Reverside giống như một khu resort, nằm ở trung tâm của Văng Viêng, phòng ở được bố trí ở các khu nhà nhỏ biệt lập. Phía trong có khuôn viên đẹp, có bể bơi, nhà ăn ngay cạnh đó. Đặc biệt là khu nhà nằm ngay bên bờ Nậm Song. Đang là mùa khô nên đoạn sông chảy qua Riverside nước không nhiều, nhưng vẫn thấy nhiều ô tô chở thuyền đi kayaking, không rõ họ bơi ở đâu.
Khuôn viên của khu nghỉ:
Nậm Song:
Hoa lan chụp tại Văng Viêng:
Giá phòng 40 USD/ngày đã bao gồm 2 suất ăn sáng (giá khoảng 30.000 kíp/suất, chọn trong khoảng 10 món có sẵn của họ). Nhà em gọi thêm các suất còn thiếu, ăn sáng luôn tại đây. Chỗ này nghỉ tốt,
khuyến nghị các bác nghỉ ở đây. Văng Viêng có một số dịch vụ vui chơi giải trí như kayaking, tham hang động, bơi lội ở các suối (thường gần hang động), tự thám hiểm, chơi các trò chơi ở gần các hang động… Điểm nổi bật của Văng Viêng là mặc dù là một điểm du lịch phát triển đã lâu (đã thu được rất nhiều tiền) nhưng rất hạn chế sự can thiệp của bàn tay con người (một cách cố tình). Các hoạt động du lịch gắn liền với tự nhiên, du khách tự vui chơi, tự khám phá. Nhiều trò có thể nguy hiểm, nhưng chẳng thấy ai hướng dẫn, khách tự tìm hiểu. Đây chính là điểm hấp dẫn du khách nước ngoài tới khu này và cũng có thể là nguyên nhân mà người ta đã cố tình tạo ra con đường “băm chặt” cho thêm sự hấp dẫn cho du khách đến thăm Văng Viêng chăng?
Do không có nhiều thời gian và đoàn có nhiều trẻ con, không tham gia các hoạt động quá mạo hiểm, nên nhà em chọn đi thăm động Poukham cách Văng Viêng khoảng 7 km. Nằm trong vùng núi đá vôi, Văng Viêng có nhiều hang động lớn nhỏ. Gần mỗi hang động thường có suối nước trong để du khách bơi lội. Ngoài con đường chính ở Văng Viêng được rải nhựa, đường vào các khu du lịch phía trong là đường đất:
Nhiều du khách đi bộ hoặc đạp xe lang thang trên các con đường đất ghồ ghề đầy bụi cùng với dân bản địa:
Đi một đoạn thì đến một biển chỉ dẫn vào hang động phía bên tay phải, nhưng hình như không phải khu hang động nhà em định tới, may quá lúc đó gặp một bác có vẻ là nông dân đi làm đồng em liền hỏi đường. Lúc đầu hỏi tiếng Việt bác ấy không biết, sau chuyển sang tiếng Anh, thì thật bất ngờ tiếng Anh của bác ấy tương đối chuẩn. Ngoài chỉ dẫn bằng mồm, bác còn dùng củ sắn vẽ luôn đường đi lên trên đường chính xác tới mức sau em cứ theo chỉ dẫn này đi một mạch tới tận cửa hang mà không phải hỏi thêm một lần nào nữa. Các cầu ở đây thường là cầu treo hoặc cầu bằng gỗ tạo thêm cảm giác hoang dã. Phải đi xe qua đây:
Dọc đường có một khu nhà dành cho người nước ngoài sang thực tập sinh sống (một dạng sống thử?), thấy mấy bạn khoai tây đang tự trát tường nhà bằng đất có vẻ rất sung sướng. Chắc ở đây cũng phải tự nấu nướng, giặt rũ. Phía trong hình như có dịch vụ café để du khách nghỉ chân (chắc để thu hồi lại một phần chi phí cho khu này), nhưng đoàn nhà em lúc về vội không vào. Có thời gian vào buôn chuyện với mấy bác khoai tây này chắc có khối chuyện hay, nhất là đối với trẻ con.
Trước khi bắt đầu leo lên hang, có dịch vụ cho thuê đèn pin đeo lên đầu như bác sĩ tai mũi họng vậy. Giá 10.000 kíp/đèn. Trẻ con khoái, đứa nào cũng làm một cái đeo ở đầu.
Đường leo lên hang rất hẹp, dốc, đá xếp sơ sài gần như đường nguyên thủy, leo rất khó khăn. Tay vịn bằng tre, lắc la lắc lư. Già trẻ, bồng bế, dìu dắt nhau một lúc thì tới cửa hang. Trong hang tối om, ngoài chỉ dẫn bằng mũi tên vẽ trên vách đá, chẳng hiểu hang còn sâu vào tới đâu. Chẳng có ai hướng dẫn. Du khách muốn đi tới đâu tùy thích, chán thì theo mũi tên vẽ trên vách đá mà quay ra. Tất cả những thứ này tạo cho trẻ em cảm giác thám hiểm thực sự, mặc dù vào hang chẳng có gì, ngoài một bức tượng phật ở tư thế đang nằm ngủ.
Ở phía trong chắc còn rất sâu và rộng vì hang này nghe nói là hang lớn nhất ở Văng Viêng, đoàn đông trẻ con quá đi tiếp nữa thì mạo hiểm, nhà em quay ra. Leo xuống còn khoai hơn leo lên vì dốc. Dùng cả tứ chi cuối cùng cũng xuống được tới nơi. Toát mồ hôi!
Ngồi nghỉ uống nước dừa giá 10.000 kíp/quả, xem các trò chơi ở suối. Cũng lại là các trò chơi đơn giản, tự chế. Bám vào cành cây, đu ra giữa suối rồi quay trở lại. Các du khách khoai tây thì hầu như ai cũng thử. Du khách Trung Quốc hơi dè dặt, nhưng sau cũng chơi và bị dính nước. Chứng kiến một gia đình Hàn Quốc có hai cô con gái tầm 12 – 13 tuổi, cô chị thì bạo chơi ngay, mặc dù sau đó rơi xuống nước, còn cô em nhát hơn thế mà ông bố khuyến khích chơi bằng được, cô này sau cũng rơi xuống nước, rồi lại trèo lên bờ chơi tiếp.
Trông thì dễ, nhưng đối với những người “mộng năng” như mợ này là cả vấn đề, bị rơi xuống nước lại bơi vào.
Trò trên này là nhảy từ trên cây cắm đầu xuống nước. Chú khoai tây này sợ, trèo lên cây rồi cứ đứng mãi không dám nhảy xuống. Sau mọi người xem đông cổ vũ, reo hò, và bắt đầu đếm one, two… chú này đành nhảy xuống, trước khi nhảy còn hỏi mọi người xung quanh: chúng mày có chắc là ở đây sâu 3 m không (em nhìn chắc khoảng 2 m)? Nào có ai biết vì đã nhảy bao giờ đâu, nhưng có rất nhiều người khẳng định, thế là nhảy! tiếp nước rất đẹp. Tiếc là chẳng có du khách Việt Nam nào dám chơi một phần vì nhát, một phần vì ngại ướt quần áo (đoàn nhà em kém tắm lắm).
Quay trở lại khách sạn, do leo lên hang cũng nóng, trời nắng, và xem các bạn nước ngoài chơi cũng thích, trẻ em lao xuống bể bơi. Môn này không mạo hiểm, có vẻ quen thuộc hơn.