Em thì em chưa có điều kiện để chơi môn này nhưng thấy bác hỏi luật thì em đi tìm và post cho các bác tham khảo, có gì sai xin đừng lấy VODKA của em (u)
Điều 1: Sân
Sân quần vợt có hình chữ nhật với chiều dài 23,77 m, và chiều rộng 8,23 m. Lưới được căng ở chính giữa, chia sân thành hai phần đều nhau, buộc bằng một sợi dây thừng hoặc kim loại có đường kính tối đa 0,8 cm vào hai cột lưới. Cột lưới tròn có đường kính 15 cm, nếu vuông, có chiều dài cạnh 15 cm. Cột lưới chỉ được phép cao hơn mép trên của lưới tối đa 2,5 cm. Tâm của cột đặt cách mép ngoài đường biên dọc mỗi bên 0,914 m. Chiều cao cột lưới phải buộc làm sao để mép trên lưới có độ cao 1,07 m so với mặt sân.
Khi kết hợp sân đánh đôi với sân đánh đơn và dùng lưới của sân đánh đôi để đánh đơn, lưới phải có chiều cao 1,07 m bằng cách dùng hai cọc chống ở hai bên. Cọc chống nếu tròn, đường kính là 7,5 cm, nếu vuông, cạnh bằng 7,5 cm. Tâm của các cọc chống đặt cách mép ngoài của mỗi đường biên dọc của sân đơn là 0,914 m.
Lưới phải được căng sát đến hai cột lưới. Mắt lưới phải nhỏ để bóng không thể chui lọt. Chiều cao lưới ở giữa sân là 0,914 m, ở điểm này có một dải băng màu trắng, bản rộng 5 cm buộc giữ cho lưới ở độ cao quy định. Cạp lưới màu trắng, bản rộng không nhỏ hơn 5 cm, không lớn quá 6,35 cm. Từ mép trên đến mép dưới và ở hai bên của cạp hoàn toàn màu trắng.
Ở cuối hai bên sân là đường biên ngang (đường cuối sân), và ở hai bên mép là đường biên dọc. Ở mỗi bên của lưới, kẻ đường song song, cách lưới 6,4 m, gọi là đường giao bóng. Trong khoảng sân giữa lưới với đường giao bóng, kẻ một giới hạn phát bóng ở chính giữa rộng 5 cm, chia khoảng sân thành hai phần bằng nhau, song song với đường biên dọc và gặp điểm giữa của đường giao bóng. Hai phần sân này được gọi là ô giao bóng. Ở chính giữa đường biên ngang, kẻ một vạch mốc giao bóng rộng 5 cm, dài 10 cm, vuông góc với đường cuối sân và hướng vào trong mặt sân.
Sơ đồ sân quần vợt đánh đơn và đánh đôi. (Click vào ảnh).
Tất cả các đường kẻ khác trên sân không được phép nhỏ hơn 2,5 cm và lớn hơn 5 cm, ngoại trừ đường cuối sân có thể kẻ rộng 10 cm. Tất cả kích thước của những đường kẻ này được tính đến mép ngoài. Các đường kẻ phải cùng một màu.
Không được phép sử dụng cọc chống, sợi dây băng trắng và cạp lưới để quảng cáo. Nếu có quảng cáo hoặc các đồ vật khác ở quanh sân thì chúng không được sử dụng màu trắng hoặc vàng. Có thể dùng màu nhạt nếu không ảnh hưởng đến tầm nhìn của các tay vợt.
Ghi chú 1: Tại các giải đấu chính thức của Liên đoàn Quần vợt thế giới, cần có một khoảng rộng ở sau mỗi đường biên ngang không dưới 6,4 m và ở hai bên không ít hơn 3,66 m. Các ghế của trọng tài biên có thể đặt ở cách sau khoảng cách chạy đà cuối sân 6,4 m trở ra và ở hai bên cũng phải ngoài giới hạn 3,66 m.
Ghi chú 2: Tại Davis Cup và Fed Cup thì khoảng trống của sân quần vợt ở sau hai bên đường cuối sân không nhỏ hơn 8,23 m và khoảng trống ở hai bên đường biên dọc không ít hơn 4,57 m.
Ghi chú 3: Ở các CLB hoặc khu giải trí, khoảng trống ở sau hai bên đường cuối sân không nhỏ hơn 5,5 m và khoảng trống ở hai bên đường biên dọc không nhỏ hơn 3,05 m.
Điều 2: Thiết bị cố định
Các thiết bị cố định của sân không chỉ gồm có lưới, cột lưới, cọc chống, dây căng lưới, cạp lưới, mà còn cả tường hay lưới chắn quanh sân, các bậc ngồi, ghế ngồi cố định hay di động xung quanh sân và cả những người ngồi. Mọi thứ khác xung quanh và trên sân, trọng tài chính, trọng tài biên và người nhặt bóng khi đứng đúng vị trí cũng được coi là thiết bị cố định.
Ghi chú: Trong khuôn khổ luật này, từ trọng tài bao hàm cả người ngồi trên sân điều khiển trận đấu và những người khác được chỉ định giúp đỡ trọng tài chính trong suốt trận.
Điều 3: Bóng
Tất cả các loại bóng được sử dụng tại các trận đấu quần vợt phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Liên đoàn Quần vợt thế giới, bao gồm:
a. Bóng phải có mặt ngoài giống nhau, phủ bằng một lớp nỉ và có màu vàng hoặc trắng. Nếu có đường chắp nối, phải không để lộ mũi khâu.
b. Bóng có đường kính từ 6,35 cm đến 6,67 cm và trọng lượng nằm trong khoảng từ 56 g tới 59,4 g.
c. Mỗi quả bóng phải có độ nảy nằm trong khoảng từ 134, 62 cm đến 147, 62 cm khi thả từ độ cao 254 cm xuống nền bê tông. Loại thứ nhất (tốc độ nhanh) có độ biến dạng về phía trước lớn hơn 0,495 cm và nhỏ hơn 0,597 cm; biến dạng sau lớn hơn 0,749 cm và nhỏ hơn 0,965 cm khi có lực tác động 8,165 kg vào bóng. Đối với loại hai và ba (tốc độ trung bình và chậm) phải có độ biến dạng về phía trước lớn hơn 0,559 cm và nhỏ hơn 0,737 cm; độ biến dạng sau lớn hơn 0,800 cm và nhỏ hơn 1,080 cm khi có lực tác động 8,165 kg.
Các biến dạng này là trị số trung bình ba lần đọc số riêng rẽ theo ba trục của quả bóng, và các số đọc từng đôi không khác nhau quá 0,076 cm trong mỗi trường hợp.
d. Khi thi đấu ở độ cao trên 1.219 m so với mặt nước biển, có thể sử dụng hai loại bóng bổ sung:
- Loại thứ nhất có các quy định giống như đã mô tả ở trên, trừ trị số độ nẩy có thể lớn hơn 121,92 cm, nhỏ hơn 134, 62 cm và có một áp suất bên trong lớn hơn áp suất bên ngoài. Loại này thường được gọi là bóng có độ nén.
- Loại thứ hai cũng có các chỉ tiêu như đã mô tả ở trên, trừ trị số về độ nảy nhiều hơn 134,62 cm, nhỏ hơn 147,32 cm và có áp suất bên trong tương đương với áp suất bên ngoài. Ngoài ra, loại bóng này còn phải được thích nghi với khí hậu và độ cao ở nơi diễn ra giải đấu, ít nhất là 60 ngày. Loại bóng này thường được gọi là bóng có độ nén bằng không hoặc bóng không có độ nén.
Loại thứ ba như đã nói ở phần c (loại có tốc độ chậm) có thể sử dụng cho bất kỳ mặt sân nào ở độ cao trên 1.219 m so với mặt nước biển.
- Mọi sự kiểm tra về độ nảy, kích thước và độ biến dạng đều phải tuân theo các quy định riêng (trong phụ lục 1).
Điều 4: Vợt
Các loại vợt không theo đúng những quy định trong luật này sẽ không được dùng trong thi đấu:
a. Mặt lưới (mặt dùng để đánh bóng) phải là một mặt phẳng, dây được căng vào khung theo tiêu chuẩn, một sợi trên, một sợi dưới. Độ dày mắt lưới không được có sự khác biệt, đặc biệt ở khu giữa của mặt vợt không được thưa hơn các chỗ khác. Dây của vợt không được buộc thêm hay có nút lồi ngoài các vật hay nút sử dụng đơn lẻ nhằm hạn chế, đề phòng đứt hoặc rung động. Các vật và nút này phải hợp lý về kích thước và vị trí so với từng mục đích.
b. Tổng chiều dài tối đa của vợt không được quá 73,66 cm, tính cả phần cán vợt (phần tay cầm). Chiều rộng tối đa của vợt không được vượt quá 31,75 cm. Mặt lưới không vượt quá 39,37 cm chiều dài và 29,21 cm chiều rộng.
c. Vợt, kể cả cán, không được buộc thêm bất kỳ một thiết bị hoặc vật dụng nào để hạn chế, tránh hỏng dây, gẫy vợt, chống rung hoặc để phân phối trọng lượng. Bất kỳ thiết bị nào sử dụng cũng phải phù hợp về kích cỡ và vị trí cho từng mục đích nhất định.
d. Cấu trúc vợt kể cả cán và dây không được có bất cứ cơ cấu gì có thể làm thay đổi cơ bản hình dáng bề ngoài của vợt hoặc làm thay đổi sự phân phối trọng lượng theo chiều dọc hoặc chiều ngang trên trục đối xứng của vợt, dẫn đến vợt bị rung lắc trong khi thi đấu. Không được sử dụng bất cứ một nguồn năng lượng nào (dưới bất kỳ hình thức nào) lắp bên trong hoặc gắn vào vợt.
Liên đoàn Quần vợt Thế giới (ITF) sẽ quyết định kiểu hoặc mẫu vợt có thể đáp ứng các chỉ tiêu trên đây, được chấp nhận hay không cho các giải đấu. Quyết định như vậy được đưa ra theo sáng kiến của Liên đoàn hoặc trên yêu cầu của một bên có liên quan (vận động viên, các nhà sản xuất trang thiết bị, các liên đoàn quốc gia và thành viên của liên đoàn đó). Các quyết định và vận dụng phải được đưa ra phù hợp với thủ tục báo cáo và thẩm định hiện hành của ITF.
Trường hợp 1: Có thể có hơn một bộ dây đan trên mặt vợt không?
Quyết định: Không. Vì luật đã quy định rõ ràng chỉ một chứ không phải nhiều kiểu dây đan trên mặt vợt.
Trường hợp 2: Một dây đan của vợt có thể được coi là phẳng và đồng nhất nếu các dây nằm trên hơn một mặt phẳng?
Quyết định: Không.
Trường hợp 3: Có thể lắp đặt trên dây của vợt một cơ cấu làm giảm độ rung không, và nếu có thể như vậy thì nó phải được đặt ở đâu?
Quyết định: Có. Nhưng cơ cấu này chỉ có thể được đặt ở bên ngoài vùng đan dây.
Trường hợp 4: Trong một trận đấu, dây vợt của một vận động viên bị đứt. Anh ta có thể tiếp tục chơi với chiếc vợt trong điều kiện như thế không?
Quyết định: Có.
Trường hợp 5: Có thể lắp một bộ pin vào vợt để tạo ảnh hưởng đến trận đấu được không?
Quyết định: Không. Vì pin là một nguồn năng lượng.
Điều 5: Giao bóng và đỡ giao bóng
Hai tay vợt tham gia trận đấu đứng ở hai bên lưới. Tay vợt đánh đường bóng đầu tiên được gọi là người giao bóng và tay vợt bên đối diện là người đỡ giao bóng.
Tình huống 1: Trong khi đánh bóng, một tay vợt có bị mất điểm không nếu người đó vượt qua đường tưởng tượng kéo dài từ hai đầu lưới
a. Trước khi đánh bóng
b. Sau khi đánh bóng.
Quyết định: Cả hai trường hợp đều không mất điểm nếu tay vợt đó không xâm phạm vào sân của đối phương. Trường hợp một người cố ý ngăn cản đối phương, người còn lại có thể yêu cầu trọng tài giải quyết.
Tình huống 2: Tay vợt giao bóng yêu cầu tay vợt đỡ giao bóng phải đứng trong khu vực sân có các vạch giới hạn của tay vợt đỡ. Điều đó có cần thiết không?
Quyết định: Không. Người đỡ giao bóng có thể đứng bất kỳ đâu người đó muốn, miễn là ở phía bên kia của lưới.
Điều 6: Chọn sân và giao bóng
Việc chọn sân, quyền giao hoặc đỡ bóng trong game đầu tiên của trận đấu thường được quyết định bằng bốc thăm (tung đồng tiền). Người thắng trong cuộc bốc thăm này có thể tự lựa chọn hoặc nhường quyền lựa chọn cho đối thủ.
- Nếu một tay vợt chọn giao bóng hoặc đỡ bóng thì người còn lại phải được chọn sân.
- Ngược lại, nếu một tay vợt đã chọn sân thì người kia sẽ được quyền chọn giao bóng hoặc đỡ bóng.
Trường hợp: Các tay vợt có được phép thay đổi sự lựa chọn của mình không nếu trận đấu bị hoãn trước khi bắt đầu?
Quyết định: Có. Nhưng sự lựa chọn mới vẫn phải tuân theo những quy định về chọn sân và giao bóng.
Điều 7: Giao bóng
Quá trình giao bóng được tiến hành như sau:
Trước khi giao bóng, tay vợt thực hiện phải đứng bằng cả hai chân ở ngoài đường cuối sân và trong khu vực đường tưởng tượng kéo dài của vạch cuối sân mốc giao bóng và đường biên dọc. Tay vợt giao bóng sẽ tung bóng lên không theo bất kỳ hướng nào và phải đánh bóng đi trước khi nó chạm đất. Quá trình giao bóng được coi là kết thúc khi bóng chạm mặt vợt. Tay vợt chỉ sử dụng một tay trong thi đấu có thể dùng vợt để tung bóng khi giao bóng.
Trường hợp 1: Trong một trận đấu đơn, tay vợt giao bóng có thể đứng ở phía sau đường cuối sân, chỗ giao giữa đường biên dọc của sân đánh đơn và đánh đôi không?
Quyết định: Không.
Trường hợp 2: Khi giao bóng, nếu một tay vợt tung hai hoặc nhiều bóng lên, thay vì chỉ một quả, có bị coi là lỗi giao bóng không?
Quyết định: Không, nhưng sẽ giao bóng lại. Trong trường hợp trọng tài cho rằng hành động đó là cố tình thì sẽ quyết định theo điều 21.
8. Lỗi chân khi giao bóng
Trong quá trình giao bóng, tay vợt phải:
- Không được thay đổi vị trí bằng đi hoặc chạy. Chỉ với những chuyển động nhỏ của bàn chân, tay vợt giao bóng không được làm ảnh hưởng đến vị trí ban đầu đã đứng.
- Không được chạm bất kỳ chân nào vào vạch kẻ của đường cuối sân và vượt qua giới hạn đường tưởng tượng kéo dài của vạch mốc giao bóng và đường biên dọc.
Điều 9: Trình tự giao bóng
a. Trong quá trình giao bóng, đấu thủ giao bóng sẽ lần lượt đứng ở bên phải rồi bên trái phần sân mình và bắt đầu từ bên phải ở mỗi game. Nếu giao bóng không đúng vị trí mà không bị phát hiện, tất cả những điểm đã và đang tính đều không phải thay đổi. Tuy nhiên, phải đổi vị trí giao bóng cho đúng ngay sau khi phát hiện ra lỗi này.
b. Bóng đã giao phải bay qua lưới và rơi trong ô giao bóng chéo với vị trí đứng giao bóng hoặc trên các vạch của ô giao bóng trước khi đấu thủ đỡ đánh trả bóng lại.
Điều 10: Lỗi giao bóng
Giao bóng bị coi là phạm lỗi:
- Nếu đấu thủ giao bóng vi phạm điều 7, 8 hoặc 9b.
- Nếu đấu thủ giao bóng đánh không trúng bóng khi bóng đã được tung lên.
- Nếu bóng đã giao chạm những thiết bị cố định trên sân (lưới, cột lưới hoặc cạp lưới) trước khi chạm đất.
Trường hợp 1: Sau khi đã tung bóng để chuẩn bị giao, đấu thủ giao bóng quyết định không đánh quả bóng đó và giữ lại. Như thế có coi là phạm luật không?
Quyết định: Không
Trường hợp 2: Khi giao bóng đánh đơn trên sân đôi với cột lưới sân đôi và cọc chống đơn, bóng chạm cọc chống đơn và chạm đất trong phạm vi ô giao bóng. Quả giao đó có coi là lỗi không hay phải giao lại?
Quyết định: Trường hợp như vậy bị coi là lỗi vì cọc chống đơn, cột lưới sân đôi... được coi là những thiết bị cố định (xem điều 2 và 10).
Điều 11: Quả giao bóng thứ hai
Sau một lỗi giao bóng (nếu là lỗi thứ nhất), đấu thủ giao bóng được giao tiếp quả thứ hai cũng ở cùng vị trí. Trong trường hợp vị trí đó được phát hiện nhầm lẫn thì sau khi thay đổi, đấu thủ giao bóng cũng chỉ được giao một quả ở vị trí mới.
Tình huống 1: Khi đấu thủ giao bóng đứng không đúng sân và bị thua điểm. Anh (chị) ta cho rằng vì lỗi sai vị trí mà giao bóng hỏng. Trường hợp này được quyết định như thế nào?
Quyết định: Điểm vẫn giữ nguyên, nhưng quả giao bóng sau phải được giao từ vị trí đúng theo tỷ số điểm.
Tình huống 2: Tỷ số đang là 15-15, đấu thủ giao bóng do nhầm lẫn, đứng ở bên trái sân của mình và thắng điểm rồi lại tiếp từ bên phải và phạm lỗi. Vị trí đứng sai bị phát hiện. Điểm số sẽ được tính như thế nào và quả giao bóng tiếp sau được thực hiện từ bên nào?
Quyết định: Điểm trước đó vẫn giữ nguyên. Quả giao bóng tiếp theo sẽ được bắt đầu ở bên trái của phần sân, tỷ số là 30-15 và đấu thủ giao bóng đã giao một quả hỏng.
Điều 12: Thời điểm giao bóng
Đấu thủ giao bóng chỉ được thực hiện công việc của mình khi đối phương đã sẵn sàng đỡ. Tuy nhiên nếu đấu thủ nhận bóng ra dấu hiệu vẫn chưa sẵn sàng thì cũng không được tính lỗi của người giao bóng.
13. Quả thực hiện lại
Trong mọi trường hợp, một quả đánh lại theo đúng luật hoặc khiến trận đấu gián đoạn, phải hiểu theo nghĩa sau:
a) Khi tuyên bố riêng lẻ với một quả giao bóng có nghĩa là chỉ một quả giao bóng lại.
b) Khi tuyên bố trong mọi tình huống khác có nghĩa là điểm đó được tính lại.
Trường hợp 1: Một quả giao bóng bị gián đoạn do một nguyên nhân ngoài những nguyên nhân đã được xác định trong điều 14 thì có phải chỉ quả giao bóng đó được thực hiện lại?
Quyết định: Không, toàn bộ điểm của trận đấu phải được tính lại.
Trường hợp 2: Nếu một quả bóng đang trong quá trình diễn ra trận đấu bị vỡ, hỏng, thì quả phát bóng vừa tiến hành có được thực hiện lại?
Quyết định: Có.
Điều 14: Đánh lại trong giao bóng
Quả giao bóng được thực hiện lại nếu:
- Bóng giao chạm lưới, cạp lưới hoặc dải băng, hoặc sau khi chạm lưới, cạp lưới hoặc dải băng lại chạm tiếp vào người đỡ giao bóng hay bất kỳ vật nào trên người của đấu thủ đỡ bóng trước khi bóng chạm đất.
- Nếu một quả giao bóng hoặc một lỗi xảy ra khi đấu thủ đỡ bóng chưa sẵn sàng vào cuộc.
Trong trường hợp của một quả đánh lại, quả giao bóng đó sẽ không được tính đến và đấu thủ giao bóng phải giao lại lần nữa, nhưng một quả bóng đánh lại không huỷ bỏ được một lỗi trước đó
Điều 15: Thứ tự giao bóng
Sau game thứ nhất, đấu thủ giao bóng sẽ trở thành đấu thủ đỡ bóng và ngược lại. Trình tự này sẽ tiếp tục trong tất cả các game tiếp sau của trận đấu. Nếu phát hiện trình tự giao bóng sai thì phải điều chỉnh lại ngay lập tức. Tuy nhiên, tất cả các điểm tính trước đó vẫn được giữ nguyên. Quả giao bóng hỏng trước khi trình tự giao bóng sai được phát hiện sẽ không được tính. Nếu một game đã hoàn thành trước khi phát hiện ra sai sót trong trình tự giao bóng thì trình tự đó giữ nguyên như đã bị thay đổi.
Điều 16: Khi nào đấu thủ đổi bên
Đấu thủ đổi bên sau các game thứ nhất, thứ ba
và mỗi game lẻ tiếp theo ở mỗi set, và cuối mỗi set trừ khi tổng số game của set đó chẵn. Trong trường hợp này thì không đổi bên cho đến khi kết thúc game thứ nhất của set sau mới đổi.
Nếu có lỗi dẫn tới trình tự giao bóng sai, không theo đúng sự nối tiếp, các đấu thủ phải trở về vị trí đúng của mình ngay khi phát hiện ra và tiếp tục theo sự nối tiếp ban đầu.
Điều 17: Bóng trong cuộc
Bóng trong cuộc tính từ lúc quả giao bóng được thực hiện, trừ khi phạm lỗi hoặc có quyết định đánh lại, cho đến khi điểm được xác định.
Tình huống 1: Đấu thủ đánh trả bóng không thành công, tuy nhiên, không có dấu hiệu nào từ trọng tài và bóng vẫn trong cuộc. Đối phương khiếu nại đòi thắng điểm sau khi bóng đã ở ngoài cuộc. Sự phản đối có được chấp nhận?
Quyết định: Không. Cả hai tay vợt không được đòi hỏi gì về điểm số nếu họ vẫn tiếp tục thi đấu sau khi có bóng hỏng và trọng tài không phát hiện được.
Điều 18: Giao bóng thắng điểm đó cũng không bị cản trở.
Đấu thủ giao bóng sẽ thắng điểm:
- Nếu giao bóng không phải là một quả đánh lại theo điều 14, chạm vào đấu thủ đỡ bóng hoặc bất kỳ vật gì trên người trước khi bóng chạm sân.
- Nếu đấu thủ đỡ giao bóng bị thua điểm bằng cách khác như quy định trong điều 20.
Điều 19: Đỡ giao bóng thắng điểm
Đấu thủ đỡ giao bóng thắng điểm:
- Nếu đấu thủ giao bóng hỏng hai lần liên tiếp.
- Nếu đấu thủ giao bóng bị thua điểm bằng cách khác như đã nói ở điều 20.
Điều 20: Đấu thủ thua điểm
Một đấu thủ sẽ bị thua điểm nếu:
a. Không đánh trả lại được bóng qua lưới, để bóng nảy hai lần (trừ trường hợp ở điều 24a hay 24c) .
b. Đấu thủ đánh trả bóng trong cuộc mà bóng chạm đất, chạm thiết bị cố định hay một vật khác ở ngoài sân của đối phương (trừ trường hợp nói ở điều 24a hoặc 24c).
c. Đánh trả bằng volley nhưng pha đánh đó không thành công, cho dù đấu thủ đứng ở ngoài sân.
d. Trong khi đánh bóng đấu thủ cố tình giữ bóng lâu trên mặt vợt hoặc chạm bóng bằng vợt quá một lần.
e. Đấu thủ hoặc vợt của anh ta hay bất kỳ vật gì anh ta mang, mặc chạm lưới, cột lưới, cọc chống, dây cáp, chạm lưới hoặc phần sân của đối phương bất kỳ lúc nào khi bóng còn trong cuộc.
f. Đấu thủ đánh volley trước khi bóng qua lưới phía sân mình.
g. Bóng trong cuộc chạm vào đấu thủ hay bất kỳ vật gì anh ta mang, mặc, trừ vợt đang ở trong một hoặc hai tay.
h. Đấu thủ quăng vợt của mình về phía bóng và chạm vào bóng.
i. Đấu thủ cố tình làm thay đổi hình dáng, cấu tạo của vợt khi đang đánh tính điểm.
Tình huống 1: Trong khi giao bóng, vợt tuột khỏi tay đấu thủ giao bóng và chạm vào lưới trước khi bóng chạm sân. Đó là lỗi giao bóng hay đấu thủ sẽ bị thua điểm?
Quyết định: Đấu thủ giao bóng sẽ thua điểm vì vợt chạm lưới khi bóng vẫn còn trong cuộc (điều 20e).
Tình huống 2: Trong khi giao bóng, vợt tuột khỏi tay đấu thủ giao bóng và chạm lưới sau khi bóng đã chạm sân (không đúng ô giao bóng). Đó là lỗi giao bóng hay đấu thủ thua điểm?
Quyết định: Đó là lỗi vì khi vợt chạm lưới, bóng đã ở ngoài cuộc.
Tình huống 3: A và B thi đấu với C và D, A giao bóng sang cho D, C chạm vào lưới trước khi bóng chạm sân. Đây có phải là lỗi giao bóng không khi bóng rơi ngoài ô giao bóng và C, D có mất điểm không?
Quyết định: Đây không phải là lỗi giao bóng. C và D bị thua điểm vì C đã chạm lưới khi bóng vẫn ở trong cuộc (Điều 20e).
Tình huống 4: Một đấu thủ có được nhảy qua lưới sang sân đối phương khi bóng vẫn trong cuộc không và có bị xử phạt không?
Quyết định: Không được phép. Đấu thủ đó sẽ bị mất điểm (điều 20e).
Tình huống 5: Đấu thủ A cắt bóng qua lưới và bóng nảy trở lại bên sân A. Đấu thủ B không với được bóng, quăng vợt đánh bóng. Cả vợt lẫn bóng rơi sang bên sân A. A đánh trả nhưng bóng ra ngoài sân của B. B được hay thua điểm đó?
Quyết định: B thua điểm đó (Điều 20d và h).
Tình huống 6: Đấu thủ giao bóng đứng ngoài ô giao bóng và quả bóng giao sang chạm đấu thủ đó trước khi rơi xuống sân. Đấu thủ đó được hay thua điểm?
Quyết định: Đấu thủ bị bóng chạm thua điểm (Điều 20g, trừ những điểm đã nói ở điều 14a).
Tình huống 7: Đấu thủ đứng ngoài sân đánh bóng volley hoặc bắt bóng bằng tay và tuyên bố là bóng ngoài sân và đòi được điểm.
Quyết định: Trong mọi tình huống đấu thủ đó đều không có quyền đòi điểm
- Nếu bắt bóng bằng tay thì mất điểm theo điều 20g.
- Nếu đánh volley mà hỏng thì mất điểm theo điều 20c.
- Nếu đánh volley mà tốt thì bóng tiếp tục trong cuộc.
Điều 21: Cản trở đối phương
Nếu đấu thủ có bất kỳ hành động nào cản trở đối phương trong quá trình đánh trả bóng thì sẽ bị mất điểm (nếu cố tình) và phải đánh lại điểm đó (nếu vô tình).
Tình huống 1: Đấu thủ có bị xử phạt không nếu khi đánh bóng đấu thủ này va chạm đối phương?
Quyết định: Không, trừ khi trọng tài thấy cần phải sử dụng điều 21.
Tình huống 2: Khi bóng nẩy ngược trở lại bên sân người đánh bóng, đấu thủ có thể với vợt qua lưới để đánh bóng hay không? Và nếu bị đối phương ngăn cản việc đỡ bóng thì xử lý thế nào?
Quyết định: Theo điều 21, trọng tài có thể cho đấu thủ bị ngăn cản được điểm hoặc cho đánh lại (xem điều 25).
Tình huống 3: Khi vô tình xảy ra va chạm bóng tay đôi, việc đó có được coi là một hành động cản trở đối phương trong phạm vi điều 21 không?
Quyết định: Không.
Điều 22: Bóng rơi trên vạch
Bóng rơi trên vạch bao quanh sân coi như rơi trong sân.
Điều 23: Bóng chạm thiết bị cố định
Nếu bóng trong cuộc chạm thiết bị cố định (trừ lưới, cột lưới, cọc chống, dây, cạp lưới) sau khi đã chạm sân thì đấu thủ đánh bóng đó được tính điểm, nếu trước khi chạm sân thì đối phương được điểm.
Tình huống 1: Bóng đánh trả chạm trọng tài hoặc ghế trọng tài. Đấu thủ cho rằng bóng đang bay vào trong sân.
Quyết định: Đấu thủ đó mất điểm.
Điều 24: Đánh trả bóng tốt
Bóng đánh trả được coi là tốt nếu:
a. Bóng chạm lưới, cột lưới, cọc chống, dây cáp, cạp lưới nhưng vượt qua đỉnh các thiết bị đó và chạm mặt sân đúng quy định.
b. Bóng được giao hoặc được đánh trả rơi trong sân quy định và nảy lên hoặc nảy ngược lại sân bên mình và đấu thủ đánh trả quả bóng đó có thể với vợt qua lưới đánh bóng miễn là đấu thủ đó không làm trái với điều 20e.
c. Bóng được đánh lại bên ngoài phạm vi hai cột, hoặc hai cọc chống kể cả ở trên hoặc dưới mức mép lưới trên, thậm chí chạm vào cột hoặc cọc chống, miễn là nó chạm đất đúng trong phạm vi của sân hoặc nếu vợt của cầu thủ vượt qua trên lưới sau khi đã đánh bóng đi, miễn là bóng qua lưới trước khi đánh và được đánh trả hợp lệ.
d. Vợt của một đấu thủ bay qua lưới sau khi đã đánh trả bóng, bóng cũng qua lưới trước khi tiếp tục vào cuộc và được đỡ trả hợp lý.
e. Đấu thủ đánh trả giao bóng hoặc đánh bóng trong cuộc tốt mà bóng chạm vào quả bóng khác nằm trên sân.
Ghi chú: Trong một trận đơn, nếu vì mục đích thuận tiện, sử dụng sân đôi có trang bị cọc chống đơn thì khi đó cột lưới sân đôi và phần lưới của sân đôi, dây cáp, cạp lưới phía ngoài cọc chống đơn sẽ thành thiết bị cố định, không được coi là cọc chống hoặc những thiết bị của một trận đánh đơn. Bóng đánh trả qua phần giữa cọc chống đơn và cột lưới sân đôi mà không chạm phần dây cáp, lưới hay cột lưới đôi và rơi trong phần sân đối phương thì được coi là quả đánh trả tốt.
Tình huống 1: Bóng bay ra ngoài sân chạm cột lưới hay cọc chống và rơi trong phần sân của đối phương. Trường hợp đó có được coi là pha đánh bóng tốt?
Quyết định: Nếu là một giao bóng thì bóng hỏng theo điều 10c, nếu không phải giao bóng thì là bóng tốt theo điều 24g.
Tình huống 2: Đánh trả bóng bằng cách cầm vợt cả hai tay có được coi là tốt không?
Quyết định: Có.
Tình huống 3: Giao bóng hay bóng trong cuộc chạm một bóng khác nằm trên sân, trường hợp này được tính là thắng hay mất điểm?
Quyết định: Không quyết định, cuộc đấu vẫn sẽ tiếp tục. Nếu trọng tài không biết rõ là bóng được đánh trả có đúng là quả bóng trong cuộc hay không thì cho đánh lại quả đó.
Tình huống 4: Đấu thủ có thể sử dụng nhiều hơn một chiếc vợt ở một thời điểm nào đó trong lúc thi đấu không?
Quyết định: Không. Luật quy định chỉ được dùng một vợt trong lúc thi đấu.
Tình huống 5: Đấu thủ có thể yêu cầu nhặt bóng bên phía sân đối phương không?
Quyết định: Được, trừ khi bóng đang trong cuộc.
Điều 25: Đấu thủ bị cản trở
Trong trường hợp một đấu thủ bị cản trở không đánh được bóng bởi những lý do nằm ngoài sự điều khiển của đấu thủ, trừ những tác động của các thiết bị cố định trên sân hoặc những quy định trong điều 21, thì được đánh lại.
Tình huống 1: Một khán giả đi vào sân, đúng đường di chuyển của đấu thủ, đấu thủ đó không đánh trả bóng được, có được yêu cầu đánh lại không?
Quyết định: Được, nếu trọng tài nhận thấy sự cản trở đó là do ngoài khả năng điều khiển của đấu thủ và không được nếu đấu thủ đó không thể đánh bóng vì những thiết bị cố định trên sân hay điều kiện sân bãi.
Tình huống 2: Đấu thủ bị cản trở như trong tình huống 1 và trọng tài cho phép đánh lại. Đấu thủ giao bóng, giao quả thứ nhất trước đó hỏng. Có được quyền giao hai quả nữa không?
Quyết định: Được, vì bóng trong cuộc thì cả điểm chứ không chỉ riêng quả đang đánh, phải được đánh lại theo luật đã quy định.
Tình huống 3: Đấu thủ có được phép đòi đánh lại theo điều 25 vì nghĩ rằng đối phương của mình bị cản trở nhưng không ngờ bóng lại được đánh trả?
Quyết định: Không.
Tình huống 4: Bóng đánh trả đang bay chạm một quả bóng khác ở trên không. Trọng tài sẽ xử lý trường hợp này thế nào?
Quyết định: Sẽ cho đánh lại, trừ khi quả bóng được tung lên không do hành động cố tình của một trong các đấu thủ. Khi đó, trọng tài quyết định theo điều 21.
Tình huống 5: Trọng tài chính hoặc các trọng tài khác nhầm lẫn hô lỗi (fault) hoặc ngoài (out) và sau đó tự sửa lại khẩu lệnh, trường hợp đó sẽ được xử lý ra sao?
Quyết định: Tuyên bố đánh lại, trừ khi theo ý kiến trọng tài không có đấu thủ nào bị cản trở và việc sửa lại là đúng.
Tình huống 6: Nếu quả giao bóng thứ nhất bị hỏng, bóng bật trở lại gây khó khăn cho việc đỡ quả bóng giao thì đấu thủ đỡ giao bóng có thể đòi đánh lại không?
Quyết định: Được. Nhưng nếu đấu thủ này có khả năng gạt bóng ra khỏi sân mà lơ là không làm điều đó thì không được đòi đánh lại.
Tình huống 7: Có được coi là quả đánh trả tốt nếu bóng chạm những vật thể tĩnh hoặc di động ở trên sân không?
Quyết định: Bóng sẽ được coi là tốt trừ khi những vật tĩnh di chuyển vào trong sân sau khi bóng đã vào cuộc và trong trường hợp này phải tuyên bố đánh lại. Nếu bóng trong cuộc chạm một vật di chuyển theo sân hoặc trên mặt sân thì phải tuyên bố đánh lại.
Tình huống 8: Luật sẽ xử ra sao nếu quả giao thứ nhất lỗi, quả thứ hai chính xác và cần thiết phải tuyên bố đánh lại hoặc theo điều 25 hoặc do trọng tài không có khả năng quyết định điểm?
Quyết định: Lỗi được huỷ, giao lại hai quả.
Điều 26: Tính điểm trong game
Đấu thủ thắng quả đầu tiên được tính 15 điểm, thắng quả thứ hai là 30 điểm, thắng tiếp quả thứ ba tính là 40 điểm và thắng quả thứ tư là thắng game, trừ các trường hợp sau:
Nếu cả hai đấu thủ cùng thắng ba quả thì tính đều, đấu thủ nào thắng tiếp quả sau đó thì tính là lợi thế và cũng vẫn đấu thủ đó thắng tiếp quả nữa là thắng game. Nếu đấu thủ khác thắng quả sau đó thì tính là đều và cứ như thế cho đến khi đấu thủ nào thắng liền 2 quả tiếp theo kể từ khi tỷ số là đều thì đấu thủ đó thắng game
Điều 27: Tính game trong set
a. Đấu thủ (hoặc các đấu thủ) thắng trước 6 game là thắng set, miễn là phải dẫn hơn đối phương ít nhất 2 game và khi cần thiết thì set đấu phải kéo dài cho tới khi đạt được sự chênh lệch 2 game.
b. Hệ thống tính điểm tie-break có thể được áp dụng như một dạng của hệ thống tính set trong mục (a) nhưng phải công bố trước trận đấu.
Trong trường hợp này, các điều khoản sau sẽ có hiệu lực:
Hệ tie-break sẽ được áp dụng khi cả hai bên đều thắng được 6 game. Đối với set thứ ba hoặc năm của những trận đấu 3 hoặc 5 set, vẫn phải tôn trọng luật cách nhau 2 game như thông thường, trừ khi có quy định riêng được công bố trước trận đấu.
Thi đấu theo hệ thống tính điểm tie-break tiến hành như sau:
Đánh đơn
1. Đấu thủ được trước điểm thứ 7 sẽ thắng game đó và set đó, nhưng cũng phải thắng đối phương cách 2 điểm. Nếu cùng được 6 điểm thì cuộc đấu tiếp tục cho đến khi đạt được khoảng cách này.
Cách điểm theo số thông thường
sẽ được áp dụng từ đầu đến cuối của các game thi đấu theo hệ tie-break.
2. Đấu thủ đến lượt giao bóng sẽ giao bóng cho điểm thứ nhất, đối phương sẽ giao bóng cho điểm thứ hai và thứ ba và sau đó thì lần lượt mỗi đấu thủ sẽ giao mỗi người 2 điểm cho tới khi game và set được định đoạt.
3. Từ điểm đầu tiên, mỗi quả giao bóng sẽ được giao luân lưu từ bên phải và bên trái sân, bắt đầu từ bên phải của sân. Nếu giao bóng sai vị trí và không phát hiện kịp thời thì tất cả các điểm trước đó đều vẫn được tính và khi đã phát hiện thì phải thay đổi lại vị trí giao bóng theo đúng quy định.
4. Các đấu thủ đổi bên sau mỗi 6 điểm và ở cuối game thi đấu theo hệ thống tie-break.
5. Tie-break được tính như một game cho việc cho thay bóng, trừ khi, nếu bóng phải thay ngay khi bắt đầu dùng theo hệ tie-break thì việc thay bóng sẽ được chậm lại ở game thứ hai của set sau đó.
Đánh đôi
Các thể thức của đánh đơn cũng áp dụng trong đánh đôi. Đấu thủ đến lượt giao bóng lấy điểm thứ nhất. Sau đó mỗi đấu thủ lần lượt sẽ giao 2 điểm liền theo trình tự trước đó ở set đó cho đến khi người thắng của set đó được xác định.
Luân phiên giao bóng
Đấu thủ (hoặc đôi) giao bóng trước ở loạt tie-break sẽ là người đỡ giao bóng ở game đầu của set sau đó.
Tình huống 1: Khi tỷ số là 6 đều, thể thức tie-break được áp dụng (áp dụng luật theo lợi thế đã được công bố). Điểm đã tính có được giữ không?
Quyết định: Nếu sai sót này được phát hiện trước khi giao bóng vào cuộc cho điểm thứ hai thì điểm thứ nhất vẫn tính nhưng sai sót này phải được sửa ngay. Sai sót này được phát hiện sau khi bóng vào cuộc cho điểm thứ hai thì game đó sẽ tiếp tục áp dụng theo luật tie-break.
Tình huống 2: Đến 6 đều, game đánh theo lợi thế đang được áp dụng mặc dù trước đó đã quyết định và thông báo rằng sẽ thi đấu theo thể thức tie-break. Điểm đã tính có được giữ không?
Quyết định: Nếu sai sót được phát hiện trước khi bóng được đưa vào cuộc đối với điểm đánh thứ hai, điểm thứ nhất vẫn được tính nhưng sai sót phải được sửa ngay. Nếu sai sót được phát hiện sau khi bóng đã vào cuộc cho điểm đánh bóng thứ hai thì set chơi theo lợi thế sẽ được tiếp tục.
Nếu thành tích sau đó đạt đến 8 game đều hay một số chẵn lớn hơn thì sẽ thi đấu theo thể thức tie- break.
Tình huống 3: Nếu áp dụng hệ tie-break trong đánh đơn và đánh đôi, một đấu thủ giao bóng không đúng thứ tự thì thứ tự giao bóng có thể tồn tại theo trật tự sai đó cho đến khi kết thúc game được không?
Quyết định: Nếu đấu thủ đã hoàn thành vòng quay giao bóng của mình thì thứ tự giao bóng sẽ giữ nguyên theo trật tự sai đó. Nếu sai sót này phát hiện trước khi đấu thủ hoàn thành vòng quay giao bóng của mình, thứ tự giao bóng sẽ được chấn chỉnh ngay và điểm trước đó sẽ được tính.
Điều 28: Số set tối đa
Số hiệp tối đa của một trận đấu với nam là 5 (thắng 3 là thắng chung cuộc), với nữ là 3 (thắng 2 là thắng chung cuộc).
Điều 29: Nhiệm vụ và quyền hạn của trọng tà]
Trong các trận đấu, các quyết định của trọng tài chính là quyết định cuối cùng. Nhưng nếu ở trận đấu có chỉ định giám sát thì người giám sát có quyền xem xét quyết định của trọng tài đối với một vấn đề về luật. Khi đó, quyết định của giám sát là quyết định cuối cùng.
Trong các trận đấu có chỉ định các trọng tài trợ giúp trọng tài chính (trọng tài biên, trọng tài lưới, trọng tài lỗi chân), những quyết định của trọng tài này sẽ là quyết định cuối cùng về mặt sự kiện, trừ khi nếu theo ý kiến của trọng tài chính lỗi đã rõ ràng, trọng tài có quyền thay đổi quyết định của các trọng tài trợ giúp đó hoặc ra lệnh đánh lại. Khi trọng tài trợ giúp không thể quyết định về phần việc của mình phải báo cáo ngay để trọng tài chính quyết định. Khi trọng tài chính không quyết định được một diễn biến có tính chất không rõ ràng thì có thể cho đánh lại.
Trong các trận đấu tại Davis Cup hay các trận đấu đồng đội khác, trong đó có một giám sát trên sân, mọi quyết định có thể được thay đổi bởi người giám sát, người này còn được phép chỉ thị cho trọng tài ra lệnh đánh lại.
Người giám sát theo sự suy xét của mình có quyền cho hoãn trận đấu nếu thấy trời tối, do điều kiện của mặt sân hoặc do thời tiết. Trong trường hợp hoãn trận đấu, tất cả kết quả trước đó vẫn được coi là thoả đáng trừ khi cả giám sát và đấu thủ đều nhất trí chấp nhận thay đổi.
Tình huống 1: Trọng tài cho đánh lại nhưng đấu thủ đòi không đánh lại điểm đó. Vấn đề này có thể giao cho giám sát quyết định không?
Quyết định: Có. Khó khăn trong luật Quần vợt, đó là vấn đề liên quan đến việc áp dụng những hành động đặc thù và trước hết phải do trọng tài quyết định. Tuy nhiên nếu trọng tài chính nắm không chắc hoặc nếu đấu thủ khẩn cầu về sự quyết định, người giám sát sẽ ra quyết định và quyết định này sẽ là quyết định cuối cùng.
Tình huống 2: Một trọng tài đường biên hô bóng ngoài nhưng đấu thủ nói là bóng tốt. Người giám sát có can thiệp không?
Quyết định: Không. Đây là vấn đề thuộc khía cạnh chuyên môn của sự việc thực tế, tức là một kết luận có liên quan đến thực tế xảy ra trong một sự kiện đặc thù và quyết định của người có chức trách trên sân là quyết định cuối cùng.
Tình huống 3: Trọng tài chính có quyền phủ quyết trọng tài biên được không? Nếu theo ý kiến trọng tài chính rõ ràng là trọng tài biên đã nhầm lẫn trong quá trình diễn biến của đường bóng nhanh đó?
Quyết định: Không. Trừ khi theo ý kiến của trọng tài chính là đối phương bị cản trở. Mặt khác trọng tài chính chỉ có thể phủ quyết trọng tài biên nếu ông ta trực tiếp thấy sau khi lỗi đã xảy ra.
Tình huống 4: Trọng tài biên hô bóng ngoài. Trọng tài chính không thấy rõ nhưng lại nghĩ là bóng tốt. Trọng tài chính có phủ quyết không?
Quyết định: Không. Trọng tài chỉ có thể phủ quyết nếu ông ta suy xét tuyên bố đó là hoàn toàn không đúng với thực tế. Trọng tài chính có thể bác bỏ quyết định của trọng tài biên cho là bóng ngoài nếu ông có khả năng thấy được khoảng cách giữa bóng và vạch và có thể bác bỏ quả bóng mà trọng tài biên cho là ngoài hoặc lỗi nếu ông thấy bóng đó rơi trên vạch hoặc trong vạch.
Tình huống 5: Trọng tài biên có thể sửa lời hô của mình vì thấy là sai, khi trọng tài chính đã quyết định điểm không?
Quyết định: Được. Nếu trọng tài biên thấy rõ là mình đã sai có thể hô lại, miễn là phải kịp thời.
Tình huống 6: Đấu thủ khiếu nại quả bóng đánh tốt mà trọng tài biên hô ngoài. Trọng tài chính có phủ quyết không?
Quyết định: Không. Trọng tài chính không bao giờ phủ quyết như là kết quả của một kháng nghị hay một lời phản đối của đấu thủ.
Tình huống 6: Đấu thủ khiếu nại quả bóng đánh tốt mà trọng tài biên hô ngoài. Trọng tài chính có phủ quyết không?
Quyết định: Không. Trọng tài chính không bao giờ phủ quyết như là kết quả của một kháng nghị hay một lời phản đối của đấu thủ.
Điều 30: Tiến trình trận đấu và thời gian ngh]
Trận đấu sẽ diễn ra kể từ quả giao bóng thứ nhất cho đến khi kết thúc phù hợp với các quy định sau:
a. Nếu quả giao bóng thứ nhất hỏng, quả thứ hai phải được thực hiện ngay không có sự trì hoãn. Đấu thủ đỡ giao bóng phải thi đấu theo nhịp độ hợp lý của đấu thủ giao bóng và phải sẵn sàng khi đấu thủ giao bóng đã sẵn sàng.
Khi đổi bên phải thực hiện với thời gian ngừng tối đa không quá 90 giây kể từ lúc bóng đã ở ngoài cuộc, từ khi kết thúc game đó đến thời gian bóng được giao cho điểm thứ nhất của game sau.
Trọng tài sẽ dùng quyền của mình để điều khiển trận đấu được liên tục.
Những người tổ chức thi đấu giao lưu hay thi đấu quốc tế được Liên đoàn Quần vợt Thế giới công nhận có thể quyết định thời gian nghỉ giữa hai điểm nhưng không được quá 20 giây kể từ khi bóng đã ở ngoài cuộc của điểm này cho tới lúc bóng được đánh cho điểm tiếp theo.
b. Cuộc đấu không được trì hoãn, tạm ngừng, hay bị can thiệp nhằm mục đích cho đấu thủ hồi sức. Tuy nhiên, trong trường hợp bị chấn thương bất thường, trọng tài có thể cho phép một lần tạm ngừng 3 phút để chăm sóc.
Những người tổ chức giao lưu hay tổ chức thi đấu quốc tế được Liên đoàn Quần vợt Thế giới công nhận có thể quy định thời gian tạm ngừng thi đấu từ 3 đến 5 phút.
c. Nếu vì những điều kiện vượt quá khả năng của đấu thủ như quần áo, giày, hoặc trang bị (trừ vợt) không chỉnh tề đến mức đấu thủ không thể hoặc khó chịu khi tiếp tục thi đấu, thì trọng tài có thể ngưng trận đấu để chỉnh lại những biểu hiện không phù hợp đó.
d. Trọng tài có thể cho ngừng hoặc hoãn thi đấu bất kỳ lúc nào nếu thấy cần thiết và thích đáng.
e. Sau mỗi set thứ 3 hoặc thứ 2 (đối với nữ), đấu thủ được nghỉ trong vòng 10 phút, ở những nước nằm giữa vĩ tuyến 15 độ bắc và vĩ tuyến 15 độ nam thì có thể nghỉ 45 phút hoặc hơn. Khi những điều kiện vượt quá khả năng khống chế của đấu thủ, trọng tài có thể quyết định thời gian cho những lần dừng đấu như vậy.
Nếu cuộc đấu phải tạm dừng và không được tiếp diễn cho tới ngày hôm sau, việc nghỉ ngơi chỉ được thực hiện sau set thứ 3 hoặc thứ hai (đối với nữ), việc đánh một hiệp dở dang được coi như là một hiệp.
Mỗi quốc gia hoặc ban tổ chức các vòng đấu, trận đấu hoặc các cuộc thi đấu đều được quyền sửa đổi hoặc bỏ qua điều khoản này trong điều lệ miễn là phải được công bố trước khi bắt đầu cuộc thi đấu. Chú ý, đối với Davis Cup và Cup Liên đoàn, chỉ có Liên đoàn Quần vợt Thế giới mới có thể sửa đổi hay bỏ qua điều khoản này trong điều lệ thi đấu.
f. Ban tổ chức các vòng đấu có thể tự xem xét và quyết định thời gian khởi động nhưng không quá 5 phút và phải được công bố trước trận đấu.
g. Khi các hệ thống phạt điểm và phạt điểm không cộng gộp được áp dụng thì trọng tài sẽ ra các quyết định theo điều khoản của các hệ thống ấy.
h. Đấu thủ vi phạm liên tục luật thi đấu, trọng tài chính sau khi đã nhắc nhở, có thể tước quyền thi đấu của đấu thủ đó.
Điều 31: Chỉ đạ]
Khi trận đấu đang tiếp diễn (chỉ ở giải đồng đội), đấu thủ có thể nhận sự chỉ đạo, từ đội trưởng hoặc chỉ đạo viên ngồi ở khu vực quy định trong sân vào lúc đổi bên và khi kết thúc game, nhưng không được chỉ đạo trong lúc đổi bên ở game thi đấu theo hệ tie-break.
Đấu thủ không được nhận sự chỉ đạo trong khi thi đấu ở các thể nội dung khác.
Những quy định của luật này cần được thực hiện nghiêm chỉnh.
Sau khi đã bị nhắc nhở, đấu thủ còn phạm lỗi, có thể bị tước quyền thi đấu. Nếu áp dụng hệ thống phạt điểm thì trọng tài áp dụng phạt theo hệ thống đó.
Tình huống 1: Nếu sự chỉ đạo được thực hiện bằng tín hiệu lộ liễu thì đấu thủ có bị phạt hoặc bị tước quyền thi đấu không?
Quyết định: Trọng tài phải có biện pháp chấm dứt việc này ngay khi phát hiện là có sự chỉ đạo bằng lời hay bằng ký hiệu. Nếu trọng tài không thấy, đấu thủ có thể nhắc bằng cách ra hiệu để trọng tài thấy.
Tình huống 2: Đấu thủ có thể nhận được chỉ đạo trong thời gian nghỉ chính thức (điều 30e) hoặc khi cuộc đấu tạm ngừng và đấu thủ rời khỏi sân không?
Quyết định: Được. Trong những trường hợp đó, khi đấu thủ không ở trên sân thì việc này không bị cấm.
Ghi chú: Từ chỉ đạo bao gồm việc khuyên bảo và chỉ dẫn.
Điều 32: Thay bóng
Bóng phải được thay sau một số game nhất định, nếu bóng không được thay theo đúng quy định, sai sót này phải được sửa ngay. Đấu thủ hoặc các đấu thủ (trong trường hợp đánh đôi) là người đang có quyền giao bóng, sẽ được giao bóng tiếp theo với bóng mới. Sau đó, bóng sẽ được thay sao cho số lượng game giữa các đợt thay phù hợp với quy định đã công bố.
Điều 33: Đánh đô]
Những điều luật trong đánh đơn sẽ được áp dụng trong đánh đôi. Ngoài ra, trong đánh đôi còn có những quy định sau:
Điều 34: Sân đánh đôi
Để đánh đôi, sân có chiều rộng 10,97 m tức là mỗi bên rộng thêm 1,37 m so với sân đánh đơn.
Điều 35: Thứ tự giao bóng trong đánh đô]
Thứ tự giao bóng sẽ được quyết định khi bắt đầu mỗi set:
Đôi được quyền giao bóng ở game thứ nhất sẽ cử người thực hiện giao bóng trước và bên đối phương cũng sẽ cử người giao bóng đầu tiên ở game thứ hai. Đồng đội người giao bóng game thứ nhất sẽ giao bóng ở set thứ ba; đồng đội người giao bóng game thứ hai sẽ giao bóng game thứ tư và trình tự đó được tiếp tục trong các game tiếp theo của set.
Tình huống: Khi đánh đôi, một đồng đội không đến được đúng giờ, đấu thủ còn lại xin thi đấu một mình với đôi của đối phương có được không?
Quyết định: Không.
Điều 36: Thứ tự đỡ giao bóng trong đánh đô]
Thứ tự đỡ giao bóng sẽ được quyết định trước khi bắt đầu mỗi set:
Đôi đỡ giao bóng ở game đầu sẽ chọn ra người đỡ bóng trước và người đó sẽ tiếp tục đỡ giao bóng đầu tiên ở các game lẻ của set đó. Đôi đối phương cũng như vậy, quyết định ai đỡ giao bóng trước ở game thứ hai và đấu thủ này tiếp tục đỡ giao bóng trước ở các game chẵn của cả set. Đồng đội đỡ giao bóng luân phiên từ đầu đến cuối mỗi game.
Tình huống: Trong đánh đôi đồng đội của đấu thủ giao bóng hoặc đỡ giao bóng có được phép đứng ở vị trí che tầm nhìn của đấu thủ đỡ giao bóng hay không?
Quyết định: Được. Đồng đội của đấu thủ giao bóng và đồng đội của đấu thủ đỡ giao bóng có quyền đứng ở bất kỳ chỗ nào bên phía sân mình, kể cả ở ngoài sân.
Điều 37: Giao bóng không đúng thứ tự trong đánh đô]
Nếu một đấu thủ giao bóng không đúng thứ tự, đấu thủ cùng đội phải giao bóng ngay sau khi lỗi được phát hiện. Những điểm đã tính trước đó vẫn giữ nguyên. Nếu game kết thúc trước khi phát hiện lỗi thì trình tự giao bóng tiếp tục theo trình tự đã nhầm.
Điều 38: Lỗi và thứ tự đỡ giao bóng trong đánh đô]
Nếu trong một game, thứ tự đỡ giao bóng bị thay đổi bởi những người đỡ giao bóng thì lỗi đó tiếp tục cho đến hết game, khi lỗi được phát hiện. Các đấu thủ sẽ quay trở lại đúng trình tự đỡ giao bóng ban đầu ở game tiếp sau của set đó.
Điều 39: Lỗi giao bóng trong đánh đô]
Giao bóng hỏng như đã quy định ở điều 10 hoặc nếu bóng chạm vào đồng đội của đấu thủ giao bóng. Nhưng nếu bóng được giao chạm đồng đội đấu thủ đỡ giao bóng không phải là một quả đánh lại như điều 24a trước khi bóng chạm sân thì đấu thủ giao bóng được điểm.
Điều 40: Đánh bóng trong đánh đô]
Sau quả giao bóng, bóng có thể được đánh đi, đánh lại bởi bất kỳ đấu thủ nào của đôi. Nếu một đấu thủ chạm vào bóng đang trong cuộc bằng vợt của mình trái với luật thì đối phương sẽ thắng điểm.
Ghi chú: Trừ trường hợp có quy định khác, mọi điều đã nói trong luật này đối với đấu thủ nam cũng bao gồm cho cả nữ.
Chỉ dẫn về kẻ sân
Thông thường người ta hay kết hợp sử dụng sân đơn và sân đôi.
Trước hết phải chọn vị trí của lưới, kẻ một đường thẳng dài 12,8 m. Đánh dấu ở giữa (dấu X như hình vẽ), từ đó đo đạc và định hướng về mỗi phía để xác định các điểm
- Từ 4,11 m đến điểm a và điểm b nơi mà lưới cắt phía trong đường biên dọc.
- Từ 5,03 m đến vị trí cọc chống đơn (thanh gỗ) n- n.
- Từ 5,49 m đến điểm A, B nơi mà lưới cắt phía ngoài đường biên dọc.
- Từ 6,40 m là vị trí cột lưới NN, vị trí cuối cùng của đường kẻ chính 12,8 m.
Đóng cọc đánh dấu 2 điểm A và B và buộc vào mỗi cọc đó một sợi dây. Cọc A đo theo đường chéo sân một đoạn 16,18 m và ở cọc B đo một đoạn 11,89 m theo đường biên dọc của sân. Kéo thẳng hai sợi dây và chúng gặp nhau tại điểm C, đó là một góc sân ta đã có.
Theo cách làm như trên, sẽ có được góc D của sân. Ta có thể kiểm tra quá trình thực hiện vừa qua bằng cách đo độ dài đoạn CD - đường cuối sân có độ dài đúng bằng 10,97 m.
Lúc này có thể đánh dấu điểm giữa I và cả hai điểm cuối của đường biên trong c, d cách C, D là 1,37 m. Đường giữa sân và vạch phát bóng có thể đánh dấu bằng các điểm F, H, G bằng khoảng cách 6,40 m từ lưới kẻ dọc theo các đường b, c, XI, ad.
Phần sân bên kia lưới cũng làm như vậy để hoàn thành cả mặt sân.
Ghi chú:
- Khi chỉ cần kẻ sân đơn thì không cần các đường nằm ngoài a, b, c, d nhưng sân thì vẫn theo số đo như ở trên. Việc lựa chọn góc của đường cuối (c,d) có thể tìm bằng cách buộc 2 sợi dây vào 2 điểm a,b thay cho 2 điểm A, B và sau đó sử dụng số đo dài 14,46 m và 11,89 m và cột lưới sẽ ở vị trí n, n và lưới đơn (10 m) có thể được sử dụng.
- Khi kết hợp cả sân đơn và sân đôi và dùng lưới đánh đôi cho cả đánh đơn và lưới phải được đặt 2 cọc chống có chiều cao 1,07 m ở điểm nối đặt cọc chống đơn. Nếu cọc vuông thì cạnh tiết diện không quá 7,5 cm. Tâm của cọc chống đơn cách mép ngoài đường biên dọc sàn đơn là 0,94m ở mỗi bên.
Để đánh dấu vị trí đặt cọc chống đơn ở điểm n, n đánh dấu chữ thập + bằng sơn trắng.
Hơi dài, mong các bác chịu khó vậy (b)