Em từ Tén Tằn về đến tt Mường Lát là 10h đúng. Dừng xe làm điếu thuốc suy nghĩ một hồi em quyết định thử sức mình bằng việc chinh phục Sài Khao. Nơi mà các cụ nhà ta trong đoàn quân Tây Tiến năm xưa đã dùng làm nơi đồn trú để khánh chiến chống lại thực dân Pháp.
"Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi !
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi"
"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi." Địa danh Sài Khao đối với nhiều người chỉ được biết đến qua bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Nhưng trên thực tế Sài Khao là một bản thuộc xã Mường Lý - Mường Lát - Thanh Hóa. Đúng như nhà thơ Quang Dũng đã nói Sài Khao rất hiểm trở về địa lý, nơi rừng thiêng nước độc, nơi chỉ có duy nhất một con đường đi vào, nơi mà "Ngàn thước lên cao, ngàn thuớc xuống" nơi mà nếu em đi vào mùa mưa hay gặp một cơn mưa rừng bất chợt chắc em chỉ biết khóc mà thôi. Đường vào Sài Khao nhỏ hẹp toàn đường đất và đá hộc, độ dốc thì đến tức ngực. Chính do địa hình hiểm trở như thế nên Sài Khao là một bản nghèo nhất Thanh Hóa thậm chí nhất nước. Cuộc sống của người Mông nơi đây gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn do đó con đường đến trường của các em nơi đây cũng gặp vô vàn trở ngại. Hôm em lên đúng hôm nghỉ lễ nên thầy cô chắc nghỉ lễ về xuôi và các em học sinh được nghỉ nên em chỉ chơi với bọn trẻ con chưa đi học ở bản này thôi ạ.
Sài Khao cũng là nơi tập kết của đoàn quân kiêu hùng Tây Tiến năm xưa. Các chú các anh chọn Sài Khao vì nó vô cùng hiểm trở để tránh quân thực dân Pháp. Hiện tại ở Sài Khao vẫn còn một vài nơi ghi dấu tích của đoàn quân Tây Tiến năm xưa.
Sài Khao – địa danh lịch sử đã đi vào thơ ca. Gần 70 năm trôi qua, hiện ở Sài Khao vẫn còn một số dấu tích của đoàn quân Tây Tiến năm xưa. Trưởng bản Vàng A Sú cho hay, không nhiều người Mông ở đây còn biết đến các địa danh lịch sử liên quan đến đoàn quân Tây Tiến. Bởi người Mông trước đây thường di cư hết vùng này đến vùng khác. Khi đất đai ở vùng đất cũ đã bạc màu, cây ngô, cây sắn không còn tươi tốt nữa thì họ lại đi tìm vùng đất mới sinh sống.
Ông Giàng A Lữ - một cao niên trong bản chia sẻ, cách đây khoảng 10 năm, có lần đi làm rẫy, người dân còn lấy được bình toong trên vách đá trong hang Dơi - một hang đá ven dòng suối Cát Trắng, tuy nhiên không ai biết đó là kỷ vật chiến tranh. Riêng dấu tích về khu vườn bưởi, bờ đá kè suối, khu ruộng bậc thang của bộ đội Tây Tiến hiện vẫn còn. Vườn bưởi do bộ đội Tây Tiến trồng nay còn khoảng vài chục cây nằm rải rác ở nhà của nhiều hộ dân người Mông. Một số cây thân vỏ sần sùi do bị bà con dùng làm nơi buộc trâu, ngựa. Một số cây già cỗi, đã chết, nhưng gốc vẫn còn.
Phía sau vườn bưởi là khu ruộng bậc thang bộ đội Tây Tiến khai phá rộng chừng gần một ha nay vẫn còn. Người dân trong bản vẫn gieo cấy lúa nước trên khu ruộng này. Do thời gian và khí hậu khắc nghiệt, một số dấu tích khác không còn nữa. Những dấu tích của đoàn quân Tây Tiến còn sót lại ở Mường Lý có ý nghĩa rất quan trọng về mặt lịch sử, đánh dấu một thời kỳ đóng quân, chiến đấu của bộ đội Tây Tiến thời chiến tranh chống Pháp. Đã có rất nhiều đoàn công tác, nhiều bạn trẻ tìm đến với Sài Khao để hiểu về đất và con người nơi đây, tìm hiểu về một địa danh lịch sử còn in dấu tích của đoàn quân Tây Tiến năm xưa.
Trong cái âm u, tĩnh mịch của núi rừng bên bếp lửa và chén rượu ngô thơm nồng của nhà trưởng bản Vàng A Sú, chúng tôi vẫn cảm nhận rõ nhịp sống mới, những đổi thay nơi mảnh đất này; và như vẫn còn nghe thấy cả tiếng vọng từ bước chân của đoàn quân Tây Tiến oai hùng.
--Sưu tầm--
Một góc Sài Khao.
Đường vào Sài Khao