Rỗi việc em đi men con đường ven hồ xem cảnh quan thế nào. Mặc dù hồ Inya cũng như Hồ Tây HN nằm cách trung tâm chỉ vài km về phía bắc, nhưng quanh hồ Inya rất ít nhà cửa chứ không phải là phố sá san sát nhà như phố Thụy Khuê. Trên con đường ven hồ, em thấy chỉ có một số nhà biệt thự trên đất rộng và cách xa nhau.
Có những căn nhà cũ nát, thật tiếc
Con đường 4 làn thưa xe và xe phóng rất nhanh.
Đi bộ được chừng 2km gì đó thì vô tình em thấy nhà bà Aung San Suu Kyi, trước đây là lãnh tụ chính trị đối lập với tập đoàn quân sự cầm quyền. Bà từng bị giam lỏng trong khu dinh thự này tới khoảng 20 năm khi bà đấu tranh đòi thay đổi nền chính trị của Myanmar. Nhưng công sức đấu tranh của bà không phí hoài vì đến năm 2012, chính phủ Myanmar đã thay đổi quan điểm, chấp nhận sự có mặt của các lực lượng đối lập, trong đó có Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi.
Chỉ vài tiếng trước khi vô tình đi dạo đến cổng nhà bà, em đã dự một bữa tiệc trưa, tại đó bà Aung San Suu Kyi đã đến phát biểu.
Người lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Myanmar và cũng là người đã đoạt giải Nobel Hòa Bình nói đại ý: Tài nguyên khoáng sản rồi sẽ hết, tài nguyên con người là mãi mãi. Để có tài nguyên con người thì phải đầu tư vào giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Để đất nước phát triển như mong muốn của người dân thì người dân phải có quyền thảo luận và chọn con đường đúng đắn để phát triển. Mà như vậy cần phải có dân chủ và tự do báo chí.
Nhưng tự do báo chí không phải là thích viết cái gì thì viết. Tự do báo chí đi kèm với trách nhiệm. Báo chí phải viết sự thật, nói ra những điều cần phải nói đem lại lợi ích cho mọi người. Để báo chí tự do và có trách nhiệm, cần có sự đào tạo tốt hơn và luật pháp rõ ràng hơn, điều mà hiện nay Myanmar còn thiếu.