Trần Nhân Tông dạy chữ “nhân”
(TT&VH) - Hôm nay (25/11) là ngày mở đầu của Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Trần Nhân Tông nhập niết bàn... Được biết, sau Đại lễ này, Giáo hội phật giáo Việt Namvà Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh sẽ tiến tới đề nghị tổ chức ngày mất của ông (1-11-1308) hằng năm như Quốc giỗ của Phật giáo và đây cũng là cơ sở để các cơ quan chức năng trình lên UNESCO công nhận Trần Nhân Tông là Danh nhân văn hóa thế giới.
1. Trong lịch sử nước nhà, có lẽ Nhà Vua - Điều Ngự Đầu Đà, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (7/12/1258 – 1/12/1308) là một nhân vật lịch sử phi thường, một người Thầy đặc biệt nhất. Khi làm vua, ông dạy dân bằng cách khiêm cung, tiết dụng; khi là nhà sư ông giáo hóa cho các tăng ni, phật tử. Thế nhưng, dẫu ở cương vị nào, ông cũng luôn là người thầy vĩ đại. Tuyệt luân hơn nữa là cách chuyển đạt các giá trị tư tưởng và đạo đức của ông còn sống mãi đến muôn đời.
Nếu suy xét kỹ những tác phẩm, những công nghiệp mà Trần Nhân Tông đã làm, ta sẽ thấy chữ nhân là điều xuyên suốt, là thông điệp duy nhất của cả cuộc đời ông. Nói cách khác, tất cả những gì Trần Nhân Tông đã viết, đã làm đều chỉ hướng đến một mục đích là khai sáng, mở rộng, làm sắc sâu và lung linh trong lòng người nghĩa đủ của nhân.
Trên thế gian này, đã có hàng vạn câu thơ viết về lòng người, làm xúc động hàng triệu trái tim người. Nhưng có lẽ, một trong những câu thơ hay nhất là câu Số đời một màn kéo. Tình người đôi mắt ngân. Ánh mắt nhìn mà có thể ngân lên thành tiếng hát, thành sự sẻ chia ngọt ngào, đồng cảm; quả là sự trác tuyệt của thi từ. Đọc câu thơ đó, ta như thấy lòng mình dịu lại bất chấp mọi đớn đau, nhức nhối của cuộc đời. Ta còn nhận ra rằng cuộc đời và lẽ nhân quần tha thiết biết bao cho dù cái lang thang vô định của kiếp người ngắn ngủi lắm.
Là một nhà vua trên tột đỉnh cao sang nhưng Trần Nhân Tông vẫn nhìn thấy những điều mà mọi bậc quyền quý khác không thấy bao giờ. Mục đồng địch lý quy ngưu tận. Bạch lộ song song phi hạ điền (Trẻ chăn trâu thổi sáo gọi trâu về. Từng đôi cò trắng sà xuống cánh đồng quê). Đó là cái nhìn của một người hiểu rõ nỗi vất vả của chân quê, thở cái hơi thở đích thực của đồng nội, biết cái cay đắng muôn phần của thân phận con cò trong ngày đông gió mùa đông bắc tái tê, rét mướt. Trần Nhân Tông hiểu con cò trong mưa, “mệt lử cò bợ” có nghĩa như thế nào. Mưa giăng mờ không thể kiếm được cái ăn nhưng vẫn phải chờ, phải đợi bởi một hy vọng mỏng manh. Cách hiểu ấy là cách hiểu của lòng nhân.
Đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông, vào thành, thấy cả thùng thư xin đầu hàng giặc để làm quan, Trần Nhân Tông cho đốt hết. Ông nghĩ rằng đất nước điêu linh, có những kẻ lận lầm, có không ít kẻ hèn nhát, cũng chẳng thiếu kẻ gian tham. Nhưng nếu đem xử rồi phải chém đầu hàng ngàn người một lúc thì đó là việc không thể, không nên.
2. Rời ngai vàng năm 35 tuổi (1293). Đó là điều trên thế giới không thể có người thứ hai làm được. Ông coi thường phú quý, ông ghét sự xa hoa. Chính vì thế nên khi vua con Trần Anh Tông thăng quan, bổ chức nhiều quá, Trần Nhân Tông đã đau đớn mà thốt lên rằng Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi? Đó là cách nói, cách hiểu của một vị vua coi dân như con đẻ của chính mình. Đau nỗi đau của dân, biết nỗi khổ của dân và tin chắc rằng một chính quyền tốt nhất phải là chính quyền cai trị ít nhất – ít quan nhất có thể. Bài học mà Trần Nhân Tông đã dạy con mình là bài học mà lịch sử, dẫu đã trải qua 700 năm nhọc nhằn, lam lũ; cho đến tận bây giờ vẫn còn thấy xót xa!
Năm 1289, Trần Nhân Tông làm bài thơ gửi cho sứ nhà Nguyên Lý Tư Diễn, trong đó có câu Tịch hiệp thiên hà tẩy chiến trần (Kéo cả dải Ngân hà về để rửa sạch bụi trần của đớn đau, mất mát). Có thể, ông là người đầu tiên biết rất rõ rằng những mâu thuẫn từ chiến tranh, những sai lầm không thể nào sửa chữa được ấy là khủng khiếp đến nhường nào! Trước đó, Trần Nhân Tông đã cho đốt hết các bức thư hàng giặc để khỏi phải lâm cảnh đầu rơi máu chảy với hàng ngàn gia đình. Cái nhân trong ông, cách ông dạy cho cả dân tộc về nhân thật giản dị: Hãy đừng sỉ nhục những kẻ chiến bại, hãy cưu mang và độ lượng; đó là con đường ngắn nhất để đất nước thống nhất, hiệp hòa...
3. Kinh Phật dạy rằng Tâm (citta) là kho chứa vô vàn các chủng tử (bìja - hạt giống). Trần Nhân Tông là bậc Huyền Tổ của sự bao dung, nhân ái, nên ông là người sắc sâu với triết lý rằng muốn khai mở lòng nhân cho người, trước hết hãy từ mình. Cà một vò, tương một hũ; không chỉ là câu thơ mô tả cuộc sống thường ngày. Sự đạm bạc, thanh nhàn là lẽ sống của ông. Nhờ thế, dẫu cư trần, Trần Nhân Tông vẫn thênh thang lạc đạo. Làm sao không lạc không an khi cả cuộc đời ông là sự dâng hiến hết mình cho dân, cho nước, cho cái nghĩa triết sâu của Phật pháp mãi dương hoằng? Nếu Khổng Tử là người đã khắc ghi cho nền văn minh Trung Hoa, “vẽ nên mắt rồng”, bổn lẽ của lễ , thì Trần Nhân Tông là người đã tạo lập, định hình, minh triết và hoằng khải chữ Nhân.
Hà Văn Thịnh