Cách đây vài tháng, tự dưng nhìn vào bếp thấy đám dao tàu xỉn xỉn bẩn bẩn, quyết định thay loạt dao mới. Mới đầu quan tâm đến dao Đức nhưng có vẻ nó khá nặng và thật giả lẫn lộn tại VN nên chuyển hướng dao Nhật. Tuy nhiên, dao Nhật tại VN nếu mới thì quá đắt, dao cũ thì cứ hình dung ra mấy loại thủ công rỉ cán sứt sẹo... Rồi tình cờ thấy mấy bạn trong SG bán online dao bãi Shun với giá rất hợp lý nên tìm hiểu về Shun để mua.
Hôm nay rảnh rỗi xin chia sẻ với các cụ chút ít thông tin. Chỉ là giới thiệu qua qua, em không rành kỹ thuật nên các cụ đừng hỏi em thành phần thép và công nghệ tôi, ủ... nhé
KAI thành lập năm 1908 tại Seki, Japan sản xuất nhiều sản phẩm liên quan nhà bếp, chăm sóc sắc đẹp và y tế. Dao bếp của Kai không phải là dao Nhật đẹp nhất, tốt nhất, đắt nhất nhưng đa dạng mẫu mã chủng loại và giá thành cộng với chiến lược quảng bá tốt nên được biết đến là 1 trong 3 hãng dao Nhật phổ biến trên thế giới cùng với Tojiro và Global.
Dao KAI cơ bản chia ra 02 nhánh chính:
1. Seki Magoroku: giá thành tương đối bình dân, thường < 100U$. lưỡi dao < 3 lớp, vật liệu đa dạng thép carbon không gỉ, 1K6, thép MV… cán composite hoặc thép. Phổ biến nhất là các dòng Wakatake, Imayou, Benifuji, Shousou, Azuchi, Ginju, Momoyama, Mokuren, 1000CC, ST, CL, 15000ST, Shoso (khá đẹp)… Gía thường < 100U$ nhưng có cá biệt ví dụ như Composite lưỡi VG MAX đắt không kém gì Shun
2. Shun: -đọc là Sun- được giới thiệu lần đầu năm 2002 là dòng cao cấp, đắt đỏ và đẹp hơn, lưỡi cắt chủ yếu làm bằng các thép không gỉ tốt nhất của Nhật như, VG10, VGmax, SG2, thép bột (trộn giữa 2 loại VG2/10). Bảng dưới phân loại các loại thép làm dao bếp chủ yếu của Nhật và các đặc điểm (có so sánh với dao Đức/Thụy sỹ 3 hàng cuối). Màu vàng là thép carbon, xanh lá cây là thép không gỉ. 4 cột cuối tương ứng: độ cứng, độ sắc, dễ mài, duy trì lưỡi. Dao Shun chỉ sử dụng thép carbon giấy xanh số 2 (aogami#2) trong dòng Blue.
Lưỡi thép bột được cho là duy trì độ sắc lâu hơn vì bao gồm 2 loại thép có độ mài mòn khác nhau trong quá trình sử dụng sẽ dần hình thành răng cưa li ti.
Ngoài một vài dòng có cấu trúc lưỡi đơn nguyên khối thì đa phần dao Shun có nhiều lớp thép bao gồm 1 lớp cứng giữa chạy đến tận sống dao và các lớp mềm hơn ở hai bên (damacus/kasumi) gò nhiệt thành 1 miếng sau đó được mài và xử lý a xít sẽ lên vân vằn vện. Kết hợp thép mềm cứng khác nhau làm dao bền vững hơn và phần nào giảm giá thành.
Shun cũng còn các cấu trúc lưỡi khác: san mai - như damacus nhưng chỉ có 2 lớp thép mềm 2 bên hoặc kiểu tiết kiệm composite - phần lõi cứng đắt chỉ ở phía lưỡi dao liên kết với phần sống dao thép rẻ bằng cách hàn, vết hàn đôi khi bao phủ trùm lên một phần lưỡi cứng. Các đường tiếp giáp thường được cắt loằng ngoằng xếp hình cho đẹp hơn. Như hình sóng biển chẳng hạn.
Bề mặt lưỡi hoặc mài phẳng hoặc có vết búa để tránh bám dính.
Lưỡi được gia công riêng sau đó hàn vào cục sắt tròn hoặc bát giác liên kết với cán bằng thanh thép tròn nhỏ theo kiểu đuôi chuột. Kiếu này có ưu điểm dễ vệ sinh sạch sẽ và không bị nước ngấm vào cán nhưng có vẻ yếu yếu tuy chưa thấy ai kêu ca việc gãy cán ngoài 1 vài con Sora. Một số như elite, nagare, hiro có thêm chốt (chưa rõ cái đuôi chuột hình dáng sao mà cần lắp chốt ?? ). Kai thường quảng cáo tất cả full tang nhưng dường như chỉ có con kanso/Kaji/nagare là đúng.
Cán thường là gỗ nhân tạo (pakka). Cán cầm có cảm giác rất mịn màng và không ngấm nước nên rửa rất nhanh khô.
Mỗi con dao được làm với hơn 100 công đoạn và theo Kai thì không có 2 con nào giống y nhau.
Tạm liệt kê các dòng vẫn đang được sản xuất và bán thương mại theo xếp hạng tương đối từ thấp đến cao và có giá từ 50-500 U$ như:
• Sora: composite lõi VG10
• Haru: y như Sora
• Kanso: nguyên khối AUS10A, cán gỗ muồng
• Edo: nguyên khối VG10, vết búa, rất hầm hố
•
Classic: VG10, VGmax 69 lớp, đơn giản sang trọng
•
Premier: VG10, VGmax 69 lớp, vết búa. em thấy con này rất đẹp
• Pro: lưỡi đơn nguyên khối thép VG10 có hoa văn
• Pro 2: lưỡi đơn nguyên khối thép VG10
•
Kaji: SG2 65 lớp. Tại VN có thể mua được những con rất mới. Ngon-bổ-rẻ
•
Hikari: thép bột 71 lớp, caro
•
Blue: san mai , thép giấy xanh
•
Dual core: thép bột 71 lớp
• Reserve: SG2 65 lớp
•
Fuji: SG2 161 lớp
• Hiro: SG2 65 lớp
• Nagare: thép bột 72 lớp
Hầu hết các dòng trên đều có có đủ các kiểu cơ bản của dao bếp nhật: guyto/chef, santoku, utility, nakiri, paring ngoại trừ 2 dòng cán bát giác Blue và Dual core không có dao chef mà thay bằng kiritsuke. Blue còn không có nakiri mà thay bằng con kỳ quặc Menkiri.
Phong phú kiểu dáng nhất là 3 dòng Classic, Premier và Kaji. Thái to bản chỉ có ở Classic & Kaji. Chặt xương chỉ thấy ở Classic và Pro. Dao làm cá nổi tiếng deba chỉ có mặt ở Pro, Pro 2.
Ngoài ra, còn có các dòng đã dừng sản xuất như Elite lưỡi SG2 san mai được các bạn Tây rất yêu thích (có vẻ được thay thế bằng Kaji) và các bản giới hạn khác (thường là dao chef) được sản xuất nhân dịp đặc biệt với giá đắt hơn, có thể lên đến 3000 U$ như:
• Classic bản kỷ niêm 10 năm: dựa trên Classic với lõi VG2 và đồng xen kẹp thép ko gỉ phía ngoài, không đăt lắm, cũng dễ mua
• Tsuyu: kỷ niêm 5 triệu dao Shun được bán với chỉ 300 chiếc được sản xuất giá 15Tr. lưỡi SG2
• Hana: kỷ niêm 5 triệu dao Shun được bán với chỉ 300 chiếc được sản xuất giá 700 đồng. lưỡi thép trộn
• Taiyo: khoảng 20Tr, lưỡi làm bằng thép HAP40
• Shi Hou: có đến vài phân loại I-IV giá >30Tr. dưới là shi hou 2
• Ayu: bản kỷ niệm 15 năm. đạt giải con dao của năm 2017 giá khoảng 2999 U$
Chưa kể đến các biến thể Premier – TM Minamo, Reserve – Bob Kramer, Classic – Ken Onion... với hình dáng chất liệu biến đổi từ ít đến rất nhiều so với bản gốc.
Qua 15 năm, Shun đạt khá nhiều giải thưởng ở mục dao bếp
Mặc dù dao Shun được Tây lông đánh giá là hơi đắt so với chất lượng nhưng vẫn có hàng chục triệu dao được bán ra trên thế giới. Tại VN muốn mua mới thì chỉ có Classic và Premier là có thể dễ dàng tại VN qua cụ OF bán tại Royalcity hoặc Lazada. Các dòng khác thì chỉ có đặt mua nước ngoài.