỐC VIỆT - ĐỨC BÌNH
Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người được thành lập theo giấy phép số 572 ngày 9-3-1996 của Bộ Khoa học - công nghệ & môi trường. Các bộ môn nghiên cứu chính của trung tâm là cận tâm lý do tiến sĩ - thiếu tướng Nguyễn Chu Phác làm chủ nhiệm; năng lượng sinh học do GS-TSKH Lê Xuân Tú làm chủ nhiệm; dự báo và thông tin tư liệu do nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải làm chủ nhiệm; cảm xạ học do lương y Nguyễn Hồng Quang làm chủ nhiệm...
______________________
Lúa “nhân điện"
Đó là phương pháp trồng lúa hoàn toàn không dùng phân bón, thuốc trừ sâu, chỉ “bón” bằng nhân điện từ những người có khả năng truyền nhân điện. Chuyện có thật hay là chuyện của những người mê nhân điện?
Bà Ninh Huyền Trâm kiểm tra lúa “nhân điện” sau khi được những người có năng lực truyền nhân điện, ở cánh đồng thử nghiệm của nhóm nghiên cứu
Thực ra, thông tin về cách trồng lúa bằng phương pháp truyền nhân điện đã râm ran từ lâu. Nhưng khi nghe có gạo “nhân điện” thương phẩm, chúng tôi mới có dịp tìm hiểu việc trồng trọt có vẻ lạ lùng này.
Một công trình khoa học nghiêm túc.- Trước khi đến tận nơi trồng lúa “nhân điện”, chúng tôi tìm gặp GS-TSKH Lê Xuân Tú, Chủ nhiệm bộ môn năng lượng sinh học thuộc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người (NCTNCN) để tìm hiểu sự thật về thông tin này.
Theo ông Tú, trồng lúa bằng phương pháp truyền nhân điện là chuyện có thật hoàn toàn. Và đây là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, đang tiến hành ở giai đoạn cuối. Ông Tú cho biết, từ năm 1998, ông Phạm Xuân Toán - một nông dân ở xã Diên Thái (Thường Tín, Hà Tây), trong một lần theo học lớp nhân điện ở Bangkok (Thái Lan) đã đem một số thóc được sản xuất bằng cách truyền nhân điện từ Thái Lan về trồng thử. Sau đó, cũng trong một chuyến đi Thái Lan, bà Ninh Huyền Trâm (Công ty Giám định Hàng hóa xuất khẩu - Chi nhánh Hà Nội) - cũng là hội viên một CLB nhân điện, đem 3 kg lúa “nhân điện” về VN. Với lúa “nhân điện” giống này, bà Trâm cùng với PGS-TS Đoàn Thị Băng Tâm (nguyên cán bộ ĐH Nông nghiệp 1), TS Đỗ Việt Anh (Trung tâm Nghiên cứu Cây đặc sản - Viện Cây lương thực thực phẩm) phối hợp trồng thử nghiệm trên diện tích 2 m2 ở Phú Đô, Hà Nội. Kết quả trồng rất khả quan. Nhận thấy những thử nghiệm ban đầu có kết quả tốt, Trung tâm NCTNCN (thuộc Liên hiệp Các Hội khoa học - kỹ thuật VN) phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp VN, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch tiến hành triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu tác động sinh học đối với cây lúa”, giao cho GS-TSKH Lê Xuân Tú và PGS-TS Đoàn Thị Băng Tâm đồng làm chủ nhiệm đề tài. Nhóm nghiên cứu đã chọn một diện tích trồng lúa ở thôn Đan Thầm (Mỹ Hưng, Thanh Oai - Hà Tây) để trồng thử nghiệm. Lần trồng thử nghiệm này cũng thành công tốt đẹp. Từ 2 m2 ban đầu, theo ông Tú, qua 4 vụ trồng thử nghiệm, đến nay trên cả nước đã có 4 ha lúa sản xuất bằng phương pháp truyền nhân điện, ở các địa phương sau: Quế Võ (Bắc Ninh), Thanh Oai (Đan Phương, Thường Tín - Hà Tây), Tân Yên (Bắc Giang), Minh Hồng (Việt Trì - Phú Thọ), Châu Thành (Trà Vinh), Châu Phú (An Giang). Trong đó có 22.500 m2 do Trung tâm NCTNCN thực hiện, diện tích còn lại là do nông dân tự làm lấy.
Trồng lúa “nhân điện” bằng cách nào?.- Quy trình trồng lúa bình thường là gieo cấy, chăm bón bằng các loại phân, thuốc trừ sâu. Còn trồng lúa “nhân điện” hoàn toàn không dùng phân bón và thuốc trừ sâu. Quy trình trồng lúa “nhân điện” được nhóm thực hiện như sau: Từ sau được gieo cấy, mỗi tuần vài ba lần, nhóm thành viên tham gia nghiên cứu đề tài và cộng tác viên trong CLB nhân điện - những người có năng lực nhân điện - đến tận ruộng thử nghiệm, mỗi người đứng một góc ruộng, có khi lội xuống ruộng để truyền nhân điện cho cây lúa. Tuyệt đối không dùng các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Điều lạ lùng là cây lúa “nhân điện” vẫn phát triển tốt tươi, năng suất đạt 212 kg/sào Bắc Bộ (360 m2) và rất ổn định qua các mùa - gần tương đương với năng suất lúa sản xuất theo cách thông thường. Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, cán bộ Phòng Nghiên cứu lúa thuộc Trung tâm Nghiên cứu cây đặc sản, khi lúa “nhân điện” mới gieo cấy, có phát triển chậm hơn lúa thường nhưng sau đó xanh tốt dần, cây khỏe và ít bệnh. Còn theo TS Đinh Luyện, Trưởng bộ môn công nghệ vi sinh Viện Di truyền nông nghiệp, thì qua kết quả đánh giá, khả năng sinh trưởng của lúa “nhân điện”, đặc tính sinh học và di truyền không có dấu hiệu khác lạ so với lúa thường.
Để đánh giá chất lượng gạo “nhân điện” sản xuất được, nhóm nghiên cứu đã gửi mẫu gạo đến Trung tâm Kiểm tra và Tiêu chuẩn hóa chất lượng nông sản (Viện Cơ điện), Viện Nông hóa thổ nhưỡng, để phân tích. Kết quả cho thấy, hàm lượng amylose trong gạo “nhân điện” thấp hơn so với lúa bình thường (11% - 12%) nên cơm dẻo thơm và rất ngon, trong khi hàm lượng protein (chỉ tiêu đánh giá giá trị dinh dưỡng) tương đương với gạo thường. Một số chỉ tiêu đánh giá khác cũng đáng được lưu ý như cơm nấu từ gạo “nhân điện” để lâu thiu, chuột rất ít khi cắn phá lúa “nhân điện”. Đặc biệt khi nhặt 1.000 hạt lúa “nhân điện” ra cân thử, so với 1.000 hạt lúa thường, thì hạt lúa “nhân điện” nặng hơn. Do vậy khi xay xát, tỉ lệ thu hồi gạo ở lúa “nhân điện” cao hơn lúa thường: 100 kg lúa thu trên 70 kg gạo (lúa thường chỉ đạt 65 kg).
Dưa chuột “nhân điện” và còn nữa...- Theo GS-TSKH Lê Xuân Tú, việc trồng lúa “nhân điện” qua 4 mùa như vậy là đã thành công; nhóm của ông cũng đã tiến hành sản xuất thành công dưa chuột “nhân điện”, sắp tới sẽ trồng thử với các nhóm rau khác để tạo ra rau sạch hoàn toàn.
Đề cập đến năng lượng nhân điện, GS-TSKH Lê Xuân Tú giải thích: Cơ thể con người có 7 luân xa (cửa mở ra thế giới bên ngoài), nếu luyện tập được đạt đến trình độ “vô giác”, các cửa luân xa này sẽ mở ra, thu được năng lượng nhân điện từ vũ trụ. Ông Tú lý giải rằng mọi hoạt động của sự sống trên trái đất đều cần năng lượng và cây trồng cũng vậy. Cách truyền nhân điện đến cây trồng là từ đôi mắt và bàn tay. Để có năng lực nhân điện, con người ai cũng có thể tập luyện được (nếu tập đúng cách), tuy nhiên mức độ năng lượng tùy thuộc vào cơ địa của từng người, có người mạnh, có người yếu. Ông Tú còn cho rằng việc trồng trọt bằng nhân điện chỉ là một trong nhiều lợi ích của bộ môn năng lượng sinh học.
Gạo sạch tuyệt đối.- Ngày 23-11, chúng tôi đến tận nơi mà nhóm nghiên cứu trên trồng lúa “nhân điện”, ở thôn Đan Thầm. Bà Nguyễn Thị Minh - một trong 24 người tham gia sản xuất lúa “nhân điện” - mời chúng tôi ăn cơm “nhân điện”. Bà Minh khẳng định rằng gạo “nhân điện” rất thơm, dẻo và ngon. Chúng tôi ăn cơm “nhân điện” với cả sự thận trọng và cuối cùng phải buột miệng khen: “Ngon tuyệt”!
Tiếp xúc với ông ***************, trưởng thôn Đan Thầm, ông cho biết: Nhóm nghiên cứu trên thuê của thôn ông 1,8 mẫu đất ruộng để trồng “lúa chay” (cách gọi lúa “nhân điện” của nông dân ở đây) và hợp đồng với 24 hộ nông dân để cấy hái, chăm sóc (chủ yếu là nhổ cỏ), tuyệt đối không dùng phân hóa học cũng như thuốc trừ sâu. Cũng theo ông Chính, lúc đầu nông dân ở thôn ông không tin chuyện “bón phân”... bằng mắt của mấy ông GS-TS từ Hà Nội đến và “truyền” cho cây lúa. Họ nghĩ rằng mấy ông trí thức này chán phố thị về nông thôn... ngắm ruộng đồng cho vui. Vậy mà, thật bất ngờ lúa “nhân điện” cứ xanh tốt, cho năng suất khá cao! “Nếu có kết quả tốt như vậy, sao không mở rộng diện tích lúa “nhân điện” - chúng tôi hỏi. Ông Chính cho biết, Trung tâm NCTNCN cũng muốn như vậy, nhưng tìm người có năng lực nhân điện không dễ. Lúc đầu, Trung tâm NCTNCN cử người có nhân điện xuống “bón” phân cho ruộng, sau đó giao hẳn cho ông Trịnh Minh Tiến - một người có năng lượng nhân điện ở thôn Đan Thầm, đảm trách.
Chúng tôi được biết, nhóm tham gia đề tài đã thành lập Tổ hợp khoa học sản xuất dịch vụ gạo năng lượng Đan Thầm để tiêu thụ sản phẩm gạo “sạch”. Vào ngày 19-12 tới đây, sản phẩm gạo Bắc thơm, gạo lức Đan Thầm được sản xuất theo phương thức truyền nhân điện sẽ tham gia Hội chợ Triển lãm An toàn lương thực thực phẩm VN 2004 tại Hà Nội. Sau đó, gạo “sạch” Đan Thầm sẽ được bán rộng rãi tại 27 Hàng Vôi, Hà Nội. Theo nhà cung cấp, dự kiến giá bán từ 7.000 đồng - 8.000 đồng/kg.
Như vậy có thể nói gì về lúa “nhân điện”? Theo chúng tôi, đây là một đề tài nghiên cứu khoa học, đang được tiến hành có kết quả ban đầu. GS-TSKH Lê Xuân Tú cũng cho biết, đề tài này sẽ được đánh giá nghiệm thu vào cuối tháng 12 tới. Vậy vấn đề nên để khoa học đánh giá. Một góc cạnh khác, cũng cần lưu ý, cho đến nay khoa học chưa đánh giá hết tiềm năng của chính con người. Cho nên những điều lạ lùng có thể xảy ra với con người cũng bình thường và cần được nghiên cứu nghiêm túc.
GS-TS - viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu:
Chúng ta vẫn phải thừa nhận những vấn đề như kiểu lúa “nhân điện”
Theo ông Hiệu, hiện khoa học cơ bản vẫn chưa chứng minh được các hiện tượng về nhân điện, khí công, ngoại cảm... Ở Trung Quốc, những khả năng này rất mạnh và có nhiều kỳ tích. Có nhiều việc người có khả năng này làm được mà “người ngoại đạo” rất khó tin, nhưng kết quả của họ thì rõ rệt.
Để giải thích rõ ràng về lúa “nhân điện” trên cơ sở khoa học thì hiện tại chúng ta chưa làm được. Cần phải có thời gian để các nhà khoa học am tường lĩnh vực này nghiên cứu thêm.
Theo Người lao động
______________________
http://www.vietducinfo.com/vietducinfo/show_article.php?id=10317
LÚA "NHÂN ĐIỆN"
Đó là "công nghệ" của các nhà khoa học thuộc doanh nghiệp khoa học sản xuất dịch vụ Đức Tiến, được chào bán tại Chợ Công nghệ và Thiết bị Bắc Trung Bộ - Nghệ An 2005 (Techmart Nghe An 2005) diễn ra từ ngày 13-15/5/2005 tại thành phố Vinh, Nghệ An.
GS-TSKH Lê Xuân Tú - Chủ nhiệm đề tài cho biết, lúa "nhân điện" hoàn toàn như những giống lúa thông thường, không phải là một giống lúa đặc biệt như người ta nghĩ. Đến khi cấy lúa, nhân điện mới được truyền vào. Hai đến ba lần trong tuần, một cán bộ có năng lực truyền nhân điện được cử đến dùng mắt "quét" khắp cả ruộng lúa trong vòng 30 giây đến một phút rưỡi.
PGS-TS Đoàn Thị Băng Tâm, TS Lê Xuân Cuộc - chuyên gia bảo vệ thực vật và bác Trịnh Minh Tuyến trên ruộng lúa năng lượng.
Theo GS Tú, vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm cho con người vô cùng quan trọng, là vấn đề bức xúc hiện nay. Với phương pháp "nhân điện" này, không những tiết kiệm cho bà con khoảng 100 nghìn đồng/một sào ruộng (không phải mua phân bón, thuốc trừ sâu) mà còn đảm bảo lương thực "sạch", an toàn cho người sử dụng. Dẫu đề tài "Lúa nhân điện" đã được nghiệm thu, đánh giá nhưng GS Tú cho biết, ông cùng đồng nghiệp vẫn tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa.
Phương pháp "nhân điện" cũng được áp dụng ở 10 địa phương trên cả nước tại các tỉnh Hà Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, An Giang, Trà Vinh, Hậu Giang.
Bác Trịnh Minh Tuyến (xã Đan Thẩm, huyện Mỹ Hưng, Thanh Oai, Hà Tây) cho biết, làm đến vụ thứ ba bác mới có cơ hội tiếp xúc với PGS-TS Đoàn Thị Băng Tâm (người từng đoạt giải Kovaleskaia năm 1994 về thú y-phối và là đồng chủ nhiệm đề tài này). Là một người nông dân, bác thấy mô hình hay, có lợi ích cho bà con nông dân nên học tập và sản phẩm của bác đã minh chứng điều này.
Bác Tuyến cũng tự hào mình từng là Chủ tịch xã Đan Thẩm, Phó Công an huyện Thanh Oai, từng đi B, thiếu tá cục C2, 45 tuổi Đảng và đã được gặp Bác Hồ ba lần v.v...
Theo bác Tuyến, từng làm kinh tế ở cục cảnh sát giao thông đường sắt nên bác cũng am hiểu về chất lượng cuộc sống. ở tuổi 67, với bác, khen hay chê không quan trọng. Nhưng là một người dân, bác muốn đóng góp một chút công sức cho bà con. Bác luôn đứng vững và vận dụng theo bốn quan điểm: lịch sử, phát triển, quần chúng và khoa học.
Nghiên cứu phương pháp "nhân điện" từ năm 1997 nhưng đến năm 2001, bác Tuyến mới có thể "truyền" được vào cây lúa. Cũng có thể nói đây là phương pháp duy tâm, nhưng tương đối khó. "Nếu không có niềm tin, thì không thể nào làm được", bác Tuyến khẳng định.
"Chúng ta sùng khoa học hiện đại, nhưng đỉnh cao của khoa học là con người phát minh ra. Mình phải làm, ứng dụng và phát hiện ra những tiềm ẩn của con người".
Gia đình bác đã chuyển lên Hà Nội, nhưng hai năm nay bác vẫn về quê, để có thể "lăn lộn" cùng cây lúa. Bác cũng có lời mời, nếu có ai ghé thăm xã Đan Thẩm, huyện Mỹ Hưng, Thanh Oai, Hà Tây, hãy đến thăm ruộng lúa nhà bác.
Ô ruộng Bắc Thơm 7 gieo thẳng truyền NLSH chín trong ngày thu hoạch
Phát biểu tại diễn đàn giao lưu "Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội Bắc Trung bộ" diễn ra vào chiều ngày 13/5/2005 tổ chức tại khách sạn Phương Đông (thành phố Vinh, Nghệ An), bác Tuyến mạnh dạn: "Nếu có tiền nhận đầu tư, bác xin thuê hết ruộng cả làng, làm thua xin đền bù". Tại diễn đàn, PGS-TS Đoàn Thị Băng Tâm cũng tỏ ý mong muốn cách làm này sẽ còn nhân rộng, phổ biến đến bà con nông dân khắp mọi nơi. "Doanh nghiệp Đức Tiến sẽ tiến lên vì lòng nhân đức, phục vụ nhân dân", bà khẳng định.
Hội đồng đánh giá chất lượng của Trung tâm Kiểm tra & Tiêu chuẩn hoá chất lượng nông sản thực phẩm (thuộc Viện Cơ điện Nông nghiệp & Công nghệ sau thu hoạch đánh giá và cho xếp loại A, với nhận xét: "Đây là loại gạo cho cơm nấu thơm ngon, chất lượng cao. Cơm có độ trắng cao, độ bóng tương đối tốt, độ dính vừa phải". Và sản phẩm vinh dự đoạt giải thưởng Huy chương vàng và giấy chứng nhận sản phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng do Cục vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ y tế cấp tại Hội chợ "Sản phẩm công nghệ chất lượng hợp chuẩn" tổ chức tại Giảng Võ - Hà Nội diễn ra từ ngày 19-24/12/2004.
Ngày 8/1/2005, Hội đồng Khoa học cấp cơ sở đã nghiệm thu đề tài "Lúa nhân điện" của GS-TSKH Lê Xuân Tú tại Trung tâm nghiên cứu tiềm năng của con người (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam), và đã được Hội đồng nhất trí đánh giá Xuất sắc.
Hội đồng khoa học gồm năm thành viên: Chủ tịch Hội đồng: GS-Viện sĩ Đào Vọng Đức-Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng của con người. Phản biện 1: GS-TSKH Lê Doãn Diên-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Công nghệ & Lương thực Thực phẩm Việt Nam. Phản biện 2: TSKH Đinh Luyện-Viện Di truyền Nông nghiệp. Uỷ viên Hội đồng: GS Trần Văn Hà. Uỷ viên thư ký: TS Lê Xuân Cuộc-Viện cây Lương thực Thực phẩm.
Theo .NetNam
______________________
01-24-2005 10:59 AM
Lúa “nhân điện”
HoVuSon
Đó là phương pháp trồng lúa hoàn toàn không dùng phân bón, thuốc trừ sâu, chỉ “bón” bằng nhân điện từ những người có khả năng truyền nhân điện. Chuyện có thật hay là chuyện của những người mê nhân điện?
"Trồng lúa bằng phương pháp truyền nhân điện là chuyện có thật hoàn toàn. Và đây là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, đang tiến hành ở giai đoạn cuối", GS-TSKH Lê Xuân Tú, Chủ nhiệm bộ môn năng lượng sinh học thuộc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người (NCTNCN)
Ông Tú cho biết, từ năm 1998, ông Phạm Xuân Toán - một nông dân ở xã Diên Thái (Thường Tín, Hà Tây), trong một lần theo học lớp nhân điện ở Bangkok (Thái Lan) đã đem một số thóc được sản xuất bằng cách truyền nhân điện từ Thái Lan về trồng thử. Sau đó, cũng trong một chuyến đi Thái Lan, bà Ninh Huyền Trâm (Công ty Giám định Hàng hóa xuất khẩu - Chi nhánh Hà Nội) - cũng là hội viên một CLB nhân điện, đem 3 kg lúa “nhân điện” về VN.
Với lúa “nhân điện” giống này, bà Trâm cùng với PGS-TS Đoàn Thị Băng Tâm (nguyên cán bộ ĐH Nông nghiệp 1), TS Đỗ Việt Anh (Trung tâm Nghiên cứu Cây đặc sản - Viện Cây lương thực thực phẩm) phối hợp trồng thử nghiệm trên diện tích 2 m2 ở Phú Đô, Hà Nội. Kết quả trồng rất khả quan.
GS-TS - viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu: Chúng ta vẫn phải thừa nhận những vấn đề như kiểu lúa “nhân điện”
Theo ông Hiệu, hiện khoa học cơ bản vẫn chưa chứng minh được các hiện tượng về nhân điện, khí công, ngoại cảm... Ở Trung Quốc, những khả năng này rất mạnh và có nhiều kỳ tích. Có nhiều việc người có khả năng này làm được mà “người ngoại đạo” rất khó tin, nhưng kết quả của họ thì rõ rệt.
Để giải thích rõ ràng về lúa “nhân điện” trên cơ sở khoa học thì hiện tại chúng ta chưa làm được. Cần phải có thời gian để các nhà khoa học am tường lĩnh vực này nghiên cứu thêm.
Nhận thấy những thử nghiệm ban đầu có kết quả tốt, Trung tâm NCTNCN (thuộc Liên hiệp Các Hội khoa học - kỹ thuật VN) phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp VN, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch tiến hành triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu tác động sinh học đối với cây lúa”, giao cho GS-TSKH Lê Xuân Tú và PGS-TS Đoàn Thị Băng Tâm đồng làm chủ nhiệm đề tài.
Nhóm nghiên cứu đã chọn một diện tích trồng lúa ở thôn Đan Thầm (Mỹ Hưng, Thanh Oai - Hà Tây) để trồng thử nghiệm. Lần trồng thử nghiệm này cũng thành công tốt đẹp. Từ 2m2 ban đầu, theo ông Tú, qua 4 vụ trồng thử nghiệm, đến nay trên cả nước đã có 4 ha lúa sản xuất bằng phương pháp truyền nhân điện, ở các địa phương sau: Quế Võ (Bắc Ninh), Thanh Oai (Đan Phương, Thường Tín - Hà Tây), Tân Yên (Bắc Giang), Minh Hồng (Việt Trì - Phú Thọ), Châu Thành (Trà Vinh), Châu Phú (An Giang). Trong đó có 22.500 m2 do Trung tâm NCTNCN thực hiện, diện tích còn lại là do nông dân tự làm lấy.
Theo TuoiTre.com.vn
HoVuSon
____________________________
Tư liệu: Vụ Nguyễn Văn Hiệu- Bùi Thị Thơm:
1. Y tá hoá bác học
(phóng sự điều tra)
Nguồn: Báo Tiền Phong, 7-1993
Từ chuyện bình thường giảm biên chế...
Thời gian gần đây, việc giảm biên chế đã và đang được thực hiện khá gắt gao trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp và cả các cơ quan nghiên cứu khoa học. VKHVN cũng nằm trong tình trạng đó. Một số cán bộ trẻ có triển vọng vẫn phải đưa ra khỏi biên chế hoặc không được nhận vào biên chế. Trong tình hình hiện nay có nghĩa là họ không có nơi làm việc ổn định, không có việc làm, “chất xám” bị lãng phí... Điều đó tác động rất lớn đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và cả hoài bão của các nhà khoa học vừa mới bắt đầu sự nghiệp của mình. Có thể kể ra hai thí dụ:
Vốn là cán bộ trẻ giàu năng lực, đã có nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá cao ở trong và ngoài nước, Đặng Việt Bắc (con trai ông Trường Chinh - chú thích của Nguyễn Học) được VVL cử sang đào tạo ở Đức. Năm 1990, anh bảo vệ thành công luận án PTS và hăm hở về nước. Sau nhiều tháng chờ đợi vô vọng, vì không có chỉ tiêu về đơn vị công tác cũ. Đặng Việt Bắc đành ngậm ngùi chuyển sang lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, việc làm hoàn toàn xa lạ với những gì anh được đào tạo.
Số phận kỹ sư trẻ 26 tuổi Nguyễn Hồng Sơn (con rể bà Bùi Thị Nhị - chú thích của Nguyễn Học) còn tồi tệ hơn. Tốt nghiệp đại học ở Liên Xô năm 1987, ham công tác nghiên cứu, anh đã kiên trì xin vào Viện vật lý. Cho dù đã có chủ trương tiếp nhận, song vì không được phân bổ chỉ tiêu biên chế và không có lương, đầu năm nay Sơn buộc phải xuất dương tìm cuộc sống khả dĩ...
... đến chuyện lạ thường y tá hoá “bác học”
Cũng trong thời gian với việc cắt giảm biên chế làm Đặng Việt Bắc và Nguyễn Hồng Sơn phải “rẽ ngang”, dư luận quan tâm và bàng hoàng trước vụ y tá hoá “bác học” xảy ra ngay tại Viện khoa học Việt Nam.
Ngày 14-11-1991, bằng quyết định số 805/VKH-QD, Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam đã tiếp nhận chị Bùi Ngọc Thơm (Bùi Thị Thơm) sinh 1948, tốt nghiệp y tá năm 1969, thôi việc ngót 20 năm về làm cán bộ Viện vật lý với mức lương nghiên cứu viên 4/4 tương đương với lương phó giáo sư có thâm niên khá (425 đồng)
Xin dành quyền phán quyết ý nghĩa đúng-sai của quyết định tuyển dụng cán bộ trên cho các nhà quản lý và tổ chức. Riêng về khía cạnh xã hội, việc “cán bộ hoá” một công dân vốn đã có lắm tai tiếng và phong “học vị khoa học” một nhân vật vốn hàng nghề mê tín dị đoan và đã gây không ít phiền toái cho ngành chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân và công tác quản lý của chính quyền cơ sở.
Thực tế, sau nhiều lần bị chính quyền xã Vân Tảo, huyện Thường tín, tỉnh Hà Sơn Bình xử lý, cấm hành nghề mê tín dị đoan, bói toán, từ cuối những năm 70 Bùi Thị Thơm đã được thanh tra Bộ Y tế: “Kiến nghị chính quyền địa phương theo dõi, quản lý và đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng cảnh tỉnh dư luận”. Hiện cư trú tại tổ 37, phường Mai động, quận Hai bà Trưng, Hà nội. Bùi Thị Thơm lại tiếp tục hành nghề trái phép. Theo kết luận của cơ quan chuyên môn (ngày 25-06-1992) thì “cách chữa trị của đương sự mang tính chất lừa bịp”. Để gây thanh thế, tín nhiệm và thu hút người nhẹ dạ, Bùi Thị Thơm đã sử dụng quyết định tiếp nhận cán bộ trên cùng với một số giấy tờ khác của Viện khoa học Việt Nam để làm bằng chứng với nhiều người, nhiều cơ quan “khả năng ứng dụng khoa học chữa bách bệnh, kể cả ung thư” của mình.
Khi chúng tôi cùng đoàn Thanh tra Bộ y tế về làm việc với chính quyền xã Vân Tảo, một cán bộ chủ chốt địa phương, người biết rõ Bùi Thị Thơm từ ngày tóc còn để chỏm, đã suýt té ngã khi nhìn tờ quyết định trên. Ông cười sặc sụa chua chát: “Cuộc đời còn biết tin ai? Một tấc lên lương phó chủ tịch huyện. Một cô đồng hoá thành nhà “bác học”!
- Bình thường việc cắt hộ khẩu là việc làm dễ dàng nhất, không ai phải đắn đo. Song trường hợp này chúng tôi không thể giải quyết. Chị Thơm là người mắc quá nhiều duyên nợ với địa phương.
Tại công an huyện Thường tín, chúng tôi được giới thiệu tập hồ sơ nằm trong danh mục “những đối tượng đã có tiền sự cần lưu ý”. Về Bùi Thị Thơm có đoạn: “Năm 1973, mới 25 tuổi, đã bị kỷ luật, buộc thôi việc, trả về địa phương. Từ năm 1976 chính thức hành nghề bói toán, xem tướng số... Hai năm sau đó bị công an xã lập biên bản, cấm hành nghề. Cuối 1987, đầu năm 1988 lẩn tránh nguy cơ có thể bị bắt vì hành vi kích động quần chúng gây rối cản trở vụ vây bắt một số đối tượng xấu can tội vu cáo cán bộ nhà nước (phần tử này sau đó bị kết án 12 tháng tù), và để dễ bề hành động mê tín, Bùi Thị Thơm bỏ trốn lên Hà nội”.
Từng hợp tác với cả nhà hoá... phật
Rời quê hương, thời gian đầu Bùi Thị Thơm tá túc tại nhà phó tiến sĩ Trịnh Thái Bình, cán bộ giảng dạy trường đại học bách khoa
( nhân vật chính trong loạt bài“
Cả nhà hoá... Phật”
đăng trên “
Tiền Phong Chủ nhật”
số 21, 24, 25, đối tượng đã bị đình chỉ công tác giảng dạy và cấm hành nghề trái phép sau khi có chỉ thị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt).
Tại đây, theo công an phường Bách khoa, lúc khai báo tạm trú, chủ hộ trình bày lý do để “hướng dẫn phó tiến sĩ Trịnh Thái Bình triển khai nghiên cứu một số vấn đề quanh lĩnh vực ứng dụng khả năng ngoại cảm để hoàn thiện một số công nghệ mới”
Nhưng thực tế, nhân vụ to tiếng giữa chủ và khách, ngày 11-03-1988, công an phường đã lập biên bản trục xuất Bùi Thị Thơm ra khỏi địa bàn vì một số hành vi mê tín dị đoan. Trước đó Trịnh Thái Bình đã đề nghị khoa Hoá, trường đại học Bách khoa nhận Bùi Thị Thơm vào biên chế của khoa, song yêu cầu này đã bị bác bỏ.
- Cho dù nhiều lần đi lại huyện Thường Tín xin cắt chuyển hộ khẩn nghiên cứu viên đã không thành, ngày 11-12-1991, ông viện trưởng Viện khoa học Việt Nam (Nguyễn Văn Hiệu) vẫn đánh công văn gửi Uỷ ban nhân dân thành phố Hà nội để xin nhập hộ khẩu theo chỉ tiêu đặc biệt cho “đồng chí” Bùi Thị Thơm với lý do đã chủ trì một số đề tài nghiên cứu công nghệ tách chiết các chất có hoạt tính sinh học từ các loài thực vật nước ta
để chế tạo thuốc chữa bệnh và đã thu được những kết quả xuất sắc. Khi tiếp nhận những thông tin trên, đồng thời chúng tôi được nghe cả những câu hỏi đầy ngờ vực: vì sao Bùi Thị Thơm chế tạo thuốc chữa bệnh lại được biên chế về viện Vật lý?
Đâu là kết quả xuất sắc
Đầu năm 1992. Gần như cùng thời điểm nhận được lá đơn của đại diện tổ dân phố 37A phường Mai Động phản ánh về việc chị Thơm hành nghề chữa bệnh không có giấy phép, bác sĩ Chiểu, nguyên cán bộ quản lý thị trường (Sở Y tế Hà nội) cũng nghe xôn xao về “tài năng trị bệnh xuất chúng” của đương sự. Tin đồn rằng chị Thơm đang điều trị có kết quả bệnh ung thư cho nữ tiến sĩ H. (Nguyễn Thị Hồng, vợ ông Nguyễn Văn Hiệu)
Sẵn bản tính ưa khám phá vốn có của người làm công tác thanh tra, anh đã tìm đến gia đình nạn nhân. Sự thật hoàn toàn trái ngược. Đã hết 8 ngày (thời hạn mà chị Thơm khẳng định sẽ khỏi bệnh), tình trạng người bệnh ngày càng tồi tệ, đến lúc lang y đưa ra phương án “lập bát hương”, gia đình bệnh nhân đành cảm ơn và chia tay, để rồi sau đó nữ tiến sĩ H. vĩnh viễn từ giã cõi đời...
Trước hiện tượng không bình thường đó, bác sĩ Chiêu đề xuất với Ban lãnh đạo Sở Y tế Hà nội tiến hành điều tra cơ sở hành nghề của chị Thơm.
Sắm vai thân nhân gia đình có người lâm bệnh, cán bộ Sở Y tế đột nhập gia thất đương sự. Tại đây, chị khám phá được không ít sự việc lý thú. Chủ nhà chỉ nhận điều trị với duy nhất hai điều kiện: Đối tượng hoặc là chỗ quen biết, hoặc hoàn toàn xa lạ, đã chữa chạy không có kết quả tại các cơ sở y tế nhà nước và bắt buộc phải viết “Đơn cam đoan tình nguyện chữa bệnh” theo mẫu.
Đọc kỹ nội dung văn bản đó, chắc hản chúng ta đều nhất loạt “bái phục” trình độ “nghệ thuật” của người đẻ ra nó. Về phương diện nhận biết nếu nhầm tưởng đó là lời lẽ chân thành của một bệnh nhân, bạn ắt sẽ hết lòng “cảm kích trước “bản chất khiêm tốn” “đạo đức cao cả đầy nhân ái” cũng như tài năng kiệt xuất của bác Bùi Thị Thơm đang công tác tại Viện Vật lý, VKHVN để chữa khỏi bệnh cho nhiều người. Xét góc độ nghề nghiệp, thày thuốc hoàn toàn vô tội ngay cả trong trường hợp tử vong, bởi về mặt pháp lý, đương sự không hề muốn hành hành nghề, trong khi người bệnh cam đoan “dù bệnh của tôi bác Thơm chữa khỏi hoặc không khỏi hoặc chết, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm”. Riêng thủ thuật kinh doanh, chỉ nhận điều trị những trường hợp “mọi cơ sở y tế nhà nước đã bó tay”, tức xác suất tử vong cao nhất, nếu may mắn dù chỉ thành công một trong hàng ngàn trường hợp,uy tín của thày thuốc sẽ lên tận mây xanh.
Lợi dụng tâm trạng hoang mang, dễ tin vốn ngự trị phổ biến trong những ai chẳng may rơi vào tình huống “chờ chết” bằng thủ thuật “đơn tình nguyện chữa bệnh” người nhẹ dạ sẽ bị đẩy tới cuộc phiêu lưu “cầm chắc phần thất bại”.
Kiến nghị của dân phố
Làm việc với đồng chí Điện, công an phụ trách khu vực và bà con tổ 37A phường Mai động, nơi “nghiên cứu viên khoa học 4/4” Bùi Thị Thơm cư trú, chúng tôi suy nghĩ nhiều về ý tưởng của bác Minh, chủ một xưởng sản xuất gạch men nhỏ:
- Tôi hành nghề tuần trước, thì tuần sau Ban quản lý thị trường, phòng Tài chính đã tới kiểm tra, tiến hành việc đăng ký kinh doanh cho tôi. Ngoài những tác động tích cực khác, bằng công việc làm này, các cơ quan chức năng có thể quản lý được mọi hoạt động của tôi và gián tiếp buộc tôi phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình. Bởi vậy việc chị Thơm hành nghề đã hàng năm mà không làm thủ tục đăng ký là biểu hiện thiếu công bằng xã hội. ấy là chưa nói tới chị Thơm có đủ điều kiện hành nghề hay không...
- Việc chị Thơm hành nghề không chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng đã gây không ít khó khăn cho công tác đảm bảo trật tự, an ninh ở địa bàn - đồng chí công an khu vực khẳng định.
Thực tế, có hành nghề không đăng ký, thí dụ với mặt hàng hương thắp cuối năm 1990, bà con láng giềng và công an phường đã mất nhiều thời gian để ngăn chặn và giải quyết vụ mâu thuẫn có nguy cơ đổ máu giữa chị Thơm và một gia đình khách hàng ở Yên sở (Hà nội) vì mua bán không sòng phẳng. Ngoài ra việc nhiều xe con chở người đến khám chữa bệnh không có bãi đỗ đôi khi cũng gây cản trở đối với việc đi lại trên đoạn đường vốn đã chật chội.
Vì những lý do như thế, đề nghị các cơ quan có trách nhiệm phải nhanh chóng xử lý. Nếu đương sự thực sự có khả năng, thì cho đăng ký hành nghề. Trường hợp ngược lại phải đình chỉ hoạt động.
Tổ phóng viên báo Tiền Phong
______________________