Con chó với cộng đồng người Mường ở Tân Sơn (Phú Thọ) thân thiết tựa như con người. Sống nơi hoang hoải núi rừng, có một con chó ở nhà không khác gì có vệ sĩ gác cửa.
Kém mỗi người không biết nói:
Không chỉ giữ của, những con chó khôn khi gặp phường săn đi qua còn biết chạy theo dồn thú. Được chiến lợi phẩm, theo luật tục người thợ săn sẽ lấy nửa nằm ở dưới đất và cái đầu của con thú, nửa còn lại hay còn gọi nửa lẽo (nửa không có sống lưng-PV) thì chia cho những người đi săn cùng và chó săn. Con chó đầu đàn bao giờ cũng được phần nhiều hơn các con khác. Dù không có chủ đi cùng nhưng những con chó tự động đi săn cũng được chia một phần thịt, xương, da, lòng một cách rất công bằng. Người nào gần nhà chủ của chúng sẽ nhận luôn nhiệm vụ đưa phần thịt ấy về cho cả thầy tớ cùng ăn.
Lần đầu tiên một nhân vật trong bài viết của tôi không phải là người mà là động vật, nó cũng có tên hẳn hoi: con Khoang. Chuyện rằng ở xóm Dặt xã Thạch Kiệt có cặp vợ chồng ông Đinh Văn Giao bà Hà Thị Sơn sinh được bốn người con, ba gái, một trai là Đinh Văn Liêm (sinh năm 1981). Hồi bé Liêm đã có con Khoang làm bạn cùng.
Con Vàng giờ được nuôi thay thế con Khoang
Con chó thân thiết với cả nhà nhưng quấn quýt với thằng nhỏ hơn cả. Chủ đi đâu nó cũng theo sau, dù lên rừng hay xuống suối cứ hệt như hình với bóng. Mỗi bận Liêm đi quăng chài, con chó chạy dọc theo bờ sông. Mẻ nào được cá, Liêm cầm lên dứ dứ: “Cá đây này Khoang”, là con chó trên bờ cũng ngoăn ngoắt đuôi, ư ử kêu, mừng ra mặt. Bận cậu chủ cưới vợ, đón dâu cả lượt đi lẫn lượt về người ta đều thấy bóng con Khoang theo không rời. Bà Sơn bảo: “Chụp ảnh đứng chứ nếu chụp ảnh ngồi bức nào ở đám cưới thằng Liêm chẳng thấy con Khoang bên dưới chân”.
Có dâu mới về, bà Sơn mừng một, con Khoang mừng hai. Nó thân với cả đôi vợ chồng chủ. Thỉnh thoảng đi rừng vồ được con cầy, con dúi Khoang tha về tận chân cầu thang, ngoăn ngoắt đuôi ra hiệu. Tối, chủ nằm trên giường, chó nằm dưới gầm nhà. Có khuya hai vợ chồng bàn nhau sớm sang trại giáp Tân Sơn cách nhà tới hai ba cây số gặt giúp bên ngoại. Sáng ấy họ ồi ồi gọi mãi mà không thấy con Khoang đâu nhưng lúc đến trại đã thấy nó chạy lại miệng ư ử, đuôi ngoăn ngoắt mừng.
Có buổi nghe tiếng trống dồn, bà Sơn bảo con: “Hôm nay họp xóm đấy, bố cu bố trí mà đi!”. Con chó đã nhanh chân đến trước chờ chủ ở sân kho tự bao giờ. Thằng Khang con của Liêm đi học mẫu giáo ngày ngày phải qua chiếc cầu phao vượt sông. Một bận mải nghịch nước trượt chân chới với, mẹ chưa kịp giơ tay đỡ thì con Khoang đã ngoạm lấy áo thằng bé kéo vào bờ. Con chó chỉ kém con người mỗi chuyện không biết nói.
Con của Liêm chơi với con Vàng:
Phủ phục bên mộ chủ:
Liêm học trung cấp thú y, tay nghề rất khá. Trâu bò nhiều con tưởng chừng mười mươi chỉ để làm thịt khô trên gác bếp nhưng vào tay anh lại biết ăn cỏ, béo tốt trở lại. Các xã lân cận mỗi lúc có gia súc ốm người ta đều chạy đến cậy nhờ. Làm ăn đang suôn sẻ, gần 30 tuổi bỗng một ngày Liêm phát bệnh động kinh. Lúc đầu bốn tháng lên cơn một lần sau đó thời gian chỉ rút ngắn còn bốn mươi ngày. Người cứ ngay như khúc gỗ, không có phản ứng gì, phải một tuần mới biết cầm lại cày, cái cuốc, biết nhận vợ, nhận con. Ông Giao xót khúc ruột đẻ ra đưa con xuống Hà Nội khám nhưng bác sĩ lắc đầu bảo bệnh nan y không chữa được và dặn phải kiêng nước suốt đời vì e chết đuối.
Bữa ấy, khi vừa tỉnh lại sau một đợt bệnh cuồng, Liêm lên rừng Rộc Mèo chặt nứa về sửa lại lán trại. Trại sửa xong anh lại đi đốn gỗ keo về bán, trả bằng sạch các món nợ lặt vặt rồi mới mặc độc chiếc quần đùi, vác chài xuống sông Bứa đánh cá. Bà Sơn ở trên trại thỉnh thoảng vẫn đánh mắt xuống sông thấy thằng con vẫn lui cui tôm tép mới yên tâm đi làm.
Ông Giao bên cháu nội và con Vàng:
Sẩm tối, con Khoang chạy về, thân ướt rượt. Bà bủ (từ cổ-bà nội của Liêm là Đinh Thị Trình-PV) đang ôm cháu nơi cửa sổ thấy con chó về cứ đứng ở chân nhà sàn, ngước nhìn vào mặt mình, đuôi ngoăn ngoắn, miệng ư ử. Mọi hôm theo thằng Liêm đi đánh cá về là Khoang nằm ngay ngắn dưới chân nhà sàn, chẳng vẫy đuôi cũng chẳng kêu như thế. Chó về trước một tẹo là thấy tiếng bậm bịch bước chân chủ về theo sau.
Rùng mình vì biểu hiện lạ, bà liền hối con dâu: “Hỏng rồi, thằng Khoang về mà không thấy thằng Liêm đâu. Mẹ cu nhảo đi hỏi thăm xem có ai đánh chài cùng nó không”. Mọi hôm ông Hoàn ở nhà bên hay đi cùng Liêm nhưng buổi đó bỗng dở chứng đi lẻ ở một khe hủm khác. Cuống quýt và nháo nhào, mọi người cứ theo đuôi con Khoang. Họ vớt lên từ sông Bứa một cái xác còn lủng lẳng túi cá nhảy loi choi bên trong. “Giá hôm ấy thằng Liêm mặc quần áo dài đi chài khi ngã có lẽ con Khoang sẽ cắn vào đó mà lôi lên bờ được”. Ông Giao ngậm ngùi bảo.
Sau khi dân bản đem Liêm đi chôn, hôm nào con Khoang cũng ra bờ sông, chỗ hòn đá mà nó hay ngồi đợi chủ quăng chài dưới suối rồi dứ dứ: “Khoang ơi, cá đây này”. Lắm bận con chó ngồi bỏ cả ăn khiến cho bà Sơn phải ra dỗ dành: “Bố nó chết rồi, không còn đâu mà chờ, về đi Khoang”. Con vật lủi thủi về, cái đuôi cùm cụp, buồn bã không còn ngoăn ngoắt. Hôm con dâu đi gặt giúp nhà ngoại, Khoang chạy theo một đoạn khiến bà Sơn đinh ninh đi theo nhưng khi con dâu về cả chục ngày vẫn không thấy chó đâu, tưởng đã mất tích hẳn.
Ngày mồng một, thắp nén hương lên bàn thờ cho con trai, bà Sơn chợt nghĩ hay là con chó ra mộ Liêm?. Miệng lầm rầm khấn: “Khoang vắng nhà chục hôm rồi, nó có ra chỗ mày không hả con?” bà hối chồng lầy lật chạy tới đồi suối Hổ, nơi đặt mộ con cách nhà vài cây số. Khoang vẫn nằm phủ phục ở gần đó. Ông Giao kêu lên: “Ô, thằng Khoang vẫn còn à?”. Nhận ra ông, con chó ngước mặt rồi đứng dậy một cách khó khăn.
Sau cả chục ngày không ăn, không uống, trông nó còm cõi như một chiếc bao tải rách, chân run run, bước xiên, bước vẹo. Đi một đoạn Khoang lại ngoái đầu nhìn về phía mộ, ngẩn ngơ như không muốn rời. Thương con vật quá, ông Giao chực dìu về nhưng nó nhất định không cho. Chỉ đến khi gọi điện cho con dâu, con Khoang mới đồng ý cho người ta xốc về. Đó là lần đầu tiên Khoang được bế trên tay.
Ông Giao kể về cái chết của con trai:
Vĩ thanh:
Gần đây, Khoang đã già lắm rồi! Tai nó điếc không nghe thấy gì nữa, mắt nó mờ không thấy cả bát cơm, người gầy còm, ốm yếu và kết thúc cuộc đời hơn hai mươi năm của mình. Ông Giao đón một con chó vàng về nuôi thay thế. Con Vàng cũng biết dậy sớm, cũng biết đưa bọn trẻ con đi học đến khi chúng qua bên kia sông mới chịu về.
CSTĐ