Khi lên 10 tuổi, ông Đ. được một người họ hàng đưa ra Hà Nội ở cho một gia đình giàu có. Chủ của gia đình đó được mọi người gọi là ông Trưởng Cúc. Gia đình ông này làm nghề kim hoàn và buôn bán vàng bạc. Ông Đ. giúp gia đình ông này dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo và rửa bát.
Ông Trưởng Cúc có hai người vợ nhưng cũng chỉ sinh được một cậu con trai tên là Phát, bằng tuổi ông Đ. Vì thế, ông Đ. và cậu con trai của gia đình ông Trưởng Cúc tuy là phận cậu chủ và người ở nhưng lại rất thân nhau. Hai cậu bé chẳng mấy khi rời nhau. Chính vì thế mà gia đình chủ rất yêu quý ông Đ, thường xuyên may quần áo cho và cho ngồi ăn cơm cùng cậu con trai họ.
Đã có một đôi lần ông chủ và cậu Phát về thăm quê quán ông Đ. Năm 1941, ông chủ gửi cậu Phát lúc đó mới 14 tuổi sang Paris học. Khi chia tay, hai cậu bé ôm nhau khóc nức nở không muốn rời xa nhau. Cả hai cậu bé không ngờ sau cuộc chia tay ấy, hơn 50 năm sau họ mới gặp lại nhau.
Cậu Phát sang Paris học rồi không về nước như dự định vì đất nước có quá nhiều thay đổi. Sau năm 1945, việc kinh doanh vàng bạc của ông Trưởng Cúc phải dừng lại, một phần vì thời thế thay đổi, một phần vì ông rơi vào bệnh tật triền miên. Ông bán hết mấy ngôi nhà ở phố Hàng Bạc và Hàng Gai lo thuốc thang mà bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm. Cuối cùng, ông phải thuê một căn nhà nhỏ để ở.
Cũng lúc đó, bà vợ thứ hai còn trẻ của ông bế đứa con gái nhỏ bỏ ra đi và không bao giờ thấy trở về nữa. Ông Trưởng Cúc mấy lần giục ông Đ. trở về quê vì không còn cần đến người giúp việc, không muốn ông Đ. phải chăm sóc mình lúc đau ốm. Nhưng vì những năm tháng ở với gia đình ông Trưởng Cúc, ông Đ. được yêu thương như con đẻ nên ông Đ. không nỡ bỏ đi.
Mỗi khi ông Trưởng Cúc giục về quê quán, ông Đ lại nói: “Con ở lại với ông, bao giờ cậu Phát về nước thì con xin ông con về quê”. Mỗi lần nghe ông Đ. nói vậy, ông Trưởng Cúc lại khóc vì xúc động. Ông Trưởng Cúc biết ông Đ. thương tình cảnh mà ở lại giúp chứ biết đến ngày nào cậu Phát mới về.
Nhưng rồi bệnh tình ông Trưởng Cúc càng ngày càng trầm trọng. Khi biết mình không thể sống được bao lâu nữa, ông Trưởng Cúc gọi ông Đ. đến đưa cho một cái túi và nói: “Gia tài của tôi chẳng còn gì, chỉ còn mỗi vật này. Tôi nhờ anh giữ cho tôi. Khi nào thằng Phát về thì anh trao lại cho nó. Nếu nó không trở về nữa thì là của anh. Coi như là tôi cảm ơn anh đã chăm sóc tôi trong những năm tháng bệnh tật”.
Ông Đ. đã hứa với ông chủ của mình sẽ giữ cái túi đó bằng mọi giá và sẽ đợi cho đến ngày cậu Phát trở về. Hai tháng sau đó, ông Trưởng Cúc mất. Ông Đ. lo mai táng cho ông Trưởng Cúc rồi trở về quê. Đến lúc này ông Đ. mới mở cái túi ra xem thì mới giật mình vì cái túi đó đựng một chiếc bình hoa bằng vàng. Ngay đêm đó, ông Đ. đã bí mật vượt qua cánh đồng vào dãy núi gần làng ông và chôn chiếc bình vàng vào một nơi kín đáo để đợi ngày cậu Phát trở về thì giao lại cho cậu ấy.
Ông trở về quê lấy vợ và sinh được hai cô con gái. Một chiều đi làm về, ông bị cảm và liệt mất nửa người. Gần một năm sau, ông mới có thể đi lại được nhưng một cái chân và một cái tay của ông không bao giờ trở lại bình thường được nữa. Ông trở thành một người tàn tật. Kể từ ngày ông gặp tai nạn, gia đình ngày càng sa sút. Họ sống trong cảnh nghèo túng tưởng không còn đường sống. Cuối cùng, ông phải chống gậy đi ăn mày.
Có những lần ông Đ. đi ăn mày cả tháng trời mới về nhà. Có lẽ cuộc đời này không có gì khổ hơn bằng kẻ đi ăn mày. Ông phải chịu bao đói rét, nắng mưa, đau ốm. Đêm đêm ông ngủ bờ ngủ bụi, ăn gạo, ngô sống, uống nước sông nước hồ. Có nhiều đêm ông ngồi khóc dưới một gốc cây giữa cánh đồng hiu quạnh mịt mù mưa bão.
Những lúc ấy, ông đã nghĩ tới cái chết. Nhưng nghĩ đến lời hứa với ông Trưởng Cúc, ông Đ. lại lê gót trở về. Một năm đôi ba lần ông bí mật vào dãy núi đào cái túi đựng chiếc bình hoa bằng vàng lên. Chỉ khi biết chiếc bình hoa vẫn còn ở đó thì ông mới yên tâm.
Đến năm 50 tuổi, sức khỏe không cho phép ông đi ăn mày được nữa. Ông ở nhà làm chổi rơm. Cứ mươi ngày ông lại khoác mấy chục chổi rơm đến các chợ trong vùng để bán. Và ngày ngày, ông vẫn ngóng đợi cậu Phát trở về. Nhưng rồi sau 40 năm kể từ ngày cậu Phát sang Paris học, ông Đ. vẫn không nhận được tin tức gì của cậu Phát.
Đã có lúc, ông Đ. nghĩ cậu Phát sẽ chẳng bao giờ về nước nữa. Và cũng có lúc ông Đ. đã nghĩ hay là mang chiếc bình hoa vàng đi bán. Nếu bán chiếc bình hoa ấy thì cuộc đời của gia đình ông sẽ đổi thay và không bao giờ phải sống trong đói nghèo như thế nữa. Nhưng ngay sau đó, ông lại gạt ngay đi ý nghĩ bán chiếc bình hoa ra khỏi đầu. Khi ông chưa có tin tức chính thức về cậu Phát thì ông không thể bán chiếc bình hoa được.
Thực tế, chuyện chuyện bình hoa bằng vằng chỉ có ông Trưởng Cúc và ông biết. Ông Trưởng Cúc đã mất rồi. Cho dù cậu Phát trở về thì cũng chẳng hay biết gì về chiếc bình bằng vàng ấy của cha cậu. Nhưng cho dù chẳng có ai biết thì ông cũng không cho phép mình chiếm chiếc bình hoa làm của riêng.
Ông chỉ nghĩ đơn giản đó không phải là tài sản của ông, không phải ông làm ra mà là của người khác. Ông Trưởng Cúc tin ông và coi ông là người trung thực nên mới nhờ giữ chiếc bình bằng vàng cho con trai mình. Nếu khi ông Đ. chết mà cậu Phát chưa trở về thì ông sẽ phải tìm một người tin tưởng để nhờ giữ chiếc bình, đợi cậu Phát trở về hay con cháu của cậu ấy.
Khi ông Đ. vào tuổi 70 thì ông Phát từ Pháp trở về. Ông Phát đã tìm được đường về quê ông Đ. Ông Phát trở về tìm ông Đ. không phải vì chiếc bình vàng bởi ông Phát chẳng hay biết gì về chuyện đó, mà chỉ để tìm lại một người bạn thuở thiếu thời, và cũng để hỏi thăm về cha đẻ mình. Khi ông Phát bước đến trước mặt, ông Đ. kêu lên: “Có phải cậu Phát không?”.
Ông Đ. nhận ra ngay vì ông Phát khi già giống cha mình y như đúc. Hai người ôm lấy nhau mà khóc. Đêm đó, ông Phát ngủ lại nhà ông Đ. Hai người nói chuyện với nhau đến khuya thì ông Đ. cầm xẻng và bảo ông Phát đi theo mình vào núi. Ông Phát không hiểu có chuyện gì, lập cập đi theo ông Đ.
Đến một khe núi, ông Đ. bảo ông Phát soi đèn pin cho mình đào. Một lúc sau, ông Đ. lôi lên một chiếc túi. Ông Đ. phủi sạch và đưa cho ông Phát rồi nói: “Trước khi cụ nhà ông mất có nhờ tôi đưa cái này cho ông khi ông trở về. Tôi đã giữ nó từng ấy năm đợi ông. Giờ ông đã về, cụ nhà dưới suối vàng mỉm cười được rồi”.
Ông Phát run rẩy mở chiếc bọc ra và kinh ngạc nhận ra đó là một chiếc bình bằng vàng vô cùng giá trì. Sau này, ông Phát đã nhờ các chuyên gia đồ cổ đánh giá và họ nói chiếc bình hoa này có giá cả triệu đô. Ông Phát ôm chiếc bình và khóc. Ông khóc vì tình yêu thương của người cha đẻ dành cho ông. Ông khóc vì không thể nào nghĩ rằng trên đời này lại có người trung thực, không tham lam như ông Đ., đặc biệt là khi ông biết được cuộc đời ông Đ. từng phải đi ăn mày nhiều năm trời.
Ông Phát đã trao chiếc bình vàng cho ông Đ. và nói rằng chiếc bình ấy, món quà ấy phải thuộc về ông Đ., rằng cụ Trưởng Cúc sẽ vô cùng tự hào và mãn nguyện về ông khi con trai cụ đã hiểu được lẽ làm người; ó lẽ đó chính là điều mà cụ Trưởng Cúc khi sống và khi cho con trai mình đi học mong muốn nhất.
Ông Đ. cảm tạ tấm lòng của ông Phát, nhưng không nhận món quà ấy. Ông Đ. nói với ông Phát rằng: “Lòng tin của cụ nhà đối với tôi và tấm lòng thành của ông đối với tôi là món quà quý giá nhất và tôi xin nhận. Còn chiếc bình này là kỷ vật cuối cùng của cha mình thì ông phải giữ lấy”.
Từ đó, hằng năm ông Phát đều về nước và đều về thăm quê ông Đ. Hai người đã trở thành một đôi bạn già thân thiết và thủy chung. Ông Phát đã nhờ ông Đ. mua một mảnh đất, dựng một ngôi nhà để mỗi khi về nước ông có thời gian ở bên người bạn già tàn tật. Họ sống một cuộc sống giản dị và thanh thản. Nhưng họ đã trở thành những ví dụ đẹp đẽ trong cuộc đời này. Câu chuyện của họ quả thực như một câu chuyện cổ tích trong thời hiện đại. Hay nói đúng hơn là họ đã làm ra một câu chuyện cổ tích cho chúng ta.