Cụ Lê Hữu Đức này có vẻ ít tài liệu nói đến nhưng như nhà cháu đọc các hồi kí chiến trận về KCCM thấy có nhắc nhiều đến tên Cụ Đức một cách kính trọng , Cụ này làm Tham mưu Tác chiến rất giỏi phải không ạ ?
xin đựợc copy trên trang Viet Nam War đôi dòng về ông như một nén tâm nhang của thế hệ sau luôn ngưỡng vọng đến những vị tướng tài của QĐNDVN. Ông cũng với những tên tuổi lừng danh : Lê Trọng Tấn, Nguyễn Hữu An, Hoàng Đan... những hổ tướng đứng bên Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã làm chói ngời cả một giai đoạn lịch sử của QĐNDVN :
"
Hổ cụt Tây Nguyên, Trợ lý tác chiến có tầm quan trọng bậc nhất của Bác giáp - Trung tướng Lê Hữu Đức đã về với đất mẹ, về với núi rừng đại ngàn
. Thêm một vị tướng trong thế hệ vĩ đại đã ra đi...
Có lẽ, lịch sử quân sự trên thế giới hiếm có những vị tướng như ở Việt Nam: Bị thương mất một cánh tay khi còn rất trẻ, nhưng vẫn kiên quyết xin ở lại quân đội tiếp tục chiến đấu để rồi trở thành những vị tướng nổi danh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là Trung tướng Lê Hữu Đức.
Trung tướng Lê Hữu Đức sinh năm 1924 tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Năm 1945, khi đang học Tú tài ở Huế, Ông tham khởi nghĩa giành chính quyền và sau đó cùng đội quân Nam tiến chiến đấu ở Quảng Nam.
Năm 22 tuổi ông đã là một Tiểu đoàn trưởng. Ngày 23-3-1947, khi chỉ huy đơn vị chống quân Pháp ở huyện Đại Lộc, người Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 96, Liên khu 5 bị thương nặng. Hồi đó, do điều kiện rất khó khăn, bộ đội ta có gì mặc nấy. Ông là chỉ huy, người to cao, lại mặc bộ đồ trắng, nên là mục tiêu của máy bay Pháp. Nấp sau mô đất, loạt đại liên đầu địch bắn không trúng, ông định di chuyển thì dính loạt đạn thứ hai. Ông kêu lên một tiếng rồi lăn ra bất tỉnh. Dù được các đồng đội mang đi cấp cứu kịp thời, nhưng vì vết thương quá nặng ông đã quyết định cắt bỏ 1 tay. Ở tuổi 23, dẫu chỉ còn lại 1 tay nhưng ông vẫn kiên quyết không từ bỏ quân đội và vẫn tiếp tục xin ở lại và chiến đấu hầu khắp chiến trường Nam Trung Bộ những năm 1947-1953.
Tháng 6/1953, Lê Hữu Đức được lệnh vượt Trường Sơn ra Việt Bắc về nhận công tác ở Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu. Lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tại Sở chỉ huy của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ở Mường Phăng, Lê Hữu Đức được phân công theo dõi các chiến trường miền Nam.
Năm 1965 mặc dù được giữ lại ở miền Bắc nhưng ông không chịu và nhất quyết xin được vượt Trường Sơn vào tham gia chiến đấu tại Tây Nguyên - một chiến trường cực kỳ gian khổ, đói rét, bệnh tật để kịp “bám thắt lưng địch mà đánh”. Trên chiến trường, ông là một cán bộ cao cấp nổi tiếng với phương châm “trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ” khi ra mệnh lệnh cho bộ đội đánh chiếm các cứ điểm của địch. Trong những năm tháng ác liệt đó, tướng Lê Hữu Đức từng làm cán bộ Trung đoàn, Sư đoàn, rồi phó tư lệnh mặt trận, tham gia nhiều trận đánh ác liệt khiến đối phương phải kinh hãi và được chính CIA Mỹ treo thưởng, mệnh danh là “Hổ cụt Tây Nguyên”.
Năm 1972, Trung tướng Lê Hữu Đức lại được lệnh vượt Trường Sơn ra Bắc, về nhận nhiệm vụ cương vị Cục phó, rồi Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu (từ 1972 -1979). Tại đây, ông được trực tiếp đóng góp công sức và trí tuệ của mình vào việc soạn thảo Kế hoạch giải phóng miền Nam mà Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương giao cho Bộ Tổng tham mưu. Chính ông là một trong những người ủng hộ tuyệt đối kế hoạch đánh chiếm Tây Nguyên trong năm 1975 của tướng Hoàng Minh Thảo và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp...
(Trong ảnh Trung tướng Lê Hữu Đức (ngoài cùng bên trái) trong một lần báo cáo tình hình chiến dịch với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.)