Sông Hồng trơ đáy: Đời sống người dân khốn đốn
18:09 | 29/12/2009
Hạn hán kéo dài, mực nước sông Hồng bắt đầu cạn kiệt nghiêm trọng. Các mạch chảy ra sông Hồng đều khô trơ đáy. Tại đoạn qua Hà Nội, hàng trăm con tàu lớn nhỏ bị mắc kẹt giữa dòng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Mười, sống tại khu vực Bãi Biên, phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, làm nghề đánh bắt cá trên sông. Cả tháng nay, nước xuống quá mớn, tàu đánh cá, chở vật liệu xây dựng cát, sỏi… nằm chờ một chỗ. Gia đình ông đành chuyển sang buôn bán trên bờ. Ông Nguyễn Văn Mười nói: “30 năm nay giờ tôi lại chứng kiến nước sông Hồng cạn kiệt như thế này. Tất cả nơi đây đã khô hạn hết, giờ chỉ biết chờ nước từ đập về. Dân dưới này khát nước lắm rồi!. Nước không có, cá cũng không có, tàu cạn khô hết mà cũng không chạy được, mọi tàu chở cát sỏi nằm hết trên sông không có đường chạy nữa”.
Dưới sông, tàu thuyền mắc cạn. Còn ở 2 bờ sông Hồng, hàng nghìn nông dân đang điêu đứng vì không có nước tưới. Ngay tại khu vực Bãi Giữa dưới chân cầu Long Biên, các hộ gia đình sinh sống tại đây phải đào giếng để có nước tưới. Với 2 sào rau và 2 mẫu trồng chuối, hàng ngày, gia đình ông Trần Văn Ngọc phải mất 10 lít xăng để bơm nước giếng khoan tưới cho rau. Nhiều khi giếng hết nước, gia đình ông còn không có đủ nước để dùng cho sinh hoạt. Ông Trần Văn Ngọc than thở: “Nước sông thối hoắc ai dám bơm, tưới rau không dám tưới, tưới vào là rau chết, bơm nước giếng thì tốn xăng, giếng cũng đã cạn, nước rửa còn không có”.
Theo ông Trịnh Ngọc Toán, Trưởng phòng kỹ thuật thuộc Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 6 (Bộ Giao thông Vận tải), chỉ trên một đoạn sông Hồng dài 70km từ Việt Trì (Phú Thọ) đến Bắc Biên (Hà Nội), ngay từ đầu tháng 10 năm nay, đã xuất hiện 5 điểm khan cạn. Trong đó, có 2 điểm khan cạn nặng là Bạch Hạc và Bắc Biên. Có thời điểm, độ sâu trên luồng chỉ còn 1,6m.
Đến hôm nay, mực nước vẫn đang xuống rất thấp, cụ thể tại Hà Nội là 0,97 m, nơi sâu nhất cũng chỉ khoảng 1,8 đến 2 m, những tàu vận tải có mớn nước sâu hơn không thể nào đi lại được. Ngoài ra, luồng lạch thường xuyên thay đổi nên liên tục xảy ra hiện tượng tàu mắc cạn, ách tắc cục bộ trên sông. Có ngày, ở đoạn Bắc Biên (Hà Nội) có hơn 200 tàu và sà lan phải neo đậu vì cạn nước. Về các biện pháp khắc phục tình trạng này, ông Trịnh Ngọc Toán cho biết: “Chúng tôi vẫn thường xuyên kiểm tra, báo cáo với Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có những giải pháp chống ùn tắc giao thông. Thứ nhất là điều chỉnh báo hiệu theo diễn biến của luồng lạch, thứ 2 tổ chức điều tiết hướng dẫn giao thông tại khu vực khan cạn để ngăn những phương tiện có muốn sâu tắc trong luồng làm ách tắc luồng. Công ty cũng đề nghị Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho tổ chức nạo vét để khơi luồng chống ách tắc giao thông trên tuyến.
Theo khảo sát của Trạm quản lý đường sông Hà Nội, từ đầu tháng 10 năm nay, do khô hạn nặng nên lượng hàng hóa vận chuyển trên sông Hồng (đoạn qua Hà Nội) giảm rõ rệt. Cụ thể, vào tháng 10 năm nay, chỉ còn trên 2.450 lượt/tháng, tương đương 856.000 tấn hàng hóa. Sang tháng 11 năm nay, chỉ còn 2.390 lượt/tháng, tương đương 813.600 tấn hàng hóa. Trong khi đó, tháng 11 của năm ngoái vẫn đạt trên 3.000 lượt, tương đương 1 triệu tấn hàng hóa.
Dự báo, trên sông Hồng, mực nước năm nay thiếu hụt khoảng 30% - 40%, thời điểm khan cạn sẽ kéo dài đến hết tháng 2/2010. Với mực nước trên sông thiếu hụt như vậy sẽ khó tránh khỏi tình trạng ách tắc giao thông cục bộ nếu các ngành chức năng không kịp thời triển khai các biện pháp nạo vét khơi luồng. Nước cạn cũng đồng nghĩa với cuộc sống người dân sống nhờ sông nước vốn đã vất vả, nay càng khó khăn./.