Nhân việc có cụ hỏi chia sẻ về quá trình chuẩn bị trước chuyến đi, sẵn đây cháu chia sẻ 1 lượt trước khi đi vào phần hình. Nhiều chữ, cụ nào quan tâm đọc thong thả. Vs các cụ mợ quan tâm, sẽ, và sắp đi Tây Tạng cần hỏi điều gì, trong phạm vi hiểu biết của mình, cháu sẽ dốc lòng trả nhời.
===============
Để nói về quá trinh chuẩn bị cho chuyến đi là cả một câu chuyện dài.
Đầu tiên nàng chỉ định tìm nhóm và tham gia. Tuy vậy, việc tìm một nhóm phù hợp cả về thời gian, tiền bạc và lịch trinh quả thật không hề đơn giản. Vậy là nàng lại quay lại với sự nghiệp leader, lên cung và tìm đồng đội. Với vai trò là người khởi xướng, nàng quăng lịch trinh và thời gian lên diễn đàn phượt tìm người, mở một group trên facebook để trao đổi thông tin, invite tất cả những người “tiềm năng” trong friend’s list của nàng. Ban đầu, chỉ là định đi trong một nhóm 16 – 18 người để có giá landtour tốt nhất. Sau nhiều tháng, số lượng người quan tâm đến chuyến đi tăng lên đáng kể. Lần off đầu tiên trước chuyến đi 7 tháng, tính sơ bộ cũng đã đủ thành viên để chốt đoàn. Nhưng có lẽ, với Tây Tạng, người ta cần đủ “duyên” để có thể đến và đi cùng nhau. Gần 3/4 số thành viên ban đầu rơi rụng dần, những người bạn của nàng ban đầu hồ hởi đăng ký đi cũng rơi rụng dần.
Lần off đầu tiên, cũng là lần đánh dấu sự thay đổi về lịch trình, nàng quyết định đi Kora Kailash. Ngày tháng cứ thế trôi đi, kế hoạch được lên cụ thể, rõ ràng, khi nào đặt vé, khi nào chốt đoàn, khi nào bắt đầu xin visa, khi nào làm permit, cần rèn luyện sức khỏe ra sao, chuẩn bị những đồ gì, những quy định cần phải tuân thủ trong chuyến đi… . Trước ngày lên đường gần 4 tháng, danh sách các thành viên chính thức, bấy giờ đã xuất vé máy bay gần như đã được chốt. Lúc này số lượng người đã xuất vé đã là 34 người. Thay vì 1 nhóm như dự kiến, nàng thấy rằng sẽ là phù hợp để mở thêm nhóm thứ 2, cũng là bởi số lượng người quan tâm tăng lên nhiều so với dự kiến, và cũng là vì nàng không muốn “từ chối” khi còn có thể.
Về việc di chuyển đến Tây Tạng, có nhiều hướng đi và cách đi khác nhau. Ở đây nàng không đề cập tới những cách đặc thù như đi bằng Motor hay đi Carnavan, việc này cần nhiều công sức, giấy tờ và tiền bạc. Để tới được L’hasa, thủ phủ của Tây Tạng, bạn có thể di chuyển bằng máy bay hoặc Tàu Hỏa. Đi bằng Máy Bay, theo cách thông thường nhất là bay đến Thành Đô hoặc Côn Minh, từ đó bay tiếp đi L’hasa. Các hãng có đường bay thẳng đến Thành Đô bao gồm Vietnamairlines, ngoài ra có CZ sẽ quá cảnh ở Quảng Châu. Bạn có thể mua vé của Vietnamairlnes tới Thành Đô sau đó lựa chọn bay của Sichuan hoặc China Eastern để bay tiếp tới L’hasa hoặc từ Thành Đô mua vé tàu tuyến Thanh Tạng, kéo dài suốt 3360km trong vòng 44 tiếng, tức là gần 2 ngày 2 đêm liên tục. Đây là chuyến tàu đi qua độ cao lớn nhất thế giới so với mực nước biển (đoạn cao nhất là 5,072m so với mực nước biển). Giá vé tàu so với vé máy bay cũng chênh lệch không nhiều (nếu mua được vé máy bay khuyến mại). Vé tàu cần phải có hộ chiếu để mua và thường đặt qua đại lý du lịch Trung Quốc, mua qua C.trip hoặc nhờ bạn bè bên Trung Quốc mua giúp. Hoặc có thể đặt mua vé đi L’hasa của China Eastern, hãng này sẽ transit tại Côn Minh, chọn thời gian transit phù hợp mà có thể tranh thủ vào thành phố chơi.
Một lựa chọn khác cần nhiều thời gian hơn, nhưng có thể tiết kiệm được chi phí, nếu ở Hà Nội, đi đường bộ qua Lan Châu hoặc Quảng Châu, từ đó bắt tàu tới L’hasa. Mỗi cách đi đều có điểm hay và trải nghiệm riêng. Bạn chỉ có thể dựa vào quỹ thời gian, mục tiêu, chi phí và tiêu chí ưu tiên của mình mà lựa chọn phương án di chuyển phù hợp.
Việc xin visa vào Trung Quốc cũng là một câu chuyện dài kỳ, vốn cẩn thận, nên nàng bắt đầu làm visa trước hơn 2 tháng. Với những người có hộ khẩu từ Đà Nẵng đổ ra phía Bắc, việc làm visa Trung Quốc thời điểm đó khá đơn giản. Hồ sơ chỉ cần hộ chiếu + ảnh, phí dịch vụ làm visa du lịch (hạng L, thời hạn 3 tháng, được phép ở 15 ngày) 65$ (bao gồm 60$ lệ phí nộp Đại Sứ Quán), sau 4 ngày làm việc có thể lấy visa. Nhóm thành viên ở Hà Nội làm khá thuận lợi. Nhóm thành viên phía Nam, việc làm visa tại Lãnh Sự Quán phức tạp hơn và cũng tốn chi phí hơn. Một số thành viên vẫn tự xin visa ở Lãnh Sự Quán, 3 trong 4 người đậu visa. 1 thành viên còn lại phải nộp đến lần thứ 3 (lần 1 tự nộp, lần 2 gửi ra Hà Nội làm dịch vụ, lần 3 nhờ trợ giúp của người quen bên sở ngoại vụ) mới có visa. Đó là trường hợp sau rất nhiều thất vọng mới được Trung Quốc cấp visa vào, thậm chí thành viên này có permit vào Tây Tạng trước khi đậu visa. Vậy nên, để mọi sự được thuận lợi, các đoàn đi nên chủ động làm visa trước 2 tháng, nếu có sự cố còn có thời gian để xử lý.
Sau khi có visa vào Trung Quốc, việc tiếp theo là
xin permits vào Tây Tạng. Tùy từng lịch trinh đi các khu vực cụ thể mà nhà tour sẽ phải xin các loại permit tương ứng. Đầu tiên là
Tibet Travel Permit. Permits thường được cấp trước 10 – 25 ngày so với ngày khởi hành, hành khách cần phải cầm bản gốc Tibet Travel Permit (TTP) để làm thủ tục lên máy bay tới L’hasa, kiểm tra an ninh và lên máy bay. Thông thường, các nhà tour sẽ chuyển bản gốc permit này về địa chỉ ở khách sạn tại Thành Đô hay bất kỳ điểm nào ở Trung Quốc mà bạn xuất phát tới L’hasa. Đối với một số khu vực nhạy cảm và khu vực biên giới giữa Tây Tạng và các quốc gia láng giềng, bạn cần xin thêm Permit do quân đội cấp
(Military Permit), các khu vực này bao gồm:
Ali, Guge Kingdom, Lake Manasarovar, Mt Kailash (Phía Tây Tibet); Kyirong (New Border to Nepal); Nyima Country (Border country between Ali and Nakchu prefecture); Tsochen. Nếu hành trinh của bạn đi tới những khu vực hạn chế, nhà tour sẽ phải xin thêm
Alien’s Travel Permit (ATP) được cấp bởi Public Security Bureau (tạm dịch là Cục an ninh công cộng, cục này chuyên giải quyết những vấn đề về ngoại giao với người nước ngoài). Cần hộ chiếu gốc khi xin loại permit này, bởi vậy, khi bạn đặt chân đến Tibet, nhà tour sẽ lấy hộ chiếu để tiến hành thủ tục xin cấp permit. Lịch trinh đoàn nàng phải xin đủ 3 loại permits này, Alien’s travel permit nhà tour xin tại Shigatse. Các khu vực phải xin Alien’s travel permit bao gồm: Ali, Basum tso Lake (In Nyintri); Chamdo; Guge Kingdom; Kyirong (New Border to Nepal); Mt Kailash; Mt Everest Base Camp; Ranwu (Eastern Tibet); Sakya monastery (about 200km west of Shigatse) Shalu monastery (few kilometer north-west of Gyantse); Samye Monastery; Tsochen.
Việc rèn luyện sức khỏe cho chuyến đi đòi hỏi sự tập luyện nghiêm túc. Đến Tibet không chỉ là câu chuyện về tiền bạc, về tôn giáo, về 1008 thứ trên đời, sức khỏe là điều đặc biệt quan trọng. Độ cao trung bình ở L’hasa cũng cỡ 3700 – 3800m, với điều kiện không khí loãng, lượng oxy thấp,…bất cứ du khách khỏe mạnh nào cũng có thể đối mặt với hội chứng sốc độ cao (AMS) nếu chủ quan. Mà sốc độ cao dù nặng hay nhẹ cũng sẽ ảnh hưởng tới việc bạn tận hưởng chuyến đi, nặng vừa thì nhập viện, nặng nữa với những người lớn tuổi, bị những bệnh về huyết áp, tim, phổi,.. thậm chí có thể đi về qua…đường ảnh. Đặc biệt đối với những hành trinh lên tới độ cao trên 5000m như EBC hay Mt.Kailaish. Nói vậy không có nghĩa là tất cả mọi người đều bị AMS, phần lớn những người trẻ, những người tập yoga, thiền, chạy… đều rất ổn ở Tibet. Nàng nghiệm rằng, quan trọng nhất là cách hít thở. Trước chuyến đi 3 tháng, nàng đăng ký học khí công, học yoga và nàng rất ổn trong chuyến đi. Hơn nữa, Tibet ngày nay, những thành phố lớn khá hiện đại, trong phòng khách sạn, trên xe có bình thở oxy để hỗ trợ những người bị AMS. Những đoàn từ Việt Nam, thậm chí còn truyền tay hẳn 01 đơn thuốc chống sốc độ cao. Đoàn của nàng 33 thành viên, một số nhỏ các anh chị có bị AMS nhẹ, nhưng không đáng lo ngại. Những đoàn khác mà nàng biết sau này, có những thành viên phải nhập viện 1 – 2 ngày, rồi sau lại ổn. Nói nhiều dòng như vậy, chẳng qua là nhấn mạnh lại, nếu bạn chuẩn bị cho chuyến đi Tibet, hay nghiêm túc rèn luyện sức khỏe, cẩn thận nghe ngóng cơ thể mình mà điều chỉnh hoạt động cho phù hợp khi ở Tibet. Hạn chế hút thuốc và uống bia rượu những ngày đầu mới đến. Tất nhiên có những trường hợp đặc biệt, như đoàn nàng, các anh giai hút thuốc, uống rượu ngày ngày, không biết có lúc nào sao không, nhưng phần lớn vẫn tươi tỉnh, đi lại nhanh nhẹn, nói năng hoạt bát. Đêm cuối ở L’hasa, nàng cùng gần chục người đi bar uống bia, nhảy nhót, lắc lư, quá nửa đêm, về phòng thở “hồng hộc” mất một lúc lâu trước khi chìm vào giấc ngủ.
Potala về đêm