Có một vài cụ bàn chuyện Tam Quốc. Ở đây, em cũng chỉ nói về Tam Quốc của La Quán Trung thôi nhé. Mà chỉ nói ưu và nhược của Quan Vũ theo ngòi bút của cụ La Quán Trung.
Bình luận thì mỗi người mỗi cách. Nhưng dữ kiện trong Tam Quốc Diễn Nghĩa là không thay đổi. Vậy nên, góc nhìn của cụ nào có thể khác, có thể ưu ái ai đó thì cũng là chuyện thường. Em tin rằng nếu ông Quan Vũ còn sống chắc cũng hiểu rõ rằng: Đã là Tướng thì không ai là Thánh tướng (vì thánh tướng = nói phét), bởi lẽ ngàn năm nay thì "binh bất yếm trá" rồi.
Xin bắt đầu:
Quan Vũ biết bao đời ở Trung Hoa, Hồng Công và cả Việt Nam, bà con Hoa Kiều vẫn lập bàn thờ ông. Coi ông như một vị Thánh biểu tượng cho sự công bằng, ý chí quật khởi và trung dũng. Ông đề cao quan điểm: kiến ngãi bất vi vô dõng dã/lâm nguy bất cứu mạc anh hùng
Những đôi câu đối tặng ông đích đáng và thật nhiều (có cả ở chợ Lớn Việt Nam):
“ Sinh Bồ Châu, sự Dự Châu, chiến Từ Châu, thủ Kinh Châu vạn cổ Thân Châu hữu nhất” (Sinh tại Bồ Châu, phụng sự Dự Châu (Lưu Bị), chiến đấu ở Từ Châu, trấn giữ đất Kinh Châu, vạn đời Thân Châu chỉ có một )
“Huynh Huyền Đức, đệ Dực Đức, sát Bàng Đức, thích Mạnh Đức thiên thu thánh Đức vô song” (Anh là Huyền Đức (Lưu Bị), em là Dực Đức (Trương Phi), giết Bàng Đức, thả Mạnh Đức (Tào Tháo) ngàn năm thánh Đức không hai).
Và câu đối tiếng Việt:
Lá cờ đỏ giữ lòng son, cưỡi ngựa xích thố truy phong, lúc ruổi rong, lòng không quên về nước đỏ.
Ngọn đèn xanh xem sử xanh, cầm đao thanh long yển nguyệt, nơi kín đáo, dạ chẳng thẹn với trời xanh.
Tiếc thay, theo em thì có lẽ Quan Vũ được ưu ái tuyên truyền quá mức. Người đời ảnh hưởng bởi tiểu thuyết của cụ la Quán Trung nâng Hán, dìm Tào hơi nhiều.
Qua bút pháp của La Quán Trung, Quan Vũ là một tướng có nhiều ưu điểm: giỏi cả võ lẫn mưu, tính thẳng thắn, cương nghị, giữ lễ nghĩa, ân oán phân minh, biết phục thiện, và luôn luôn tận trung với chủ. Nhưng cũng có nhiều nhược điểm như thiếu thâm trầm, hiếu thắng, kiêu căng, thích được khen, ưa so đọ cá nhân.
Ở đây, chúng ta hãy tạm gác lại Sử TQ, gác luôn Tam Quốc Chí của Trần Thọ và không đề cập đến bộ Ngụy Thư… mà Xalong tôi chỉ phân tích và bình luận theo Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung nhé:
Kinh Châu, ông Gia Cát Lượng dặn rất kỹ: “Bắc cự Tào Tháo, Đông Hòa Tôn Quyền”. Nhưng bác Vũ nhà ta lại làm hơi trái là: bắc cự Tào Tháo, đông không thèm hoà Tôn Quyền, để mất Kinh Châu, làm Long Trung Đối không được trọn vẹn.
Trong ngoại giao thì quá khệnh khạng. Khi Tôn Quyền bên Đông Ngô cử người sang giao hảo, kết thông gia thì ông Quan Vũ nói khó nghe lắm: “Con gái ta là con của loài Hổ há lại kết thông gia với loài Chó!"(Nói với sứ giả nước Ngô Gia Cát Cẩn) Trời hỡi! coi nào! Họ Tôn người ta là quý tộc mấy đời, ông Vũ là thằng cùng đinh ép đậu phụ bán rong đi lên, muốn nói thế kể ra cũng nên soi gương chứ! Rồi đụng chuyện là chửi người ta, coi thường này nọ. Vậy nên mới có đoạn Tôn Quyền nó tự ái, nó nhớ mối thù cho nên khi Quan Vũ gặp nạn ở Mạch Thành thì nó hơi sức đâu xử lịch sự như Tào Tháo mà beng luôn. Đúng là: chết vì nọc chạy đằng mồm một phần, chết vì khệnh khạch bố đời 3 phần!
Về chiến cuộc, nếu Quan Vũ khôn ngoan, ví dụ nếu ông Vũ xử nhuyễn và đẹp rồi chớp thời cơ nhé: ông khôn ngoan mềm mỏng với Đông Ngô. lúc đánh Phàn Thành thì thuyết phục Ngô chơi Hợp Phì của Tháo, xin Lưu Bị táng Trường An. Cứ 3 mũi tấn công kẹp vào cùng lúc thì Ngụy Tháo có mà cứt phọt ra đằng mồm. Đằng này tự cho mình hổ báo không tự lượng sức, coi thường địch, coi thường tướng Ngụy. Đem cái thân làm tướng mà kiêu căng khinh địch không chết sớm cũng phí. Chắc chắn ông La Quán Trung thừa sức nhìn ra kịch bản này nhưng nếu ông viết theo kịch bản này thì còn gì là Tam Quốc Diễn Nghĩa? Làm gì Tào Tháo còn đất mà hành tác cho sau này. Rõ ra cái nhẽ tiểu thuyết mê ly là như thế này đây!
Từ đó, bàn ra mấy chữ “Trung-Nghĩa-Dũng-Trí…”.
Quan Vũ đã giữ chữ trung như thế nào? Hiến Đế, vị vua cuối cùng của nhà hậu Hán, nhu nhược, luôn luôn bị những khống chế cho đến lúc mất ngôi, một bóng mờ trong truyện Tam Quốc, là người Quan Vũ không có một cử chỉ hay hành động nào tỏ ra là muốn giữ lòng trung với vua này cả. Chữ trung theo quan niệm của Khổng Tử không được Quan Vũ áp dụng ở đây. Trái lại, có một sự kiện chứng tỏ Quan Vũ đã không giúp nhà Hán, qua đại diện là vua Hiến Đế. Tào Tháo làm thừa tướng, là một gian thần hiếp vua. Khi đánh Đông Ngô, bại trận, phải dẫn đám tàn quân chạy vào đường hẻm Hoa Dung. Quan Vũ được lệnh của quân sư Khổng Minh dẫn quân chẹn đường để tiêu diệt. Trước khi đi Quan Vũ đã viết giấy cam kết nếu tha "quốc tặc" sẽ chịu chém đầu, thế mà khi nghe Tào Tháo kể lể sự trọng đãi thuở trước Quan Vũ đã tha ngay cho họ Tào. Chỉ vì để đền đáp tình riêng Quan Vũ đã bỏ trách nhiệm lớn lao chung, có ảnh hưởng tới vận mệnh đất nước, và cơ đồ của nhà Hán. Trong Tam Quốc, Quan Vũ có nói "giang sơn của nhà Hán há nhường tấc đất cho ai?" nhưng đó chỉ là lời nói ngụy biện để khỏi phải trả đất chứ không là "vì nước. Nỡm vừa vừa thôi chứ bác La Quán Trung!!
Riêng đối với Lưu Bị, trước sau như một, Quan Vũ hết lòng giữ dạ sắt son. Dù đang được Tào Tháo hết sức trọng vọng, khi hay tin Lưu Bị ở với Viên Thiệu là Quan Vũ đi tìm ngay. Cho nên có thể nói Quan Vũ hết lòng trung thành với chủ là Lưu Bị. Nhưng Lưu Bị không bao giờ là vua của Trung Quốc, và lúc lên tới tột đỉnh vinh quang họ Lưu cũng chỉ cai trị được một phần ba nước Tàu.
Trong những cái TRUNG là: trung với dân, trung với nước, trung với vua và trung với chủ thì ông Vũ đã giữ chữ trung sau cùng.
Đó là đức trung của Quan Vũ, bây giờ ta xét tới đức "nghĩa". "Nghĩa" theo nho gia là điều làm hợp với đạo lý, với lẽ phải. Trong xã hội, con người làm trách nhiệm của mình vì đạo lý mới gọi là đúng với nghĩa, nếu làm trách nhiệm vì lý do khác, dù trọn vẹn, vẫn là không hợp nghĩa. Với quan niệm đó "nghĩa" đối lập với "lợi". Nếu làm trách nhiệm lớn lao hợp với đạo lý và ảnh hưởng tới đại chúng thì gọi là "đại nghĩa". Với quan niệm của "nghĩa" theo nho giáo thì Quan Vũ chỉ giữ được điều nghĩa nhỏ giữa cá nhân với cá nhân, như nghĩa bằng hữu, nghĩa chủ tớ, nhưng chẳng có gì gọi là "đại nghĩa" để xứng với cái danh đệ nhất trung nghĩa kỳ nhân.
Về "dũng", Quan Vũ qủa thật là có ý chí, can đảm và sức mạnh đã nói trong chuyến cắp đao phó hội và ngồi cho bác sĩ Hoa Đà cạo xương. Về võ nghệ, sức mạnh có lẽ Quan Vũ chỉ thua duy nhất có Lã Bố.
Về "mưu", Quan Vũ cũng có chút mưu lược, đôi lần bày mưu thành công. Nổi nhất là mưu khơi nước sông Tương Giang làm úng thủy Phàn Thành do đó bắt được hai tướng của quân Tào là Vu Cấm và Bàng Đức. Nhưng tính hiếu thắng, kiêu căng, khinh địch cũng đã khiến Quan Vũ thành thấp mưu, bại trận, làm hỏng đại sự. Chính việc thấp mưu, dốc quân đánh Phàn Thành, khinh thường tướng trẻ Đông Ngô là Lục Tốn mà Quan Vũ đã làm mất Kinh Châu. Cho nên, về mưu, những thành công nhỏ của Quan Vũ không đủ bù lại với cái thấp mưu to lớn làm mất đất và hại thân.
Về "trí", có thể nói đây là cái nhược khuyết rất lớn của Quan Vũ. Ông không chỉ hẹp hòi mà còn hiếu thắng, kiêu căng, ưa được tâng bốc. Từ đó toát lên ông là người nông nổi, hám danh, khinh người, và khinh địch. Chính những nhược điểm này dẫn đến cái chết của Quan Vũ, kéo theo một chuỗi biến cố tai hại, nghiêm trọng: mất Kinh Châu, Lưu Bị và Trương Phi vì nóng lòng báo thù cho ông ta nên cũng chết theo. Sau đây là vài dẫn chứng: Thói khinh địch khiến Quan Vũ vài lần bị tên bắn. Một lần được Hoàng Trung tha chết, cố ý bắn tên vào chỏm mũ. Nếu lão tướng Hoàng Trung mà hẹp hòi xấu bụng thì Quan Vũ ùng dinh kèn trống đã từ lâu. Hai lần bị trúng tên độc khi đánh Phàn Thành vì khinh xuất. Là trấn thủ Kinh Châu, coi một vùng rộng lớn, trách nhiệm quan trọng, thế mà chỉ muốn tỉ võ để thỏa mãn tính hiếu thắng. Nghe Mã Siêu được khen là một dũng tướng, lúc đó đang ở với Lưu Bị tại Tây Thục, Quan Vũ bèn đòi tỉ võ với Mã Siêu. Báo hại Khổng Minh phải email vuốt ve tự ái "...Mã Mạnh Khởi tuy hùng dũng hơn người nhưng chỉ đáng xếp vào hạng Kình Bố, Bành Việt, đua tranh với Dực Đức thì được chứ sánh sao được với ông râu đẹp...". Quan Vũ khoái chí đưa cho các quan xem rồi vuốt râu cuời nói :"Khổng Minh biết bụng ta lắm!". Lần khác, Quan Vũ đang vây đánh Phàn Thành thì quân tiếp viện của phía Tào đến. Bị Bàng Đức (tướng tiên phong của quân Tào) khiêu khích, Quan Vũ bèn giao việc đánh Phàn Thành cho Liêu Hóa rồi vác đao ra đấu với Bàng Đức. Đấu mãi chẳng thắng được, lại còn bị Bàng Đức giả bộ dùng thế đà đao, miếng võ ruột của Quan Vũ, rồi bất ngờ bắn tên trúng vào cánh tay. Nếu Bàng Đức không bị Vu Cấm đố kị gióng trống thu quân thì Quan Vũ đã chết dưới đao của Bàng Đức rồi. làm gì còn sống mà tinh tướng?
Thói khinh người đến lố bịch của Quan Vũ được lộ ra trong hai trường hợp. Khi được Lưu Bị phong đứng đầu ngũ hổ tướng Quan Vũ không chịu nhận, lấy cớ là không thèm đứng chung danh với tên lính già Hoàng Trung! (trong khi đó, ông biết rõ Hoàng Trung đã không bắn chết ông mà bắn chỏm mũ –lẽ ra phải mang ơn hay xiết tay cảm động chứ?). Đến khi được Phí Thỉ vuốt ve "... ông là em Hán Trung Vương, hay dở có nhau, phúc họa cùng chia, thì chức tước đâu có đáng kể ...", lúc đó bùi tai mới chịu nhận tước phong (Hặc!). Rồi đoạn Tôn Quyền sai Gia cát Cẩn làm môi giới sang kết thân định thông gia với nhau thì ông Vũ nói rất khó nghe. (con gái ta ví như loài hổ, lại thèm kết duyên với loài chó sao?").
Kiêu căng, hiếu thắng là khắc tính của "nhẫn", khinh người là khắc tính của "lễ", cho nên có thể nói Quan Vũ không có hai đức tính này.
Đến đức "nhân", là yêu người, thương tha nhân, trong truyện Tam Quốc chỉ thấy Quan Vũ, với thanh long đao và ngựa xích thố, giết hết tướng này tới tướng khác. Nhiều khi giết người chỉ để khoe võ công tài giỏi, để đền đáp ơn nghĩa riêng, hoặc để chứng minh lòng trung thành với chủ là Lưu Bị, chứ không phải chiến đấu với quân thù trên chiến địa. Việc Quan Vũ giết hai tướng Nhan Lương, Văn Sú của Viên Thiệu là để đáp ơn nghĩa riêng với Tào Tháo, giết Sái Dương ở trước Cổ Thành là để minh chứng với Trương Phi rằng mình vẫn trung thành với Lưu Bị. Những việc có lợi cho bản thân mà hại đến sinh mạng người khác, như các sự việc vừa kể, người có đức nhân không làm.
Nếu căn cứ vào những sự kiện xẩy ra theo truyện Tam Quốc của La Quán Trung thì cái lầm lẫn to lớn nhất của Quan Vũ là việc tha Tào Tháo ở đường hẻm Hoa Dung. Tuy chỉ là một lầm lẫn chiến thuật nhưng nó đã xoay chuyển cả cục diện thời hậu Hán, và Quan Vũ làm việc này chỉ vì giữ "nghĩa khí vặt", vì kiêu hãnh bản thân mà quên đại nghĩa. Lầm lẫn lớn ngay sau đó là việc gây thù oán với Đông Ngô, trái hẳn với lời dặn chiến lược của Khổng Minh, với kế hoạch phòng thủ rút gọn trong cẩm nang 8 chữ: "đông hòa Tôn Quyền, bắc cự Tào Tháo". Quan Vũ đã làm ngược kế hoạch đó. Đông thì bất hòa với Tôn Quyền và Bắc thì dốc toàn lực đánh Tào Tháo! (Cự là chống đỡ, tức là thủ, chứ không phải tiến đánh, tức là công). Vì Quan Vũ không đủ tài trí và mưu lược, lại thêm những nhược điểm kiêu căng, khinh địch nên lầm lẫn chiến lược này đưa đến họa sát thân và gây mầm sụp đổ cho Ba Thục. Cho nên về nhân vật Quan Vũ, trong Tam Quốc của La Quán Trung, ta có thể nói: Quan Vũ chỉ biết trung với chủ mà ít lưu tâm tới trách vụ với dân, với nước. Chỉ biết giữ nghĩa khí hẹp mà quên đại nghĩa. Có dũng nhưng mưu tồi. Trí đoản và kiêu căng quá lố. Không biết nhẫn, kém lễ và thiếu lòng nhân.
Thực tế sau này, trong nhiều nhân vật của Tam Quốc, người Hoa đời sau lọc ra 3 nhân vật đặc sắc nhất gọi là 3 đại kỳ nhân: đệ nhất gian hùng là Tào Tháo, đệ nhất mưu trí là Khổng Minh và đệ nhất trung nghĩa là Quan Vũ. Trong ba kỳ nhân đó, Quan Vũ được tôn sùng hơn cả. Là nhân vật trong tác phẩm được La Quán Trung tô điểm, đưa lên hàng thánh, Quan Vũ thực ra là một kẻ không có danh gì trong chính sử Trung Quốc.