Copy một bài về cụ Phạm Bằng, bài từ lúc sinh thời:
Đến địa chỉ 30 Hàng Giầy, thấy cổng ngõ vắng tanh, bệ bếp xi măng đứng chỏng trơ trong con ngõ hẹp mà trống trải. Không khỏi nao lòng khi vẫn quen nhìn thấy nơi này đông vui tấp nập thanh niên Hà Thành ngồi chen chúc ghế đẩu ăn bánh trôi tàu, len lỏi đi qua đi lại phục vụ là một người đàn ông nhỏ bé có cái đầu bóng mà khách hàng vẫn trìu mến gọi – bác Bằng hói.
À, cháu nó làm kép hát…
Cô đầu bếp chính sinh con nên hàng Lục tào xá, Chí mà phù của NSƯT Phạm Bằng đã nghỉ từ năm ngoái
, “mà cũng không biết đến khi cô ấy ở cữ xong có làm được tiếp nữa không…”, ông chép miệng. Tôi cũng tiếc cho quán của ông, không chỉ vì món bánh trôi tàu
“ngon đã thành thương hiệu”, mà vì mong được nhìn cái hình dáng nhỏ bé ấy vẫn ngày ngày hoạt bát đi lại giữa đám thanh niên ồn ã. Dẫu sao, so với cái tuổi bát thập của mình, trông ông vẫn còn “sáng nước” lắm, nét mặt thanh tú, thân hình mảnh mai, đi lại thoăn thoắt. Ông mời tôi vào gian thờ của gia đình, khá rộng, khoảng 40m2, theo như lời ông thì chỗ này trước kia được bà cụ thân sinh thường làm chỗ hầu đồng. Hiện tại, ông ở trên tầng hai của số 30 Hàng Giầy. Nghệ sỹ Phạm Bằng kể, trước 1954, nhà ông là toàn bộ khu này, gồm cả tầng 1 và tầng 2, rộng hơn 270m2, riêng kho chứa gạo rộng gấp 2 lần phòng thờ này. Năm 1960, nhà ông nằm trong diện cải tạo tư sản, tưởng phải đi chỗ khác ở, nhưng có bà con đi kháng chiến về nói giúp nên được ở lại tầng 2, tầng 1 thì các cán bộ ở. Ông đã lớn lên tại đây với cái gốc 4 đời Hà Nội cùng một tuổi thơ vương giả, sống trên nhung lụa đến hết thời thanh niên. Mẹ ông là người tháo vát, bà buôn gạo Bắc Nam mà mỗi lần vận chuyển phải vài toa tàu hỏa gạo. Nhà ông có 4 chiếc xe Camry chuyên để cho thuê đám cưới hoặc những nhà khá giả có nhu cầu lái xe riêng đi du lịch mà không muốn đi xe hàng. Mong mỏi của mẹ ông là cậu út Phạm Bằng làm nghề gì có chữ, ít ra cũng phải nối nghiệp người cha làm nghề gõ đầu trẻ của mình. Nhưng mỗi lần có người quen hỏi “Cậu Phạm Bằng nhà ta giờ tòng sự ở sở nào?”, bà cụ thân sinh ra Phạm Bằng chỉ biết chua chát: À, cháu nó làm kép hát…
Tối làm vua, sáng làm phu
Thời đó không con nhà tử tế nào lại làm kép hát. Nghề diễn viên trước đó không được coi là nghề, chỉ là thú vui chơi của anh em nghệ sỹ tụ tập nhau, hay theo kiểu cha truyền con nối. Nghệ sỹ Phạm Bằng cũng tham gia mấy đoàn nghệ thuật nghiệp dư nhưng đến năm 1960 thì các đoàn đóng cửa hoàn toàn, đi vào đời sống XHCN. Thời điểm đó, trường Sân khấu điện ảnh cũng bắt đầu mở khoa diễn viên sân khấu khóa đầu tiên với những gương mặt tên tuổi sau này như Đoàn Dũng, Thế Anh, Trọng Khôi… Phạm Bằng rất muốn đi học nhưng lúc đó, ông vừa lấy vợ, sinh đứa con đầu, hoàn cảnh gia đình vô cũng khó khăn vì không còn buôn bán được, tiền trước kia để lại cũng không còn. Buộc lòng, ông phải thi vào đoàn văn công Hà Nội, vừa được học và được diễn kiếm tiền.
Vào đoàn văn công Hà Nội 4 năm nhưng nhiệm vụ chính của ông chỉ toàn chạy cờ. Nản và xấu hổ, vợ con nheo nhóc, ông đã tính đến chuyện bỏ nghề, đi đạp xích lô kiếm tiền nuôi vợ con. Cũng may, một số đạo diễn sừng sỏ lúc đó đã động viên, ông mới yên tâm, tiếp tục nhẫn nại với nghề. Năm 1965, nỗ lực của nghệ sỹ Phạm Bằng bắt đầu được đền đáp. Ông bắt đầu đảm nhận các vai chính. Với gương mặt khá sắc sảo, Phạm Bằng thường được giao các vai tư sản, *********, các vai cường hào ác bá thời phong kiến. Sau thời điểm giải phóng Sài Gòn năm 1975, cái tên Phạm Bằng đã trở nên nổi tiếng trong làng kịch nói phía Bắc – thứ giải trí hiếm hoi của người dân bấy giờ. Những chuyến lưu diễn dài biền biệt hàng tháng trời kéo Phạm Bằng đi khắp các tỉnh thành từ vỹ tuyến 17 trở vào. Xa vợ, xa con nhưng bù lại, có tiền lo cho vợ con ở Hà Nội.
Nghệ sỹ Phạm Bằng nhớ lại, thù lao diễn mỗi đêm với mức từ 4 hào đến 1 đồng 2 cho mỗi diễn viên. Ông luôn được mức cao nhất. Bát phở tái 2 hào rưỡi, phở chín 2 hào, gạo 4 hào 1kg. Người lớn tiêu chuẩn 2kg thịt/tháng, gạo 17kg/ tháng, trẻ con 1kg thịt, 10kg gạo nhưng lũ trẻ hoạt động nhiều nhanh đói, cơm bữa nào thiếu thịt là chúng kêu ầm lên, bố mẹ chỉ ăn nước thịt, cái thì phần con. Thế là vẫn đói, phải tìm mọi cách để kiếm tiền, suất vé mời của diễn viên cũng mang ra bán được 8 hào – 1 đồng. Diễn viên tự làm hậu đài, cu ly, bốc vác. Tối vừa làm vua, làm quan trên sân khấu. Diễn xong, lại xin xuất dọn dẹp chở xe ba gác, phông màn, cảnh, từ chợ Bưởi, Láng Hòa Lạc về rạp Kinh Môn gần nhà. Các “vua quan” vừa xuống sân khấu là cởi trần kéo xe bò làm cu ly được 5 đồng/1 xe. Lúc đầu, còn chung nhau 2 người chở, chia nhau mỗi người được 2 đồng rưỡi, chưa đủ yến gạo. Sau bàn nhau, mỗi người một xe để được 5 đồng. Diễn xong 11h, tiền bồi dưỡng không dám ăn, đói lắm bỏ ra mua tí xôi, còn để dành cho vợ con. Đi đường Quan Thánh đến 4h sáng thì về đến vườn hoa Hàng Đậu, mệt quá bảo nhau nằm nghỉ tí, đặt lưng xuống là "các vua quan" ngủ miết luôn đến 6h sáng, công an đến gọi: “
này mấy anh dậy ngay, sao xe lại để đầy ra đây”, thế là cuống cuồng dậy kéo xe về. Về nhà đưa tiền, vợ con mừng húm.
Lúc bấy giờ không biết nhục là gì, cái gì cũng làm miễn là không ăn cắp. Biết là cuộc sống sẽ khổ, nhưng không tưởng tượng được cái khổ không còn có giới hạn, ăn cũng không được no, mà không phải vài tháng mà hàng năm trời”. Nghệ sỹ Phạm Bằng tâm sự, suốt 10 năm trời, lúc nào ông cũng trong trạng thái đói vì phải nhường cho con ăn.
Đó chính là nét hài mà Phạm Bằng đã chọn cho mình cũng như người ta nhớ đến ông như một nét riêng biệt. Ông thường diễn hài với phong cách… bi. Những vai hài của ông thường được nhận xét là phải suy ngẫm mới thấy hài và càng ngẫm thì càng thấm. 15 năm ở đoàn văn công Hà Nội thì 12 năm đóng phản diện. Vai hài đầu tiên của Phạm Bằng là một vai ngắn trên sân khấu kịch nói do đạo diễn Trần Hoạt phân công. Từ khi sang Nhà hát kịch Trung ương, nghệ sỹ Phạm Bằng bắt đầu đảm nhận các vai hài dài. Và khi truyền hình ra đời, ông bắt đầu được khán giả biết đến khi tham gia một số chương trình tiểu phẩm hài dài hơi. Một trong số đó là chương trình Gặp nhau cuối tuần năm 2002. Theo nó 7 năm, đến hết cả vốn, không còn gì để làm nữa thì ông xin nghỉ.
Vai hài
giám đốc có tài luồn lách Trương Trọng Lách vẫn là vai ấn tượng nhất với ông và người xem Hà Nội. Vai đó nổi tiếng một thời và đến giờ có những người già gặp ở hàng phở vẫn gọi ông “A ! Trương Trọng Lách đây rồi!”. Ông có hai con gái theo nghề diễn nhưng đều bỏ giữa chừng, trong đó có Ngọc Hiền, học cùng khóa Quốc Khánh, Ngọc Bích, Quế Hằng là ông tiếc nhất. Ông bảo, cô đó có tố chất nhất nhưng cuối cùng lại theo chồng vào Sài Gòn sinh sống, hiện tại kinh doanh và có cuộc sống dư dả. Giờ ông chỉ mong cho cậu con trai út, làm luật sư, sinh năm 73 sớm yên bề gia thất. Đây là người con mà ông đã phải cố có thêm trong thời khó khăn để khỏi bị mẹ giục lấy thêm vợ “cho có người nối dõi tông đường”…
thegioidienanh.vn
Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam được chính thức thành lập từ năm 1957 tại Hà Nội. Ðại hội thành lập ngày 7/5/1957, nhiệm kỳ 5 năm.
sankhau.com.vn