Giật mình hàng loạt trường ĐH dân lập lấy điểm chuẩn ngành y, dược từ 13 - 15
Dân trí Việc Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ tuyển sinh ngành Y vào năm học tới đã khiến dư luận phản ứng. Điều đáng lo ngại, trước đó đã có hàng loạt trường ĐH ngoài công lập mở ngành đào tạo thuộc khối Y dược, mức điểm chuẩn đầu vào bằng điểm sàn.
Vào ngành Y chỉ với... 13 điểm
Hiện cả nước có hơn 20 trường ĐH đào tạo nhân lực ngành này với các chuyên ngành bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ... 35 trường CĐ y, dược đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ... cùng 44 trường trung cấp và 16 viện, bệnh viện đào tạo sau ĐH.
Trong khi một số trường có điểm đầu vào rất cao như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, ĐH Y dược Cần Thơ... thì ở một số trường ngoài công lập, thí sinh chỉ cần đạt điểm sàn hoặc trên mức sàn không đáng kể đã có thể theo học ngành y.
Năm học 2013- 2014, Trường ĐH Đại Nam tuyển sinh Dược sĩ đại học khóa đầu tiên trên cơ sở xét tuyển NV2 với mức điểm khối A, B từ 15 điểm trở lên. Tương tự, năm học 2015, Trường ĐH Lạc Hồng công bố điểm chuẩn vào ngành Dược sĩ đại học với mức điểm khối A từ 14 điểm, khối B từ 15 điểm trở lên.
Ngành dược học Trường ĐH Nam Cần Thơ trong mùa tuyển sinh trước cũng tuyển ngành Dược học với mức điểm: khối A từ 13 điểm, hệ CĐ tuyển ở mức 10 điểm. Ở Trường ĐH Y tế cộng đồng Thăng Long năm 2015 cũng tuyển ngành Điều dưỡng, y tế công cộng với mức điểm trúng tuyển từ 15- 16 điểm.
Năm 2015, ĐH Tây Đô công bố mức điểm chuẩn vào ngành Dược học và điều dưỡng là 15 điểm. Cũng trong năm học này, Trường ĐH Thành Đô cho biết điểm vào ngành dược học khối A chỉ ở mức 13 điểm.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có mức điểm chuẩn vào ngành Dược học cao hơn (18,75 điểm) nhưng đầu vào ngành Điều dưỡng của trường chỉ ở mức 15 điểm.
Cử nhân y, dược
Mặc dù nhân lực đào tạo ngành y trong những năm qua tăng đột biến nhưng trong một cuộc hội thảo mới đây của Bộ GD&ĐT, đại diện Bộ Y tế cũng thừa nhận: Chất lượng đào tạo nhân lực y tế còn nhiều bất cập. Sinh viên, học sinh ngành y ra trường chưa có khả năng làm việc độc lập, chất lượng đầu vào và sản phẩm đào tạo giữa các trường có khoảng cách khá xa.
Đơn vị này đã bức xúc cho rằng việc mở ngành quá dễ dàng trong khi một số trường đa ngành, trường ngoài công lập không đủ điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Nguyễn Minh Lợi, Cục phó Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, việc đánh giá chất lượng của sinh viên không thể nói ngay bởi các trường này chỉ mới đào tạo các nhóm ngành liên quan đến Y dược trong mấy năm gần đây.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào điểm chuẩn có thể thấy mức chênh lệch rất cao giữa đầu vào nhóm ngành Y dược của trường dân lập với một số trường công lập có bề dày trong đào tạo Y dược.
Theo ông Lợi, về nguyên lý chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng có một yếu tố rất quan trọng đấy là đầu vào. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào cả quá trình đào tạo và các tiêu chí đảm bảo chất lượng.
Các cơ sở mới đào tạo này đang chỉ có những chuẩn bị ban đầu, thậm chí một số nơi còn chưa đầy đủ cũng là vấn đề đáng bàn. Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Lợi, một số trường trước đây có mời đại diện của Bộ Y tế đến thẩm định cơ sở vật chất của trường để đào tạo nhóm ngành y dược nhưng một số trường thì không thực hiện điều này, trong khi đó là việc vô cùng quan trọng.
Theo PGS. TS Trần Quang Phục- Phó Hiệu trưởng ĐY Dược Hải Phòng, ở một số nước tiên tiến, để được hành nghề bác sĩ đa khoa, nhà trường yêu cầu các trường phải đáp ứng cơ sở vật chất hiện đại hơn chúng ta rất nhiều.
Được biết, ở các nước tiên tiến, để hành nghề bác sĩ, người học phải qua một chương trình y khoa được kiểm định và công nhận bởi cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia, phải thi đỗ kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề. Còn muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa, họ phải học thêm ít nhất 2 năm tại cơ sở đào tạo chuyên khoa.
“Trong khi đó, các trường dân lập mở ngành này nhưng chưa rõ lấy cơ sở thực hành ở đâu thì giới chuyên môn chúng tôi rất lo lắng. Nếu chỉ dạy lý thuyết mà không có cơ sở thực hành đúng quy định, sẽ chỉ đào tạo ra một thế hệ cử nhân Y dược, khó mà hành nghề bác sĩ”, PGS Phục cho biết.
Về điều này, GS. TS Lê Quan Nghiệm- Nguyên Phó Hiệu trưởng, giảng viên ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh cũng tỏ ra băn khoăn, quan trọng trong quá trình đào tạo ở các trường này có đảm bảo được hay không?
Ông phân tích: “Với mức điểm đầu vào ngành Y dược quá thấp như trên, các em có thể đạt được nền tảng cơ bản nhưng chắc chắn sẽ có sự “vênh” rất lớn về chất lượng giữa thế hệ bác sĩ, dược sĩ tốt nghiệp từ các trường đại học dân lập và các trường công lập danh tiếng chuyên đào tạo Y bác sĩ.
Ngoài ra, trong quá trình đào tạo, các trường ngoài công lập này có tuân thủ các quy định hay không? Tôi chỉ sợ với triết lý kinh doanh phải có lãi của các trường ngoài công lập, giữa lý thuyết đưa ra ban đầu và thực tiễn đào tạo của họ sẽ rất khác”.
http://dantri.com.vn/su-kien/giat-minh-hang-loat-truong-dh-dan-lap-lay-diem-chuan-nganh-y-duoc-tu-13-15-20151130072432946.htm