Nhà tâm lý Văn Thanh Sỹ, đường dây tư vấn 1088 TP HCM cho biết, chuyện đàn ông dễ buồn bực và thấy "khó ở" khi chung sống với bố mẹ vợ không có gì khó hiểu. Để cảm nhận được điều này, người vợ nên thử đặt mình vào vị trí của chồng. Cũng như khi chị em đi làm dâu, liệu có cảm thấy thoải mái, dễ chịu với môi trường sống mới và những thành viên khác của gia đình chồng?
Hơn nữa, tâm lý của người ở rể chịu thêm gánh nặng của dư luận xã hội. Tập quán của người Việt Nam là đàn ông lấy vợ, phụ nữ đi làm dâu. Đàn ông được coi là chủ gia đình. Vì thế, khi phải ở rể, tâm lý người đàn ông bị xáo trộn, họ có thể sống không đúng với tính cách, mong muốn của mình khi ở nhà bố mẹ vợ, luôn căng thẳng, cảm thấy khó hòa nhập, sợ mọi người phán xét.
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là người đàn ông được phép "làm mình làm mẩy" hay có lý khi sống khách sáo, có khoảng cách với mọi người trong nhà vợ. "Các anh hãy tự hỏi, liệu mình làm vậy có xứng với vai trò trụ cột gia đình, có đúng là người đứng mũi chịu sào cho vợ con không, hay tự mình tách ra và làm vợ thêm phiền muộn, khó xử? Người chủ là người biết thích nghi, hòa đồng được với môi trường mới và vun đắp cho gia đình dù ở hoàn cảnh nào", nhà tâm lý chia sẻ.
Ông Sỹ cho rằng, khi vợ chồng về chung sống với nhà ngoại, mối quan hệ của họ có thể bị tác động bởi một số "tác nhân phụ" như cha mẹ hay anh chị em vợ. Thường cha mẹ luôn muốn nhìn con gái hạnh phúc như họ mong muốn nhưng thực tế có thể chưa đạt được. Và khi đó, thay vì để các con tự xây đắp gia đình, tự điều chỉnh bản thân, họ lại can thiệp vào cuộc sống của gia đình trẻ và đôi khi gây ảnh hưởng tiêu cực.
"Vợ chồng trẻ thì nên ra riêng, đó là môi trường tốt nhất để tình nghĩa vợ chồng nảy nở, phát triển. Nếu vì điều kiện nào đó phải ở chung, tốt nhất dù bố mẹ chồng hay bố mẹ vợ, hãy để các con tự giải quyết, tạo lập gia đình của chính mình", nhà tâm lý nêu ý kiến.
Bà Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cũng cho rằng vợ chồng trẻ chung sống với bố mẹ, sự khác biệt về thế hệ, lối sống, cách nghĩ có thể gây bất đồng, đó là điều bình thường. Quan trọng là hai bên biết lắng nghe nhau, hiểu và cảm thông, có thiện chí vun đắp cho mối quan hệ chung. Khi chồng ở rể, vợ có thể là cầu nối, giúp chồng hiểu và gần gũi với bố mẹ mình hơn và ngược lại.
Thực tế, định kiến xưa nay về việc ở rể còn hằn sâu trong nhiều người. Nam giới thường được coi là chủ gia đình, khi ở rể, nhiều người cảm thấy mình không còn được ở vị trí “chủ nhà” nữa, sợ những lời dị nghị, sợ mình yếu thế, từ đó rất nhạy cảm với những lời nói, thái độ của mọi người xung quanh.
Để tránh tâm lý này, dù ở chung với bố mẹ vợ, hai vợ chồng vẫn là một gia đình riêng, có kinh tế riêng, và hỏi ý kiến nhau những việc liên quan đến mỗi người. “Nên có quỹ tài chính riêng của vợ chồng, đóng góp một khoản nhất định cho ông bà, không nên nhập chung. Những gì thuộc về gia đình riêng thì bàn bạc với nhau và cùng quyết, làm sao hai người cùng là một đội, để thống nhất cách đối xử với hai bên gia đình”, bà Hà chia sẻ.