Ethanol nội sinh (endogenous ethanol) có trong cơ thể người, sinh ra từ quá trình đường phân (glycolysis) thực phẩm giàu carbohydrate (tinh bột, đường v.v.) thành axit pyruvic, rồi nhờ enzyme pyruvate decarboxylase chuyển thành acetaldehyde, nhờ enzyme alcohol dehydrogenase (ADH) khử acetaldehyde thành ethanol. ADH cũng đóng vai trò trong phản ứng theo chiều ngược lại, oxi hoá ethanol thành acetaldehyde.
Một số nghiên cứu về ethanol nội sinh từ cuối thập niên 1950 ghi nhận ethanol nội sinh ở mức dưới 1mg/l máu hoặc 0,82 microgam/l khí thở (xác định theo phương pháp sắc ký khí khoảng không bên trên, Headspace gas chromatography) hoặc không quá 12,51mg/l máu khi xác định theo phương pháp Widmark. Ở những người có vấn đề về trao đổi chất (tiểu đường, viêm/xơ gan) thì ethanol nội sinh có thể cao hơn. Nghiên cứu của Kaji et al. (1976, 1984) ghi nhận nồng độ ethanol nội sinh cao bất thường ở một số người Nhật, với một vài người có ethanol nội sinh tới 800 mg/l máu, tuy nhiên kết quả này không được phát hiện lại trong các nghiên cứu sau này. Từ đây mà có khái niệm Auto Brewery Syndrome là triệu chứng rối loạn đường tiêu hoá hiếm gặp với ethanol nội sinh cao bất thường. Người ta cũng ghi nhận khoảng 50% dân Nhật có enzyme aldehyde dehydrogenase (ALDH) bị bất hoạt, dẫn tới việc phân hủy acetaldehyde thành acetate bị phá vỡ.
Mức 10,9mmol/l (tương đương 10,9 * 46g/mol = 501,4 mg/l máu) là mức mà dưới ngưỡng đó thì nó hầu như không ảnh hưởng gì tới tâm, sinh lý của người, vì thế một số quốc gia lấy nó làm mức để xem xét việc xử phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông chứ không phải là nồng độ của ethanol nội sinh.