Còn đây là cách hiểu theo luật lý lịch tư pháp:
http://moj.gov.vn/lltp/ct/Lists/hoatdongphoihop/View_Detail.aspx?ItemID=15
Xóa án tích theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp – Cần hiểu và thực hiện đúng theo tinh thần của Luật
26/03/2014
Xóa án tích là một chế định nhân đạo của Nhà nước ta, công nhận người bị kết án nếu đã được xóa án tích thì không bị coi là đã có án. Kể từ thời điểm được các cơ quan nhà nước công nhận xóa án tích, thì họ bình đẳng như các công dân khác. Giấy tờ chứng minh việc xóa án tích là cơ sở pháp lý để họ hòa nhập với cộng đồng, thực hiện các công việc như xin việc làm, kinh doanh, đi học...
Theo quy định hiện nay, việc xóa án tích có thể thực hiện tại một trong các cơ quan sau:
- Thực hiện tại Tòa án;
- Thực hiện tại Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
1) Xóa án tích thực hiện tại cơ quan Tòa án: Theo quy định tại các Điều 63, 64, 65, 66 và 67 của Bộ luật Hình sự, có hai hình thức xóa án tích là xóa án tích đương nhiên và xóa án tích theo Quyết định của Tòa án. Ngoài ra, còn có trường hợp xóa án tích trong một số trường hợp đặc biệt.
a) Xóa án tích đương nhiên thực hiện trong các trường hợp sau:
- Người được miễn hình phạt.
- Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI (Các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và chương XXIV (các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) của Bộ Luật Hình sự, nếu từ khi chấp hành xong bản án (về hình phạt và các khoản tiền án phí, tiền phạt hoặc khoản tiền bồi thường dân sự khác) hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành án, người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
+ Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;
+ Ba năm trong trong trường hợp hình phạt là tù đến ba năm;
+ Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên ba năm đến mười lăm năm;
+ Bảy năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên mười lăm năm
b) Xóa án tích theo Quyết định của Tòa án: được thực hiện trong các trường hợp:
Tòa án quyết định xoá án tích đối với những người bị kết án về các tội quy định tại Chương XI (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và Chương XXIV (các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ Luật Hình sự, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã được thực hiện, nhân thân, thái độ chấp hành pháp luật và thái độ lao động của người bị kết án, trong các trường hợp sau đây:
+ Đã bị phạt tù ba năm mà không phạm tội mới trong thời hạn ba năm kể từ khi chấp hành xong bản án họặc kể từ khi hết thời hiệu thi hành bản án;
+ Đã bị phạt tù trên ba năm đến mười lăm năm mà không phạm tội mới trong thời hạn bảy năm kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc hết thời hiệu thi hành án.
+ Đã bị phạt tù trên mười lăm năm mà không phạm tội mới trong thời hạn mười năm kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc hết thời hiệu thi hành án.
c) Xoá án tích trong trường hợp đặc biệt:
Trong trường hợp người bị kết án có những tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú đề nghị thì có thể được Tòa án xóa án tích nếu người đó đã đảm bảo ít nhất một phần ba thời hạn quy định.
d) Thẩm quyền thực hiện việc xóa án tích là Tòa án đã xét xử sơ thẩm.
Như vậy, theo quy định nêu trên, người có yêu cầu xóa án tích sẽ phải nộp đơn cùng hồ sơ tới Tòa án theo quy định để nhận được Giấy chứng nhận xóa án tích hoặc Quyết định xóa án tích tùy theo đối tượng và điều kiện như đã nêu ở trên.
2. Xóa án tích thực hiện tại cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
Việc thực hiện các thủ tục xóa án tích tại các cơ quan Tòa án không phải là cách duy nhất để có được loại giấy tờ chứng minh người bị kết án đã được xóa án tích. Công dân có thể xin cấp Phiếu Lý lịch tư pháp tại các cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo quy định tại Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Phiếu Lý lịch tư pháp được cấp, trong đó có ghi “Không có án tích”, nếu thuộc các trường hợp đương nhiên xóa án tích và đã có đủ điều kiện đương nhiên xóa án tích theo quy định, cũng sẽ là một loại giấy tờ chứng minh người có án đã được xóa án tích.
Tuy nhiên, có một điểm khác biệt là, nếu như theo quy định tại Luật Hinh sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, thì chỉ khi nào người dân có yêu cầu cấp Giấy chứng nhận xóa án tích hoặc Quyết định xóa án tích, thì Tòa án có thẩm quyền mới cấp các loại giấy tờ đó. Nói cách khác, Tòa án chỉ thực hiện theo yêu cầu của công dân. Trong khi đó, theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, trách nhiệm xác minh các điều kiện đương nhiên xóa án tích để cấp Phiếu Lý lịch tư pháp thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
Điều 17 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp quy định “Trong trường hợp người bị kết án đã có đủ thời gian để đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật hình sự, nhưng chưa nhận được Giấy chứng nhận xóa án tích của Tòa án thì Sở Tư pháp tiến hành xác minh về việc người đó có bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời hạn đang có án tích hay không. Việc xác minh được thực hiện như sau:
Trong trường hợp người bị kết án đã có đủ thời gian để đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật hình sự, nhưng chưa nhận được Giấy chứng nhận xóa án tích của Tòa án thì Sở Tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia tiến hành xác minh về việc người đó có bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời hạn đang có án tích hay không.
Nghị định số 111/2010/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp quy định về trình tự, thủ tục việc xác minh các điều kiện đương nhiên xóa án tích. Theo đó việc xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích được thực hiện như sau:
- Sở Tư pháp gửi văn bản yêu cầu xác minh hoặc trực tiếp xác minh tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú, làm việc sau khi chấp hành xong bản án;
- Trong quá trình xác minh tại Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức, nếu thấy cần thiết, Sở Tư pháp thực hiện xác minh tại cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan về việc người bị kết án có đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hay không.
- Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của Sở Tư pháp.
Cán bộ tư pháp – hộ tịch giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện xác minh theo yêu cầu của Sở Tư pháp.
- Sở Tư pháp gửi kết quả xác minh cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc xác minh.
Như vậy, trách nhiệm xác minh các điều kiện đương nhiên xóa án tích thuộc các cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, trên thực tế việc xác minh các điều kiện thuộc các trường hợp đương nhiên xóa án tích tại các cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp gặp nhiều khó khăn do việc xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích phải thực hiện tại nhiều cơ quan. Nguồn lực và kinh phí thực hiện công tác xác minh các điều kiện đương nhiên xóa án tích còn thiếu và yếu. Một số trường hợp người dân không còn lưu giữ được các giấy tờ cần thiết để chứng minh đã hoàn thành các trách nhiệm, nghĩa vụ dân sự trong bản án, trong khi đó một số các cơ quan cũng không còn lưu giữ sổ sách, hồ sơ để thực hiện việc xác minh. Việc xác minh các trường hợp đương nhiên xóa án tích đòi hỏi cán bộ lý lịch tư pháp ngoài việc phải nắm vững các quy định pháp luật, cần đòi hỏi phải có trách nhiệm. Do một số khó khăn đã nêu ở trên, một số cán bộ khi nhận được yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của công dân mà trước đây họ đã bị kết án, thường có tâm lý “ngại” đi xác minh các điều kiện về đương nhiên xóa án tích, mà thường yêu cầu người dân đến các Tòa án trước đây đã xét xử để thực hiện việc cấp Giấy Chứng nhận xóa án tích. Trên cơ sở Giấy Chứng nhận xóa án tích của Tòa án, mới thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người dân. Như vậy, sẽ gây phiền hà cho người dân. Trong các trường hợp này, cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp cần xác định trách nhiệm xác minh các điều kiện đương nhiên xóa án tích thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp để chủ động thực hiện các thủ tục liên quan đến xóa án tích theo quy định và cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người dân. Về lâu dài cũng cần có các nghiên cứu định hướng sửa đổi các quy định liên quan đến pháp luật hình sự, trong đó nên chăng quy định trách nhiệm của các cơ quan Tòa án, khi đương sự đã đáp ứng các điều kiện về đương nhiên xóa án tích theo quy định, thì chủ động cấp Giấy chứng nhận đương nhiên xóa án tích cho người dân. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cơ quan Tòa án cần có các quy định cụ thể về việc phối hợp trong việc thực hiện xác minh các điều kiện về đương nhiên xóa án tích để việc thực hiện công việc này được dễ dàng, thuận lợi.