[THOẢ THUẬN GIAI ĐOẠN 1: NHỮNG ĐIỂM CHÍNH YẾU]
Trong bài bình luận sau khi hai nước Mỹ - Trung ký thoả thuận mang tên Thoả thuận Kinh tế và Thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc
, Bloomberg đã có một dòng bình luận ngắn cho rằng: “Trung Quốc đang bị chấn động nặng nề, và uy tín của Mỹ đã được nâng cao rất nhiều”. Điều này ngầm ám chỉ Mỹ đã có một thoả thuận mang tính áp đảo so với những gì Trung Quốc có được. Với 96 trang và 8 chương, hãy cùng VCES điểm lại những gì Mỹ đã “chiến thắng” và những gì mà “chiến thắng vẫn chưa rõ ràng”.
NHỮNG THẮNG LỢI CỦA MỸ
1. Sự nhượng bộ lớn của Trung Quốc về giá trị nhập khẩu. So với con số 40 tỷ USD hàng nông sản được tuyên bố cách đây không lâu thì 200 tỷ là con số khổng lồ. Nó bao gồm 52,4 tỷ USD năng lượng, 32 tỷ USD thức ăn và hàng nông sản, 77 tỷ USD hàng chế tạo và 37,9 tỷ USD dịch vụ tài chính. Với nông dân Mỹ, đây là hai liều thuốc mạnh có lợi cho họ gồm (i) số lượng mua sắm lớn từ Trung Quốc và (ii) giảm được một số loại thuế.
2. Phạm vi của thoả thuận. Trái với lo ngại rằng để nhanh chóng ký được thoả thuận Giai đoạn 1, Mỹ sẽ chỉ tập trung vào việc ép Trung Quốc nhập khẩu nhiều hơn, thoả thuận cho thấy Mỹ đã giữ nguyên được bộ khung mà Lighthizer khổ công đàm phán suốt hai năm qua. Thoả thuận bao gồm: sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, thương mại thực phẩm và nông sản, dịch vụ tài chính, chính sách kinh tế vĩ mô và tiền tệ, mở rộng thương mại, và giải quyết tranh chấp. Công thức nổi tiếng của Lighthizer là (i) mở rộng tối đa lĩnh vực thoả thuận (không chỉ tập trung vào thương mại) + (ii) cơ chế thực thi mang tính ràng buộc (agreement chứ không phải MOU, do quốc hội thông qua chứ không phải nghị quyết đảng) + (iii) cơ chế đánh giá hậu thoả thuận + (iv) chế tài nếu vi phạm. Bộ khung 4 bước này đã được giữ gần như nguyên vẹn trong thoả thuận vừa ký (chỉ không rõ mức độ đến đâu).
3. Mức đánh đổi và nhượng bộ của Mỹ thấp.
3.1. Về thuế quan. Ban đầu mức thuế với 250 tỷ USD hàng hoá còn lại là 10%, sau khi Trung Quốc áp thuế trả đũa, mức này nâng lên thành 15%. Khi thoả thuận được ký, thuế được giảm 1/2 còn 7,5%. Như vậy so với “dự định ban đầu” chỉ giảm 2,5% (chưa bằng lạm phát Trung Quốc). Để ký thoả thuận, Mỹ không phải dỡ thuế với 360 tỷ USD hàng hoá đã đánh và dự kiến duy trì đến sau bầu cử tháng 11/2020.
3.2. Về sở hữu trí tuệ. Thỏa thuận bao gồm một số đổi mới về thủ tục có thể giúp giám sát, thực hiện và thực thi tốt hơn các nghĩa vụ của Trung Quốc.
(i) Tăng cam kết thực hiện của Trung Quốc bằng việc ép phải có kế hoạch hành động. Thỏa thuận yêu cầu Trung Quốc công bố một kế hoạch hành động nêu chi tiết cách thức và thời điểm Trung Quốc sẽ thực hiện nghĩa vụ chống đánh cắp sở hữu trí tuệ.
(ii) Minh bạch hoá thông tin về việc có hành động không, hành động đến đâu của Trung Quốc. Thoả thuận cũng yêu cầu Trung Quốc tăng cường các hành động thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong một số lĩnh vực và thường xuyên công bố dữ liệu về tác động của những hành động đó.
(iii) Tăng số lượng yêu cầu. Thỏa thuận yêu cầu Trung Quốc tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ trong một số lĩnh vực mới bao gồm cả liên quan đến hàng giả và dược phẩm lậu. Nó cũng yêu cầu Trung Quốc cải thiện việc bảo vệ bí mật thương mại và thông tin bí mật kinh doanh. Một số khái niệm chưa bao giờ được đề cập như “tấn công mạng” cũng được liệt kê vào thoả thuận mới.
(iv) Cái này quan trọng nhất: áp đặt các khái niệm và tiêu chuẩn của Mỹ để buộc Trung Quốc tuân theo. Kế hoạch hành động, cùng với dữ liệu được công bố thường xuyên về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, sẽ cung cấp các tiêu chuẩn của Mỹ để đo lường việc thực thi nghĩa vụ của Trung Quốc. Từ bây giờ thế nào là “sở hữu trí tuệ”, thế nào là “xâm phạm” đều do Mỹ định nghĩa.
(v) Đáng chú ý, thoả thuận không yêu cầu Mỹ thay đổi hoặc đưa ra bất kỳ biện pháp đánh giá mới nào. Thay vào đó, nó khẳng định rằng các biện pháp hiện tại của Mỹ đã tuân thủ các nghĩa vụ trong chương về sở hữu trí tuệ.
NHỮNG ĐIỂM CÒN CHƯA RÕ RÀNG
1. Sự thận trọng của Trung Quốc trong cam kết. Nhìn vào số liệu cam kết mua sắm của Trung Quốc cho thấy phần lớn sẽ rơi vào năm thứ hai của thoả thuận. Điều đó có nghĩa là (i) Trung Quốc muốn đảm bảo mức mua sắm của năm đầu có thể nằm trong khả năng của họ; (ii) qua đó không bị đánh giá tiêu cực là không tuân thủ cam kết; (iii) có thêm thời gian để xem xét chính sách của Mỹ.
2. Về thực thi thoả thuận. Tất cả những gì mà thoả thuận đưa ra (dù có thể rất chi tiết) vẫn là một khung khổ của những gì hai bên đồng ý sẽ làm. Đó chưa phải là một Kế hoạch hành động (Action Plan) nên việc thực thi như nào vẫn còn nhiều bỏ ngỏ. Chẳng hạn, với điều khoản nhập khẩu thêm 200 tỷ USD hàng hoá của Trung Quốc so với mức năm 2017, có rất nhiều câu hỏi chưa được làm rõ (i) nông dân Mỹ có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu Trung Quốc hay không? (ii) họ có muốn giảm xuất khẩu sang các thị trường khác để dồn hết trứng vào một cái giỏ Trung Quốc hay không? (iii) nếu Trung Quốc tăng mua từ Mỹ họ sẽ chấm dứt hợp đồng mua bán với các nước khác như thế nào? (iv) nếu nhu cầu trong nước giảm xuống, Trung Quốc có quyền từ chối tăng nhập khẩu từ Mỹ không?
3. Tính ràng buộc của thoả thuận và tổ chức bộ máy giám sát. Đây là điểm yếu của thoả thuận này.
——
Link:
https://ustr.gov/sites/default/files/files/agreements/phase one agreement/Economic_And_Trade_Agreement_Between_The_United_States_And_China_Text.pdf